(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)
Làng Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tự hào là nơi sinh xuất ra Nguyễn Duy Thức. Ông là một nhân tài đánh tan loạn quân, giữ yên vùng biên giới, giúp dân chúng trong nước và Trung Quốc được yên ổn.
Vào thời Lê Trưng Hưng thế kỷ 18 ở làng Vọng Nguyệt có ông Nguyễn Đoát sinh trưởng trong gia đình có truyền thống khoa bảng, nhờ chăm chỉ học hành mà đỗ đạt làm quan, giữ chức Tri huyện Khang Lộc, Tán thị Thừa Chánh sứ – xứ Tuyên Quang, sau này được phong làm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Kiều Nhạc hầu.
Nguyễn Đoát kết duyên với con gái của tiến sĩ Ngô Nhân Triệt giữ chức Hiến sát phó sứ Sơn Tây. Năm 1734, hai vợ chồng sinh hạ được người con trai, đặt tên là Nguyễn Duy Thức. Nhờ có cha dạy dỗ nên Duy Thức học chữ rất sớm, 5 tuổi đã thể hiện hay chữ, 7 tuổi đã thuộc nhiều kinh sử, 14 tuổi đã ứng thí.
Có quan Hình bộ Thượng thư thấy Duy Thức có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, tuổi nhỏ mà văn hay nên quyết nhận làm con nuôi, đưa đến Kinh thành nhằm có điều kiện học tập tốt, rồi sau đó thì gả cô con gái Trần Thị Phương Chính cho.
Đến khoa thi năm 1759, Duy Thức vượt qua tứ trường kỳ thi Hương, được cử làm Tri huyện Võ Nhai. Đến khoa thi năm 1763, ông đỗ đầu kỳ thi Hội tức Hội nguyên. Vào thi Đình ông đỗ cao thứ 2 (khoa thi này không lấy Tam khôi).
Sau khi vinh quy bái tổ, đến tháng 10/1763, ông được nhà Vua triệu về Kinh thành rồi ban chức Lễ bộ Cấp sự trung hành Hải Dương đạo, Giám sát Ngự sử.
Dù thi đỗ làm quan, nhưng ông đã từ chối nhận chức để mở trường dạy học. Gia phả dòng họ ghi chép lại rằng:
“Ngày 15 tháng 10 năm Quý Mùi, quan tân khoa Nguyễn Duy Thức được vua triệu về Kinh nhậm chức Lễ Bộ Cấp Sự Trung, Hành Hải Dương đạo, giám sát khanh lại nhưng tướng công từ chối rồi về mở trường dạy học. Học trò trong vùng theo học tới hơn 500 nho sinh, khi đi thi có 5 vị đỗ Tiến sỹ và hơn 100 vị đỗ cử nhân, tú tài”.
Đến năm 1768, Nguyễn Duy Thức nhận chức Đốc đồng kiêm Tham hiệp nhung vụ ở An Quang và Hải Dương. Đây là chức vụ về quân sự, giúp ổn định các vùng đất này.
Năm 1772, vùng Cao Bằng có cha con Hoạch Tình nổi loạn, Triều đình cử Nguyễn Duy Thức làm Đốc đồng trấn thủ Cao Bằng nhằm dẹp loạn. Ông dẹp loạn thành công và được Triều đình khen thưởng.
Thời gian này đám loạn quân, thổ phỉ từ nhà Thanh hay vượt biên giới sang cướp phá, khiến dân chúng nơi biên giới hai nước không yên. Ông được giao chỉ huy quân địa phương ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng đánh dẹp đám loạn quân từ phương bắc.
Nguyễn Duy Thức cầm quân đánh thắng và bắt được loạn quân do Lý Đức Dụ cầm đầu.
Những chiến thắng của Nguyễn Duy Thức giúp giữ yên vùng biên giới cho cả 2 triều đình. Vì thế mà một vị quan ở Long Châu (thuộc Quảng Tây, Trung Quốc) đã gửi tặng ông câu đối:
Thanh danh trực ải xưng dương ngoại,
Phàm thái trường huyền tưởng vọng trung.
Diễn nghĩa
Thanh danh nổi tiếng ra ngoài biên ải,
Tất cả vùng đất đều tôn kính tưởng nhớ.
Sau công lao này, Triều đình thăng cho ông chức Hàn Lâm viện đãi chế. Nhưng rồi trong Triều có kẻ gièm pha, vu cho ông làm thất thoát thuế công, ông cũng chẳng nói gì mà về quê phụng dưỡng cha mẹ đã già.
Năm 1778, Hải Dương lại có loạn, dân chúng nổi dậy, tập hợp quân vây thành hãm ấp, khiến quân binh chẳng thể làm gì. Triều đình đem quân đến đánh dẹp nhưng lần nào cũng bị thất bại.
Triều đình phải cho người mời ông đến Kinh thành hỏi kế sách. Ông trình bày kế sách, nhấn mạnh vào việc thu phục lòng người. Triều đình phục hồi chức cho ông, để ông được phép tuyển quân, điều binh và lương thảo.
Nguyễn Duy Thức chiêu tập được vài nghìn quân, chuẩn bị lương thảo đầy đủ thì tiến quân. Trên đường ông ban bố hịch đến các nơi, dùng uy đức để phục chúng, tha bổng và tạo điều kiện giúp những ai theo loạn quân trở về được yên ổn làm ăn.
Uy danh cùng ân đức của ông khiến nhiều người quy hàng, lại tham gia dẫn đường giúp ông đánh dẹp. Đám loạn quân bị đánh thua, phải xuống thuyền chạy vào nam đến tận Gia Định.
Lúc này đám loạn quân, thổ phi các nơi tập trung rất đông ở Thái Nguyên, ngang nhiên cướp bóc của dân chúng. Triều đình lại cử Nguyễn Duy Thức làm Hiệp trấn xứ Thái Nguyên dẹp loạn. Ông đem quân tiến đánh, dẹp yên đám loạn quân này.
Sau đó Triều đình giao cho ông cai quản và trấn thủ vùng Hưng Hóa. Thời ấy Hưng Hóa là vùng đất rất lớn bao gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, một phần lãnh thổ Lào và một phần tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ngày nay. Đây là vùng đất rộng lớn, lại rất phức tạp ở nơi biên giới, hay có các loạn quân, nên cần người có tài cai quản. Duy Thức chọn lựa quan cai quản các địa phương, chiếu theo kinh nghiệm và đức hạnh của họ.
Sau những năm tháng giúp giữ yên vùng đất Hưng Hóa, Triều đình xét công lao phong cho ông làm Hàn Lâm viện Thị thư, hàm chánh Lục phẩm.
Lúc này Triều đình Đàng Ngoài ngày càng thối nát, chúa Trịnh lộng quyền lấn át vua Lê, quan lại ở địa phương nhũng nhiễu dân chúng. Nhiều nơi dân chúng nổi dậy, Nguyễn Duy Thức chán chường, nhân một lần mắc bệnh xin từ quan về quê, thực hiện ước nguyện của mình là dạy học cho lớp trẻ.
Năm 1782, Nguyễn Duy Thức mất, trong gia phả có đôi lời về ông khi mất như sau:
“Ông làm quan 20 năm, suất trấn anh hùng, tham gia chính sự đảm nhiệm nhiều chức vụ, ông giữ lòng luôn trong sạch.”
“Việc của ông tuy thê thiếp thân thuộc cũng không can dự vào. Thường bổng lộc dư thừa, ông đều đem phân tán hết cho người thân hoặc hậu đãi binh lính. Nhà ông không tàng trữ của cải, chỉ có 20 mẫu ruộng.”
Ngôi nhà sống từ nhỏ của ông ở quê nhà làng Vọng Nguyệt được lập thành đền thờ, mộ của ông được lập ở cánh đồng làng, cách đền thờ 1,5 km.
Ngày mùng 4 tháng chạp hàng năm là ngày giỗ tổ họ Nguyễn làng Vọng Nguyệt. Tại đền thờ Nguyễn Duy Thức, dòng họ tổ chức lễ bái, tổng kết việc khuyến học, trao phần thưởng cho gia đình và cá nhân có thành tích trong học tập, hay người đạt bằng cấp cao thạc sĩ, tiến sĩ.
Năm 2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xếp hạng mộ và đền thờ tiến sĩ Nguyễn Duy Thức là di tích cấp quốc gia.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Các chuyên gia cho rằng nếu bạn tưới cho cây lan một loại dung dịch…
Vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty…
Ngày 22/4, trên mạng lan truyền thông tin về một vụ đấu súng chết người…
"Thế hệ kẹp giữa" đang phải đối mặt với một thử thách lớn: làm sao…
Vật thể lạ nghi là thiết bị hải dương học được ngư dân Quảng Ngãi…
270 thùng các tông chứa thuốc bảo vệ thực vật với 17 chủng loại gồm:…