Cung đình Huế thì lắm chuyện thâm cung bí sử, tin đồn rỉ tai, tam sao thất bổn nhiều hơn chính sử. Tôi đọc mấy sách loại này như đọc tiểu thuyết vì suy diễn nhiều hơn suy luận. Nhưng có một tác giả viết về chuyện cung đình khiến tôi phải… nể. Đó là ông Võ Hương An.

Cha ông Võ Hương An là thị vệ trải 2 đời vua Khải Định và Bảo Đại. Chức vụ cuối cùng là Nhất đẳng thị vệ. Thưở nhỏ ông Võ Hương An vẫn hóng chuyện cha ông nói chuyện với khách, thỉnh thoảng theo cha vào cung cấm. Chưa kể nghe mệ nội, mệ ngoại đi chợ về tán chuyện đàn bà cung cấm. Lớn lên, ông trao đổi trực tiếp với cha nhiều hơn về thời cha ông làm thị vệ. Thị vệ là chức quan theo sát nhà vua, truyền ý chỉ của vua. Không phải tất cả những gì cha nói, ông Võ Hương An đều tin ngay. Có những thông tin ông kiểm chứng và lật ngược lại. Cách làm việc khoa học của ông khiến bài viết có độ tin cậy cao.

Tôi và ông Võ Hương An biết nhau qua các bài báo của nhau. Tôi phục ông qua các bài viết về cung đình Huế với sự cẩn trọng. Ông biết tôi qua các bài an toàn thực phẩm đang ở báo online khoahocnet ở nước ngoài. Thỉnh thoảng mail qua mail lại, biếu sách lẫn nhau. Ông nói, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, môn Lý Hóa. Sau này tôi mới biết, ông còn có bằng Cao học Sử. Thảo nào!

Sau năm 1975, ông Võ Hương An phải đi tù cải tạo hơn 6 năm. Tôi thắc mắc, đi dạy Lý-Hóa, hay Sử đâu có gì mà phải bị 6 năm. Hỏi ra mới biết, ông là thanh tra của cơ quan Giám sát Viện Việt Nam Cộng hòa. Giám sát viện có quyền thanh tra, điều tra các chức vụ cao cấp nhất của Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp. Sau này định cư ở Mỹ, ông Võ Hương An viết tùy bút kể lại nhóm ông đã nấu mì Quảng thế nào trong tù. Khi sách “Ẩm thực ven đường – Huế” còn ở dạng bản thảo, ông đã đọc và góp nhiều ý kiến “đáng tiền” để tôi sửa lại. Tôi cũng đề cập tới tô mì Quảng thần thánh của ông trong sách.

Qua Mỹ, ông viết nhiều sách khảo cứu: Huế của một thời, Vua Khải Định – hình ảnh và sự kiện, Từ điển nhà Nguyễn, Lịch sử Đà Nẵng, Chân dung H.O,… Trong đó, tôi đánh giá cao nhất là “Huế của một thời”, và Vua Khải Định, vì không phải nhà sử học nào cũng có cơ may cọ xát với nhân chứng cung đình như ông.

Ông Võ Hương An tên thật là Võ Văn Dật, đã từng là giám học trường TH Hàm Nghi (Huế). Bà vợ ông cũng dạy Toán ở đây. Bạn tôi có đứa là học trò của hai ông bà. Năm nay ông Võ Hương An đã gần 90 tuổi. Đầu óc ông còn minh mẫn. Cầu chúc hai ông bà sức khỏe.

Vũ Thế Thành

*

Tôi trích một phần email phần nhận xét của ông Võ Hương An về “Ẩm thực ven đường – Huế”.

“… Nhận được sách rồi, xinh xắn, trang nhã. Cảm ơn tác giả và cũng cảm ơn Chuyển vận sứ Trần Viết Hiếu. Nay thì đọc xong hết rồi. Thành ngạc nhiên? Có chi lạ, đọc sách giấy thích hơn đọc trên màn ảnh laptop.

Đọc phần “cơm hến luận” “bánh khoái nước lèo luận” không khỏi cười một mình, nhớ chuyện xưa.

Cái món ăn dân dã đó ngó rứa mà mọc rể trong người Huế rất sâu. Nhớ hồi còn học trung học, ông anh rể ghé nhà thăm, kể chuyện “Cậu biết không, hôm qua, anh Tuân ở Sài Gòn ra, tới nhà, quăng cái valise cho mấy đưa nhỏ cất, xong ra trước hiệu sách, chấp-tay-sau-đít, đứng ngó tới ngó lui. Anh hỏi: Anh chờ ai rứa? “Chờ mụ bán cơm hến, thèm quá.” Một lát, có mụ cơm hến đi qua, kêu vô, làm luôn hai tô.” Phải biết “anh Tuân” này là ai mới thấy hay. Thành biết Nhà sách Khai Trí rồi chứ gì? Cách Khai Trí không bao xa là Nhà sách Lê Thanh Tuân. Ông Lê Thanh Tuân là chủ hiệu sách lớn và kỳ cựu ở Huế từ trước năm 1945, mở tại đường Phan Đăng Lưu ngày nay mà xưa kia gọi là đường Ngã Giữa, Gia Long rồi Phan Bội Châu. Ăn nên làm ra, ông vào Đà Nẵng và Sài Gòn mở rộng kinh doanh. Ông anh rể tôi là anh em chú bác ruột với ông Tuân.

Thành viết rất đúng: “Nước lèo đã cứu rỗi bánh khoái. Không có nước lèo, bánh khoái đi về đâu?” Nhớ lại, khoảng thập niên 1950, tại góc đường Lê Huân và Hòa Bình (nay Đặng Thái Thân) có một quán bánh khoái cũng đông thực khách. Như Thành đã biết, trong thành phần rau sống dành cho bánh khoái có trái vả xắt lát mỏng, tạo nên vị chát nhè nhẹ. Nhà cha mạ tôi là hàng xóm của tiệm bánh khoái này, là nguồn cung cấp trái vả hàng ngày cho quán. Một bữa chiều nọ, khoảng 4 giờ, Chị Dung bên quán xách rổ qua lấy thêm vả. Ngạc nhiên, mạ tôi hỏi “Ủa, bữa ni khách đông lắm à?” “Dạ không. Đông mô mà đông, chỉ có một thằng cha trung sĩ vô ăn. Hắn hỏi: bánh khoái mấy đồng một cái – 5 đồng. Rau sống nước lèo có tính tiền không? – Không. Rứa là hắn kêu có một cái bánh mà ăn sạch toàn bộ rau sống. Vì rứa mà phải lấy thêm vả để làm thêm rau sống cho khách tới sau.”

Trước 1945, có Thạch Lam viết về món ăn đường phố Hà Thành (Hà Nội 36 phố phường?); sau 1954, tại Miền Nam có Vũ Bằng viết món ăn Miền Nam (Món lạ Miền Nam?). Nay, sau 1975, có Vũ Thế Thành viết về ẩm thực Huế. Có cái lý thú là cả ba tác giả này đều là người Đàng Ngoài mà lại “chuyên trị” món ăn ba miền rất duyên, rất tới, làm người đọc đọc sách xong, không khỏi muốn thử một lần cho biết.”

Võ Hương An

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm:

Vũ Thế Thành

Published by
Vũ Thế Thành

Recent Posts

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

16 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

49 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

3 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

3 giờ ago