David Kilgour: Lên tiếng thay những người không có tiếng nói (Phần 2)
- Trí Đạt
- •
Gần đây, khi được người dẫn chương trình Phương Vĩ của Đài phát thanh hy vọng (SOH) phỏng vấn, cựu Quốc Vụ Khanh Canada khu vực châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour đã kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, nguyên do vì sao ông đến với cuộc điều tra mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc và những gì ông đã trải qua.
Xem thêm Phần 1 tại đây.
Phản ứng của chính quyền Trung Quốc và phương Tây về báo cáo điều tra
Phương Vĩ: Chính quyền Trung Quốc có trực tiếp hay gián tiếp phản ứng về những tố cáo của các ông không?
David Kilgour: Điều này rất thú vị. Về việc này, theo lý thì chúng tôi mở ra cuộc tranh luận chính nghĩa, cho nên sẽ có sự tranh luận của hai bên. Tuy nhiên, về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngoài việc nói chúng tôi phản Hoa, nói chúng tôi là Pháp Luân Công thì họ không có bất kỳ tranh luận gì. Ngay cả tranh biện cơ bản cũng không có. Đương nhiên, chúng tôi không phải là Pháp Luân Công.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên chúng tôi đưa ra báo cáo về cuộc điều tra mổ cướp nội tạng, chúng tôi cung cấp một tấm ảnh. Trên bức ảnh này có chú thích rõ 15 nơi tại Trung Quốc có thể mua bán nội tạng. Trong đó có 2 thành phố, chúng tôi đặt sai tỉnh. Kết quả họ đưa ra phản bác, phản bác duy nhất đó là gì? Họ nói, ông có nhìn thấy không, “thành phố này được đặt ở tỉnh nào vậy, các ông làm không đúng rồi”. Cho nên thực chất những tố cáo chúng tôi đưa ra về việc bán nội tạng, thì họ lại không đưa ra bất kỳ lời phản bác nào. Do đó, những việc họ có thể làm, về cơ bản là luôn công kích vào cá nhân chúng tôi, công kích vào bản thân những người nào có dị nghị về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Phương Vĩ: Chính quyền Trung Quốc có đến để nói chuyện với các ông không, chẳng hạn như về những tố cáo ông đưa ra, chúng ta hãy cùng ngồi lại với nhau để làm rõ sự thật. Có chuyện này hay không?
David Kilgour: Nói ra rất buồn cười, đúng là họ có tiếp xúc với chúng tôi, nhưng tiếp xúc như thế nào ? Bởi vì chúng tôi xin visa đi Trung Quốc, chúng tôi muốn tới Trung Quốc điều tra, nhưng họ không cấp cho chúng tôi. Xem ra, tốt nhất bây giờ họ không nên cấp cho chúng tôi, bởi vì nếu chúng tôi đến Trung Quốc, chúng tôi nói chuyện với ai thì người đó sẽ bị bắt, trước đây đã xảy ra việc như vậy. Tức là có người tập Pháp Luân Công nói chuyện với người nước ngoài đến để điều tra, và sau đó người này bị mất tích. Cho nên may mà chúng tôi không đi.
Một quan chức tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada có đến gặp tôi tại một quán cà phê và hai bên bắt đầu nói chuyện. Tôi nói tôi muốn xin visa đi Trung Quốc, họ nói muốn xin visa thì không có vấn đề gì, chỉ cần đến phòng visa để xin là được. Nói xong, anh ta bắt đầu nói về Pháp Luân Công, mới đầu thì anh ta giảng giải hàng loạt những lý do từ chối của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan tới Pháp Luân Công. Tôi càng nghe càng cảm thấy nhàm chán và không muốn nghe nữa. Tôi nói tôi không muốn nghe, tôi phải đi. Bởi mang dòng máu Scottland nên tôi khá bị kích động. Khi đứng dậy tôi liền nghĩ, anh ta ở đây dạy bảo tôi, khác gì đang sỉ nhục tôi, tôi còn phải trả cả tiền cà phê cho anh ta nữa ư. Không được, không trả cho anh ta. Nhưng hiện giờ tôi đã nhận ra sai lầm này, thực ra khi đó tôi nên rộng lượng hơn. Lúc tôi trả tiền cà phê của tôi xong, anh ta không mang theo tiền chỉ còn cách vẫy người lái xe vào thanh toán hộ.
Lần tiếp xúc khác với quan chức của chính quyền Trung Quốc, đó là lúc tôi dừng ở trạm xăng để đổ xăng. Phía sau tôi có một chiếc xe mang biển ngoại giao. Tôi nghĩ chắc đó là xe của Đại sứ quán Trung Quốc. Ở đây là thủ đô Ottawa. Đúng lúc trên xe của tôi có tờ báo của The Epoch Times, tôi lấy tờ báo đó đưa cho người trong xe. Anh ta không vứt đi mà cất nó trong xe. Chung quy lại, chúng tôi phải theo dõi sát việc mổ cướp nội tạng, và chúng tôi vẫn đang theo dõi không từ bỏ. Sẽ có một ngày, họ sẽ nhận ra, tiền mà họ kiếm được từ mổ cướp nội tạng, khoảng 8 – 9 tỉ USD, đây là con số chúng tôi ước tính dựa trên giá ghép tạng. Sẽ có một ngày, họ sẽ biết rằng số tiền bất chính mà họ kiếm được này, cả thế giới đều biết. Chúng tôi đang theo dõi việc như thế. Đồng thời, chúng tôi cũng so sánh tội mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc với tội diệt chủng của Đức Quốc Xã, tôi hy vọng chúng tôi có thể tạo nên một số ảnh hưởng.
Phương Vĩ: Ông và ông Matas đã đi tới 50 nước trên thế giới để vạch trần nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra tại Trung Quốc, xin hỏi vì sao các ông lại muốn làm như vậy?
David Kilgour: Mới đầu chúng tôi không có kế hoạch như vậy, chúng tôi cho rằng sau khoảng 6 tháng thì việc này sẽ dừng lại. Nhưng tội ác mổ cướp nội tạng vẫn diễn ra, nên chúng tôi vẫn phải làm tiếp, không dừng lại. Đây là nguyên do vì sao chúng tôi đi tới 50 nước trên thế giới. Chúng tôi được mời đến các nước khác nhau, có lúc dự tính đi đến 1 nước thôi, nhưng cuối cùng lại đi đến 2, 3 nước. Gần đây nhất chúng tôi đi đến Na Uy, còn có Phần Lan, Tây Ban Nha, Hy Lạp. Tại Tây Ban Nha, giới truyền thông đưa tin rất nhiều về chúng tôi. Chúng tôi cũng trình lên quốc hội Tây Ban Nha danh sách ký tên của hơn 250.000 người dân, kêu gọi chấm dứt mổ cướp nội tạng. Hai tuần sau đó, câu chuyện của chúng tôi được đăng lên trang nhất tạp chí về sức khỏe của Tây Ban Nha. Cho nên chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục làm việc này cho đến khi nào đòi được công lý và việc mổ lấy nội tạng tại Trung Quốc dừng lại.
Phương Vĩ: Ông thấy xã hội phương Tây, người ta nhận thức thế nào về vấn đề mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công?
David Kilgour: Nói về vấn đề này, tôi thấy rất thú vị, các nước khác nhau thì nhận thức của họ cũng khác nhau. Ví dụ như Tây Ban Nha, nghị viên quốc hội cũng như giới truyền thông của Tây Ban nha họ rất chào đón chúng tôi. Cũng có những nước không tốt, tôi phải cẩn thận không nhắc đến tên, nhưng tôi vẫn muốn nói đến một nước, đó là Nhật Bản. Tôi và ông Matas đến Nhật, đã gặp nghị viên quốc hội và một số nhân vật trong giới chính trị. Tại Nhật có Bệnh viện Hữu nghị Nhật Trung. Chúng tôi nói với những người ở đó về vấn đề mổ lấy nội tạng người tập Pháp Luân Công. Bệnh viện đó rất kỳ lạ, có bác sĩ cho rằng lợi ích của bệnh nhân của họ là quan trọng hơn, họ quan tâm tới bệnh nhân hơn. Tôi nói với họ, các vị cần phân biệt rõ, những người cho tạng này là bị mưu sát. Tóm lại, bác sĩ cũng thế, mà quốc hội Nhật Bản cũng vậy, đều không có nhiều đột phá. Đây cũng là nơi làm tôi thấy thất vọng.
Còn Hàn Quốc, khi chúng tôi đến Hàn Quốc, cơ quan chức năng họ không cho chúng tôi đến thăm bệnh viện, không cho chúng tôi vào bệnh viện. Chúng tôi không biết nên làm thế nào. Nhưng chúng tôi đã gặp Trưởng Hiệp hội chữa bệnh của Hàn Quốc, hiệp hội này có 16.000 bác sĩ thành viên. Tôi bắt đầu nói với ông về việc mổ lấy nội tạng, khi ấy có người mở cho ông ấy xem một đoạn video, nói về gia đình người Bắc Hàn nhận nuôi một đứa trẻ, nhưng họ nhận nuôi đứa trẻ này không phải để cho nó trở thành một thành viên trong gia đình, mà chỉ là để giữ nó lại, có lẽ trong tương lai họ sẽ mổ lấy nội tạng của nó. Câu chuyện trong video này cùng làm ông ấy rất chấn động. Hàn Quốc có một điểm tốt đó là họ rất mẫn cảm với áp lực. Do đó lúc tôi nói đến bệnh viện nào đó đưa người đi Trung Quốc ghép tạng, chúng tôi phơi bày rõ bệnh viện đó ra, và họ liền cấm bệnh viện đó đưa người đi Trung Quốc ghép tạng.
Còn một nước nữa cũng tương đối tốt, đó là Australia. Tôi rất vui mừng kể với anh, sau khi chúng tôi đến làm việc về vấn đề mổ cướp nội tạng, mấy năm qua không có người ở Australia đến Trung Quốc ghép tạng nữa.
Bôn ba hàng chục năm bởi chúng tôi không muốn lương tâm day dứt
Phương Vĩ: Trong thính giả của chúng tôi có thể có một số người nói, ông Kilgour, tôi thấy ông làm việc này là có mục đích khác. Chúng tôi không tin việc ông làm. Vậy ông giải đáp thế nào về những thắc mắc này?
David Kilgour: Nói tôi có mục đích khác, mục đích đó của tôi là gì đây? Đối với người tập Pháp Luân Công tu luyện theo Chân Thiện Nhẫn, đối với người Tây Tạng, đối với người Duy Ngô Nhĩ, khi họ bị thảm sát, thì sẽ liên quan tới sự tôn nghiêm của nhân loại. Trong các thính giả đây, rất nhiều người cũng sẽ làm giống như tôi. Do đó tôi chỉ làm những việc tôi nên làm. Họ không dừng mổ lấy nội tạng, thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này.
Phương Vĩ: Ông đã bôn ba 10 năm vì việc này, trên thế giới có rất nhiều việc cần làm, sao ông vẫn kiên trì làm việc này tới 10 năm? Đối với ông mà nói có lẽ câu trả lời đã rất rõ ràng rồi, nhưng tôi vẫn muốn hỏi, điều gì thôi thúc ông tiếp tục việc này?
David Kilgour: Tôi là người rất quật cường, khi tôi nhìn thấy một việc rõ ràng rất chấn động, tôi sẽ không dừng lại. Đương nhiên, cha mẹ tôi không giống như người Do Thái bị Đức Quốc Xã sát hại, nhưng tôi đồng tình với câu nói của ông Jacob Lavee, việc giết hại người Do Thái không dừng lại, ông sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh. Và tôi cũng thế, nếu như nhìn thấy việc xấu mà chúng ta không hành động để ngăn chặn, vậy người bị hại tiếp theo sẽ là ai, người tiếp theo sẽ làm thế nào? Tại Ottawa có tổ chức kỷ niệm người Do Thái bị sát hại, những người may mắn sống sót đã chia sẻ cách nhìn nhận của họ, họ không thù hận. Tôi rất cảm động. Đây chính là nguyên nhân thôi thúc tôi tiếp tục công việc này.
Phương Vĩ: Có một người bạn người phương Tây nói với tôi, những gì bạn nói là hơi quá, tôi không cách nào tin, do đó tôi chỉ còn cách không nhắc việc này. Đối với phản ứng thế này, ông nhìn nhận thế nào?
David Kilgour: Đúng vậy, mới đầu khi người Do Thái bị thảm sát, khi tin tức được truyền đi thì cũng như vậy. Mặc dù chứng cứ được liên tục đưa ra, nhưng lúc đó có rất nhiều quan chức cấp cao nói: “Ông nói quá rồi, bởi họ là Do Thái giáo nên mới giết họ? Tôi không tin” . Và họ tránh né việc này. Nhưng 10 năm sau, người ta lại quay lại hỏi anh, khi đó có chứng cứ như thế này, tại sao anh không có hành động gì. Tôi không muốn sau này sẽ có người hỏi tôi câu hỏi tương tự thế này để rồi phải im lặng không biết trả lời ra sao. Tôi không muốn bị day dứt lương tâm.
(Hết)
Video bài thuyết trình TEDx về mổ cướp nội tạng của hai nhà hoạt động nhân quyền Canada:
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa David Matas Pháp Luân Công ethan gutmann Nhân quyền Mổ cướp nội tạng David Kilgour