Khi tự học, ham đọc sách sẽ là một lợi thế
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Tình hình dịch bệnh viêm phổi do vi rút Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng đã khiến cho nhiều học sinh trên cả nước không thể đến trường. Tình huống bất khả kháng nằm ngoài dự kiến đó đã đặt cả học sinh và phụ huynh vào một tình thế mới: học sinh sẽ làm gì khi ở nhà?
Câu trả lời rất đơn giản: Học! Bởi vì công việc chính của trẻ em trong độ tuổi đến trường sẽ là học, tất nhiên là học theo nghĩa rộng nhất chứ không đơn giản chỉ là học tri thức sách giáo khoa hay làm bài tập như thường thấy. Vấn đề đặt ra là khi không có giáo viên giảng bài, hướng dẫn trực tiếp thì việc tự học sẽ thế nào? Có nhiều cách tự học khác nhau, sử dụng các phương tiện khác nhau nhưng đọc sách để tự học là một cách phổ biến và đem lại nhiều lợi ích. Khi phải đọc để tự học, bản thân những học sinh say mê đọc, có thói quen, kĩ năng đọc sách sẽ có nhiều lợi thế.
Đọc vốn là năng lực cơ bản của việc học được các nước có nền giáo dục tiên tiến coi trọng. Trong xã hội thông tin khi nguồn thông tin trở nên phong phú, đa chiều, và thông tin thay đổi liên tục, dung lượng tăng tiến vô hạn, việc lựa chọn thông tin, tiếp nhận phê phán, xử lý nó để tạo ra thông tin hữu ích phục vụ nhu cầu tư duy hay thực tiễn trở thành nhu cầu (cũng là yêu cầu đặt ra) bức thiết của công dân. Trong bối cảnh đó quan niệm học thuần túy chỉ là để tích lũy, thu nhận tri thức, thông tin thuần túy từ nhà trường hay sách giáo khoa trở thành lạc hậu và không hữu ích vì các thông tin đó nhanh chóng bị thay thế, lạc hậu trong thời gian ngắn. Hơn nữa, do lượng thông tin tăng nhanh, dung lượng tích lũy lớn lên, việc ghi nhớ trở nên quá tải, cùng với nó sự xuất hiện và liên tục cải tiến của máy tính, mạng internet đã giúp cho việc lưu trữ, tra cứu trở nên vô cùng thuận tiện khiến cho cố gắng ghi nhớ quá sức trở nên không cần thiết. Những yếu tố đó đã đặt ra những yêu cầu mới đối việc việc học của con người.
Trong thời đại thông tin hiện nay, hiểu ở nghĩa rộng đọc chính là học. Đối với học sinh, sách sẽ là phương tiện đọc quan trọng nhất vì sách được viết, biên soạn phong phú, có phân chia theo độ tuổi, theo chủ đề và trình bày có tính chất hệ thống, chuyên sâu và liên tục cập nhật.
Xét ở góc độ nào đó, việc học sinh tự học thông qua đọc sách có một số ưu thế hay nói cách khác là đọc để tự học có thể bù đắp được một số nhược điểm mà giáo dục trường học nước ta chưa hoặc chậm khắc phục. Có thể dẫn ra đây một số ưu điểm.
Thứ nhất là tính dân chủ tự do của việc học thông qua đọc. Khi học ở trường cho dù là trường ở bất cứ nước nào học sinh sẽ phải học theo một khung chương trình nào đó có thể là của bộ giáo dục, có thể là của địa phương, có thể là của trường. Nội dung của chương trình đó được các tác giả biên soạn giả định cho một nhóm học sinh nhất định vì thế tính cá nhân hóa (thích ứng, đáp ứng nhu cầu, khả năng của từng học sinh) thấp. Vì vậy khi học ở trường học sinh phải học dưới hình thức đồng loạt. Tất cả các học sinh có tư duy, thể chất, xu hướng, tâm lý khác nhau phải học cùng một nội dung kiến thức bằng các phương pháp hướng dẫn (giảng dạy) giống nhau. Với sĩ số học sinh lớn như các trường công ở Việt Nam hiện tại, cùng với sự lạc hậu trong lý luận giáo dục, chuyện giáo viên quan tâm được tới từng học sinh để tiến hành giáo dục cá biệt hóa là gần như không thể. Vì vậy sẽ dẫn đến hiện tượng nhiều học sinh chán học vì mối quan tâm, hứng thú, khả năng riêng của mình không được đáp ứng. Tuy nhiên khi đọc để học, tính cá nhân hóa sẽ được nới rộng biên độ tới tối đa. Đơn giản vì giờ đây chọn gì để đọc là chuyện riêng của từng học sinh. Học sinh có thể bơi trong biển sách vở mênh mông của nhân loại để tìm hiểu về bất cứ nội dung, chủ đề nào mình muốn tìm hiểu mà không vấp phải rào cản về thời gian, chương trình, nội dung bài học như ở trường. Nếu học sinh có khả năng dùng được một, hai ngoại ngữ để đọc thì còn tuyệt vời hơn nữa. Không ai có thể ngăn cản học sinh đi vào biển học mênh mông và hấp dẫn đó. Tính áp đặt của người thầy, của sách giáo khoa, của chương trình sẽ giảm tối đa tạo ra không gian tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt của người học. Người đọc có thể chất vấn, phản biện bất cứ tác giả nào, có thể đối thoại, suy tư cùng các bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử cổ kim Đông Tây mà không sợ đối mặt với quyền uy và quyền lực của người thầy.
Thứ hai, khi học bằng cách đọc, người học sẽ rèn luyện được nhiều kĩ năng tổng hợp mà ở trường ít có cơ hội. Cho dù các nhà chuyên môn và truyền thông chỉ trích, cho dù mấy chục năm qua liên tục cải cách, hiện trạng trường học hiện nay vẫn loanh quanh chuyện đọc chép-chiếu chép, giáo viên truyền đạt một chiều nội dung sách giáo khoa tới học sinh và giáo viên nào giỏi hơn, khá hơn là giáo viên minh họa, diễn giải nội dung sách giáo khoa một cách dễ hiểu, sinh động hơn. Cách dạy như vậy khiến học sinh trở thành thực thể thụ động chỉ biết ngồi nghe, ghi chép sau đó là hồi tưởng, viết lại những gì mình nhớ, mình hiểu và làm các bài tập giáo viên đưa ra. Tuy nhiên, khi tự học bằng đọc, học sinh nếu có kĩ năng đọc tốt sẽ vận dụng liên hoàn và tổng hợp rất nhiêu kĩ năng khác nhau như: kĩ năng tìm kiếm chủ đề-lựa chọn thông tin (trong biển sách vở mênh mông), kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng ghi chép (ghi chép khi đọc sách rất khác với ghi chép lời giáo viên giảng hay chép lên bảng), kĩ năng biểu đạt (khi đọc xong học sinh sẽ viết cảm tưởng, tóm tắt nội dung, chuyển hóa thông tin cuốn sách đã đọc thành các dạng khác như từ thơ chuyển thành văn xuôi, thành kịch… và ngược lại…), thuyết trình (đọc xong nói, giải thích, diễn thuyết cho người khác nghe). Học sinh cũng có thể viết những điều mình đọc thành các tác phẩm như bài báo, tiểu luận để đăng trên các trang mạng cá nhân, website, gửi đăng báo hoặc làm các tập san gia đình hoặc các nhóm, câu lạc bộ đọc sách, câu lạc bộ tự học mình là thành viên. Đây là sự tập dượt quan trọng để học sinh có tư duy sáng tạo, phục vụ rất thiết thực cho cuộc sống và công việc trong nghề sau này dù làm bất cứ nghề gì.
Thứ ba, tự học bằng cách đọc là phương thức thực hành và chuẩn bị cho việc “học tập suốt đời”. Khi sống trong xã hội liên tục biến động với gia tốc ngày một nhanh, con người luôn phải học hỏi mọi thứ cần thiết để tồn tại và xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên việc học ở trường đến lúc nào đó sẽ dừng lại. Có người chỉ học hết trung học cơ sở thậm chí là phải bỏ học từ khi học xong tiểu học. Nhưng việc học sẽ là đòi hỏi không ngừng cho nên nếu như ham đọc, có năng lực đọc và đọc thường xuyên, cá nhân sẽ phát triển được bản thân và có được nền tảng học tập suốt đời cho dù không còn đến trường nữa. Thậm chí ngay cả sau khi đã nghỉ hưu, các cá nhân vẫn có thể tiếp tục học tập để có cuộc sống phong phú. Vì vậy, trong thực tiễn ta sẽ thấy có rất nhiều người không có điều kiện đến trường hay rời trường học sớm nhưng lại có học vấn và năng lực hành động rất đáng nể nhờ tự học.
Chính vì đọc sách giúp tự học hiệu quả thậm chí nhìn ở ý nghĩa nào đó đọc chính là tự học, cha mẹ cần quan tâm, tạo ra môi trường để con say mê đọc và đọc thật phong phú. Việc hướng dẫn để trẻ có được các kĩ năng khi đọc như ghi chép, thuyết trình, hùng biện, viết… cũng rất cần thiết. Việc luyện tập và thực hành chúng sẽ tạo ra một vòng tròn hoàn hảo làm cho trẻ trải nghiệm khoái cảm trí tuệ trong quá trình đọc-suy nghĩ-liên tưởng-tưởng tượng-hành động. Đấy là con đường cần thiết để trẻ trở thành người tự do và can đảm khai sáng bản thân.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- “Gà bốn chân” Nhật và “Gà công nghiệp” Việt
- Học lịch sử để trở thành người tử tế
- Đọc sách – Một cách thức để hòa nhập với thế giới văn minh
- Có nên vọng ngoại khi cải cách giáo dục?
- Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
Mời xem video:
Từ khóa đọc sách thực trạng giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương