Những bờ rào nay đã thành cổ tích
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Tôi đã đi rất nhiều nơi ở Việt Nam. Nếu tính ở phương diện tỉnh, thành phố tôi có lẽ đã đặt chân đến gần 60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam. Tôi cũng đã đến những ngôi làng ở rất xa sát biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc. Phong cảnh mỗi nơi mỗi khác, tìm ở đó đều thấy những vẻ đẹp riêng nhưng tôi thích những nơi nào mà ngăn cách giữa các nhà là những hàng rào được tạo bằng nguyên liệu tự nhiên thay vì dây thép gai, lưới B40 hay tường xây gạch cao vút.
Nhìn những hàng rào tự nhiên, lòng tôi cảm khái vô cùng vì trong óc trong tim nao nao kỉ niệm tuổi thơ. Tôi nhớ đến những trải nghiệm hồi nhỏ ở làng và nhớ tới những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
(Người hàng xóm, 1940)
Người ta thường thích bài thơ này vì coi nó là bài thơ tình hay. Tôi cũng thế nhưng giờ đây tôi lại nghĩ nó là bài thơ viết về hàng rào ở nông thôn Việt Nam hay nhất.
Quê thi sĩ Nguyễn Bính là ở xóm Trạm, làng Thiện Vịnh xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định còn làng Sấu của tôi ở huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang, cách nhau tới gần 150km. Một bên là đồng bằng, một bên là miền Trung Du nhưng quả thật, cái dậu mùng tơi kia thì thật giống. Ở làng tôi người ta gọi là hàng rào hay bờ rào. Thường thì sống gần nhau là anh em ruột thịt hay họ hàng. Cũng dễ hiểu! Ban đầu các cụ có một miếng đất lớn, sau rồi chia cho các con vậy nên vừa là hàng xóm, vừa là anh em. Như nhà tôi ở Đồi Chẹm cũng sát nhà chú ruột. Ngay sát phía sau là nhà bác gái – chị họ bố tôi.
Khi tôi còn nhỏ, hàng rào ngăn cách giữa các nhà thường là một hàng rào thấp ngang ngực được làm bằng cây sắn hoặc các loại cây khác như hóp, tre hoặc xương rồng. Người ta thu hoạch sắn xong, lấy các cây sắn đó trồng làm hàng rào. Có thể chúng khô đi hoặc cũng có thể chúng ra rễ tiếp tục ra lá thành cây. Chỉ một thời gian mùng tơi, mướp và các loại dây leo khác mọc kín. Trên hàng rào hoa mướp nở vàng, quả mùng tơi chín tím. Vào mùa mưa trên hàng rào đó thường có nấm mộc nhĩ rất to. Chúng tôi – lũ trẻ con trong làng đi soát từng hàng rào như thế để hái nấm. Hàng rào cây sắn phủ lá mùng tơi hay mướp này ngăn giữa các nhà nhưng muốn vượt qua cực kì đơn giản, chỉ cần bẻ vài ba cây sắn rồi chui qua hoặc nhảy vọt qua. Những hàng rào còn lại thì được tạo nên bởi các bụi xương rồng. Đây là thứ cây có nhựa độc và gai nhọn. Nhưng hàng rào này cũng chỉ dùng “làm phép” là chính vì cũng rất dễ chui qua. Chó mèo, lợn, trẻ con sẽ chui qua đâu đó tạo thành một lối mòn gọi là “lõng”. Thậm chí chính chủ nhân hàng rào cũng tạo ra một cái “lõng” như thế cho tiện đi lại với nhà hàng xóm. Lúc qua hút điếu thuốc lào uống chén nước chè, lúc qua làm giúp việc nọ việc kia. Những hàng rào bằng tre, bằng hóp cũng thế, tuy lên xanh om nhưng vẫn có thể vượt qua rất dễ dàng. Ở những nơi khác tôi thấy hàng rào của nhiều nhà có trồng hoa dâm bụt nhưng kì thực ở quê tôi rất ít người trồng hoa dâm bụt làm hàng rào. Cũng không rõ tại sao.
Nhà tôi cũng không trồng hoa dâm bụt làm hàng rào. Trước mặt nhà, nơi tiếp giáp với đường làng, bố tôi trồng xen lẫn xương rồng với cây hóp để làm hàng rào. Hàng rào này có tác dụng ngăn trâu bò chạy vào vườn nhà tôi là chính vì bọn trẻ con chúng tôi khi chơi “đánh nín” vẫn chui luồn qua vài ba “cái lõng” có nền nhẵn thín. Phía sau, giáp nhà ông bác họ và nhà chú ruột tôi thì chỉ có một bức tường thấp bước chân là qua được. Mấy chị em tôi và mấy đứa em con nhà chú thường chơi trên mặt tường đó và chạy đi chạy lại giữa hai nhà.
Các nhà khác ở trong làng nói chung cũng hao hao như thế cả. Nghĩa là giữa các nhà tuy có hàng rào ngăn cách nhưng cũng để làm phép là chính, không có gì ghê gớm cả, người lớn, trẻ con đều có thể dễ dàng vượt qua. Vậy nên mỗi khi có giỗ, có cưới, có đám ma, người ta chỉ cần xách dao ra phạt sạch cây một chỗ nào đó là có lối đi thông giữa các nhà. Một số nhà ở giữa làng thì có tường đắp bằng cay đất ngăn cách nhưng những tường ấy người ta cũng trèo nhẵn cả. Tôi lạ gì những bức tường ấy đâu vì buổi trưa tôi vẫn cùng bọn trẻ con ở làng trèo leo, luồn lách khắp làng và buổi tối đôi khi theo chân thanh niên làng đi tán gái, bọn trẻ con chúng tôi cũng trèo qua những bức tường đó cả.
Sau 30 năm, cả làng bây giờ không nhà nào còn hàng rào như trên nữa. Tất cả đều được xây bằng gạch cao quá đầu người. Một số nhà cẩn thận trên còn chăng dây thép gai và cắm mảnh chai, thậm chí gắn cả camera giám sát. Muốn sang nhà hàng xóm, bây giờ phải đi bằng cổng chính đàng hoàng và phải gọi cổng thật lớn hoặc bấm chuông chờ người ra mở cổng. Cánh cổng làm bằng sắt gắn vào trụ bê tông được khóa bằng những chiếc khóa to tướng. Sẽ rất thú vị nếu ta dùng các phương pháp xã hội học để nghiên cứu xem tại sao ở làng, các bức tường và những cái cổng kiên cố đó lại mọc lên thay cho dậu mùng tơi, hàng dâm bụt, xương rồng và những bức tường đất thấp lè tè? Tôi chưa nghiên cứu kĩ nhưng cũng có thể liệt kê ra vài lý do chủ yếu.
Một là giờ đây trộm cắp nhiều quá. Chúng trộm cả ngày lẫn đêm và lấy đủ thứ. Nguy hiểm nhất là trộm chó. Cứ sểnh con nào ra là chúng bắt con đó. Nhà tôi đã mất rất nhiều mèo và chó. Có lần bố mẹ tôi đi vắng, bọn trộm còn bắn chết cả 2 con chó lớn gần 20kg ngay trong cũi. Xem camera thấy chúng loanh quanh tìm cách trèo cổng vào lấy xác nhưng cuối cùng, có lẽ e ngại bị phát hiện chúng bỏ đi. Nhiều nhà bị chúng bắt chó giữa ban ngày kêu gào làng xóm nhưng vô ích, chúng chĩa súng điện vào mặt dọa và lên xe tẩu thoát. Vậy nên tường phải đắp cao, cổng phải làm thật kín để nhốt chó, gà ở trong. Trước kia làng tuy mất con gà, túm ngô nhưng toàn là trộm vặt, giờ có cả trộm vào tận nhà, giữa ban ngày đập két lấy trộm tiền mặt và vàng trị giá tới cả mấy trăm triệu. Ai cũng muốn tường cao, cổng chắc là dễ hiểu.
Hai là giờ quan hệ họ hàng, hàng xóm cũng phức tạp xoay quanh chuyện đất đai. Trước kia đất ở làng rẻ, chẳng mấy ai mua, có cho nhau vài phân thậm chí cả mét khi làm nhà, làm cửa, làm lối đi cũng là thường. Nhưng giờ thì khác, đường lớn chạy qua làng, có ngọn núi nào đẹp đẹp chút là người ta biến nó thành sân gôn, thành khu nghỉ dưỡng, các khu nhà ở kiểu đô thị tiến sát đến đầu làng. Thế là giá đất cứ tăng vùn vụt. Người hỏi mua đất đến hỏi từng nhà ở trong làng. Một cái cây mọc chệch hàng lấn sang đất nhà hàng xóm trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Xử lí không cẩn thận có khi thành xích mích, đánh nhau. Làng tôi chưa có chém nhau đổ máu nhưng ở các làng xung quanh chuyện đó đã xảy ra rồi. Anh em, chú cháu, họ hàng từ mặt nhau, đánh nhau cũng vì đất cát. Vậy nên, để chắc ăn, cả hai bên đều xây tường lên cho yên chuyện. Đất anh anh xây cao một thì đất tôi tôi cũng phải xây cao một hai cho nó cân xứng. Tường gạch xây xong, khỏi thắc mắc nọ kia.
Ba là quan niệm về thẩm mĩ cũng thay đổi. Trước kia, người dân quê bình dị. Có hàng rào cây dại hay dậu mùng tơi xanh xanh là thấy đẹp rồi dù người làng tôi hầu như chẳng biết thi sĩ Nguyễn Bính là ai cả. Bao nhiêu đời vẫn sống với cái hàng rào đó. Nhưng rồi, khi cuộc sống khá lên tí chút, có một ít tiền, người trong làng đi đây đi đó ra phố xá, lúc trở về chợt thấy cái hàng rào như thế không đẹp nữa. Muốn sang, muốn đẹp, muốn thể hiện ra ngoài sự giàu có thì không chỉ phải xây nhà to, cao mà bờ tường cũng phải cao, phải oách tương xứng. Tường bao và cổng trở thành một thứ trang sức thể hiện đẳng cấp. Không tin bạn cứ để ý mà xem, có phải nhà nào ở nông thôn giờ cũng chăm chút vào cái… cổng của mình không? Thậm chí trên cổng, trên tường bao chủ nhân còn trang trí và đắp vẽ vào đó bao nhiêu là chi tiết, họa tiết trang trí bắt mắt, thậm chí có cả rồng lẫn phượng.
Mỗi nhà ở làng giờ đây thật sự trở thành một “pháo đài”. Thi sĩ Nguyễn Bính còn sống đến giờ chắc hẳn sẽ vô cùng sửng sốt! Cảnh ông miêu tả trong thơ cũng như nhưng câu chuyện tình ông kể bằng thơ giờ đã thành cổ tích.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa ký ức tuổi thơ Nguyễn Quốc Vương