Những ký ức về mùa gặt

Một

Ở Nhật trẻ con cũng chơi một trò giống như “trốn tìm” có tên là “làm quỷ”. Một đứa nhắm mắt làm quỷ cho những đứa còn lại đi trốn. Ai bị quỷ tìm thấy đầu tiên sẽ phải trở thành quỷ để quỷ được làm người.

Hồi nhỏ ở làng mấy chị em tôi cùng trẻ con hàng xóm cũng rất thích chơi trò này. Có điều ở làng tôi người ta gọi nó là “đánh nín”. Nhà tôi rộng lại có vườn nên bọn trẻ thường chơi “đánh nín” ở đấy. Để trốn quỷ chúng tôi chui vào gầm giường, leo lên gác chuồng trâu, trèo lên gác bếp, thậm chí chui cả vào cót thóc.

Một buổi chiều nọ vào mùa gặt khi mặt trời đang lặn mấy chị em tôi và bọn trẻ ở đồi Chẹm tụ tập ở sân nhà chơi đánh nín. Hai lần liền tôi đều phải làm quỷ. Lần thứ nhất thì do tôi rút được cái gằm ngắn nhất. Lần thứ hai thì bị quỷ tìm thấy đầu tiên. Tôi nghĩ nấp gần chỗ quỷ thì quỷ sẽ không ngờ tới nên núp ngay sau cột nhà nào ngờ bị tóm. Có lẽ thằng cu hàng xóm chơi trò bẩn “ti hí mắt lươn”.

Lượt thứ ba, để khỏi bị bắt làm quỷ tôi móc rơm tạo thành một cái hang rất sâu bên trong cây cơm ở trong sân nhà. Cuối mùa gặt nên cây rơm khi ấy đã cao và lớn lắm. Tôi chui vào cái hang vừa tạo rồi kéo rơm đã móc ra lấp kín lại. Hôm đó hai chị bị bố đánh mấy roi. Thằng làm quỷ tìm không thấy tôi nên bỏ cuộc không chơi nữa. Lũ trẻ quay sang chơi trò khác bỏ quên luôn tôi. Còn tôi nằm co tròn trong đống rơm làm một giấc ngon lành. Đến giờ ăn cơm không thấy tôi đâu cả nhà mới nháo nhác đi tìm từ chuôm cho đến ngòi và các xó xỉnh trong vườn. Tìm mãi không thấy. Để rồi cuối cùng khi mẹ tôi gần khóc thì chị cả đi ra lấy rơm nấu cơm thấy cây rơm khác với mọi ngày liền bới rơm và lôi thằng em ra ngoài khi tôi vẫn còn ngái ngủ.

Hai

Mùa gặt trâu no vì có rơm tươi ăn nên thi thoảng tôi không phải chăn trâu ngoài đồng. Khi ấy mẹ bảo “Đi cắt lúa với mẹ”. Lúc còn học tiểu học thì tôi không phải cầm liềm cắt lúa chỉ ra đầu bờ ngồi chơi xem mẹ làm hoặc chạy lung tung bắt châu chấu và muỗm. Châu chấu thì bắt về cho gà ăn. Ở nhà mỗi năm tôi thường chọn lấy một con gà con vừa tách mẹ của nhà để nuôi riêng. Hàng ngày đi chăn trâu tôi bắt châu chấu hoặc đào giun cho nó ăn.

Hôm nào không bắt được châu chấu hay giun thì vào nhà ngang bốc gạo của mẹ cho ném cho nó. Đến khi lớn mẹ mang bán thì tôi được mẹ cho vài nghìn. Được tiền mẹ cho tôi giấu khắp nhà. Cứ giấu chỗ này một thời gian rồi lại cảm thấy không yên tâm nên đem giấu chỗ khác. Có lần tôi vo tròn giấu 2000 đồng lại rồi nhét vào một cái khe giữa hai viên ngói trên mái nhà phía trên bàn học. Không hiểu sao sau tìm lại mãi không thấy. Tiếc đến phát khóc mà không dám kêu vì sợ mẹ mắng. Châu chấu thì nhiều nên bắt dễ. Nếu mang theo vỉ ruồi theo mà đập thì chỉ một lát là đầy ống tay của mẹ. Muỗm thì phải chờ đến khi mẹ gặt gần xong ruộng lúa khi ấy bọn chúng sẽ túm tụm lại một góc tha hồ bắt. Muỗm béo nên chậm chạp chỉ việc thò tay ra tóm. Muỗm xanh cũng có mà muỗm vàng cũng có. Muỗm đó mang về nướng vàng ăn ngon không thể tả.

Xem mẹ cắt lúa hay bắt muỗm thì thích chứ gánh lúa thật… chán. Mẹ xếp cho mỗi đầu đòn xóc ba, bốn lượm lúa rồi đặt lên vai tôi. Ruộng gần nhà thì gánh ngon nhưng ruộng xa thì cái đòn xóc trên vai cứ nặng dần thít vào vai đau nhức. Nhưng nếu không gánh lúa thì mẹ không cho ra ruộng nên phải vừa gánh vừa nghỉ. Lúc nghỉ phải để thật khẽ để thóc không rụng ra đường. Thằng em tôi láu cá hơn nên trong buổi đầu tiên đi gánh lúa cho mẹ dưới đồng Bến, một cánh đồng cách nhà rất xa, giữa đường đã phát minh ra sáng kiến vĩ đại là đập lúa xuống đường để thóc rụng đi gánh… cho nhẹ.

Gánh vài lần thì quen. Không thấy vai đau nữa. Lớn lên một chút thì tôi gánh lúa bằng quang. Sau này vào đại học mỗi lần về nhà vào vụ gặt tôi vẫn gánh được lúa nhưng không đi được chân đất nữa. Sống ở thành phố, chân đã quen với văn minh giày dép.

Ba

Mùa gặt về đi chăn trâu rất sướng. Trâu no rơm nên ngoan dễ bảo. Những ruộng lúa đã gặt đi để lộ ra những bờ cỏ vừa tốt vừa non. Thả trâu ở đấy có thể yên tâm chơi thỏa thích. Những khi ấy tâm trí tôi thường đuổi theo những đàn chim. Mùa gặt chim kéo về từng bầy. Từ chèo bẻo, chim sẻ cho đến cu gáy, sáo đen. Chim chèo bẻo thường đậu thành từng đàn trên các bụi tre giữa đồng hoặc trên dây điện. Cũng có khi chúng lượn sát mặt ruộng đang gặt để bắt châu chấu. Chim cu gáy nhát hơn nên đậu trên đỉnh các ngọn tre hoặc bạch đàn ở các ngọn đồi gần cánh đồng. Chúng chờ cho người về hết mới sà xuống mặt ruộng. Tôi thường xách súng cao su tự làm rình mò và đuổi theo những con chim ấy. Cả mùa chẳng bắn rụng được cái lông chim nào nhưng vẫn thích. Có những buổi trưa trốn ngủ tôi rải rạ nằm dưới bụi tre nhà ông Đức cả mấy tiếng để rình bắn con cu gáy có cổ cườm đậu trên đỉnh ngọn măng ở giữa bụi tre. Mỗi lần giương súng cao su lên chưa kịp bắn con cu gáy đã hoảng hốt bay vọt đi. Hình như mắt nó tinh nhìn xuyên qua tán lá.

Bốn

Lúa chín nhà có gạo mới, rơm mới. Người no trâu no nhưng cả nhà tất bật ngày đêm. Ngày bố mẹ đi cắt lúa còn đêm mẹ giũ rơm bố đập lúa. Bố dùng kéo làm bằng hai thanh tre nối với nhau bằng sợi dây mây bện xoắn lại kẹp chặt lấy lượm lúa đã bó sẵn rồi đập mạnh vào tảng đá lớn được kê trên giá gỗ đặt giữa sân. Khi thóc văng ra hết thì bố mở néo, liệng lượm lượm lúa chỉ còn rơm ra cho mẹ giũ. Mẹ giũ sạch lượm lúa để chọn lấy những sợi rơm thẳng buộc lại rồi tách làm hai chân đặt trên tường. Cả bố lẫn mẹ đều làm nhanh thoăn thoắt. Những hôm sáng trăng sau khi học bài xong tôi tắt ngọn đèn dầu đặt vào bậu cửa sổ rồi chạy ra xem bố đập lúa. Có lúc khoái chí tôi và thằng em vật nhau ở giữa đống rơm mẹ vừa giũ ra. Mẹ quát “Đi ra! Nó nhặm lại khóc há mồm ra giờ”. Nhưng mẹ chỉ mắng lấy lệ nên hai thằng cứ nghịch mãi. Rơm chơi cũng nhặm thật nhưng chơi nhiều thì mệt cứ leo lên giường là mắt cứng lại rồi ngáy khò khò quên đi cả ngứa.

Cũng có hôm sáng trăng đập lúa xong bố bảo “Hai thằng có đi bơi không?”. Hai thằng thét “Có” rồi mỗi thằng một bên tóm tay bố đi xuống cầu Chẹm. Bơi dưới trăng thật thích. Mỗi cử động đều làm tỏa ra những vòng sáng lan xa lấp lánh. Bơi chán bố lên cầu ngồi bảo hai thằng đấm lưng cho bố. Hai thằng vừa đấm lưng cho bố vừa nghe bố chuyện hồi nhỏ bố đi câu cá. Cũng có lúc ba bố con nằm trên cầu Chẹm lặng im ngắm nhìn bầu trời. Ở đấy có vầng trăng sáng xanh cùng những đám mây trắng xốp có hình thù kì dị. Bao nhiêu năm đã qua nhưng hình dáng của những đám mây ấy đến giờ tôi vẫn nhớ.

Nguyễn Quốc Vương
21/9/2015
(Đã in trong “Mùi của cố hương“, NXB Phụ Nữ 2017)

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

10 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

19 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

23 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

46 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago