Lịch sử khoa bảng Việt Nam từ năm 1075 đến 1919 giúp tìm chọn ra được rất nhiều bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, trở thành những trụ cột gánh vác vào những thời điểm khó khăn nhất, những câu chuyện về họ đều được ghi chép trong lịch sử và dân gian lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Thời nhà Lê, Nho giáo trở thành độc tôn và phát triển cực thịnh dưới thời vua Lê Thánh Tông. Được lịch sử đánh giá là vị minh quân, vua Lê Thánh Tông dùng hiền tài làm nền tảng để xây dựng đất nước, thời kỳ Hồng Đức được đánh giá là thời kỳ thịnh trị bậc nhất trong sử Việt.
Các bậc hiền tài đều được tuyển chọn qua các kỳ thi khoa bảng, vì thế mà thời kỳ này khoa bảng phát triển mạnh, trở thành hình mẫu cho các thời kỳ sau.
Khoa thi năm 1463, Tam khôi đều là những bậc hiền tài nổi tiếng trong lịch sử, đều là những thần đồng hay chữ từ nhỏ. Vua Lê Thánh Tông cho làm 3 lá cờ tặng mỗi người trong Tam khôi một lá, trong lá cờ thêu 4 câu như sau:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh,
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,
Thám hoa Quách Đình Bảo,
Thiên hạ cộng tri danh.
Khoa thi năm 1472 ghi dấu ấn trong lịch sử khoa bảng, bài Văn sách của Trạng nguyên Vũ Kiệt được xem là kiệt tác chống tham nhũng. Trong đó có đoạn:
Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân được… Thần thấy trong Kinh lễ có câu “đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính” là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo.
Vua Lê Thánh Tông tham khảo phép trị quốc này của Vũ Kiệt nhằm bổ sung cho Bộ luật Hồng Đức, tăng thêm sức mạnh chống tham nhũng cho Bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to nhất đầu triều xuống đến địa phương. Từ đó mà nạn tham nhũng dần được quét sạch. Bài Văn sách của Vũ Kiệt trở thành kinh điển, các sĩ tử đời đời sau này đều xem là hình mẫu học hỏi.
Năm 1484, Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo tâu với Vua nên dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm khuyến học, tìm được hiền tài trong nước. Vua chuẩn tấu cho dựng bia tiến sĩ ghi lại họ tên, thứ bậc những người thi đậu bắt đầu từ khoa thi đầu tiên của nhà Lê năm 1442.
Người được giao soạn văn bia cho khoa thi đầu tiên năm 1442 chính là Thân Nhân Trung, ông thi đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1469. Thân Nhân Trung đã soạn văn bia có đoạn:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”
Thời đấy cứ xẩm tối là làng nào cũng râm ran tiếng trẻ đọc sách Thánh Hiền. Nhiều dòng họ khoa bảng là truyền từ đời này đến đời khác, chữ Thánh Hiền được đến từng nhà, người người đều học chữ Nho, lính hầu, ăn xin cũng thành tiến sĩ.
Đỗ Toàn An chỉ là anh lính hầu dọn cỏ, nhưng biết làm thơ, Vua động viên khuyên nhủ nên về quê ăn học, lại cho hưởng cả tiền lương. Khoa thi năm 1472 Đỗ Toàn An đỗ cao thứ hai tức Bảng Nhãn.
Bùi Xương Trạch là anh lính cắt cỏ cho ngựa ăn, nhưng biết làm thơ, Vua cũng động viên về quê học hành. Khoa thi năm 1478 Bùi Xương Trạch đỗ tiến sĩ, làm quan giữ các vị trí trọng yếu qua 6 đời Vua.
Khoa thi năm 1484 Vũ Dương xuất thân từ tầng lớp ăn xin thi đỗ tiến sĩ, làm quan trụ cột trong Triều đình.
Khoa thi năm 1499 là khoa thi độc nhất trong lịch sử khi có 2 bài Văn sách của 2 sĩ tử là Đỗ Lý Khiêm và Lương Đắc Bằng đều làm hay như nhau, khiến không thể phân ai đỗ đầu Trạng nguyên.
Triều đình phải cho 2 người làm thêm bài ứng chế, nhưng cả hai bài đều hay như nhau. Vì thế mà cuộc thi vẫn kéo dài. Nhận thấy Lương Đắc Bằng là người có tài nên Đỗ Lý Khiêm quyết định làm bài qua loa để nhường ngôi Trạng nguyên, Triều đình cũng đỡ phải vất vả kéo dài cuộc thi.
Lương Đắc Bằng biết chuyện thì cảm động, hổ thẹn vì thấy tâm đức không bằng Đỗ Lý Khiêm nên muốn nhường ngôi Trạng nguyên cho Đỗ Lý Khiêm. Cuộc thi đã ngừng lại khi cả 2 sĩ tử đều không thi nữa và nhường ngôi Trạng nguyên cho nhau.
Cuối cùng các quan liền nghĩ ra một cách là vẽ vòng tròn trên sân rồng rồi cho 2 người tung quyển thi vào, quyển thi của ai gần tâm vòng tròn hơn sẽ là Trạng nguyên.
Kết quả quyển thi của Đỗ Lý Khiêm nằm trong vòng tròn, còn quyển thi của Lương Đắc Bằng nằm ngoài vòng tròn. Thế là Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ thứ hai tức Bảng nhãn.
Năm 1504 vua Lê Uy Mục lên ngôi, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận. Nhiều quan không theo Lê Uy Mục, đón Giản tu công Lê Dinh lên ngôi Vua, trong đó có Lương Đắc Bằng. Năm 1509 Lương Đắc Bằng soạn hịch kể tội Lê Uy Mục. Nhờ sự giúp đỡ của các quan lại trong Triều, Giản tu công Lê Dinh lên ngôi Vua, hiệu là Lê Tương Dực.
Nhận thấy nhà Lê đã qua giai đoạn cực thịnh và đang trên đà suy vi, Lương Đắc Bằng liền dâng 14 kế sách gọi là “trị bình” mong Vua áp dụng để trị quốc. Tuy nhiên Lương Đắc Bằng sau đó nhận thấy Vua nghe theo, nên cáo quan về quê dạy học. Vua Lê không thực hiện kế sách của Lương Đắc Bằng, kết quả nhà Lê ngày càng suy yếu và bị rơi vào tay nhà Mạc.
Lương Đắc Bằng về quê dạy học, không chỉ dạy chữ nghĩa mà còn dạy cả đạo lý, trò giỏi nhất của ông là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm được Lương Đắc Bằng truyền thụ mà thông tỏ lý số, giỏi về Thái ất và Tử vi.
Lúc này nhà Lê đến hồi suy bại nên qua 9 khoa thi mà Nguyễn Bỉnh Khiêm không dự, vì biết đỗ đạt cũng chẳng giúp được gì cho Giang Sơn Xã Tắc. Đến thời nhà Mạc 2 khoa thi đầu ông cũng không ra dự thi.
Phải đến thời Mạc Thái Tông năm 1535 thì Nguyễn Bỉnh Khiêm mới dự thi và đỗ ngay Trạng nguyên khi đã 45 tuổi (dân gian quen gọi là Trạng Trình). Mạc Thái Tông quả là vị Vua anh minh, Nguyễn Bỉnh Kiêm nhờ đó đã đem tài năng của mình giúp nước.
Đến khi Mạc Thái Tông mất, nhà mạc ngày càng suy, quyền thần lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ lên Vua đề nghị trị tội 18 lộng thần, Vua còn nhỏ bị chi phối nên không nghe theo. Biết không thể làm gì giúp nước, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về quê vào năm 1542.
Tuy không làm quan, nhưng sau đó vận nước biến động liên tục, Nguyễn Bỉnh Khiêm dù ở quê nhà nhưng lại là người ảnh hưởng quyết định thế cuộc lúc đó.
Khi vận nước rối bời, vua Mạc Mậu Hợp đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về thế cuộc, Trạng Trình đã đáp rằng ngày có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời. 7 năm sau vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long, nhớ lời dặn cụ Trạng liền về đất Cao Bằng, quả nhiên giữ thêm được 96 năm nữa.
Khi Nguyễn Hoàng lo lắng bị chúa Trịnh sát hại bèn hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Trình không trả lời chỉ nói rằng:
“Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Nghĩa là Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời.
Nguyễn Hoàng liền đến phía nam dãy Hoàng Sơn chính là vùng đất Thuận Hóa, xây dựng cát cứ lập ra nhà Nguyễn sau này. Với cuộc di dân lịch sử nhà Nguyễn mở rộng biên giới xuống phương nam từ Quảng Nam đến tận Cà Mau như ngày nay, mà công đầu phải kể đến Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khi vua Lê Trung Tông mất, Trịnh Kiểm muốn nhân cơ hội này muốn chiếm ngôi Vua của nhà Lê, bèn hỏi ý kiến Phùng Khắc Khoan, nhưng ông cũng không biết nên làm thế nào bèn phái người bí mật hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rằng “Năm nay thóc giống không tốt, nên tìm thóc cũ mà gieo mạ”, “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”. Phùng Khắc Khoan hiểu ý, nói với chúa Trịnh rằng phải thờ vua Lê thì mới được lâu dài.
Sau này con cháu nhà Trịnh nhiều người muốn cướp ngôi nhà Lê, tìm đến Nguyễn Bỉnh Khiêm thì ông đều nói rằng “Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong” khiến chúa Trịnh không dám cướp ngôi vua Lê. Đến đời vua cuối cùng của nhà Lê là Lê Chiêu Thống mất ngôi thì nhà Trịnh cũng bị diệt.
Dù từ quan ở quê nhà nhưng Trạng Trình lại là người quyết định cuộc cờ của các thế lực Vua Chúa lúc bấy giờ.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…