Lịch sử giáo dục Nhật Bản: Phong trào “viết văn về đời sống”
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Ở Việt Nam cụm từ “phong trào viết văn về đời sống” tương đối lạ lẫm đối với hầu hết mọi người nhưng ở Nhật Bản nó lại không hề xa lạ, đặc biệt đối với những người có liên quan đến giáo dục.
“Viết văn về đời sống” là hoạt động giáo dục ở đó giáo viên lấy các bài văn do chính học sinh viết trung thực những suy nghĩ, cảm xúc về sự thực sinh động của đời sống hàng ngày làm tài liệu giảng dạy – học tập (giáo tài) và tiến hành thảo luận tập thể, qua đó nhằm làm sâu sắc “cách nhìn nhận sự vật, tư duy và cách cảm” của học sinh.
Viết văn về đời sống do vậy không chỉ giới hạn trong việc rèn luyện câu văn, chữ nghĩa trong môn quốc ngữ mà bằng việc kết hợp với các môn giáo khoa khác, các lĩnh vực khác, giáo viên còn nhắm đến giáo dục cho học sinh năng lực nhận thức cuộc sống và năng lực biểu hiện cũng như năng lực giải quyết vấn đề mang tính cá nhân.
Xét ở góc độ lịch sử “viết văn về đời sống” ra đời ở Nhật Bản từ trước chiến tranh thế giới thứ hai. Nó ra đời từ sự kế thừa có phê phán chủ nghĩa hiện thực đầy màu sắc văn nghệ của tạp chí “Akai Tori” (Chim đỏ) – tạp chí văn nghệ dành riêng cho thiếu nhi do các nhà giáo dục và nhà văn lập ra khuyến khích học sinh toàn Nhật Bản viết văn về đề tài các em tự chọn. Sự ra đời của nó được đánh dấu bằng sự xuất hiện của tạp chí “Viết văn về đời sống” (Seikatsu Tsudurikata) năm 1929. Trong bản Tuyên ngôn lần hai (năm 1930) tạp chí viết:
“… những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, hiện thực đời sống hàng ngày của trẻ em, quan sát điều đó thật chăm chú, nắm vững nguyên tắc vận hành sống động trong đời sống, làm cho học sinh nắm vững nó. Xây dựng cuộc sống tự trị thật sự, và chính nó sẽ là lý tưởng của giáo dục đời sống và cũng chính là phương pháp. … Từng người hãy tin tưởng rằng viết văn là môn giáo khoa trung tâm của giáo dục đời sống và hãy cùng với những người cùng chí hướng sáng tạo phương pháp và nguyên tắc của giáo dục đời sống…”.
Ở đây, Bản tuyên ngôn nhấn mạnh tới bốn điểm:
(1) Quan sát các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày hay hiện thực cuộc sống hàng ngày.
(2) Lý giải các nguyên tắc vận hành, tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.
(3) Xây dựng cuộc sống tự trị nhờ vào sự hiệp lực của giáo viên và học sinh.
(4) Sáng tạo ra giáo dục đời sống lấy trung tâm là việc viết văn hay nói cách khác là tạo ra chương trình.
