Trong lịch sử, Nguyễn Huệ được xem là người có tài, có hoài bão lớn, nhưng ông cũng nổi tiếng là tàn bạo, dân chúng cũng rất sợ quân Tây Sơn bởi chế độ tuyển quân và lao dịch hà khắc. Khi Nguyễn Huệ đánh bại chúa Trịnh, Triều đình nhà Lê ai cũng sợ oai của Nguyễn Huệ, duy chỉ có Trần Công Xán vẫn hiên ngang đối đầu mà không hề sợ hãi. Nguyễn Huệ muốn thu phục cũng không được nên đành phải giết đi.
Trần Công Xán là người làng Yên Vỹ, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là xã An Vỹ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1772 thời vua Lê Hiển Tông.
Sau khi đỗ tiến sĩ, Trần Công Xán vinh quy bái tổ về làng, cùng các vị chức sắc trong làng lập Văn chỉ để lớp con cháu sau này “uống nước nhớ nguồn” “tôn sư trọng đạo”.
Năm 1780, ông được cử đi sứ sang nhà Thanh, khi trở về được cử làm Ngự sử, tước Luyện Trạch hầu, đến năm 1785 thì thăng làm Tham tụng. Đến năm sau Trần Công Xán làm Hình bộ Thượng thư đồng Bình chương sự.
Khi Nguyễn Huệ đưa quân ra Thăng Long đánh chúa Trịnh, vua Lê tập hợp Triều đình đón tiếp Nguyễn Huệ, các quan thấy oai của Nguyễn Huệ thì đều lo sợ, duy chỉ có Trần Công Xán là giữ vững khí tiết một nhà Nho.
Khi nói về Bắc hà, Trần Công Xán đối đáp rất cứng cáp với Nguyễn Huệ mà không chút e sợ.
Năm 1787, Trần Công Xán vâng mệnh vua Lê dẫn đầu đoàn sứ bộ đến Phú Xuân điều đình với Nguyễn Huệ để chuộc lại vùng đất Nghệ An. Trước đây mặc dù tuyên bố không lấy đất này, nhưng quân Tây Sơn vẫn đóng chiếm Nghệ An.
Dọc đường, phó sứ Ngô Nho lo lắng quốc thư nói rõ ràng sẽ làm phật lòng Nguyễn Huệ, nên đề nghị sửa ý quốc thư lại một chút. Tuy nhiên Trần Công Xán gạt đi nói rằng:
“Chúng ta vâng mệnh đi sứ, mới ra ngoài cõi đã toan chữa quốc thư, mạo chúa, chẳng những mang tội với nhà vua, mà nếu bên địch biết chỗ đó là lừa dối, cũng sẽ không tha mình. Như vậy, tai vạ lại càng to, tiếng chê cười để lại nghìn thu. Bất nhược ta cứ minh bạch mà làm, còn thắng bại là tại trời”.
Nguyễn Huệ sau khi đọc quốc thư đã giận dữ ném xuống đất quát mắng.
Trần Công Xán nói rằng:
“Xưa đức Lê Thái Tổ dẹp yên quân Ngô, mở mang nước nhà, công đức như trời. Vua Thánh Tông tự mình làm nên thái bình, rạng danh đời trước, mở rộng về sau. Từ núi Thạch Bi ra Bắc, từ dãy Đại Lĩnh vào Nam, đều làm tôi làm dân, ai ai cũng phải tôn kính, trải qua hàng trăm năm.
Họ Mạc tiếm ngôi, cả nước đều giận. Đấng tiên vương hội họp những người cùng chí hướng, dựng lại họ Lê. Họ Trịnh nối theo cũng vì có công phò Lê, cho nên mới sai bảo được bốn phương, và được mọi người hưởng ứng. Từ mấy đời nay, chúa Trịnh tuy là hiếp chế vua Lê, nhưng chính sóc không đổi thay, chuông khánh vẫn ở đấy, thiên hạ vẫn là thiên hạ của nhà Lê.
Đại Vương ruổi xe một mạch, thẳng đến kinh thành, tuy rằng oai danh đã vang dậy khắp nơi, nhưng cũng do lấy nghĩa cả tôn phò, khiến người ta tin phục mới được như vậy. Nếu không, việc vào nước người ta, đâu có dễ dàng như thế.
Tiên đế thoạt thấy Đại Vương, tiếp đãi rất là long trọng. Trước ban sách mệnh làm tước công, rồi sau sẽ phong vương, đó là điển cũ của bản triều, không phải trả ơn không hậu, chớ nên thấy như thế mà cho là bạc.
Một nước đã trải hơn ba trăm năm, trời cao chứng giám, lòng người tôn sùng. Đại Vương đem cả cõi đất trả lại nguyên vẹn, là thể thuận ý trời, chiều lòng dân, chưa có thể lấy đấy làm ơn.
Tiên đế mất đi, Hoàng thượng nối ngôi, mọi việc đều bẩm trước với Đại Vương. Đại Vương không làm chủ thì ai làm chủ nữa. Lý đã đến thế, đừng cũng chẳng được. Tôi không dám khen ngợi để dâng lời ton hót”.
Thấy Nguyễn Huệ nói đây là đất giao tranh mà được, Trần Công Xán nói rằng:
“Vua của Đại Vương nói đất nhà của Lê một tấc cũng không lấy, nay Nghệ An là đất cũ của hoàng triều từ lâu đời trước, có xin lại sao bảo là giao tranh?”.
Nguyễn Huệ thấy rất khó nói, liền chuyển sang tìm cách dụ dỗ Trần Công Xán theo mình nhưng không được, vì thế mà tức giận giam ông lại. Ông viết lên tường câu đối:
Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi nguyện học
Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã hà vưu
Nghĩa là:
Đức thường có ba điều, nếu chưa đủ, xin học
Lòng mọn không hai, làm theo ý mình, còn oán hận gì
Quân Tây Sơn thấy vậy liền tâu lên Nguyễn Huệ nên giết đi, nhưng Nguyễn Huệ muốn thu dụng nên đưa 2 quan văn là Trần Văn Kỷ và Võ Văn Trụ đến thuyết phục. Trần Công Xán nói với họ rằng: “Tôi từng nghe kẻ bề tôi nguyện chết, sự ấy xưa nay đều vẫn thế, ngoài ra, không dám nghe điều gì khác”.
Không thu phục được, Nguyễn Huệ muốn giết đi, nhưng e mang tiếng xấu, liền sai đô đốc Võ Văn Nguyệt sắp đặt thuyền đưa đoàn sứ về bắc. Khi thuyền ra biển thì Nguyệt sai người đục thuyền khiến Trần Công Xán và đoàn sứ bộ đều bị chết. Sau đó phao tin là “thuyền gặp gió bão nên chìm” (Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, chính biên, quyển 47).
Thương tiếc Trần Công Xán, dân chúng đã lập nhà thờ ông ở quê nhà. Hiện nay nhà thờ ông vẫn lưu giữ các di vật như: Bài vịnh tiến sĩ Trần Công Xán viết bằng chữ Hán thời vua Tự Đức, hoành phi, câu đối và bản sắc phong thời nhà Nguyễn phong cho ông là “Quang ỷ Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần”.
Sự can đảm của Trần Công Xán được lưu truyền mãi dưới thời nhà Nguyễn. Vua Dực Tông trong “Việt sử tổng vịnh” có bài thơ rằng:
Đầu thư hổ huyện khởi thân ưu
Hồi thủ đinh ninh dự bị mưu
Kháng biện lô đình từ lý chính
Tử trung nguyên bắt đãi trầm chu
Dịch:
Hang cọp dâng thư há quản mình
Dặn ai, còn vẳng tiếng đinh ninh
Lời hay, ý cứng khi tranh luận
Chẳng đợi dìm thuyền chết cũng vinh.
Trần Hưng
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…