Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine cho thấy uống cà phê có đường hoặc không đường mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc một loạt các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, do đó, giúp trì hoãn tử vong.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 171.616 người tham gia ở Anh tới 5 lần trong một năm về lối sống của họ, bao gồm cả thói quen uống cà phê. Sau đó, cứ trung bình 7 năm, các nhà khoa học sẽ khảo sát giấy chứng tử để xem những người nào đã qua đời.
Những người tham gia có độ tuổi từ 37 đến 73 và mọi người đều không mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư khi bắt đầu khảo sát.
Phó giáo sư Christina Wee tại Trường Y Harvard, đồng thời là phó tổng biên tập của tạp chí Annals of Internal Medicine, nói với tờ CNN rằng kết quả nghiên cứu cho thấy những người uống một lượng cà phê vừa phải (được định nghĩa là 1,5 đến 3,5 tách mỗi ngày), dù là cà phê đen đơn thuần hay được làm ngọt với một lượng đường nhỏ, có nguy cơ tử vong thấp hơn khoảng 30% so với những người không uống cà phê.
Bà nói thêm rằng những người uống cà phê không đường có nguy cơ tử vong thấp hơn từ 16% đến 29% so với những người không uống cà phê.
Phó giáo sư Wee không tham gia vào nghiên cứu trên, bà nhận xét rằng kết quả nghiên cứu được điều chỉnh căn cứ vào các yếu tố nhân khẩu học, cách sống và nhân tố lâm sàng, để loại bỏ ảnh hưởng của những yếu tố này. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã đặt câu hỏi liên quan đến mức độ hút thuốc, mức độ hoạt động thể chất, trình độ học vấn và thói quen ăn uống.
Bà thấy rằng sự điều chỉnh của các nhà nghiên cứu bị hạn chế vì họ không hỏi về các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như mức thu nhập và nghề nghiệp.
Mới đây, bác sĩ Janette Nesheisat, cộng tác viên y khoa của tờ Fox News cũng đã thảo luận về những phát hiện của nghiên cứu này trên chuyên mục “Fox & Friends Weekend”.
Bác sĩ Nesheisat nhận định rằng mọi người có thể mọi người “giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm” bằng cách uống cà phê. Thêm vào đó, bà chia sẻ: “khi bạn cảm thấy tốt hơn, bạn càng sống lâu hơn“.
Bà còn nói thêm: “Cà phê có hơn 1.000 thành phần hóa học”, bao gồm “chất chống oxy hóa và chất chống viêm”.
“Uống cà phê có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, và nó cũng có thể giúp chống lại bệnh ung thư và thậm chí cả bệnh Parkinson,” bà cho biết. Đây cũng là những lợi ích mà nghiên cứu đã tiết lộ.
Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng cà phê thậm chí có thể làm giảm “xu hướng” tự tử.
Bác sĩ Nesheisat cho biết: “Một tách cà phê có chứa khoảng 90-100 mg cafein và lượng tối đa hàng ngày nên là 400 mg.”
Đề cập đến lượng uống tối đa, bác sĩ Nesheisat chỉ ra rằng người uống cà phê cần quan tâm đến loại cà phê họ uống, phương pháp rang cà phê và quy trình pha cà phê. Nói chung, đừng uống quá liều cà phê, có nghĩa là bạn không nên nạp quá 400 miligam (mg) cafein mỗi ngày.
“Đối với một số người không uống được nhiều cà phê (nói một cách tương đối), họ có thể sẽ có thêm một chút lo lắng và một chút cảm giác tim đập rộn ràng,” bác sĩ Nesheisat nói.
Sữa nhạt có thể được thêm vào cà phê để tăng hương vị của cà phê. (Ảnh: Shutterstock)
Theo nghiên cứu, những người tham gia báo cáo rằng họ uống cà phê có đường thường và cho trung bình 1 thìa (cà phê) đường vào mỗi cốc cà phê. Phó giáo sư Christina Wee nói: “Nếu bạn chỉ thêm khoảng 1 thìa (cà phê) đường vào cà phê, tôi cho rằng lợi ích của cà phê cũng sẽ không vì 1 thìa đường này mà hoàn toàn mất đi.”
Còn bác sĩ Nesheisat cho rằng việc thêm chất tạo ngọt (chất thay thế đường không chứa năng lượng) vào cà phê không phải là một ý kiến hay. Bà nói, cà phê cũng có thể khiến một số người không ngủ được vào ban đêm.
Theo nghiên cứu mới, uống cà phê không chứa cafein mỗi ngày cũng sẽ có tác dụng gần như tương tự.
Ông Gunter Kuhnle, giáo sư dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại Đại học Reading, Anh, người không tham gia vào nghiên cứu kể trên, nói với tờ CNN rằng các loại cà phê khác nhau cũng có những tác động khác nhau đối với sức khỏe, tùy thuộc vào cách sản xuất cà phê.
Ông cho biết, một số loại cà phê có chứa các hợp chất phenolic tốt cho sức khỏe.
Những hợp chất này ảnh hưởng đến mùi vị và hương thơm của cà phê vì chúng hoạt động như chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm và chống lão hóa.
Theo CNN, trong 2 giống cà phê phổ biến nhất là Arabica và Robusta, nghiên cứu chỉ ra rằng Robusta có hàm lượng phenolic cao hơn Arabica.
Hạt cà phê xanh chưa rang có chứa nhiều hợp chất phenolic nhưng không có mùi thơm. Hạt cà phê sau khi rang lên sẽ rất thơm, nhưng tùy thuộc vào mức độ rang, một số hợp chất phenolic có thể bị phá vỡ.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…