Thông thường, những bậc làm cha mẹ coi việc dạy bảo con cái là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và thường một chiều. Tôi cũng đã từng như thế, cho đến một hôm cách đây nhiều năm.
Con gái tôi, năm lớp tám, được cô giáo giao cho giữ quỹ lớp. Số tiền lên đến hơn tám trăm ngàn đồng. Con đút tiền vào trong bìa bao của một quyển tập. Một hôm, bạn của con mượn tập, con đưa, không nhớ có tiền ở trong để lấy ra. Bạn mượn tập xong bạn trả tập, vài hôm sau con mới nhớ ra số tiền, kiểm tra lại thì tiền không còn nữa.
Con hỏi bạn rất nhẹ nhàng, “Hôm bữa tui cho bạn mượn tập, tui có để quên tiền quỹ lớp trong đó. Bạn có nhặt được thì cho tui xin lại.” Bạn bảo bạn không thấy tiền. Con báo với cô giáo con làm mất tiền quỹ lớp và xin cô cho con không tiếp tục giữ quỹ, con sẽ trả lại quỹ số tiền bị mất bằng cách để dành tiền ăn sáng và tiêu vặt trả dần cho cô giữ. Cô đồng ý. Con về nhà không kể lại với ai, cứ thế lẳng lặng để dành tiền trả cho quỹ.
Mãi sau mình mới biết chuyện, hỏi:
– Con có buồn không?
– Dạ, chút chút.
– Con có giận có trách bạn không?
– Dạ không.
– Ưm, không cảm thấy bạn đáng trách à?
Con không trả lời. Mình hỏi tiếp:
– Con có nghỉ chơi với bạn không?
– Dạ không.
– Thế mối quan hệ bạn bè giữa con và bạn vẫn bình thường à?
– Dạ, bình thường mà.
– Ưm… không cảm thấy lợn cợn chút gì ha? Vì có khả năng cao là bạn ấy không trung thực.
– Mình đâu có bắt tận tay bạn lấy tiền đâu. Bạn nói không có lấy. Mình không có quyền nghĩ bạn lấy.
– Mẹ tự hào về con.
Mình thực sự tự hào vì con rất có trách nhiệm, không đổ thừa cho hoàn cảnh hay bất kỳ ai, nhận lỗi sơ suất, tự khắc phục và không hề kêu ca một lời, không trách giận nghỉ chơi với bạn chỉ vì một nghi ngờ.
Bên cạnh sự tự hào về con, mình cảm thấy xấu hổ vì mình không bằng con trong cách ứng xử. Đã có lần mình cũng gặp trường hợp mất tiền tương tự, mình đã vì nghi ngờ mà dần xa lánh một người bạn. Sau đó, mình cũng đã từng bị một người bạn nghi ngờ mình lấy tiền của bạn và xa lánh mình trong khi mình cứ vô tư chẳng biết gì. Khi biết chuyện bị bạn nghi ngờ, mình đã trách bạn trong lòng và xa lánh lại vì cảm thấy bị tổn thương. Mình hoàn toàn không hề nghĩ đến việc mình cũng đã từng ứng xử như vậy với người khác và làm họ tổn thương. Cách con ứng xử với bạn làm mình phải nhìn lại cách ứng xử của mình.
Có thể bạn sẽ cho rằng con khờ và ngu. Vâng, xã hội bây giờ trọng tiền bạc, mất niềm tin vào con người, hay phán xét ẩu, đa nghi… nên cách ứng xử của con là cách mà không mấy người áp dụng nữa, lại càng không khuyến khích, thậm chí còn bị cho là ngu dại chỉ mang thiệt vào thân…
Qua cách ứng xử của con, mình thấy chính mình thời tuổi mới lớn: hồn hậu, vô tư và chẳng nghĩ xấu về ai bao giờ. Nhìn lại bản thân và những suy nghĩ xấu, thói tính xấu mà mình tập nhiễm, mình thấy sự hư hao về nhân cách con người chứ chẳng phải sự khôn ngoan như mình đã tưởng.
Mình đã đọc và biết nhiều nhưng chính câu chuyện ứng xử của con đã dạy mình bài học mà mình ghi nhớ và cư xử nhất quán trong suy nghĩ cũng như lời nói và hành động cho đến chết:
-Không được phán xét ẩu.
-Không nghĩ xấu về người khác.
-Không nhận xét linh tinh, nói bừa lời không hay không phải về người khác, kể cả khi họ không thích mình.
-Không ai được coi là có tội cho đến khi có đủ bằng chứng kết tội.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…