Vào thời kỳ này, trên toàn Nhật Bản ở khắp các địa phương đã có rất nhiều lý luận và thực tiễn ra đời, phát triển sôi nổi, rất nhiều các tuyển tập và tạp chí ra nghiên cứu được phát hành như: “Giáo dục-giáo dục quốc ngữ”, “Câu lạc bộ thưởng thức viết văn”, “Sách tập đọc viết văn”, “Giáo dục Bắc phương”…
Đáng chú ý là từ trong phong trào đã xuất hiện hai xu hướng: “Viết văn điều tra” và “phong trào giáo dục tính bắc phương”. “Viết văn điều tra” là phương pháp chỉ đạo học sinh tiến hành thu thập, điều tra thông tin về các hiện tượng xã hội rồi tiến hành “chế tác tập thể”. “Phong trào giáo dục tính bắc phương” là phong trào viết văn chú trọng từ ngữ, phong tục, tập quán và những đặc trưng của vùng phía bắc nước Nhật – nơi thiên nhiên khắc nghiệt và nghèo khó. Phong trào đã thu hút được sự chú ý của dư luận toàn quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Nhật đang bị chủ nghĩa quân phiệt thống trị với bộ máy trấn áp khổng lồ, một thời gian sau “Phong trào viết văn về đời sống” bị chính quyền bức tử.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản bị quân đồng minh (quân Mỹ) chiếm đóng. Công cuộc cải cách nhằm xây dựng nước Nhật “hòa bình, dân chủ và tôn trọng con người” bắt đầu. Cải cách giáo dục được xúc tiến mạnh mẽ. Trong trận “cuồng phong” cải cách giáo dục, những người giáo viên tha thiết với “viết văn về đời sống” đã lập nên “Hội viết văn Nhật Bản” (1950) và chấn hưng lại phong trào với sự ra đời của tập văn mang tên “Yamabiko Gakko”. Có thể nói trong buổi đầu khi môn Nghiên cứu xã hội – môn học mới được đưa vào khóa trình giáo dục ở Nhật Bản, “Viết văn về đời sống” và Nghiên cứu xã hội đã có quan hệ khá mật thiết. Sự chia sẻ đầu tiên là “phương pháp giáo dục viết văn về đời sống”. Đó là phương pháp tạo nên nhận thức xã hội ở học sinh thông qua việc hướng dẫn học sinh viết chân thực về đời sống và đồng cảm cùng nhau. Phương pháp này cùng với các thực tiễn giáo dục đi kèm đã có ảnh hưởng to lớn đến môn Nghiên cứu xã hội (gọi tắt là môn Xã hội). Bằng việc cho trẻ em viết về đời sống, giáo viên đã làm cho học sinh có lý giải và nhận thức sâu sắc về đời sống bản thân và khi các em cùng suy nghĩ về nó thì đó là sự khởi đầu của việc học tập Nghiên cứu xã hội. Ngược lại trong môn Nghiên cứu xã hội khi đưa ra các bài viết về đời sống sẽ củng cố mối quan hệ giữa viết văn về đời sống và nhận thức xã hội-phẩm chất công dân.
Tuy nhiên từ nửa sau những năm 50 của thế kỉ XX khi trào lưu chủ trương phải học tập các tri thức một cách có hệ thống nổi lên Hội viết văn Nhật Bản đã chuyển trọng tâm vào việc chỉ đạo năng lực biểu hiện hơn là phương pháp giáo dục đời sống thông qua viết văn.
Mặc dù vậy, do tính năng động của cơ cấu một chương trình tham khảo của bộ giáo dục đi kèm với chế độ sách giáo khoa kiểm định, phong trào viết văn về đời sống vẫn tiếp tục phát triển ở các địa phương, các trường học nhờ vào sự nhiệt tâm của các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nhà giáo dục lịch sử, đồng thời cũng là giáo viên lịch sử trường THCS, Yasui Toshio khi đề xướng và thực thi thực tiễn “Kodomo ga Ugoku shakaika” đã chủ trương cần phải vận dụng thích hợp “viết văn về đời sống” vào giáo dục lịch sử. Hoạt động giáo dục lấy tác phẩm của chính học sinh làm “giáo tài” hiện nay vẫn tương đối phổ biến ở Nhật Bản.
Nguyễn Quốc Vương
Tháng 9/2012
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Phụ lục:
Mời các bạn đọc một số bài văn (thơ) của học sinh Nhật Bản viết trong phong trào “Viết văn về đời sống” do tôi dịch từ tiếng Nhật (các bài văn xuôi xin hẹn dịp khác sẽ giới thiệu).
Chiều tối
Từ xa nghe tiếng ngựa
Chiều tà đông cứng rồi
Chạm áo người bước tới
Đột ngột sóng sánh rơi.
Tác giả: Kaneko, học sinh lớp 6, tỉnh Yamagata
Kabuto
Kabuto tối bay vào
Kuwagata cũng liệng chao lại gần.
“Vù vù” đập cánh bao lần
Vẫn bị em tóm cho ngay vào lồng
Nhưng rồi chúng trốn mất không
Em buồn bã bọ sổ lồng lại vui.
Tác giả: Uchibori Shuji
Chú thích: Kabuto và Kuwagata là hai loại côn trùng cánh cứng (rất giống bọ hung) được trẻ em Nhật rất thích và được bán với giá rất… đắt.
Tờ báo
Tờ báo vừa đến
Thật giống cánh chim
Thơm mùi mực mới
Học sinh lớp 4, Hiroshima, 1923
Lá thư thân yêu
Một mình ngồi đọc bao lần
Lá thư chị viết tần ngần trên tay
Ngoài kia ráng đỏ cuối ngày
Nằm lại nhớ chị đọc ngay một lần
Học sinh lớp 6, tỉnh Yamanagi, 1924
Ve Sầu
Lúc này
Ve kêu
Ve làm thế nào mà lại kêu được nhỉ?
Nhìn thế nào cũng không hiểu
Làm thế nào mà ve kêu?
Làm thế nào mà ve kêu?
Ve đang kêu
Nhìn mãi ve kêu cũng không hiểu
Nhìn mấy lần cũng không hiểu
Nhìn thế nào để hiểu được đây?
Hataya Hiroshi
Mùa Xuân
Trong chăn em nói một mình
“Chà chà thật tuyệt mùa xuân đến rồi”
Vùng dậy mở cửa ngắm trời
Xuân chưa hề đến như người đang mong
“Bao giờ xuân sẽ đến đây?”
Cáu tiết em phóng như bay ra ngoài
Cây khô đấm đá một hồi
Cành kia chợt bật mầm chồi tí hon.
Takao Satoshi
Mèo
Ái chà!
Mèo chết rồi
Mắt trắng
Hai tay co quắp
Nằm dưới tấm khăn tay.
Thế nào lúc ngủ hôm nay
Em cũng thấy cơn ác mộng.
Miyata Harumi
Ông trời
Ông lúc nào cũng phải chọn thời tiết nhé
Đừng làm cho có mây
Cả mưa cũng không được
Tuyết cũng không được
Hãy chọn lấy trời xanh
Nhưng
Không thể lúc nào cũng trời xanh mãi mãi
Nhiều mây cũng chả sao.
Bởi vì cháu thích đi bơi
Trích từ “tập thơ thiếu nhi Shinano”, tỉnh Nagano, 1970
Ngư phủ
Mọi người
Đều đi xuống biển
Còn ngư phủ
Lặng im phơi lưới
Dưới ánh mặt trời.
Không rõ tác giả, 1933
Chuồn chuồn ớt
Chuồn chuồn ớt thật xinh thay
Nhưng em không biết chỗ này mấy con
Giá như em tuổi đã tròn
Chuồn kia bị bắt không còn đường bay
Fukushima Tomoko, 1970
Cắt cỏ
Khi em cắt cỏ
Em nói tiếng Triều Tiên.
Trời ơi! Lỡ miệng mất rồi nhưng còn đâu cách khác.
Ở phía kia thầy giáo đã nghe
Tiến lại
Khi bị hỏi
“Đứa nào vừa nói tiếng Triều Tiên?”
Em cúi mặt cắt cỏ
Tim đập liên hồi.
Kim Lễ Nguyên, học sinh lớp 4, 1939
Mẹ
Ở hành lang
Nắm lấy bàn tay mẹ: “Con đi nhé”
Bàn tay mẹ ấm nóng
Lúc nào cũng thế
Trong lòng tay con
Học sinh lớp 3, 1935
Mẹ
Buổi sáng tuyết rơi
Mẹ đến công trường từ sớm
Dấu guốc cứng trên mặt tuyết
Ở phía công trường
Khói đen bốc lên nền trời xanh thẳm
Ở đó mẹ đang làm việc lẫn với mọi người
Ogawa, học sinh lớp 2, 1934
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: Có nên vọng ngoại khi cải cách giáo dục?
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Nhật Bản giảng dạy Nguyễn Quốc Vương