Khi tuyến tàu cao tốc Tsukuba Express khởi hành sớm hơn so với giờ quy định 20 giây, đích thân người quản lý hãng tàu đã đăng đàn xin lỗi các du khách.
Cách đây ít ngày truyền thông Nhật Bản chia sẻ câu chuyện về tuyến tàu cao tốc Tsukuba Express, nối giữa 2 địa danh là Tokyo và Tsukuba, đã chạy sớm hơn 20 giây so với giờ xuất phát. Vì điều này, hãng đã công khai xin lỗi các khách hàng mặc dù không có hành khách nào phàn nàn.
Trong thông báo tạ lỗi với khách hàng, đại diện tuyến tàu viết: “Đây là lỗi của chúng tôi vì đã không kiểm tra cẩn thận thời gian khởi hành và đã thực hiện chuyến đi sớm hơn so với thời gian quy định”.
Hãng tàu cũng đưa ra những bằng chứng chứng minh việc khởi hành sớm chuyến tàu đó nguy hiểm và đáng bị chê trách đến mức nào. Theo đó, việc kiểm soát giờ khởi hành và đường đi được thực hiện bởi hệ thống máy tính. Việc khởi hành sớm có thể ảnh hưởng xấu tới lộ trình của các tuyến tàu khác và có thể khiến nhiều hành khách lỡ chuyến trong giờ cao điểm.
Theo một thống kê của JR Central, mỗi năm công ty đường sắt của Nhật Bản đã để xảy ra việc chậm trễ trung bình là 0,9 phút/chuyến, bao gồm cả sự chậm trễ không kiểm soát được do thiên tai. Người đứng đầu ngành đường sắt theo thông lệ hàng năm sẽ công khai xin lỗi hành khách trên cả nước qua các phương tiện truyền thông.
>> Nhật Bản: Những điều giản dị thường ngày của một xã hội luôn nghĩ cho người khác trước
Tại Nhật Bản, quốc gia có nền văn hóa nghiêm khắc tại châu Á, “xin lỗi” không đơn thuần là việc nhận lỗi sai về mình mà còn là cách thể hiện trách nhiệm của bản thân với sai lầm đó.
Trong sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khi còn chưa tìm ra được nguyên nhân, giám đốc công ty điện lực Tokyo đã đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi. Lãnh đạo đơn vị này cúi đầu trước toàn thể người dân và phóng viên trong một buổi họp báo và thừa nhận họ đã đánh giá quá thấp mức độ thiệt hại có thể gây ra bởi trận động đất và sóng thần.
Năm 2011, tập thể lãnh đạo tập đoàn Sony đã đồng loạt cúi đầu xin lỗi khách hàng tại một buổi họp báo vì việc để cửa hàng online của họ bị hack dẫn đến làm chậm trễ việc truy cập của người sử dụng.
Cựu thủ tướng Nhật Bản Taro Aso từng đăng đàn xin lỗi và nhận trách nhiệm trước người dân vì hành vi ngủ gật của Bộ trưởng Tài chính nước này tại một cuộc họp báo ở hội nghị G7. Người đứng đầu quốc gia đã nhận ngay lỗi về mình bất chấp đó chỉ là một hành vi thiếu lịch sự của cấp dưới, một việc khá lạ lẫm ở các quốc gia khác.
Xuân Lan (t/h)
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…