Vài dấu ấn của các bậc hiền tài khoa bảng theo dòng lịch sử (P1)
- Trần Hưng
- •
Lịch sử khoa bảng Việt Nam từ năm 1075 đến 1919 giúp tìm chọn ra được rất nhiều bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, trở thành những trụ cột gánh vác vào những thời điểm khó khăn nhất, những câu chuyện về họ đều được ghi chép trong lịch sử và dân gian lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Lịch sử nước ta đến thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, đất nước dù giành được độc lập, nhưng các Triều đại tồn tại rất ngắn ngủi mà không được ổn định lâu dài, vì thế mà chưa có điều kiện phát triển giáo dục. Đến thời nhà Lý, với việc dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, Triều đại ổn định và lâu dài hơn, vì thế mà chú ý đến phát triển giáo dục.
Nhân tài nhà Lý giúp đòi lại đất đai bị mất
Thời kỳ nhà Lý, Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo đều phát triển. Nhưng nhà Lý xem trọng Phật giáo, dùng Phật Pháp làm nền tảng để ổn định Xã Tắc, đồng thời chú ý các kỳ thi Nho học để chọn người tài giúp nước.
Năm 1075 thời vua Lý Nhân Tông, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa bảng nước nhà gọi là kỳ thi “Tam trường” hay “Minh kinh bác học”. Tuy nhiên cách thức thi cử tuyển chọn thì giống hệt như các kỳ thi khoa bảng sau này, vì thế mà người đỗ thủ khoa là Lê Văn Thịnh được xem là Trạng nguyên đầu tiên dù khi đó chưa có tên gọi Trạng nguyên.
Năm 1077, nhà Tống đem quân tấn công Đại Việt nhưng thất bại, buộc phải ký nghị hòa. Theo bản nghị hòa thì quân Tống rút toàn bộ về nước, thế nhưng đến Cao Bằng thì quân Tống không rút mà chiếm luôn 6 Châu và 3 Động. Lý do nhà Tống đưa ra là các vùng đất này đã được các Tù trưởng trước đó đầu hàng và nhượng lại cho nhà Tống rồi.
Triều đình nhà Lý nỗ lực dùng ngoại giao đòi lại, nhưng nhà Tống cương quyết không trả lại vùng đất này. Lý Thường Kiệt nhận định nếu dùng vũ lực thì có thể lấy lại được, nhưng sẽ bị hao tổn nhân mạng quân sĩ, đồng thời nhà Tống không phục sẽ lại cho quân tiến sang đánh để đòi lại dẫn đến chiến tranh liên miên. Vì thế ông quyết định tiếp tục kiên trì dùng ngoại giao để đòi lại.
Người đỗ thủ khoa kỳ thi khoa bảng đầu tiên là Lê Văn Thịnh được giao trọng trách nặng nề này. Khi nhà Tống nêu lý do các Tủ trưởng cai quản đất này đã đầu hàng dâng đất cho nhà Tống, Lê Văn Thịnh đã đáp rằng:
“Đất thì có chủ. Các viên quan coi giữ mang nộp mà trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ.
Việc chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không thể tha thứ, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sách sổ nhà Vua (chỉ vua Tống)!”.
Nhà Tống sau cùng đuối lý phải trả lại toàn bộ vùng đất này cho Đại Việt.
Với chiến công này, năm 1085 Lê Văn Thịnh được phong làm Thái Sư tức quan đầu triều.
Lê Văn Thịnh tiếp tục tổ chức các kỳ thi “Minh Kinh bác học” tuyển chọn được nhiều hiền tài phụng sự cho Xã Tắc, các thủ khoa đều là những bậc hiền tài như: Mạc Hiển Tích với “toán học âm dương”, Nguyễn Quán Quang với thuyết “dân chúng hiền minh”…
Trạng nguyên Tam nguyên đầu tiên
Đến thời nhà Trần thì nối tiếp khoa bảng như thời nhà Lý. Khoa thi năm 1246, lần đầu tiên danh hiệu Tam khôi (gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) mới được công nhận. Người đầu tiên đạt danh hiệu Trạng nguyên là Nguyễn Quán Quang người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Nguyễn Quán Quang nhà rất nghèo, vì thế dù ham học cậu bé cũng chỉ có thể đứng ngoài cửa lớp nghe thầy giảng rồi dùng gạch non viết xuống sân.
Một lần thầy đồ tình cờ nhìn thấy chữ viết trên sân thẳng nét rõ ràng thì tò mò không biết ai viết. Khi biết đó là cậu bé học lỏm ngoài lớp thì kinh ngạc nói rằng “đây mới chính là trò giỏi”. Rồi thầy cho gọi Quán Quang vào lớp và thu nhận làm học trò.
Khoa thi năm 1246, Nguyễn Quán Quang tham dự khoa thi, đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên, thi Hội cũng lại đỗ đầu tức Hội nguyên, vào đến thi Đình cũng lại đỗ đầu tức Trạng nguyên.
Vì thế không chỉ là người đầu tiên đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Quán Quang còn giúp khai sinh ra tên gọi mới là “Tam nguyên” dành cho người đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, dành hiệu này còn khó đạt hơn cả Trạng nguyên. Ông cũng là Trạng nguyên Tam nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng.
Khoa thi lập lỷ lục Tam khôi nhỏ tuổi nhất
Khoa thi năm 1247 đánh dấu kỷ lục là khoa thi có danh hiệu Tam khôi trẻ nhất trong lịch sử. Trạng nguyên Nguyễn Hiền và Thám hoa Đặng Ma La năm ấy chỉ mới 13 tuổi, còn Bảng nhãn Lê Văn Hưu cũng mới 17 tuổi.
Nhà Vua ngạc nhiên vì Trạng nguyên và Thám hoa dù còn rất nhỏ nhưng bài làm thì rất xuất sắc, vượt xa các sĩ tử khác, bèn hỏi tân Trạng nguyên và tân Thám hoa nhờ đâu mà đang ít tuổi thế kia lại đỗ cao.
Nguyễn Hiền nhanh nhảu đáp rằng: “Muôn tâu, sinh nhi dĩ tri” (nghĩa là sinh ra đã biết). Nguyên lời của Khổng Tử là: “Sinh nhi tri chi giả thượng dã” nghĩa làsinh ra mà đã biết ấy là người ở bậc cao.
Đợi Nguyễn Hiền trả lời xong, Đặng Ma La mới đáp rằng: “Muôn tâu, đắc ư sư truyền” nghĩa là được như thế là nhờ có thầy truyền dạy.
Vua nghe xong liền cho rằng Nguyễn Hiền văn chương giỏi nhưng còn thiếu “lễ” nên cho về nhà 3 năm sau thì vào Triều. Đặng Ma La cũng trạc tuổi Nguyễn Hiền nên cho lễ rước vinh quy về làng, sau đó gọi ra Triều đình phong chức làm Thẩm hình viện sứ.
Còn Bảng Nhãn Lê Văn Hưu cũng là tài năng lúc bấy giờ , sau này thành nhà sử học nổi tiếng bậc nhất, tác giả cuốn “Đại Việt Sử ký”, cuốn quốc sử đầu tiên của Việt Nam.
Bang giao với nhà Nguyên
Khoa thi năm 1304, Mạc Đĩnh Chi vượt qua tất cả các sĩ tử khác đỗ Trạng nguyên. Trong hoàn cảnh mới đánh bại quân Nguyên, việc bang giao với nhà Nguyên rất phức tạp, sứ thần Đại Việt bị vua quan nhà Nguyên tìm cách nhắm vào nhằm hạ nhục quốc thể.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Mạc Đĩnh Chi 2 lần đi sứ, bằng tài năng của mình đã khiến quan lại nhà Nguyên phải khâm phục, nhiều câu chuyện vẫn được ghi chép trong lịch sử và lưu truyền trong dân gian.
Khoa thi năm 1374 xuất một bậc hiền tài mới, Đào Sư Tích đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình, trở thành Trạng nguyên Tam nguyên tài năng bậc nhất lịch sử.
Đào Sư Tích làm quan đến Nhập nội hành khiển kiêm Hữu ty lang trung, đứng đầu nội các, đối đầu với quyền thần là Thái sư Hồ Quý Ly.
Đào Sư Tích không sợ quyền thần, cùng các Nho sĩ nói rõ bản chất của Hồ Quý Ly cho Thượng hoàng Nghệ Tông, vì thế mà ông bị Hồ Quý ly khép tội “bất kính quốc vương” bị đi đày ở Quốc Oai.
Lúc này nhà Trần ngày càng suy yếu, nhà Minh luôn tìm cách thôn tính Đại Việt, yêu cầu nhà Trần phải cung cấp nhiều lương thực, cũng như nhân tài, sản vật quý hiếm, nhằm khiến nhà Trần không đáp ứng được để có cớ đem quân tiến đánh.
Triều đình không thể đáp ứng hết các yêu sách của nhà Minh nên cần có người tài đi sứ nhằm thương lượng. Hồ Quý Ly đành vỗ về để Đào Sư Tích đi sứ giúp Triều đình.
Đào Sư Tích vì Giang Sơn Xã Tắc nên đồng ý đi sứ, trước khi đi ông đã cẩn thận đổi họ con cháu sang họ Phạm nhằm tránh bị Hồ Quý Ly truy sát, rồi đi sứ sang nhà Minh.
Chuyến đi Sứ này Đào Sư Tích đã thuyết phục nhà Minh bỏ và giảm nhẹ nhiều lệ cống nạp hàng năm, trong đó bỏ hẳn được việc cống nạp tăng nhân, góp phần quan trọng kéo dài thời gian hòa hoãn cho Đại Việt.
Tài năng của Đào Sư Tích khiến triều đình nhà Minh cũng phải e ngại, Vua Minh quyết định giết chết Đào Sư Tích nhằm tránh hậu họa, cũng là bước để chuẩn bị xâm chiếm Đại Việt sau này. Trong dân gian lưu còn truyền lại câu chuyện về chuyến đi sứ này của ông.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng