Cùng với môn Sử, môn Văn hiện tại bị nhiều học sinh chán và nhiều phụ huynh kêu ca nhất. Tuy nhiên, khác với môn Sử, số học sinh đi học thêm môn Văn rất nhiều và phụ huynh cũng tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, rút cục lại thì nó có đem lại hiệu quả gì hay không?
Cũng không rõ nữa! Chỉ biết những học sinh thực sự thích học văn và có khả năng viết văn, hiểu thấu ý nghĩa của văn học không nhiều. Những học sinh nhờ môn Văn, giáo viên văn mà trở nên ham đọc, ham viết cũng không lớn lắm.
Tại sao? Có rất nhiều lý do. Nhưng có một lý do rất đơn giản thế này. Đó là cả cô và trò đọc ít quá. Khi đọc ít sẽ nghĩ ít và viết ít. Thế giới người ít đọc sẽ thu lại rất gọn nhỏ hẹp trong những trải nghiệm cá nhân mình đã trải qua và những gì thấy được từ sách giáo khoa. Bởi thế nếu đã ít đọc mà lại không có trải nghiệm cá nhân phong phú, người ta chỉ nhìn ra thế giới mênh mông bằng một khe rất hẹp và chỉ thấy một cái miệng giếng tròn phía trên.
Chưa tính tới chuyện đọc những tác phẩm, sách vở nằm ngoài chương trình, chỉ riêng việc đọc trọn vẹn một tác phẩm được giới thiệu trích đoạn trong sách giáo khoa đối với nhiều học sinh và thậm chí cả giáo viên cũng là một… chuyện lớn. Thế mới kì lạ. Đa số các tác phẩm (trừ thơ) trong sách giáo khoa đều là trích đoạn hoặc bị lược vài đoạn nào đó mà tác giả sách giáo khoa cho là không cần thiết hay không thuận lợi cho việc giáo dục học sinh. Ví dụ như đoạn Chí Phèo tình tự với Thị Nở trong vườn chuối chẳng hạn.
Khi không đọc đầy đủ, việc hiểu đầy đủ sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó cũng không nhiều giáo viên, học sinh đọc các tác phẩm của cùng tác giả được giới thiệu trong sách giáo khoa, các nghiên cứu về nhà văn, nhà thơ đó. Chẳng hạn đã từng học phổ thông ai cũng biết đến Tô Hoài nhưng đa số học sinh cũng chỉ đọc có “Dế Mèn” (trích đoạn), “Vợ chồng A Phủ” mà thôi. Thử hỏi bao nhiêu học sinh và thậm chí là giáo viên đã đọc tuyển tập Tô Hoài, đọc các tập truyện mà tác phẩm trong sách giáo khoa được rút ra? Bao nhiêu người đã đọc nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của Tô Hoài để có cái nhìn toàn diện? Ngay cả một tác giả như Tố Hữu, đa số giáo viên cũng chỉ đọc thơ ông trong sách giáo khoa hay khá hơn là đọc tập “Từ ấy”, “Việt Bắc” chứ mấy ai đi tìm đọc cả những gì Phùng Quán và các văn nghệ sĩ khác viết về ông hay đọc tập “Một tiếng đờn” – tập thơ cuối đời của ông? Giáo viên, học sinh cũng đọc “Tiếng hát con tàu” rồi thì “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên chứ mấy ai đọc hết cả tập “Điêu tàn” hay “Di cảo 1”, “Di cảo 2” của ông?
Khi học văn mà không đọc và say mê đọc, khả năng cảm thụ văn chương và biểu đạt bằng ngôn ngữ kém là đương nhiên. Không thể nào khác được. Ngay cả những nhà văn có thiên bẩm văn chương và thành danh “một cách hồn nhiên” sau đó muốn đi chặng đường dài vẫn phải dấn thân vào cuộc sống và đọc không ngừng nghỉ.
Đọc văn không đọc sách là một vấn nạn đã trở thành… bình thường. Đấy là nghịch lý đau đớn của việc học văn – dạy văn suốt mấy thập kỉ qua.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
Mời xem video:
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…