Nạn kiêu binh từng thao túng cả vua Lê lẫn chúa Trịnh
- Trần Hưng
- •
Thời kỳ Lê Trung Hưng, vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền lực thật sự là ở chúa Trịnh. Tuy nhiên còn có một lực lượng khác từng thao túng cả vua Lê lẫn chúa Trịnh, thậm chí quyết định chọn người lên ngôi, hoàn toàn thao túng Triều đình, đó chính là kiêu binh.
Kiêu binh
Trong cuộc chiến Nam – Bắc triều thì ba phủ của Nam triều gồm Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia (thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An) không chỉ là nơi cung cấp lương thực mà còn cung cấp cả trai tráng đầu quân cho nhà Lê. Quân của 3 phủ này đắc lực nhất giúp nhà Lê đánh bại nhà Mạc và thường được gọi là quân Tam phủ.
Nhờ có công lớn nên quân Tam phủ thường được xem là thân binh hay ưu binh, được vua Lê chúa Trịnh tin dùng và chỉ chọn lính Tam phủ làm quân túc vệ ở Kinh thành, ban cho nhiều ưu đãi quyền lợi. Theo thời gian, đội quân này dần trở nên kiêu căng làm càn, nhiều lần phạm pháp nhưng lại không bị trừng trị, vì thế mà không còn tuân theo phép tắc nữa.
Vào thời chiến quân Tam phủ có công, nhưng vào thời bình quân Tam phủ thành kiêu binh làm khổ cả Triều đình và dân chúng.
Truy sát cả quan lớn đầu triều
Thời chúa Trịnh Tạc, vào năm 1674, hai vị quan đầu triều là Tham tụng (tương đương Tể tướng) Phạm Công Trứ cùng với Bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh bàn cách kìm hãm nhằm đưa lính kiêu binh vào phép tắc luật định. Đám kiêu binh đã quen thói ngông cuồng, nay bị thúc ép thì không bằng lòng nên giết chết Bồi tụng Phạm Quốc Trinh, rồi cướp phá nhà Tham tụng Phạm Công Trứ. Sự kiện này được “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép lại rằng:
“Bấy giờ ưu binh Thanh, Nghệ cậy có công lao, sinh ra kiêu ngạo phóng túng. Quốc Trinh và Công Trứ bàn cách kềm hãm ức chế bớt đi, vì thế binh lính không bằng lòng […]
Quân sĩ bèn rao hò ầm ĩ, đón đường giết Quốc Trinh, rồi đến cướp nhà Công Trứ. Công Trứ phải trốn ra ngoài mới được thoát nạn. Trịnh Tạc sợ quá, sai quan đi phủ dụ và cho tiền bạc, bấy giờ quân lính mới chịu yên tĩnh.
Tạc vời Công Trứ vào trong phủ ban cho vàng bạc để an ủi, sau bắt giết ba người đứng đầu nổi loạn để tế Quốc Trinh, lại truy tặng Quốc Trinh chức thượng thư bộ Binh, tước Trì quận công, cho tên thụy là Cương Trung và lục dụng con cháu.
Quốc Trinh khi làm quan ở triều, khảng khái dám nói đều phải đều trái, nay chết ở trong tay loạn quân, nên người ta đều thương tiếc”.
Đến đời chúa Trịnh Doanh, đám kiêu binh được thể đưa ra nhiều yêu sách. Tuy nhiên quan đầu triều là Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh xem xét bác bỏ bớt những yêu sách này. Đám kiêu binh tức giận liền kéo đến đập phá cả nhà của Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh.
Quyết định cả ngôi Vua lẫn Chúa
Chúa Trịnh Sâm có hai người con trai là Trịnh Tông và Trịnh Cán. Trịnh Tông là con của thứ phi Dương Ngọc Hoàn, Trịnh Cán là con của thứ phi Đặng Thị Huệ. Trịnh Tông là anh nên được chọn làm Thế tử. Tuy nhiên sau này Trịnh Sâm sủng ái Đặng Thị Huệ nên phế bỏ ngôi Thái tử của Trịnh Tông, cho Trịnh Cán làm Thế tử dù còn rất nhỏ.
Năm 1782 Trịnh Sâm mất, Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi Chúa lúc mới chỉ 5 tuổi. Lính kiêu binh vốn ủng hộ Trịnh Tông liền tổ chức đảo chính, giết chết Quận Huy rồi đưa Trịnh Tông lên ngôi. Tuyên phi Đặng Thị Huệ bị truất xuống thứ dân, sau tự tử. Trịnh Cán bị ốm chết chỉ sau 1 tháng ở ngôi Chúa.
Kiêu binh xứ Thanh, Nghệ phò tá Trịnh Tông lên ngôi nên càng tự đắc, lộng hành ngang ngược không kiêng dè khiến kỷ cương phép nước hỗn loạn. Đám kiêu binh ép Chúa phải cho được tự do thu thuế chợ, thuế đò, thầu ao đầm quanh khu vực Thăng Long, v.v…
Khi vua Lê Hiển Tông ở ngôi đã chọn Lê Duy Vỹ làm Thái tử. Nhưng Duy Vỹ lại có mâu thuẫn với Thế tử khi ấy là Trịnh Sâm. Khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa thì vu oan cho Thái tử rồi bắt giam lại, sau đó giết chết. Duy Cẩn được lòng mẹ của Trịnh Sâm nên được phong làm Thái tử.
Sau khi lính Tam phủ đưa Trịnh Tông lên ngôi thì biết được chuyện này, muốn lập công với Vua nên ép chúa Trịnh Tông phải phế truất ngôi Thái tử của Duy Cẩn, lập con trưởng của Duy Vỹ là Lê Chiêu Thống làm Thái tử vào năm 1783. Trịnh Tông phải nghe theo.
Năm 1786 thì Lê Chiêu Thống lên ngôi Vua. Kiêu binh có công đưa cả Vua và Chúa lên ngôi nên càng ngày càng coi thiên hạ không ra gì, tác oai tác quái.
Bắt Chúa làm con tin
Trước tình thế đó Quốc cữu Dương Khuông, Tham tụng Nguyễn Khản tâu lên Chúa cần tìm cách kiềm chế bớt đám kiêu binh, Chúa nghe theo liền cho bắt 7 người. Sách “Lê Quý dật sử” chép rằng:
“Triều đình bàn xét nếu đem giết hết e sẽ gây ra biến loạn. Nếu không giết thì không lấy gì răn đe được. (Dự tính) trước tiên đem chém một hai tên đầu sỏ gian ác để dần dần ức chế tính kiêu ngạo của chúng. Bấy giờ trong triều có Tham tụng Nguyễn Khản, Quản trung cơ Nguyễn Khuông mới được cất nhắc, vốn ghét quân sĩ không phục mình, đã chiếu theo luật: “lẻn vào hoàng thành” xử tội chém hết để răn quân lính”
Sau 6 ngày kiêu binh biết được việc này liền yêu cầu Chúa giao cả Dương Khuông và Nguyễn Khản ra để xử tử. Tham tụng Nguyễn Khản hoảng sợ phải bỏ chạy đến Sơn Tây, dinh thự bị kiêu binh phá tan hoang.
Quốc cữu Dương Khuông là cậu ruột của Chúa nên phải nhờ Trịnh Tông đứng ra năn nỉ kiêu binh nhưng cũng không được, cuối cùng phải đưa một người ra thế mạng cho đám kiêu binh xử tử mới thoát được.
Tham tụng Nguyễn Khản chạy đến Sơn Tây nương náu em trai mình là Nguyễn Điều đang trấn thủ ở đây. Nguyễn Khản bí mật gửi tờ khải tâu lên Chúa xin được tập hợp quân ở tứ trấn (bốn trấn quanh Kinh thành Thăng Long) để diệt kiêu binh, Chúa đồng ý.
Tuy nhiên kiêu binh lại biết được việc này nên canh giữ phủ Chúa rất nghiêm không cho phép ai liên lạc với Chúa, đồng thời ép Chúa phải xuống chiếu cho quân các trấn hoãn ngày khởi sự.
Tuy nhiên lệnh của Chúa chưa kịp đến thì quân các trấn đúng hẹn cùng hào kiệt các nơi hưởng ứng kéo đến Kinh thành diệt kiêu binh.
Kiêu binh ở các trấn phải bỏ trốn, giả làm ăn mày, người câm về Kinh thành để báo cho kiêu binh ở đây biết tin quân các trấn đang đến. “Hoàng Lê nhất thống chí” chép rằng:
“Ngày hôm đó, hết thảy kiêu binh hai xứ Thanh Nghệ đóng ở các trấn đều phải bỏ trốn, lúc đi qua làng mạc chúng không dám lên tiếng. Hễ kẻ nào buột miệng lòi ra thổ âm Thanh Nghệ, tức thì bị dân chúng bắt giết ngay. Bọn chúng phải luôn luôn giả cách làm người câm, ăn xin ở dọc đường, rồi lần mò về kinh, báo cho đám kiêu binh ở đây biết cái tin nay mai quân các trấn sẽ về họp ở dưới thành.
Được tin này, bọn kiêu binh ở kinh tức thì họp nhau bàn cách chống cự. Rồi họ chia nhau thành các đạo kéo đi. Nhưng đạo phía Tây mới kéo ra đến Đại Phùng, đạo phía Bắc mới kéo đến cầu Vịnh thì đã bị ngay các tay thổ hào địa phương đánh thua. Họ phải bỏ cả khí giới, cố mang vết thương mà chạy về kinh.
Bấy giờ kinh thành chấn động, dân hàng phố kẻ chợ đều dắt díu bồng bế nhau ra ngoài thành chạy trốn. Đám kiêu binh vừa sợ vừa tức, gọi Chúa là giặc. Rồi họ kéo vào trong phủ, lấy hết binh khí, chia cho cơ đội các dinh nắm giữ. Phủ Chúa lúc ấy không còn một tấc sắt nào để tự vệ”.
Thấy Kinh thành đã loạn, Tham tụng cũ là Bùi Huy Bích phải đứng ra thương lượng giữa hai bên. Quân các trấn thấy Chúa bị giam làm con tin trong phủ nên cũng không thể làm liều, phải thượng lượng và rút trở về lại các trấn.
Năm 1786, quân Tây Sơn tiến đến Kinh đô, chúa Trịnh huy động quân Tam phủ ra trận, nhưng kiêu binh được gọi là ưu binh này lại muốn ở Kinh thành chứ không muốn ra trận nên mượn cớ chờ quân lương để chần chừ không đi.
Nhờ thế mà Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn dễ dàng tiến vào Kinh thành, kiêu binh cũng tan rã từ đây.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Triết vương Trịnh Tùng: Người mở đầu cơ nghiệp chúa Trịnh
- Nghi vấn lịch sử: Chúa Trịnh hạ độc Trịnh Toàn
Mời xem video “Nhận rõ chính mình là một loại trí tuệ”:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Lê Trịnh