Từng là kinh đô của rất nhiều vương triều quân chủ, cho tới đầu thế kỷ 20, khi được người Pháp quy hoạch lại, Hà Nội còn được mệnh danh là Tiểu Paris Phương Đông. Ngày nay, Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm, nhiều thứ đã chỉ còn là một kỉ niệm đẹp…
Thạch Lam viết trong “Hà Nội băm sáu phố phường” rằng:
Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu (Trung Quốc) có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu…
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp vì Hà Nội đẹp thật và cũng vì chúng ta mến yêu. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Paris chính hiệu yêu mến Paris…
Hãy cùng chúng tôi ngắm lại Hà Nội xưa qua những hình ảnh đã trở thành hoài niệm:
Trong ảnh là phố Hàng Mắm xưa. Hàng Mắm là con phố nhỏ, chạy trong địa phận phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố gọi là Hàng Mắm vì xưa có nhiều các loại mắm cá, thủy sản được bày bán ở đây. Nhà trong phố Hàng Mắm đa số là kiểu cổ, hẹp và ngắn. Vào năm 1891, một vụ cháy lớn xảy ra đã khiến nhiều nhà cổ trên phố bị đốt cháy. Đến những năm 1930, nơi đây xuất hiện thêm các cửa hàng bán vại sành, tiểu sành, bia đá, đá mài… Ngày nay, người bán mắm đã chuyển hết vào chợ Hàng Bè, phố Hàng Mắm giữ nguyên tên nhưng chỉ còn những cửa hàng bán mặt hàng sành đá.
Trục đường quan trọng nhất đối với hoạt động thương mại của khu 36 phố phường Hà Nội là đường kè bờ sông, ngày nay là đường Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải. Một bên đường là các cửa ngõ đi vào khu buôn bán, một bên là sông Hồng luôn đông đúc tàu bè chở hàng từ khắp nơi đổ về. Người Pháp từ khi mới sang đã nhận thấy tầm quan trọng của con đường nên cho xây dựng rất hoành tráng, lấy tên là Đường kè Thương mại (Quai Du Commerce). Đường chạy qua cả ga tàu hỏa đầu cầu Long Biên và bến xe ôtô ở Bến Nứa tại vị trí bến xe buýt Long Biên ngày nay. Sau trận lụt lớn năm 1926, chính quyền mới đắp con đê khiến con đường này bị ngăn cách với sông Hồng.
Hà Nội xưa còn có tên gọi là “Kẻ Chợ” – cách gọi những nơi tập trung buôn bán ở thời kỳ quân chủ. Nói chung thì cả Hà Nội cũng là một cái chợ lớn với năm bảy chục phố “Hàng” khác nào những cầu quán mở ra ngút ngàn hàng hóa.
Năm 1883, Pôn Buốc-đơ, thông tin viên của tờ Thời báo đã viết:
Hà Nội không có chợ mái che, cũng không có nơi quy định để họp chợ. Cả thành phố biến thành cái chợ mênh mông ở ngoài trời. Vào ngày phiên, lái buôn và thợ thủ công đủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán tơ lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm nón đến phố Hàng Nón, tóm lại, thợ gì thì tới phố dành cho thợ ấy. Người ta đi lại, dạo chơi, chuyện trò, râm ran tiếng nói của số người gấp đôi ngày thường vốn đã đông như kiến. Việc họp chợ chẳng tốn kém gì, chỉ cần thời tiết tốt. Những người nông dân bày bán sản phẩm của mình trong chiếc túi vải hoặc trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Mặt phố tràn ngập người.
Toàn cảnh phố Chợ Gạo xưa. Gạo là nông phẩm quan trọng nhất mà người nông dân sản xuất và cũng đáp ứng như cầu thiết yếu của toàn xã hội. Buôn bán gạo do đó cũng trở nên sầm uất nhất ở một đô thị đang phát triển như Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Phố Chợ Gạo nguyên là nơi con sông Tô Lịch chảy về hướng Đông để nối với dòng lớn Nhị Hà, từ xưa đã tụ tập các cửa hàng bán gạo trên hai bờ sông. Bến thuyền nằm ở địa phận của giáp Giang Nguyên, thuộc thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương cũ. Di tích đình làng Hương Nghĩa nay vẫn còn. Đến cuối thế kỷ 19 do cát sông Hồng bồi đắp nên cửa sông Tô Lịch bị lấp cạn dần.
Hàng Bồ xưa tập trung nhiều cửa hàng của người Việt, người Hoa và cả các hãng của Anh, Mỹ và Nhật. Tên gọi Hàng Bồ xuất phát từ việc đây là nơi bán những chiếc bồ bằng mây tre đan. Thời kì thuộc Pháp vào cuối thế kỉ XIX phố có tên tiếng Pháp là Rue des Paniers. Từ sau năm 1945 phố chính thức mang tên Hàng Bồ. Cùng thời gian đó phố là nơi tập trung các cửa hàng bán dụng cụ đan bằng tre nứa như bồ, sọt, thúng mủng. Vào những dịp Tết nguyên đán hàng hoá truyền thống được chất đầy trên phố, kẻ mua người bán tấp nập.
Thôn Cổ Vũ ở Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Đông) có nghề làm đồ gỗ sơn đã lên lập nghiệp ở khu 36 phố phường Hà Nội và hình thành nên phố Hàng Hòm. Nay dấu tích ngôi đền thờ tổ nghề gỗ sơn vẫn nằm trong phố. Xưa kia, hàng năm người dân phố Hàng Hòm vẫn giữ ngày giỗ tổ nghề trùng với lễ hội ở làng quê Hà Vĩ. Nhà cửa trên phố Hàng Hòm vốn đồng dạng với những phố cổ xung quanh, nhưng trong 60 ngày đêm chiến sự cuối năm 1946 đầu 1947, nhà cửa gần như bị phá hủy hoàn toàn, sau đó mới được xây dựng lại.
Phố Hàng Bè xưa nằm sát sông Hồng, vốn là nơi bán các bè gỗ và vật liệu làm nhà. Trước kia Hàng Bè là một khúc của con đê cũ, khi dòng chảy còn ở sát chân đê, các bè gỗ và những vật liệu làm nhà từ miền ngược trở về đây bán. Do đó khúc đê này có tên là Hàng Bè, chợ trên đê là chợ Hàng Bè. Mặt hàng buôn bán ở đây ngày càng mở rộng sang các loại lâm thổ sản từ miền ngược đưa xuống và hải sản từ miền biển chuyển vào, khi bờ hữu ngạn dần mở rộng do sông bồi cát. Ngày nay, Hàng Bè vẫn là khu chợ nhộn nhịp, nổi tiếng là “chợ nhà giàu” của Phố cổ Hà Nội.
Phố Hàng Trống ban đầu kéo dài suốt từ đầu Hàng Gai đến tận Tràng Thi, bao gồm cả một đoạn nhìn ra hồ Gươm (song song Hàng Khay bây giờ). Gọi là Hàng Trống do trước đây những người dân làm trống làng Liêu Thượng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tới đây cư trú và buôn bán: trống cái, trống con, trống bàn, trống cơm, trống bồng… Ngoài ra còn có nghề làm lọng của dân làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây cũ), nghề vẽ tranh của dân làng Tự Tháp. Các cửa hàng làm trống, làm lọng, in tranh đều nằm ở đoạn đầu và đoạn giữa phố. Còn đoạn cuối phố là các cửa hiệu thêu của những người vùng đất Quất Động, Hướng Dương (huyện Thường Tín, Hà Sơn Bình).
Phố Lò Rèn trước kia là thôn Tân Khai, hình thành từ những người làm nghề sửa chữa nông cụ bằng sắt, gốc làng Canh (Hòe Thị, Từ Liêm) tụ về. Khi sông Tô Lịch chạy qua nơi đây bị lấp, đất làng biến thành phố xá, cư dân đông dần, có cả người làng Hà Từ (Sơn Tây) lên mở lò. Có thời phố còn được gọi là Hàng Bừa vì bán nhiều răng bừa. Khi cầu Long Biên xây dựng, vật liệu cũng như công nghệ chế tác sắt thép được phổ biến, việc tán đinh bu lông đào tạo được nhiều nhân lực bản địa nên nghề rèn phát đạt. Sau này, các công trình xây dựng bắt đầu sử dụng nhiều sắt thép kéo theo cả nghề rèn và nghề buôn vật liệu, vật dụng sắt thép phát triển. Vì thế những phố kế cận với phố Lò Rèn cũng có nhiều nhà mở cửa hàng buôn bán đồ sắt.
Khu 36 phố phường có một con phố ngắn gọi là Hàng Thiếc. Thiếc ở đây được dùng để đúc một số vật dụng như chân đèn, cây nến, lư hương… nhưng chủ yếu vẫn để làm chất liệu hàn ghép các đồ làm bằng kim loại khác. Các cửa hàng ở đây còn sử dụng nhiều phế liệu, chủ yếu là thùng đựng dầu hỏa, để làm thành các vật dụng như chậu, thùng gánh nước… Từ sau năm 1931 phố Hàng Thiếc dần dần có thêm một số nhà buôn bán lớn, giàu có không phải về nghề làm tôn và sắt tây, mà do buôn tôn kẽm tấm, buôn kính tấm lớn, kính hoa lắp các cửa những ngôi nhà hiện đại, và có nghề tráng gương, mài kính gương.
Hàng Đường là cái tên có từ trong ca dao xưa. Xưa kia hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi, đường mật mía từ các vùng qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Những tháng tấp nập nhất là trước Tết và Rằm trung thu. Ngày nay tại phố Hàng Đường vẫn còn nhiều cửa hàng bán mứt kẹo, đặc biệt là ô mai ngon có tiếng.
Phố Hàng Khay nằm ở bờ Nam của hồ Gươm. Dọc phố Hàng Khay có những cửa hàng chuyên làm bán các đồ gỗ khảm xà cừ như sập, ghế bàn, tủ chè, khay… Thời Pháp thuộc người Pháp đổ xô về đây xây dựng công sở, hãng buôn, nên nơi đây đã trở thành một đường phố sang trọng bậc nhất và “Tây” nhất của Hà Nội. Do dó những cửa hàng khảm trai của người Việt bị dẹp dần hoặc chuyển đi. Tại đây cuối cùng chỉ còn rất ít người làm và bán đồ chạm khảm.
Nhắc đến khu 36 phố phường Hà Nội không thể không nhắc đến Hồ Gươm – Hồ Hoàn Kiếm. Xưa Hồ Gươm có tên là “Lục Thủy” gợi lên màu sắc của hồ nước nằm ngay sát phía Nam 36 phố phường Thăng Long xưa.
Lê Nguyên tổng hợp
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…