Mộ tổ họ Ngô ở Phù Khê. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)
Phù Khê là làng khoa bảng nổi tiếng của huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh, dù ở Triều đại nào thì nơi đây cũng xuất hiện những người tài phụng sự cho Xã Tắc.
Ban đầu làng Phù Khê có tên gọi là Cổ Đàm. Đến thời nhà Trần làng được gọi là Phù Đàm nghĩa là khu đất nổi cao bên đầm. Đến thời vua Lê Thế Tông, tên gọi Phù Đàm kỵ húy với tên của Vua là Lê Duy Đàm, nên từ đó tên Phù Đàm đổi thành Phù Khê. Làng còn có tên Nôm là làng Giầm.
Làng Phù Khê dù nhỏ bé nhưng là nơi xuất sinh ra 11 vị đại khoa, chủ yếu là họ Nguyễn, họ Quách và họ Ngô.
Họ Nguyễn là dòng họ khoa bảng có tiếng của làng. Người đỗ khai khoa cho họ Nguyễn là Nguyễn Quỳnh Cư, hậu duệ thứ 4 của Nguyễn Trãi. Ông được học chữ từ nhỏ, 7 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng khắp vùng Kinh Bắc. Gia phả dòng họ ghi chép lại rằng: “Thất tuế thuộc thiện văn – thế hiệu thần đồng”, nghĩa là 7 tuổi đã thuộc làu văn sách, người đương thời coi là thần đồng.
Chuyện kể rằng có vị quan nọ đã nghỉ hưu, đến ao làng thì gặp cậu bé Nguyễn Quỳnh Cư. Thấy cậu bé khuôn mặt khôi ngô, vị quan bèn hỏi cậu đã đọc sách gì. Quỳnh Cư trả lời rằng minh đang đọc sách “Đại học” (một trong những cuốn sách kinh điển của Nho gia). Vị quan liền hứng khởi ra thử một vế đối: “Bạch ngư phủ thủy điện” nghĩa là cá trắng nổi mặt nước. Cậu bé Cư đáp ngay rằng: “Hoàng điểu chỉ kỳ ngung” nghĩa là chim vàng đậu góc gò. Vi quan tấm tắc khen hay rồi tìm mua ngay một con cá thưởng cho cậu bé.
Khoa thi năm 1541 thời nhà Mạc, Nguyễn Quỳnh Cư dự thi và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Cha vợ của Quỳnh Cư là cụ đồ Đàm Liên vui mừng làm câu đối:
Thất tuế thần đồng kim cổ lãm
Nhất gia tiến sĩ quốc gia hoan.
Tạm dịch:
Bảy tuổi thần đồng xưa nay hiếm
Một khoa tiến sĩ mọi nhà vui.
Thi đỗ, Nguyễn Quỳnh Cư làm quan qua các chức vụ khác nhau, sau làm tới chức Tham chính, tước Văn Khê bá.
Cháu của Nguyễn Quỳnh Cư là Nguyễn Hồ sinh năm 1664, năm 25 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, làm quan đến Tham chính sứ Thanh Hoa.
Nguyễn Hồ có 3 người con trai đều đỗ đạt và làm quan, trong đó Nguyễn Hán nổi tiếng văn hay bậc nhất thời đó, làm Quốc Tử Giám giáo thụ.
Khi Nguyễn Hán mất, nhà Vua đã ngự bút phê: “Danh quán thiên hạ”, từ đó dân chúng truyền nhau câu:
Nguyễn Hồ, Nguyễn Hán
Danh quán thiên hạ.
Cháu của Nguyễn Hồ là Nguyễn Trọng Đột, đỗ cử nhân khi rất trẻ chưa đến 20 tuổi, sau đó mãi không đỗ được đại khoa. Nhờ miệt mài kiên trì đèn sách mà đến khi 54 tuổi ông đỗ tiến sĩ vào khoa thi năm 1748 thời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện thị chế, tước Lĩnh Nam Bá.
Nguyễn Trọng Đột làm quan bảo vệ dân chúng 3 tổng ở quê nhà, vì thế khi ông nghỉ hưu hay lúc ông mất, dân 3 tổng đều đến hầu như không thiếu ai. Dân chúng lưu truyền bài thơ về ông:
Có ông tiến sĩ thần tam tổng
Có cụ thơm quân tước một nhà
Con cháu công hầu xây sử ký
Mát tai nam tử đấy ai mà.
Họ Quách cũng đóng góp 5 người đỗ đại khoa cho làng Phù Khê. Người đỗ khai khoa cho dòng họ là Quách Toản, đỗ tiến sĩ năm 1480 thời vua Lê Thánh Tông.
Con trai Quách Toản là Quách Điển đỗ tiến khi khoa thi năm 1505 thời vua Lê Uy Mục, làm quan đến Hình bộ Thượng thư và được cử đi sứ sang nhà Minh.
Người thứ 3 là Quách Đồng Dần, là tấm gương học tập kiên trì và bền bỉ. Ông đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1638 khi đã 68 tuổi, làm quan đến Tham chính sứ, rồi lên Lễ bộ Hữu thị lang. Dân chúng lưu truyền câu thơ để ghi nhớ tấm gương kiên trì bền bỉ của ông:
Già còn thi đỗ đời thấy lạ
Nước Nam đều biết lão không suy
Quốc thước sánh ngang Lưu Mã Viện
Giúp nước đâu thua Tống Hân Kỳ
Quách Đồng Dần có con trai là Quách Đồng Đức đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1640 thời vua Lê Thần Tông, làm quan đến Thừa chính sứ.
Sau này họ Quách còn có Quách Giai đỗ Thám Hoa khoa thi năm 1683 thời vua Lê Hy Tông, làm quan đến Thái thường tự khanh.
Họ Ngô làng Phù Khê cũng nổi tiếng vì có ông Ngô Lôi. Ông sinh năm 1440, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1466 thời vua Lê Thánh Tông, từng đi sứ sang nhà Minh. Ông làm quan chuyển từ quan văn sang quan võ, giữ chức Tổng binh thiêm sự.
Ngoài 11 vị đỗ đại khoa, Phù Khê có hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài. Phù Khê là làng có người làm đến Tam công. Dưới thời thuộc Pháp, rất nhiều người làng Phù Khê đã tham gia vào các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở các nơi.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Kết phiên 8/5, cổ phiếu PLX của Petrolimex tăng mạnh lên mức 35.700 đồng/cp (+6,57%),…
Vào thứ Hai (ngày 5/5), Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua “Dự luật…
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 34%, kim ngạch nhập…
Nhiều loại cây sẽ nảy mầm và phát triển vào mùa xuân, ngay cả cỏ…
Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ sớm công bố một thỏa thuận "thương mại…
Hôm thứ Hai (5/5), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống…