Nghĩa quân bị mất liền 2 tướng chỉ huy trụ cột là Đốc Sung và Đốc Cọp. Nhóm nghĩa quân hoạt động ngoài căn cứ Bãi Sậy vẫn còn Chánh Tính với 200 quân, ba phần tư trong đó được trang bị súng bắn nhanh. Nghĩa quân hoạt động mạnh khiến quân Pháp và quân của Hoàng Cao Khải bị tổn thất lớn.
Khi quân Pháp tấn công quân của Đốc Sung và Đốc Cọp thì Chánh Tính cũng cho quân hoạt động mạnh, diệt nhiều sĩ quan Pháp, lính Âu – Phi cũng như lính Triều đình. Hoàng Cao Khải nhiều lần đưa thư dụ hàng nhưng Chánh Tính vẫn kiên định con đường chống Pháp.
Sau khi dẹp được Đốc Sung và Đốc Cọp, quân Pháp tập trung tiến đánh quân của Chánh Tính. Tháng 7/1891, Chánh Tính phải cho quân bí mật vượt sông Hồng sang Hà Đông tạm trú nơi đây, đến cuối 7 khi tình hình yên ắng hơn ông đưa quân bất ngờ tấn công huyện đường Phú Xuyên.
Tháng 8/1891, quân Pháp truy kích Chánh Tính mãi không được, sau Lãnh binh Lê Văn Vắn phản bội nghĩa quân, giúp quân Pháp bao vây và bắt được Chánh Tính. Quân Pháp truy tìm tiếp và bắt được anh của ông là Lãnh Đề và 2 em của ông là Lãnh Xuyên là Ba Sành, rồi đem cả 4 anh em giết cả.
Dân chúng thương tiếc 4 anh em, ghi nhớ ngày cúng giỗ như sau: cụ Đề cúng ngày 16 tháng 7, cụ Tính cúng ngày 17 tháng 7, cụ Xuyên cúng ngày 18 tháng 7, cụ Ba Sành cúng ngày 19 tháng 7.
Trước việc người Pháp huy động quân cả 3 miền tấn công, một loạt tướng lĩnh bị đàn áp, thủ lĩnh Nguyễn Thiện Kế liền cho gọi Lãnh Hiêm trở về căn cứ nhằm bảo toàn lực lượng và tìm kế sách mới.
Lãnh Hiêm đang cầm quân hoạt động ở Bắc Ninh, nhận được tin thì đưa quân về căn cứ Bãi Sậy, đến làng Phú Khê, huyện Từ Sơn thì trời tối nên cho quân nghỉ lại tại làng.
Tri phủ Từ Sơn biết liền cho 150 lính đến tiến đánh lập công, nhưng Lãnh Hiên cẩn thận đề phòng mọi tình huống nên đã đánh bại được quân của Triều đình. Tri phủ Từ Sơn liền báo cho quân Pháp tại các đồn biết đến đuổi theo nghĩa quân.
Nghĩa quân đến làng Đào Thuế thuộc huyện Đông Anh tỉnh Bắc Ninh thì quân Pháp đuổi đến. Lãnh Hiên cho quân bố trí đội hình sẵn sàng đón đánh thì quân Pháp cũng tiến vào. Quân Pháp từ huyện Đông Anh hay tin cũng kéo đến, lực lượng phía quân Pháp rất đông, vây kín làng rối tấn công.
Lãnh Hiêm bình tĩnh cho quân nấp sau lũy tre, gò đất chống trả, quân Pháp tấn công mấy lần đều bị đánh lui. Nhưng quân Pháp ỷ đông, từ tất cả các hướng cùng tấn công vào, đánh từ sáng đến chiều tới thì có 2 cánh quân Pháp lọt được vào trong. Lãnh Hiêm cho chia quân đánh chặn, nhưng quân Pháp vẫn tiến đến.
Chống cự đến tối thì nghĩa quân phải tìm cách thoát ra ngoài. Tri phủ và Tri huyện liền cho đốt nhà của dân để cho có ánh sáng nhằm tìm và diệt nghĩa quân.
