Hồi nhỏ những ngày gần Tết như thế này mà được mẹ cho đi chợ cùng thì thích lắm.Mẹ gánh bưởi hay hành đi trước, con chạy lon ton theo sau. Cả chợ Than bên kia sông hay chợ Hòa Bình trước nhà đều thích. Tha hồ xem người ta bán pháo, mứt và các loại hàng dùng cho ngày Tết. Tết có thể nhạt đi vì nhiều lẽ trong đó có lý do con người không thể có tuổi thơ đến hai lần nhưng dường như kí ức về nó thì ngày càng sống lại.
Nguyễn Quốc Vương
Ở nước Nhật mua bán rất tiện. Các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ có ở khắp nơi. Siêu thị thì nhiều vô kể. Mua hàng ở Nhật cũng rất dễ. Chỉ việc vào siêu thị nhặt lấy những món hàng cần mua bỏ vào giỏ rồi mang ra quầy tính tiền là xong. Nhân viên thu ngân ở các siêu thị thường nói những câu tương tự nhau như cái máy. Không cần biết một chữ Nhật cắn đôi cũng có thể mua cả tấn hàng.
Nhưng nếu là người đã có tuổi thơ ở Việt Nam hẳn sẽ rất buồn vì nước Nhật hầu như không có chợ. Một vài nơi cũng có những khu chợ đặc biệt nhưng cho dù hàng hóa bày bán lộ thiên và ít nhiều có mặc cả, chợ của người Nhật thực chất vẫn là một siêu thị ngoài trời. Một năm cũng có một hai dịp người Nhật tổ chức nên các “phiên chợ tự do”. Vào dịp đó các gia đình có những món đồ cũ, mới không dùng nữa hoặc có đồ tự làm được sẽ mang tới bán ở một địa điểm được định trước như quảng trường, công viên, góc phố… Có người bán một vài cuốn sách, có người bán những vật dụng trong nhà như máy hút bụi, bàn là, nồi cơm điện… lại có những người bán đồ chơi hoặc quần áo trẻ con. Giá bán rẻ đến giật mình. Có những quyển sách hay món đồ giá bán chỉ có 10, 20 yên nghĩa là chỉ khoảng vài nghìn đồng tiền Việt.
Nhưng có lẽ trong mắt của người Việt kể cả các “phiên chợ tự do” ấy cũng không hẳn là chợ. Người Nhật vốn thích trật tự và im lặng. Không thể gọi là chợ vì ở đó thiếu vắng sự ồn ào, náo nhiệt. Ngay cả trong những khu chợ lớn đặc biệt nói trên chỉ có người bán cá là rao hàng ầm ĩ mà thôi.
Gần nhà tôi có hai cái chợ. Chợ Đồi Cống hay chợ Hòa Bình cách nhà tôi chừng 500 mét đường chim bay và chợ Than nằm ở phía bên kia sông Thương.
Chợ Hòa Bình họp vào các ngày 1, 3, 6, 8 âm lịch hàng tháng còn Chợ Than hình như họp vào các ngày còn lại. Ngày nhỏ mỗi lần có phiên chợ tôi và em trai đều ra cổng ngóng mẹ về. Lần thì mẹ mua cho chiếc bánh đa, lúc là bánh rán hay kẹo bột, cây mía. Còn hoa quả thì mùa nào thức ấy nhưng nhớ nhất là mẹ hay mua cho thị, ổi và táo. Mỗi lần nhận quà của mẹ thằng em lại giành lấy quyền chia quà. Cách chia phần của nó rất lạ. Có bốn chị em thì nó chia làm 5 phần. Nó lấy 2 phần. Vì thế tôi thường ăn hết quà rồi mà nó vẫn còn. Có xin phải nịnh mãi nó mới cho mà mỗi lần cho thật bủn xỉn. Rất ghét.
Có lần mẹ mua thị về hai anh em ngồi ở bậc thềm vừa ăn vừa đùa. Không hiểu vừa ăn vừa đùa thế nào nó bị hột thị to đùng thọt vào họng không thở được. Mặt nó tái nhợt. Tôi sợ quá cũng khóc òa lên. Bố chạy lại đặt nó lên đùi rồi bóp vào cổ họng khiến hột thị vọt ra. Hú vía. Từ lần đó bố cấm mẹ không được mua thị cho các con ăn.
Chờ quà và ăn quà mẹ mua cũng thích nhưng đi chợ với mẹ còn thích nữa. Mẹ không cho đi cũng cố đòi bằng được. Cứ túm lấy quang hay áo mẹ mà kéo mồm thì kêu “đi!đi!”. Có hôm mẹ vui vẻ cho đi có hôm mẹ bực cứ gỡ tay ra. Có lần mẹ vừa gỡ tay vừa tôi vừa quát: “Đi đâu? Lên giời à?”. Kệ! Võ của tôi là lỳ và đòi dai. Hầu như lần nào tôi cũng thắng.
Lúc chưa đi học mỗi khi cùng mẹ đi chợ tôi thường được mẹ đặt vào thúng và gánh theo. Bên kia thúng là gạo hoặc hành tỏi, con gà… Lớn lên một chút thì tôi chạy trước còn mẹ gánh đi sau. Mẹ không cho tôi chạy phía sau vì sợ lạc.
Đi chợ với mẹ không phải chỉ để chơi mà còn phải trông hàng cho mẹ. Giữa chừng mẹ sẽ chạy đi mua thức ăn và vài món đồ lặt vặt. Tôi sẽ phải ngồi một mình trông hàng cho mẹ. Lúc ấy tôi có thú vui ngồi quan sát những người bán hàng ở xung quanh. Chẳng bao lâu tôi thuộc hết những mẹt hàng của người bán ở chợ Hòa Bình: bà Kiểm bán lưỡi câu, cô Hà bán thuốc lào, bác Toan “thọt” chữa xe đạp và bán đá lửa… Mua hàng xong lúc về mẹ thường mang theo một món quà. Khi thì là cái bánh rán lúc thì là quả chuối. Nhưng cũng có hôm mẹ không bán được hàng thì chẳng có gì. Mặt mẹ buồn làm tôi sợ không cả dám đòi quà.
Đi chợ Hòa Bình thích nhất là được mẹ cho đi xem người ta bán lưỡi câu và pháo. Lưỡi câu bán ở hàng bà Kiểm. Bà người thị xã nhưng lên tận đây bán hàng. Trước mặt bà bày la liệt các loại lưỡi câu to nhỏ và các cuộn dây cước. Nhìn không biết chán. Mỗi lần có người tới mua bà lại nhặt từng lưỡi câu lên thả vào lòng bàn tay khách. Tôi thích lắm nhưng không có tiền mua. Mỗi lần đi câu tôi vẫn thường tự làm lưỡi câu bằng cách vặn sợi dây thép ở dây phanh xe đạp của bố đem mài nhọn rồi uốn. Dây câu thì làm bằng chỉ may vá của mẹ. Lưỡi câu tự làm cũng rất sắc nhưng chỉ câu được các loại cá nhỏ như cân cấn, sắt rồng, tép mại, cùng lắm là cá rô, cá mương. Những loại cá lớn hơn sẽ làm lưỡi câu bị xoạc ra khi giật mạnh. Lưỡi câu tự làm cũng không có ngạnh nên hay làm tuột cá giữa chừng. Muốn mua lưỡi câu và dây cước bà Kiểm bán phải chờ qua Tết khi tôi có tiền mừng tuổi.
Xem pháo cũng thích. Người ta bán đủ loại. Từ loại pháo diêm nhỏ tí xíu tới loại pháo đùng to bằng cỡ cổ tay người lớn. Rồi thì pháo tép, pháo cối, pháo thăng thiên… Thỉnh thoảng để dụ khách tới người bán châm lửa đốt thử vài quả. Bọn trẻ vừa bịt tai vừa hò reo nhảy nhót xung quanh. Vào dịp giáp Tết bác Toan “thọt” cũng bán pháo. Nhưng bác chỉ bán pháo thăng thiên. Có vẻ pháo bác bán là do bác tự làm. Pháo được gắn vào đầu một que tre, lúc bắn lên không trung quả pháo ré lên như thét. Sau khi nổ tạo thành một vệt khói xanh thì que tre rớt xuống. Bọn trẻ xúm quanh hàng bác mê tít. Nhưng cũng có đứa giật mình kêu “oái”. Lựa lúc bọn trẻ mê xem pháo, bác đã thò một chân ngắn hơn cắp vào đùi một thằng nào đó bằng ngón cái và ngón trỏ đau điếng. Nhưng đứa nào cũng thích bác vì bác vui tính lại có tài. Bác có thể vừa đi xe đạp vừa vác được hai cây tre ở trên vai từ trong làng tôi ra ngoài chợ.
Bên kia chợ Hòa Bình là chợ Than. Muốn đến chợ Than phải đi qua đò vượt sông Thương. Bến đò ấy gọi là Bến Than nhưng làng tôi ai cũng gọi tắt là bến đò. Mỗi lần cùng mẹ lên đò sang bên kia sông Thương, người chở đò cùng làng chỉ tính tiền mình mẹ. Nhiều người làng còn nợ cả tiền đò. Anh lái đò cằn nhằn trong miệng nhưng vẫn cho nợ. Lên đò phải đi qua một cánh đồng, một con đường làng hai bên dày đặc tre rồi vượt qua một con đê cao có rất nhiều cây đa cổ thụ mới tới chợ. Ở ngay chỗ rẽ vào đoạn đường làng có một cây thị rừng. Đến mùa thị chín, quả rụng đầy dưới gốc. Thị rừng chín rất thơm nhưng trái nhỏ và ăn rất chát. Trẻ con chỉ lấy nghịch chứ chẳng thèm ăn.
Chợ Than nằm dưới chân đê. Chợ ở xã khác nên mẹ sợ tôi lạc không cho đi đâu. Cả buổi tôi ngồi trên đòn gánh trông hàng cho mẹ hoặc nhìn mẹ bán hàng. Thi thoảng lại có người mẹ quen hay họ hàng đi qua bẹo má tôi. Bà ngoại tôi sinh ra ở đây. Nhà các ông, các bác bên ngoại cũng cách bến đò không xa mấy. Thi thoảng mẹ vẫn dẫn tôi vào đó chơi. Nhớ mãi nhà ông Cảnh có mấy cái lồng chim ngoài cửa nhốt mấy con chim gáy thấy khách vào cứ gù liên tục.
Tôi cứ theo mẹ đi chợ như thế cho đến khi học hết tiểu học. Vào đại học rồi mỗi lần nghỉ hè thi thoảng tôi vẫn đi chợ với mẹ. Hôm nào hàng nặng thì tôi gánh cho mẹ ra chợ. Người làng thấy tôi gánh thì chỉ trỏ, cười cười. Ý chừng trêu anh học trò dài lưng tốn vải. Lúc về hết hàng mẹ quẩy gánh đi trước còn tôi lững thững theo sau. Nhìn đôi chân mẹ bước đi tập tễnh sau lần phẫu thuật khi tôi vào đại học, tôi lại nhớ những ngày ngồi trong chiếc thúng mẹ gánh ngày xưa.
Nguyễn Quốc Vương
Nhật Bản, 19/9/2015
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vào thứ Tư (22/1), đã chính thức khởi động…
Thái tử Ả Rập Saudi đã thông báo với Tổng thống Donald Trump rằng vương…
Nữ giáo viên 29 tuổi được phát hiện đã tử vong trong rừng sâu, cách…
Với thủ đoạn giả danh công an, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2024 Hà Nội đứng đầu về tốc…
Duy trì thể lực tim mạch rất tốt cho sức khỏe của não bộ, kể…