Người từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010, cựu Quốc Vụ Khanh Canada khu vực châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour đã cùng luật sư nhân quyền David Matas tiến hành cuộc điều tra về việc mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc từ năm 2006. Cuộc điều tra này sau đó đã thu hút được sự quan tâm của quốc tế.
David Kilgour học ngành luật, sau khi tốt nghiệp ông làm Công tố viên, rồi làm Nghị viên Quốc hội Canada liên tiếp 7 kỳ, với tổng cộng 27 năm. Sau đó ông làm Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế, ông cũng là một thành viên quan trọng trong nội các chính phủ Canada.
Do cả đời ông quan tâm tới nhân quyền nên từ năm 2006, ông đã chủ trì cuộc điều tra về mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công đang diễn ra tại Trung Quốc cùng luật sư nhân quyền David Matas. Cũng trong năm 2006, bản báo cáo điều tra đã được công bố, năm 2009 bản cập nhật được phát hành, năm 2016 bản cập nhật lần thứ 3 được phát hành.
Gần đây, khi được người dẫn chương trình Phương Vĩ của Đài phát thanh hy vọng (SOH) phỏng vấn, ông đã kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, nguyên do vì sao ông đến với cuộc điều tra này và những gì ông đã trải qua.
Phương Vĩ: Là một luật sư và chính trị gia, ông có rất nhiều hướng để lựa chọn, vậy tại sao ông lại chọn công việc liên quan tới nhân quyền ?
David Kilgour: Vấn đề này, thông thường người ta cho rằng công tố viên là những người cứng rắn, sắt đá, chỉ nhăm nhăm định tội bị cáo. Nhưng mà ở Canada, công tố viên chúng tôi không như vậy, chúng tôi cần phải bảo vệ chính nghĩa. Nếu như trong quá trình xử án, người này không có tội thì chúng tôi sẽ lập tức đứng lên nói với quan tòa, tôi không đi tiếp nữa. Rất nhiều người cho rằng, chỉ có luật sư biện hộ mới bảo vệ nhân quyền, nhưng không nhất định như vậy. Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều việc, khi tôi thấy một người bị bức hại chính trị và bị định tội, tôi thật sự ngao ngán trong lòng.
Phương Vĩ: Ai là người ảnh hưởng lớn nhất tới sự trưởng thành của ông?
David Kilgour: Mẹ tôi là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi. Bà từng nói với tôi rằng, thế giới này có hai loại người, một loại gọi là “sucker”, tức là kẻ ngốc; loại nữa gọi là “ducker”, tức là kẻ đào ngũ, kẻ gặp phải khó khăn liền chạy trốn. Bà nói, khi đối mặt với gian nan, khi tình thế trở nên vô cùng khó khăn, kẻ đào ngũ sẽ bỏ chạy, nhưng kẻ ngốc sẽ kiên trì ở đó, và tiến về phía trước không sợ khó khăn. Do đó mẹ tôi dặn tôi, hãy nhớ, con phải luôn luôn làm kẻ ngốc, đừng làm kẻ đào ngũ.
Phương Vĩ: Thế còn cha ông có ảnh hưởng thế nào tới ông?
David Kilgour: Tôi rất ngưỡng mộ cha mình. Ông nội và ông cố tôi đều là công tố viên, nhưng cha tôi thì không, ông là một thương nhân. Mỗi lần tôi phấn khích nói chuyện gì đó với cha, tôi liền hỏi: “Cha đã từng nói quá sự thực bao giờ chưa?” Ông liền trả lời, không được nói khoác. Do đó, từ năm 15 tuổi, tôi bắt đầu học được điều này. Cha tôi cũng dạy cho tôi rất nhiều những chuẩn tắc của cuộc sống, trong đó tôi nhớ rõ nhất đó chính là không được nói khoác, do đó tôi rất cẩn thận với sự thực.
Phương Vĩ: Là một nhà chính trị, một luật sư người Canada, từ khi nào ông có cảm hứng với Trung Quốc?
David Kilgour: Điều này rất thú vị, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Trung Quốc đó là khi tôi du học ở Pari từ năm 1969 đến năm 1970. Lúc đó tôi tìm thấy một cuốn sách, chính là cuốn sách Hồng Bảo Thư của Mao Trạch Đông, bìa cuốn sách chính là ảnh ông Mao Trạch Đông đang quan sát Trường Giang, khi đó tôi cảm giác người này chắc là rất tốt, nhìn ông ấy dường như con giun cũng chẳng muốn giết chết. Bây giờ anh có thể nói tôi đúng là đồ ngốc, nhưng đối với tôi mà nói, đến khi tôi đọc nhiều thứ hơn, bắt đầu nói chuyện với những người đến từ Trung Quốc và hiểu họ, tôi mới biết Hồng Bảo Thư chính là cuốn sách tuyên truyền chính trị, mọi thứ nói trong đó đều nói rất hay, nhưng bản thân ông ta lại không dùng.
Về sau khi tôi đến Trung Quốc, tôi làm Quốc vụ khanh khu vực châu Á Thái Bình Dương, lúc đó không có cách nào để bình luận về vấn đề nhân quyền Trung Quốc, bởi vì tôi là quan chức Canada, nếu tôi nói về vấn đề nhân quyền thì sẽ mạo phạm đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Giờ tôi cảm thấy thật xấu hổ, sao lúc đó tôi không dám nói gì chứ, về góc độ cá nhân tôi có thể nói chứ? Nhưng tôi lại không nói, chỉ nhắc đến một chút xíu. Lúc đó tôi cũng biết đến Pháp Luân Công bị đàn áp. Năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, năm 2002, 2003 tôi làm Quốc vụ khanh Canada phụ trạch khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy vô cùng day dứt, tại sao lúc đó tôi lại không lên tiếng!
Phương Vĩ: Sao ông lại tiếp xúc với người tập Pháp Luân Công?
David Kilgour: Khi đó tôi là Nghị viên Quốc hội và quan chức của chính phủ Canada, do đó người tập Pháp Luân Công lấy thân phận công dân đến gặp tôi, họ kể cho tôi những sự việc về Pháp Luân Công. Lúc họ kể tôi đều chăm chú lắng nghe và ghi chép, sau đó tôi liền hiểu rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra.
Phương Vĩ: Sao ông lại tin những lời họ nói?
David Kilgour: Căn cứ vào phán đoán của tôi về những người đó. Họ là những người thành thật, họ đến chỗ tôi không phải vì bản thân họ, mà là vì những người tập Pháp Luân Công khác tại Trung Quốc đang bị bức hại. Tôi là một công tố viên, nên tôi có con mắt quan sát. Trên cơ bản, tôi có thể biết được một người đang nói thật hay đang nói dối. Tôi biết những người tập Pháp Luân Công này nói thật, nhưng lúc đó trong tay tôi lại không có chứng cứ nào.
Phương Vĩ: Họ nói với ông những gì?
David Kilgour: Họ nói người nhà họ bị bức hại, bị bắt, và không có tin tức gì nữa.
Phương Vĩ: Ông đã bắt đầu điều tra về việc người tập Pháp Luân Công bị mổ cướp nội tạng từ khi nào?
David Kilgour: Tìm đến tôi đầu tiên đó là Tổ chức Thế giới Điều tra bức hại Pháp Luân Công. Về sau tôi mới biết là có người ở Quốc hội Mỹ nói với họ, họ muốn lấy được báo cáo điều tra thì phải đi tìm người thứ 3 độc lập. Chính vì nguyên nhân này, họ đã đến tìm tôi và luật sư nhân quyền David Matas, và chúng tôi đã nhận lời thỉnh cẩu của họ.
Phương Vĩ: Sao ông lại nhận lời thỉnh cầu này của họ?
David Kilgour: Ông Matas là người Do Thái, nên ông rất hiểu sự việc người Do Thái bị sát hại. Khi đó chúng tôi nghĩ, sao lại không chứ? Và chúng tôi bắt đầu điều tra về nguồn gốc nội tạng của Trung Quốc. Sau đó chúng tôi tìm được 32 chứng cứ khác nhau để chứng minh việc mổ cướp nội tạng thực sự tồn tại.
Phương Vĩ: Lúc ông mới bắt đầu điều tra, phải chăng ông đã có hướng đi rồi, ông cảm thấy sự việc này là có thực hay là không tồn tại?
David Kilgour: Không có, lúc chúng tôi bắt đầu cuộc điều tra thì hoàn toàn không có kết luận. Tức là chứng cứ dẫn chúng tôi đến chỗ như thế nào thì chúng tôi sẽ đưa ra kết luận như thế. Bởi vì đó là luận chứng đặc biệt trên góc độ pháp luật, chúng tôi không có cách nào đích thân đi Trung Quốc điều tra, nên chúng tôi dùng những bằng chứng gián tiếp để làm. Nghĩa là, cùng với việc đi sâu vào điều tra của chúng tôi, nếu như việc mổ cướp nội tạng trên quy mô lớn thế này thực sự không tồn tại, thì hậu quả sẽ thế nào; nếu như có tồn tại thì hậu quả sẽ ra sao. Còn về kết luận, trước đó đều không có, còn sau đó những chứng cứ tương ứng cũng dần dần giúp chúng tôi đưa ra kết luận. Cuối cùng chúng tôi có kết luận: Việc mổ cướp nội tạng trên quy mô lớn thực sự có tồn tại.
Phương Vĩ: Ông đã tiến hành điều tra 10 năm về mổ cướp nội tạng, trong 10 năm theo đuổi việc này, là một chuyên gia trong lĩnh vực này, sự thật ông điều tra ra rốt cuộc là gì?
David Kilgour: Những người Trung Quốc có tiền họ cần nội tạng để ghép, còn có người nước ngoài nữa, giống như người Mỹ và người Canada, họ đều có những chuyến du lịch ghép tạng. Bây giờ chúng tôi biết được toàn bộ sự việc này vận hành như thế nào. Ví dụ như anh ở San Francisco hay ở Ottawa, anh cần tạng để ghép và anh bỏ ra rất rất nhiều tiền, sau đó có người sắp xếp cho anh đến Thượng Hải, trú tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Thượng Hải, ở đó họ sẽ xét nghiệm máu cho anh. Xét nghiệm xong, họ sẽ đưa thông tin của anh lên máy tính để đối chiếu kho dữ liệu và tìm nguồn tạng phù hợp.
Chúng tôi biết rằng tìm được nguồn tạng phù hợp không hề dễ dàng, có khi tỷ lệ là 1/10 thậm chí 1/100 mới tìm được nguồn tạng phù hợp. Tìm được người có tạng phù hợp rồi, nhưng người này ở đâu đây? Ví dụ ở doanh trại số 250 hay trại tập trung số 250, ở những nơi như thế có thể tìm được người đáng thương như vậy, và người đáng thương này có thể là người tập Pháp Luân Công. Chúng tôi đã từng nói chuyện với rất nhiều người từng trốn thoát khỏi những trại tập trung như thế. Họ nói ở trong đó họ cũng bị xét nghiệm máu. Khi đó những người phạm nhân khác nói các bác sĩ sao lại quan tâm đến người tập Pháp Luân Công đến thế, thường hay xét nghiệm máu cho họ. Thực ra không phải là quan tâm, cũng không phải là điều trị bệnh, mà là tìm nhóm máu phù hợp với người ghép tạng.
Chúng tôi đã làm cuộc điều tra với Anne – vợ một bác sỹ tại bệnh viện Tô Gia Đồn ở thành Phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Anne nói chồng bà là bác sĩ tại bệnh viện Tô Gia Đồn. Trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2003, chồng bà đã tiến hành hơn 2000 ca phẫu thuật ghép giác mạc, những giác mạc này được lấy từ người tập Pháp Luân Công. Đương nhiên sẽ có người nói, ông làm sao biết được những lời chồng bà ấy nói là thật? Ông đã từng nói chuyện với chồng bà ấy bao giờ chưa? Sau này chồng bà đã chạy trốn sang Canada, nhưng ông ấy không muốn gặp chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất lâu với bà Anne và đã điều tra rất kỹ lưỡng, có hôm chúng tôi ở bên bà hơn 8 tiếng đồng hồ, hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần, và còn ghi chép lại những lời của bà ấy nữa.
Năm ngoái tôi đã đăng bản cập nhật của báo cáo điều tra, bản báo cáo này dày tới 700 trang giấy, với 2000 nguồn tin tức. Chúng tôi đã điều tra khắp tất cả các bệnh viện tại Trung Quốc, số giường bệnh, cũng như tất cả các thông tin liên quan. Kết luận của chúng tôi đưa ra, mỗi năm có 50.000 ca ghép tạng, đây là con số tương đối, thực tế là từ 50.000 đến 200.000 ca. Mỗi năm có hàng bao nhiêu ca ghép tạng như vậy nhưng nguồn tạng lại không rõ ràng.
Phương Vĩ: Nhiều công việc phải làm như thế, nhiều cuộc điều tra như thế, tốn biết bao nhiêu tiền bạc và công sức, vậy nguồn kinh phí của các ông là từ đâu?
David Kilgour: Nhiều người đã hỏi tôi vấn đề này. Tôi và Matas làm việc, không có ai cho chúng tôi một đồng nào. Pháp Luân Công cũng không cho tôi một đồng nào. Chúng tôi không phải là người đi lấy tiền của người khác, không phải là luật sư làm việc cho khách hàng, chúng tôi không có khách hàng, do đó chúng tôi điều tra gì và không điều tra gì, cũng không có ai bảo chúng tôi cả. Tự chúng tôi quyết định nên điều tra gì thì điều tra thôi.
Gần đây có một hội nghị về buôn lậu nội tạng tổ chức tại Vatican, chúng tôi muốn tham gia hội nghị này để đưa ra báo cáo điều tra của chúng tôi, nhưng họ lại không cho chúng tôi tham gia. Tuy nhiên, điều chúng tôi thấy tự hào đó là gì? Vốn dĩ Giáo hoàng cũng muốn đến tham gia hội nghị đó, nhưng về sau lại không đi. Tôi nghĩ có lẽ do ảnh hưởng của chúng tôi nên Giáo hoàng đã lựa chọn không tham gia hội nghị.
Phương Vĩ: Các ông cho Giáo hoàng biết về việc mổ cướp nội tạng này chưa?
David Kilgour: Chúng tôi đã cố hết sức để liên lạc với ngài ấy, chúng tôi chưa gặp mặt ngài ấy, nhưng có thể ngài ấy đã đọc những tài liệu chúng tôi gửi. Anh biết đó, một năm trước, liên quan tới vấn đề mổ lấy nội tạng, Giáo hoàng đã biểu thị thái độ cực lực phản đối. Cho nên chúng tôi hy vọng ngài ấy biết đến việc này và đưa ra hành động.
Phương Vĩ: Có người Trung Quốc nói, ông điều tra việc này là có ý đồ xấu với Trung Quốc, là hành động chống phản Hoa, ông thấy thế nào?
David Kilgour: Chúng tôi tuyệt đối không phản Hoa, chúng tôi không phản Hoa, ngược lại, chúng tôi lại rất thích người Hoa, chúng tôi yêu thích lịch sử Trung Hoa, yêu thích văn hóa Trung Hoa, chúng tôi chỉ phản đối chính quyền ĐCSTQ, họ đã đối xử quá tệ với chính người dân của mình.
Phương Vĩ: Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để đi sâu vào vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là việc mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công, vì việc này mà ông đã đi tới 50 nước, mấy năm vừa qua ông đã đi khắp nơi kêu gọi sự quan tâm tới việc mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ. Xin hỏi mục đích của cuộc đời ông rốt cuộc là gì?
David Kilgour: Tôi có rất nhiều mục đích của cuộc đời mình, trách nhiệm với con cái, trách nhiệm với gia đình, tôi cũng là Nghị viên của Quốc hội Canada, tôi cũng cần làm hết trách nhiệm của Bộ trưởng. Đồng thời tôi cũng có trách nhiệm nói lên sự thật, bao gồm cả những sự thật với cường quyền, về phương diện giúp đỡ người khác, tôi cũng có sứ mệnh của mình. Tôi hy vọng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Thế giới này có rất nhiều vấn đề tồn tại ở rất nhiều nước, tôi mong muốn có thể lên tiếng thay những người không có tiếng nói ở các nước này…
Xem tiếp Phần 2 tại đây.
Trí Đạt
Xem thêm:
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến một số điểm ở huyện miền núi…
Hôm thứ Bảy (23/11), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới cấm…
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…