Nghĩa quân bị lửa cản lại, bị quân Pháp tấn công nên hy sinh nhiều. Lãnh Hiên bị thương ở đầu gối được các nghĩa quân dìu thoát ra ngoài, chạy về đến căn cứ Bãi Sậy.
Lãnh Hiêm cầm quân đánh rất nhiều trận lớn nhỏ, nhưng chưa bao giờ thua trận, đánh trận nào là thắng trận đó, diệt được nhiều sĩ quan và quân Pháp. Tuy nhiên trận đánh ở làng Đào Thuế, nghĩa quân bị thiệt hại nhiều về lực lượng, đây cũng là trận thua đầu tiên của Lãnh Hiêm.
Lúc này nghĩa quân Bãi Sậy bị suy yếu nhiều, Nguyễn Thiện Kế cùng các tướng chỉ huy ở căn cứ tạm thời ngưng hoạt động một thời gian, chỉ lo củng cố lực lượng.
Người Pháp cho rằng tình hình đã yên nên ngày 8/9/1891 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định trả lại Bảo Lộc, Phượng Nhỡn cho tỉnh Bắc Ninh.
Khi nghĩa quân Bãi Sậy tạm ngưng hoạt động, thì nghĩa quân Đề Yêm vẫn hoạt động mạnh.
Đề Yêm trước đây vốn đi theo Nguyễn Thiện Thuật. Cuối năm 1888, Nguyễn Thiện Thuật cho Đề Yêm tách khỏi khởi nghĩa Bãi Sậy, xây dựng căn cứ mới nhằm hoạt động ở hai tỉnh Hà Nam, Hà Đông, tách ra thành cuộc khởi nghĩa mới.
Đề Yêm xây dựng được nghĩa quân khoảng 250 người, gây cho quân Pháp thiệt hại lớn. Sau khi tạm dẹp yên nghĩa quân Bãi Sậy, tháng 9/1891 quân Pháp liên tục tấn công quân của Đề Yêm, ông liền cho quân chuyển đến xây dựng căn cứ ở Tuyến Tơn, Bảo Đài.
Từ căn cứ, nghĩa quân xuất kích tấn công các đồn binh Pháp, quân Pháp tiến đến căn cứ nhưng lần nào cũng bị đánh lui.
Ngày 14/10 quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ quyết tiêu diệt nghĩa quân Đề Yên, cuốn “Lịch sử cận đại Việt Nam, tập 2” của Trần Văn Giàu đã mô tả như sau:
“Một trận đánh lớn diễn ra vào ngày 14/10/1891 ở Tuyết Sơn, vùng Mỹ Đức. Trận này địch bị thiệt hại khá nặng. Tên thiếu úy Lơmegơrơ (Lemaigre) và nhiều lính Tây, lính ngụy bị chết nên phải rút lui. Sau trận đại bại này, chúng điều từ Ninh Bình đến 150 lính phản công lại nghĩa quân, nhưng cũng không thắng nổi. Chúng phải xin thêm Hà Nội 100 lính và một đội bộ binh, hải quân nữa. Trong khi chờ viện binh tới chúng tiến hành bao vây và tiến dần từng bước. Nghĩa quân chống cự lại rất anh dũng. Viện binh đã tới, chúng mở cuộc tấn công lớn, ngày 1/11 chiếm được Tuyết Sơn, nhưng phải mua một giá đắt, tên đại úy Ginetxtơ (Ghineste) bị thương và nhiều lính bị chết. Nghĩa quân theo đường rừng rút lui.”
Dù khiến quân Pháp bị thiệt hại nhiều, nhưng nghĩa quân phải rút khỏi căn cứ. Nghĩa quân rút nhanh không kịp mang theo lương thực và đạn dược, Đề Yêm đành đưa số nghĩa quân theo mình gia nhập nghĩa quân Yên Thế.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…