Văn Hóa

Khởi nghĩa Bãi Sậy – P7: Quân Pháp nhiều lần tấn công căn cứ Hai Sông

Dù chuẩn bị kỹ lưỡng, có vũ khí hiện đại, đại bác mạnh mẽ yểm trợ, nhưng những cuộc tấn công không mang lại kết quả khiến người Pháp thất vọng.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Quân Pháp cô lập, tấn công căn cứ Hai Sông

Lúc này một số quan quân người Việt hiến kế cho các quan người Pháp kế hoạch như sau:

  • Nên tập trung quân đóng ở các đồn bốt xung quanh căn cứ Hai Sông, tập trung binh lực và đại bác tấn công vào căn cứ này.
  • Khủng bố dân chúng, triệt phá các làng có người tham gia nghĩa quân, kiểm soát các chợ ngăn nghĩa quân mua lượng thực.
  • Lại cho người đóng giả nghĩa quân đi ăn cướp của dân để vu oan cho nghĩa quân khiến dân không còn tin tưởng mà giúp đỡ nữa.

Kế hoạch này được Hoàng Cao Khải trình lên và được chính quyền Pháp chấp nhận và nhanh chóng triển khai thực hiện.

Tháng 7/1889, Hoàng Cao Khải cùng 2 Giám binh người Pháp là Blanchard và Laune chỉ huy 4 đạo quân lớn tấn công vào căn cứ Hai Sông của nghĩa quân Trại Sơn. Quân Pháp có 10 tàu chiến trang bị pháo hạm, cùng nhiều đại bác hạng nặng hỗ trợ.

Sau loạt đại bác bắn dồn dập, quân Pháp tấn công mạnh vào căn cứ nhưng đều bị đánh bật trở lại.

Các thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật và Lưu Kỳ muốn đưa quân sang giúp nghĩa quân Trại Sơn, nhưng bị các đồn bốt quân Pháp ngăn cản. Nghĩa quân tấn công các đồn bốt này để mở đường đến căn cứ Hai Sông, tuy nhiên quân Pháp đông đúc thường xuyên tuần tiễu khiến nghĩa quân không thể giúp được.

Tuy thế cuộc tấn công vào căn cứ Hai Sông đều bị đánh bật trở lại, Hoàng Cao Khải tức tối lệnh triệt hạ 250 làng mạc ở khu vực cù lao Hai Sông để tránh tiếp tế giúp đỡ nghĩa quân.

Quân Pháp chặn đường vận chuyển vũ khí

Chị ruột của Đốc Tít là Nguyễn Thị Thành giữ chức Quản đốc vũ khí mua súng đạn ở Quảng Đông và Quảng Tây, rồi giấu vũ khí kín dưới thuyền hàng chở về nước. Tuy nhiên chuyến đi này gặp biển động nên phải đi sát vào khu vực Vịnh Hạ Long, vì thế mà bị quân Pháp phát hiện, huy động tàu chiến rất đông đến bủa vây.

Biết không thoát được, bà Thành cùng các nghĩa quân đổ bộ lên Cồn Chanh rồi cho nổ mìn phá hủy toàn bộ tàu chở vũ khí. Quân Pháp vây chặt Cồn Chanh, khiến phần lớn nghĩa quân đều hy sinh, bà Thành bị quân Pháp bắt được.

Phòng tuyến Hai Sông tan rã

Lúc này nghĩa quân Trại Sơn bị vây chặt, mất nguồn tiếp lương thực từ các làng của dân chúng, vũ khí đạn dược cũng không được cung cấp, các nghĩa quân khác bị chặn không thể ứng cứu. Phó tướng Lãnh Canh chỉ huy quân một căn cứ Hai Sông giao tranh suốt 22 ngày với quân Pháp đến cạn kiệt cả lương thực và đạn dược.

Nghĩa quân không còn đạn để bắn nên quân Pháp mới vào được tận phía trong căn cứ. Lãnh Canh cùng các nghĩa quân còn lại dùng đoản đao, lưỡi lê chống trả quân Pháp. Cuối cùng Lãnh Canh bị bắt, bị quân Pháp tra tấn đến chết.

Trong khi đó tại phía nam cù lao Hai Sông, các toán nghĩa quân khác cũng cầm cự hết sạch đạn nên không thể ngăn được quân Pháp, các tướng lĩnh số thì hy sinh, số thì bị bắt. Phòng tuyến ở căn cứ Hai Sông tan rã.

Trước tình thế đó, cuối tháng 7/1889, thủ lĩnh Đốc Tít dẫn số quân còn lại chạy đến Phục Lễ, huyện Thuỷ Nguyên. Ông được tri huyện nơi đây giúp đỡ mộ quân, dân chúng góp lương thực.

Sau khi quân Pháp rút khỏi căn cứ Hai Sông, Đốc Tít lại đưa quân của mình trở lại đây.

Quân Pháp truy đuổi đến Phát Cơ

Đầu tháng 8/1889, Hoàng Cao Khải cho xây dựng các đồn binh ở các đảo nhỏ ở cù lao Hai Sông, nơi rất gần căn cứ của nghĩa quân trú ngụ. Các đồn binh này có cả lính Việt và lính Pháp do người Pháp chỉ huy. Nhiệm vụ chính của các đồn binh này là bắt hết tất cả nam giới qua lại nơi đây.

Đêm ngày 2/8/1889, Đốc Tít đưa 200 quân tấn công vào đồn binh, sau 90 phút đọ súng, nhiều quân Pháp bị thương, diệt được 6 lính Pháp. Giám binh Laune chỉ huy cuộc bình định Hai Sông bị trọng thương, phải đưa về Hải Phòng chữa trị.

Sáng ngày 3/8, Hàng Cao Khải cùng các Giám binh người Pháp tấn công thẳng vào trung tâm nghĩa quân ở Trại Sơn. Nghĩa quân lúc này đạn đã cạn không thể đánh lâu dài, Đốc Tít đổi cách đánh, không cho quân chặn lại mà mai phục ở nơi hiểm yếu đợi quân Pháp đến gần để tiêu diệt, như thế sẽ tiết kiệm được đạn.

Quân Pháp tiến vào căn cứ không hề thấy nghĩa quân chống cự như bình thường, cho rằng nghĩa quân đã yếu phải bỏ chạy, nên tiến nhanh lên núi để truy bắt nghĩa quân.

Quân Pháp vào đến ổ mai phục, Đốc Tít cho quân nhắm sẵn vào quân Pháp, đợi đến khi khoảng cách còn 10 mét thì thủ lĩnh Đốc Tít mới lệnh cho nổ súng.

Loạt đạn đầu khiến quân Pháp chết nhiều, số còn lại thì nằm rạp xuống. Nghĩa quân chia ra số thì bắn liên tục vào quân Pháp, số thì lao đến lấy vũ khí ở số binh lính đã bị tiêu diệt.

Sau phút bị đánh bất ngờ thiệt hại nhiều, quân Pháp củng cố lại được đội hình, thì nghĩa quân đã cướp được súng đạn trở về vị trí sẵn sàng nhả đạn.

Cuộc chiến tiếp tục diễn ra. Quân Pháp đông, nghĩa quân không còn nguồn tiếp đạn nên phải bắn chắc từng phát một. Cuối cùng Đốc Tít quyết định để Lãnh Bái cùng một số nghĩa quân chặn quân Pháp, số nghĩa quân còn lại rút đến vùng rừng núi Phát Cơ.

Lãnh Bái cầm cự với Pháp đến 1 giờ đồng hồ thì bị thương ở vai, biết nghĩa quân đã rút xa, liền cho quân rút lui đến hội quân ở vùng rừng núi Phát Cơ.

Quân Pháp đuổi theo đến Phát Cơ rồi vây kín bốn mặt. Nơi đây rừng núi rất hiểm trở. Quân Pháp phải cho công binh nổ mìn mở lối rồi tiến vào trong, nghĩa quân khiến quân Pháp và quân Triều đình bị chết và bị thương nhiều.

Thấy không thể tiến vào được, binh sĩ bị tử thương nhiều, Hoàng Cao Khải buộc phải ngừng tấn công nhưng vẫn cho quân vây chặt cả bốn bên. Tàu quân Pháp tuần tiễu trên sông suốt ngày đêm quyết không cho nghĩa quân thoát.

Quân Pháp vẫn không diệt được nghĩa quân

Quân Pháp quyết định tiến công vào lúc trời tối, cho quân nằm sát xuống đất, rất chậm chạp bò vào trong. Trời tối khiến nghĩa quân không quan sát được, đến lúc quân Pháp tiến sát vào trong mới biết. Cuộc chiến diễn ra dữ dội, Đốc Tít phải quyết định cho quân rút đi theo lối bí mật.

Quân Pháp tiến vào trong thu giữ một số giấy tờ mà nghĩa quân không kịp mang đi, do đó biết được trong hàng ngũ nghĩa quân có hai hàng binh người Pháp là Martin và Clausede chuyên sữa chữa vũ khí cho nghĩa quân.

Nghĩa quân rút đến hang Bích Nội, nơi đây một phía có cỏ rậm, một phía có đầm lầy hy vọng có thể ngăn quân Pháp.

Quân Pháp tiến đánh cả hai ngả qua đầm lầy và cỏ rậm nhưng bị nghĩa quân quân chặn đánh khiến thiệt hại nặng, giám binh Dominiki trúng đạn trọng thương. Quân Pháp cho đại bác hỗ trợ bắn dữ dội khiến một số tướng lĩnh và nghĩa quân tử trận.

Trước sự công phá ác liệt của đại bác, Đốc Tít phải cho quân lên thuyền theo sông Giá rút về Đông Triều.

Tri huyện Đông Triều giúp nghĩa quân lương thực, tuyển quân. Sau một thời gian nghỉ ngơi phục hồi, nghĩa quân bí mật trở lại căn cứ Hai Sông.

Báo chí ở Pháp theo dõi sát cuộc hành quân diệt nghĩa quân Đốc Tít, cuối cùng cũng phải than phiền rằng: “Đốc Tít càng trở nên nguy hiểm. Mấy năm trước, thiếu tướng Négrier đưa quân đến hỏi tội y, đã bị y làm lỡ kế hoạch. Một cuộc tiễu phạt mới được tổ chức kết quả cũng chẳng tốt lành”.

(Còn nữa)

Trần Hưng

  • Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
  • Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương
  • “Nhật ký hành quân” của Hoàng Cao Khải

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…

14 phút ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago