Sức Khỏe

Làm cha mẹ có thể giúp bạn minh mẫn hơn khi về già

Nghiên cứu cho thấy việc làm cha mẹ với nhiều thử thách có thể giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn và làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ khi về già.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Làm cha mẹ thay đổi cách chúng ta sắp xếp ưu tiên, thời gian sinh hoạt, và thậm chí cả cách não bộ hoạt động. Dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy bộ não của cha mẹ thay đổi trong thời gian ngắn sau khi sinh con, nhưng người ta vẫn chưa rõ những thay đổi đó có kéo dài lâu dài hay không. Một nghiên cứu cho thấy việc làm cha mẹ có thể giúp não bạn “trẻ ra” nhờ vào những thay đổi trong cấu trúc não. Điều này có thể giúp làm chậm lại sự suy giảm nhận thức theo tuổi tác.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAS, những người làm cha mẹ có mạng lưới liên kết trong não tốt hơn ở những vùng thường bị suy yếu khi già đi.

Càng có nhiều con, các kết nối trong não càng mạnh. Điều này cho thấy làm cha mẹ có thể là yếu tố bảo vệ trước sự lão hóa của não bộ.

“Khi các bậc cha mẹ nói với tôi rằng họ ‘đang mất trí’, tôi lại nghĩ rằng thật ra họ đang tái lập hệ thần kinh của mình”, cô Melissa Schwartz – một huấn luyện viên cho các gia đình và người trưởng thành nhạy cảm cao tại Leading Edge Parenting, người không tham gia nghiên cứu – chia sẻ với The Epoch Times. “Con cái đang đẩy họ tới giới hạn của hệ thần kinh, và nhờ vậy hình thành nên những đường dẫn thần kinh mạnh mẽ, lành mạnh và hiệu quả hơn”.

Bộ não của bạn thay đổi như thế nào khi làm cha mẹ

Những người làm cha mẹ có sự gia tăng kết nối não bộ tại các vùng liên quan đến vận động và xử lý cảm giác, cũng như ở các mạng lưới tham gia vào tư duy xã hội, xử lý hình ảnh và sự chú ý.

Những mạng lưới này thường suy giảm sau tuổi 40. Cụ thể, cha mẹ có sự kết nối mạnh hơn giữa các vùng cảm giác – vận động và vùng hải mã, khu vực đóng vai trò thiết yếu trong trí nhớ và học tập.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) của khoảng 20.000 phụ nữ và 18.000 nam giới từ UK BioBank – cơ sở dữ liệu hình ảnh não dựa trên dân số lớn nhất thế giới.

Họ phát hiện rằng việc làm cha mẹ có liên quan đến sự đồng bộ hóa não cao hơn, với mức độ kết nối tăng dần theo số lượng con cái. Tuy nhiên, nghiên cứu không đưa ra một ngưỡng cụ thể về mức độ lợi ích, mà cho thấy một mối liên hệ liên tục giữa việc làm cha mẹ và chức năng não.

Cả cha lẫn mẹ đều có những thay đổi não bộ tương tự nhau, cho thấy chính vai trò làm cha mẹ – chứ không chỉ riêng việc mang thai – là yếu tố dẫn đến các tác động thần kinh này.

Tác dụng bảo vệ của vai trò làm cha mẹ vẫn được ghi nhận ngay cả khi đã tính đến các yếu tố như trình độ học vấn và điều kiện kinh tế – xã hội.

Các tác giả nhận thấy rằng những bậc cha mẹ có nhiều con thường sở hữu mạng lưới xã hội lớn hơn, được hỗ trợ xã hội tốt hơn và có tần suất thăm viếng từ bạn bè, người thân cao hơn. Những yếu tố xã hội này có thể góp phần vào sự gia tăng kết nối não bộ được quan sát thấy ở cha mẹ.

Đối với những người cha, nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ tích cực giữa việc có nhiều con và lực nắm tay tốt hơn, tuy nhiên không xác định được nguyên nhân trực tiếp. Lực nắm tay là một chỉ số đã được công nhận rộng rãi trong việc dự đoán sức khỏe não bộ và tình trạng minh mẫn khi về già.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tương tác xã hội giúp duy trì chức năng não bộ theo thời gian. Các mối quan hệ xã hội cũng mang lại sự hỗ trợ cả về mặt cảm xúc lẫn thực tiễn, từ đó củng cố khả năng thích nghi khi lão hóa.

Dù nghiên cứu cho thấy những yếu tố như thu nhập, quan hệ xã hội, học vấn hay nghề nghiệp có thể ảnh hưởng đến số lượng con cái, chúng vẫn không lý giải được vì sao việc làm cha mẹ lại liên quan tới chức năng của não.

Một trải nghiệm làm thay đổi bản thân

Những phát hiện từ nghiên cứu này mang đến một góc nhìn sâu sắc hơn về tác động của việc làm cha mẹ.

Nhiều nghiên cứu đã liên hệ việc làm cha mẹ với quá trình lão hóa. Một trong những lý do là cha mẹ thường có xu hướng bị áp lực hơn so với những người lớn khác.

Ví dụ, một nghiên cứu từ Trường Y Yale cho thấy rằng thai kỳ thúc đẩy quá trình lão hóa, nhưng tác động này được đảo ngược trong giai đoạn sau sinh.

Một nghiên cứu tương tự từ Đại học Northwestern chỉ ra rằng mỗi lần mang thai có thể làm cho tế bào của người mẹ già đi tới hai năm, cho thấy tác động cộng dồn của nhiều lần mang thai đến quá trình lão hóa tế bào. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại đưa ra một góc nhìn khác. Thay vì tập trung vào các dấu ấn sinh học của sự lão hóa, nó đánh giá mức độ giao tiếp giữa các vùng não bộ khác nhau.

Sức khỏe tinh thần là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ, theo một khảo sát năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Tuy vậy, cùng một khảo sát cũng cho thấy cả cha lẫn mẹ đều cảm thấy việc nuôi dạy con cái là một trải nghiệm vui vẻ và đầy ý nghĩa.

Trẻ em luôn cần được tương tác và giám sát liên tục. Phần lớn thời gian được dành cho việc âu yếm, cho ăn, ru ngủ và chơi đùa. Nghiên cứu cho thấy các ông bố, đặc biệt, có sự kết nối mạnh mẽ hơn ở các vùng não cảm giác – những vùng chịu trách nhiệm về cảm giác và nhận thức đau, có thể là do phong cách chơi đùa thiên về vận động, như trò chơi vật lộn.

“Đúng là làm cha mẹ rất căng thẳng và vất vả, nhưng nó cũng là trải nghiệm thay đổi cuộc đời – bởi vì bạn sẽ trưởng thành và thay đổi rất nhiều trong suốt hành trình nuôi con và nhận lại rất nhiều điều quý giá từ vai trò làm cha mẹ”, bà Lisa Pion Berlin – giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Parents Anonymous chuyên hỗ trợ các bậc phụ huynh và cộng đồng – chia sẻ.

Dù các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ chính xác vì sao việc làm cha mẹ lại mang lại lợi ích cho não bộ, nhưng họ cho rằng có thể có ba yếu tố chính đang tác động.

1. Sự kích thích liên tục

Môi trường chăm sóc trẻ mang lại sự mới mẻ và thử thách liên tục, khiến não bộ phải hoạt động linh hoạt hơn và tăng khả năng xử lý vấn đề.

“Khía cạnh tinh thần của việc làm cha mẹ – như việc xoay xở nhiều công việc và lịch trình, giải quyết các tình huống phát sinh – chắc chắn góp phần duy trì sự hoạt động của não bộ,. Điều này có thể đóng vai trò trong việc tăng cường sức khỏe tinh thần”, bà Berlin cho biết.

Các thử thách thường xuyên xuất hiện, đòi hỏi cha mẹ phải thích ứng một cách nhanh chóng.

“Những yêu cầu liên tục này chắc chắn có thể giúp não bộ luôn hoạt động và nhạy bén”, bà nói thêm.

2. Gia tăng trí tuệ cảm xúc

Cha mẹ cần phải nhạy bén với các nhu cầu của con, đặc biệt thông qua các dấu hiệu phi ngôn ngữ như cử chỉ và nét mặt.

Mạng lưới cảm giác – vận động được thúc đẩy trong quá trình làm cha mẹ đóng vai trò then chốt đối với nhận thức xã hội. Mạng lưới này giúp con người điều hướng hiệu quả trong các tương tác giữa người với người. Nó hỗ trợ việc hiểu và bắt chước hành động của người khác, đồng thời thúc đẩy sự đồng cảm bằng cách cho phép chúng ta thấu cảm cảm xúc của người khác.

Mạng lưới này cũng hỗ trợ khả năng  hiểu rằng người khác có suy nghĩ và cảm nhận riêng. Đồng thời, hỗ trợ quá trình điều hòa cảm xúc giữa hai người – tức khả năng “bắt sóng cảm xúc” để giữ sự hài hòa trong giao tiếp và kết nối xã hội.

3. Cơ hội chữa lành nội tâm

Khi nói về trải nghiệm cùng con gái riêng 11 tuổi, Schwartz chia sẻ rằng cô nhiều lần nhận ra bản thân bị tác động mạnh bởi những gì con đang trải qua.

“Đây không chỉ là dịp để tôi cảm thông và thấu hiểu con nhiều hơn, mà còn là cơ hội để tôi nhìn lại tuổi thơ của chính mình – nhưng với góc nhìn và trải nghiệm của người lớn”, cô nói.

“Khi con cái khiến ta khó chịu, đôi khi là vì chúng đã chạm đến những vết thương tuổi thơ mà ta vẫn chưa giải quyết”.

Cô nói thêm rằng việc đối diện và chữa lành những vết thương đó không chỉ giúp chúng ta trở thành cha mẹ tốt hơn mà còn giúp thiết lập lại não bộ và phát triển cảm xúc cá nhân.

Khi cha mẹ học cách vượt qua quá khứ, họ đồng thời thực hành chính niệm, suy xét bản thân và kiểm soát cảm xúc – tất cả những điều này giúp củng cố các vùng não chịu trách nhiệm cho việc suy nghĩ xã hội và điều tiết cảm xúc.

Cô Schwartz chia sẻ: “Làm cha mẹ là một hành trình trưởng thành cùng con. Chúng ta không chỉ đang định hình con mình – mà chính các con cũng đang thay đổi chúng ta”.

Liên Hoa

Published by
Liên Hoa

Recent Posts

Thủ tướng Israel Netanyahu cáo buộc Thủ tướng Anh Starmer đứng về phía Hamas

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Sáu (23/5) đã chỉ trích Thủ tướng Anh…

1 giờ ago

Tổng thống Trump: Harvard cần thay đổi cách thức hoạt động

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục công kích Đại học Harvard, nhấn mạnh…

1 giờ ago

Trung Quốc lên án Hoa Kỳ chấm dứt chương trình dành cho sinh viên nước ngoài tại Harvard

Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Sáu (23/5) đã lên án Hoa Kỳ vì chấm…

1 giờ ago

Hà Nội sắp có cảng thủy nội địa tại huyện Mê Linh

TP. Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới cảng thủy nội địa tại Mê…

2 giờ ago

Dự thảo Luật Dẫn độ: Quy định mới về bắt khẩn cấp và từ chối dẫn độ

Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Dẫn độ "cơ bản tán thành" quy định…

2 giờ ago

Đài hóa thân ở Nam Định phải hoàn trả gần 11 tỷ đồng tiền “chặt chém”

Hơn 20 nghìn khách hàng đưa người nhà tới hỏa thiêu tại Đài hóa thân…

5 giờ ago