Mình có một đứa cháu gái từ nhỏ đã không ăn được trái mướp. Cháu là một đứa ăn chậm nhai kỹ. Hỏi sao không ăn được mướp, cháu nói khi nuốt cháu cảm thấy vướng bởi xơ ở cổ khiến cháu muốn ói. Đa số chúng ta ăn được mướp và không cảm thấy vướng xơ ở cổ như cháu nên không thể thật hiểu cảm giác mà cháu nói là gì. Hồi trước mẹ của mình ép cháu ăn với lý lẽ, “Ăn mướp bổ, mát, nhiều vitamin. Phải biết ăn đủ loại thực phẩm, không nên kén chọn.” Cháu không thể nói cho bà thấu hiểu cảm giác của cháu và cũng không thể cãi lại uy quyền của bậc trưởng thượng. Cãi là bị la nhiều hơn. Nhưng cho dù ai nói gì thì cháu vẫn cảm thấy vướng xơ ở cổ và không ăn được mướp. Khi mình ở nhà mẹ, mỗi khi nhà mua mướp ăn thì mình hay nấu thêm món khác cho cháu, không ép cháu ăn thức mà cháu không ăn được, không muốn ăn.
Có lần, thấy cháu bị bà ép, mình cười cười chọc, “Mẹ không thích ăn lươn, ai có chế biến kiểu gì mẹ cũng đâu có ăn, ai có nói nó bổ nhưng mẹ đều từ chối mà. Vậy tại sao lại ép cháu ăn món nó không thích?” Mẹ ớ người ra, im lặng. Mình bồi thêm, “Nên thôi thôi, mẹ đừng ép cháu nữa nhe. Mướp mát và nhiều vitamin thì trong các loại rau khác cũng có nhiều vitamin và mát, nó không ăn thức này thì ăn thức kia, hổng sao mà mẹ hén!” Mẹ gật đầu, từ đó đứa nhỏ thoát nạn bị ép bị la mỗi khi từ chối món mướp trên bàn ăn.
Anh bạn gọi điện, “Có nấu cơm không Voi?” “Em có.” “Cho anh xin bữa cơm.” “Dạ.” Anh chạy qua nhà ăn cơm, biểu ở nhà hầu như bữa nào em gái cũng chế biến các món từ củ cà rốt. Anh không ăn được cà rốt nhưng em gái bảo cà rốt bổ, ngon, tốt nên cứ ép anh ăn. Anh không ăn được hành tỏi băm khi chúng bị nấu. Khi nấu món cần phi hành tỏi lấy mùi thơm thì sau khi phi thơm mình đều vớt hành tỏi riêng ra rồi mới cho nguyên liệu vào để nấu.
Với lý lẽ, “Ăn cái này bổ, mát, tốt”, “phải biết ăn đủ loại thực phẩm, không nên kén chọn” và “mình ăn được, nhiều người ăn được, thì A cũng phải ăn được” nên người lớn thường áp đặt lên trẻ em và những người khác trong việc ăn uống. Ta thấy, ngay từ khi còn trong tử cung thì đứa trẻ đã bị ép phải tiếp nạp các thức, các chất mà người mẹ nghĩ là bổ, tốt cho con. Người mẹ dễ thường bị bà nội bà ngoại bà hàng xóm cô bạn thân ông bác sĩ… khuyên lơn, áp đặt, ép buộc ăn thức này thức nọ với lý do tốt cho con. Bà mẹ chồng nói con dâu, giọng nhấn mạnh, khi đưa nó mấy trái trứng ngỗng. “Hồi đó mẹ ăn trứng ngỗng nên đẻ ra thằng Hai thông minh khỏe mạnh đó. Con ăn đi cho đứa nhỏ thông minh.” Con dâu từ chối không ăn thì sống nổi với bà sao? He he. Không ai hỏi ý kiến coi đứa nhỏ có muốn tiếp nạp trứng ngỗng hay không. Nghĩ nó ở trong bụng hoặc vài tháng, một hai năm tuổi biết gì mà nói. Nhưng kể cả khi nó lớn, như cháu mình, anh bạn mình kể ở trên, biết nói rồi thì có thoát được đâu, vẫn bị áp đặt theo ý kiến chủ quan của người khác.
Từ khi còn trong bụng cho đến lúc nằm nôi, tuổi thơ, thậm chí cả lúc trưởng thành, chúng ta thường ăn những thức mà người khác cho chúng ta ăn. Nghĩa là thường xuyên thụ động trong việc tiếp nạp thực phẩm – nguồn năng lượng cho sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Rất hiếm trẻ, rất ít người được tự do trải nghiệm để tự lựa chọn thực phẩm theo đúng nhu cầu cơ thể. Để rồi hầu như cả đời chúng ta ăn mà không mấy khi biết gì về ăn. Cái biết của chúng ta phần lớn đều là từ cái biết của người khác truyền dạy cho. Má nói ăn cái này mát, ba nói món kia bổ máu, bác sĩ nọ nói thức đó bổ gan, nhà nghiên cứu kia nói món nọ tốt cho thận… Vô thiên lủng. Riêng ta thực biết gì? Với má món đó có thể mát, bởi nó phù hợp với thể trạng và nhu cầu cơ thể của má, nhưng đứa trẻ là một cá thể với thể trạng và nhu cầu hoàn toàn khác má thì chưa chắc món mát đó là tốt cho nó. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, của bác sĩ về thực phẩm, thuốc men đều chỉ là công việc chẻ nhỏ vật chất để biết cấu tạo, thành phần, mối liên kết giữa các chất với nhau, từ đó có kiến thức sơ đẳng về chất. Thí nghiệm, thực nghiệm trên một số loài động vật, trên một nhóm nhỏ người, rồi ùn ùn đưa ra đánh giá, khuyến nghị, khuyến cáo, ý kiến rằng cái này tốt cái kia bổ cái nọ hại cái đó nên cho người. “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” là một câu được nói rất nhanh, in rất nhỏ trên bao bì, và hầu như không mấy ai để ý khi sử dụng thuốc men cũng như khi ăn uống một món chế biến sẵn nào đó. Có thể ý kiến của chuyên gia dựa trên công trình nghiên cứu của họ là đúng trên động vật, trên nhóm người mà họ thử nghiệm, nhưng nó hoàn toàn không phù hợp với nhóm người khác, hoặc với bạn. Hầu hết chúng ta không quan tâm điều cốt lõi này. Chúng ta được dạy rằng phải tin tưởng vào người khác, nhất là khi họ có bằng cấp và có công trình nghiên cứu dí vào mặt mình để chứng minh.
Quan sát thế giới tự nhiên, ta thấy, tất cả các loài đều tự biết cách tiếp nạp năng lượng thông qua việc ăn uống hít thở vận động mà không cần ai chỉ dạy, chẳng cần bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào. Tại sao con người – một sinh vật tự cho là thông minh tuyệt đỉnh thiên hạ – lại không thể tự biết mà phải luôn dựa vào kiến thức của người khác? Tôi không nói kiến thức của A của B là đúng hay sai. Mà đơn giản là kiến thức của A thì đúng với A, của B đúng với B, mình là C thì chưa chắc kiến thức của A của B là đúng là phù hợp.
Khi còn trong bụng, nằm nôi và tuổi thơ, chúng ta thường xuyên ở thế thụ động bởi hoàn toàn phụ thuộc vào ba mẹ, người nuôi dưỡng, trong việc ăn gì uống gì. Ba mẹ, người nuôi dưỡng là những người cũng ở thế thụ động và phụ thuộc vào kiến thức của người khác. Xoay vòng vòng trong vòng lặp. Ăn cái gì, ăn bao nhiêu, ăn giờ nào… tất cả mọi thứ đã được ấn định và hầu hết nhất nhất phải tuân theo. Rất hiếm có đứa trẻ nào chống chọi lại được, đa phần phải khuất phục. Và rồi chúng ta thành ra như bây giờ.
Từ nhỏ tới lớn tôi thường xuyên nhìn thấy những đứa trẻ ói ra, lắc đầu, la hét, chống cự, bỏ chạy… khi bị người lớn cho ăn thức gì đó nhưng người lớn vẫn tiếp tục bắt chúng phải tiếp nạp. PHẢI ĂN. Họ dùng mọi cách có thể từ dụ dỗ, năn nỉ, kể khổ, tạo cảnh phân tâm, nghĩa là thao túng tâm lý; cho đến la hét, chửi mắng, nguyền rủa, đánh đập, nghĩa là bạo hành thân thể và tinh thần để bắt buộc đứa trẻ hoặc người khác trong gia đình phải ăn uống tiếp nạp năng lượng theo ý của mình. Có gì trái khoáy hơn thế? Đó là một dạng khổ đau. Nhìn vào ánh mắt của trẻ khi đó thì lập tức thấy chúng đang rất khổ đau. Nhưng hầu hết người lớn lại không nhìn thấy sự khổ đau đó mà chỉ thấy ý kiến của mình không được đứa trẻ tiếp nhận nên cố ép chúng cho kỳ được mới thỏa mãn. Khi lớn, ta nói thích ăn món này món kia, chưa chắc đó là món ta thực thích mà do thói quen từ nhỏ.
Bên cạnh đó là cách ăn. Chúng ta được dạy lễ nghĩa trong ăn uống để có thể hòa đồng, phù hợp với người khác, tùy theo môi trường truyền thống văn hóa nơi sinh trưởng. Nhưng chúng ta không được cho phép để tự học cách ăn thế nào cho phù hợp với chính mình. Một đứa trẻ nhai rất lâu, nhiều khi ngậm miếng cơm, miếng thịt mút nước một lúc rồi nhả bỏ bã thì thường bị la hét, quát mắng, thở than, bắt nuốt cho nhanh. Phần lớn trẻ em bị người lớn bắt phải ăn nhanh, nuốt vội để cho xong bữa. Người lớn thường cho trẻ em ăn trong tư thế vội vàng để còn dọn dẹp, còn đi làm việc khác. Họ khó lòng bình tĩnh, từ tốn, chờ đợi, quan sát. Ngày một ngày hai đứa trẻ dần hình thành thói quen ăn nhanh nuốt vội cho đến lớn.
Nếu chúng ta không can thiệp, từ tốn quan sát trẻ mỗi ngày, tự khắc ta thấy trẻ tự học ăn, trải nghiệm và tự lựa chọn những thực phẩm và cách thức phù hợp với cơ thể, nhu cầu của chúng. Con người là một động vật thông minh, trong gen mang chứa đầy đủ những thông tin hiểu biết về thực phẩm, cách thức tiếp nạp. Mũi để ngửi, lưỡi để nếm, tay xúc chạm, ta có đủ giác quan tinh nhạy cho việc sinh tồn. Sự tinh nhạy của chúng ta bị hư hỏng, thui chột khi nó liên tục bị can thiệp, áp chế.
Ăn chậm, nhai kỹ, không kết hợp quá nhiều thứ cho một lần nhai, dần dần một người sẽ khôi phục lại được vị giác, phát hiện ra mình luôn nhận biết thực phẩm phù hợp cho nhu cầu của cơ thể, giai đoạn. Chúng ta thường nhai cùng lúc nhiều loại thực phẩm. Ví dụ: cơm + cá + rau + nước + gia vị. Tất cả trộn lẫn. Thường thấy người Việt chan canh vào cơm để ăn cho nhanh, trong chén cơm thường lộn xộn đủ loại thực phẩm. Không mấy người nhai riêng từng loại hoặc chỉ kết hợp một, hai loại. Nếu ăn riêng từng loại, bạn sẽ phát hiện ra có rất nhiều thứ bạn không muốn ăn, thấy ra cách chế biến không phù hợp.
Để hóa giải những cái biết do người khác áp đặt cho, do thói quen đã hình thành từ nhỏ, điều duy nhất cần làm là cho phép bản thân được trải nghiệm mọi thứ với sự tò mò: “Tôi không biết.” Khi không biết thì tất yếu ta có sự chú ý vào mọi thứ từ thực phẩm, cách ăn cho đến tất cả những điều khác trong cuộc sống hằng ngày. Một người sẽ nhanh chóng đánh bay mọi thói quen, mọi sự lặp lại và phát hiện ra cuộc sống thú vị lạ thường khi họ ở trong tâm thế “tôi không biết.”
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm:
Mời xem video:
Vào mùa hè, mùi mồ hôi hay mùi cơ thể có thể khiến nhiều người…
Ukraine tuyên bố vẫn “tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân”,…
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/11 đã phạt hãng công nghệ Meta 797,72 triệu…
Tổng thống đắc cử Donald Trump và tỷ phú Elon Musk hát bài "God Bless…
HĐND tỉnh Kiên Giang vừa chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng 57,72…
Vậy Natalie Harp là ai? Cô ấy đã trở thành trợ lý quan trọng của…