Bây giờ về làng, cho dù gần như 100% các hộ trong làng vẫn làm ruộng không ít thì nhiều, rất khó nhìn thấy cây rơm. Không giống trước kia vào nhà nào cũng thấy lù lù một cây rơm lớn ở ngoài sân, trước cửa chuồng trâu hay ở ngoài vườn.

Tại sao lại như vậy?

Bởi vì bây giờ người dân không có nhu cầu tích trữ rơm nữa. Rơm ngày xưa sau khi phơi khô thật kĩ xong được bó thành bó đưa lên gác chuồng lợn, chuồng trâu hoặc đánh thành cây. Làm như thế là để giữ rơm khô, thơm suốt năm để cho trâu, bò ăn. Bây giờ người ta cày máy nên ít nhà nuôi trâu bò. Những nhà nuôi trâu bò qua mỗi năm lại ít đi, chưa kể những người nuôi cũng không nhằm mục đích để cày bừa. Họ nuôi để cho sinh sản rồi bán bò con, trâu con hoặc lấy thịt. Người đi làm công ty ngày một nhiều, nhất là thanh niên nên không có người làm ruộng.

Những ruộng nhỏ, ruộng xấu bị bỏ hoang hoặc được đổi thành ruộng trồng cỏ voi cho trâu bò ăn. Thứ cỏ này dễ trồng, tốt lên rất nhanh, lá to cây lớn không kém gì lau sậy. Trâu bò khỏe mấy cũng chỉ ăn được một gánh. Trồng vài ruộng tha hồ cho chúng ăn. Cứ cắt xong chỉ qua vài trận mưa hay vài lượt tưới chúng đã lên xanh. Ít trâu nên khắp đồng cỏ cũng mọc tốt um tùm. Bờ đê cỏ cũng mọc ngập mắt cá chân, trâu bò ăn không xuể. Sau nhiều đợt dịch tả châu Phi rồi dịch lợn tai xanh càn quét khiến lợn chết la liệt, người dân phải vứt cả lợn con chết ra ao, chuôm… trong làng cũng ít người nuôi lợn từ vài con trở lên. Đi khắp làng, không thấy mùi phân lợn thối thum thủm hoăng hoăng như trước đó. Không chăn nuôi trâu bò và lợn, người ta không cần rạ, rơm để vứt vào chuồng để cho súc vật nằm và biến nó thành phân nữa. Vậy nên, dần dần ngay chính trẻ con ở làng cũng không biết cây rạ, cây rơm là gì. Rơm rạ giờ nhiều người đem đốt bỏ. Ngoài đồng trong xóm khói mù mịt.

Điều ấy khác với những đứa trẻ như tôi, tuổi thơ gắn với cây rơm, cây rạ. Để làm cây rơm, người ta cắm hoặc dựng một cái cọc tre hoặc gỗ ở góc sân, góc vườn hay trước cửa chuồng trâu chuồng bò làm mốc rồi chất rơm đã phơi khô ở xung quanh. Mỗi lượt chất vào người ta lại lèn thật chặt. Chúng tôi thích được nhảy lên lèn rơm cho bố mẹ là vì thế. Tha hồ mà nhún. Rơm được lèn lên cao dần, lấy trọng tâm là cây tre, cây gỗ ấy vì thế tạo thành một cái cây lùm lùm. Cây cao quá đầu người lớn là được. Trên đỉnh chót cây rơm, để ngăn nước mưa chảy dọc thân cây gỗ hay tre vào trong làm mục rơm người ta buộc một cái mũ bằng rơm trên đỉnh, có nhà cẩn thận còn trùm cả tấm ni lông lên trên rồi buộc lại. Bên dưới đất xung quanh gốc cây rơm, những nhà cẩn thận xếp gạch vỡ thành một bức tường nhỏ bao quanh cho gà khỏi bới và chó khỏi ị bậy. Rơm được cất như thế có thể giữ được màu vàng, mùi thơm suốt năm cho trâu bò ăn. Nước mưa sẽ bị lớp rơm ngoài cùng ngăn lại không ngấm được vào trong. Lúc cần cho trâu bò ăn hay lấy rơm đốt cơm thì người ta ra cây rơm rút về.

Cách rút rơm đúng cách là rút từ bên dưới gốc cây rơm trước rồi rút dần lên trên. Cách rút này có vẻ hơi ngược đời vì thông thường lấy gạch đã xếp thành kiêu hay lấy vật gì đó xếp thành cột người ta phải lấy từ phía trên để khỏi gây đổ, vỡ. Rút rơm từ phía dưới và đều ở xung quanh như vậy là để tránh nước mưa rớt từ trên xuống làm hỏng rơm. Vì rút từ bên dưới nên đôi khi ở cây rơm sẽ có những cái hõm rất sâu vào bên trong thân. Trẻ con thích những cái hõm đó. Chúng đuổi nhau quanh cây rơm và chui vào bên trong nằm. Nằm trong cây rơm vào mùa đông rất thơm và ấm. Có lần tôi đã chơi “đánh nín” – cách gọi trò chơi trốn tìm ở làng tôi bằng cách chui vào cái hõm đó ở cây rơm nhà tôi được dựng trước cửa nhà bếp. Tôi rút thêm rơm để cái hõm đó thật sâu, chui vào sát tận trong rồi lấy rơm vừa rút ra phủ kín cửa. Bọn trẻ đi tìm tôi không thấy liền bỏ luôn, trong khi đó tôi nằm bên trong thấy ấm lăn ra ngủ. Kết quả cả nhà khi đến bữa tối không thấy tôi hoảng hốt đốt đèn đi khắp ao chuôm để tìm.

Trẻ con cũng thích leo lên cây rơm rồi hò hét hoặc từ trên đó nhảy xuống. Cũng có những thằng nghịch dại đốt cây rơm. Rơm khô lại đánh đống bắt lửa rất nhanh. Khi lửa bốc lên phía trên cao, gió thổi làm cho lửa cháy dữ dội. Lũ trẻ hoảng hốt la hét thất thanh. Lửa, khói, tàn tro cuồn cuộn bốc lên trời khiến nhìn từ xa người làng tưởng cháy nhà. Thế là từ ngoài đồng, ngoài chợ, người sông, người ta hốt hoảng chạy về, người cầm theo khau giai, mũ cối, người giật tạm lấy cái nồi, cái thau để múc nước. Ở làng đã thành lệ, khi có hỏa hoạn bất kể là nhà ai là cả làng tới dập cứu của cứu người. Ai không tới đó là kẻ không ra gì. Đến nơi thấy cây rơm cháy, nhiều người chửi lũ trẻ nghịch dại váng cả lên nhưng vẫn lao vào dập. Dập nhanh may ra cứu được ít rơm và ngăn lửa cháy lan vào nhà bếp, chuồng trâu chuồng bò. Cho đến năm 2000 làng tôi vẫn nghèo lắm, rất nhiều nhà vẫn còn lợp mái rạ. Nhà bếp nhà tôi ngày trước cũng lợp bằng mái rạ giống như chuồng lợn, chuồng trâu. Cứ mỗi năm, trước mùa mưa bố tôi lại phải thay rạ trên mái nhà một lần.

Trẻ con thích tha thẩn chơi ở ngoài cây rơm còn là vì ở đây có một thế giới sinh vật riêng. Bọn thằn lằn, bú sãi hay bú dách (tức thạch sùng) rồi rắn rết cũng thích làm tổ và đẻ trứng ở đây. Rất nhiều lần tôi nhặt được trứng của bọn chúng ở chỗ cây rơm. Có những quả đã già, tôi vừa cầm chơi trên tay thì nứt ra luôn những con non. Bọn chúng khỏe thật, vừa ra khỏi trứng đã chạy rất khỏe. Những quả nào còn non thì có lớp vỏ mềm đàn hồi như thể cao su. Ở chân cây rơm vào mùa mưa cũng thường mọc lên đủ thứ nấm. Có loại nấm trắng xám đỉnh như cái mũ gọi là nấm rơm. Có loại nấm tròn thu lu như hòn bi lớn, bóp vỡ lòng chúng tung ra như bã đậu nên chúng tôi gọi là nấm đậu. Đặc biệt có cả loại nấm mọc rất nhanh, thẳng đứng trên mặt đất có thân màu đỏ, đầu phía trên phớt hồng. Người làng tôi gọi loại nấm này là nấm… dái chó. Nghe bảo nấm này độc không ăn được. Lũ trẻ con chúng tôi thấy nấm này và nấm đậu là co chân đá thật lực.

Sau 20 năm tôi trở lại làng, những cây rơm, cây rạ hầu như biến mất. Thế mà những người săn ảnh quang cảnh nông thôn còn bảo làng Sấu của tôi vẫn là làng cổ thuần Việt. Đi khắp hang cùng ngõ hẻm họ vẫn chụp được cảnh cây rơm. Nhà tôi bây giờ thì không còn cây rơm nữa vì mẹ tôi vẫn làm ruộng nhưng chỉ làm một hai mảnh ở gần nhà. Nhà tôi cũng không nuôi trâu bò hay lợn nữa nên không còn tích rơm để đánh thành cây. Mỗi lần về quê tôi cũng lang thang khắp làng, ngoài đê và hiếm hoi mới nhìn thấy cây rơm. Kì lạ một điều là cho dù đã tìm kiếm có chủ đích, tôi cũng không thấy các loại nấm ngày xưa nữa. Cả nấm rơm, nấm dái chó, nấm đậu cũng không thấy nữa. Ngày xưa, không chỉ ở cây rạ, cây rơm, ngay cả triền đê sau những ngày mưa nấm đậm vẫn mọc trắng. Vậy mà bây giờ tôi chẳng thấy. Tôi nghĩ mãi mà chưa hiểu tại sao.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: