Trong bộ sách xử thế “Thái Căn Đàm” thời nhà Minh có câu: “Lạnh mắt nhìn người, lạnh tai nghe tiếng, lạnh tình cảm thụ, lạnh tâm suy ngẫm”. Bốn chữ “Lạnh” này không phải chỉ sự lạnh lùng, mà là chỉ tâm thái trầm tĩnh khi đối mặt với con người và sự việc.
Nếu muốn giành được thành công thì biết mặt, giỏi dùng người là một trong những kỹ năng không thể thiếu. Đơn thương độc mã chỉ có thể làm được những việc nhỏ nhất thời, còn muốn làm đại sự ắt phải học cách tìm nhân tài và cộng sự phù hợp.
“Lạnh mắt nhìn người” là dùng ánh mắt tĩnh lặng để thấu hiểu người khác, khi đánh giá họ thì không mang theo quá nhiều quan điểm và lập trường cá nhân, không vì quan hệ thân sơ hoặc ân oán trong quá khứ mà xem thường xem nhẹ.
Thôi La, tả Thừa tướng nước Tề vào thời Bắc triều, rất được Vua kính trọng. Ông từng tiến cử Hình Thiệu giữ chức vụ quan trọng trong triều. Tuy nhiên khi nói chuyện với Vua, Hình Thiệu lại thường gièm pha nói xấu Thôi La.
Một hôm, Vua trách Thôi La rằng: “Khanh luôn kể những điều tốt về Hình Thiệu, nhưng Hình Thiệu lại thường nói xấu khanh, khanh quả thực là ngốc!”
Thôi La không vì yêu ghét cá nhân mà nảy sinh hiềm khích, ông vẫn độ lượng nói: “Hình Thiệu kể ra những nhược điểm của thần, thần nói đến những chỗ hay của Hình Thiệu, hai người nói đều là sự thật, không có gì sai cả!”
Khi đối đãi với một con người, luôn giữ tâm thái “tĩnh lặng” mới có thể quan sát chính xác, phân biệt tài năng và thiện ác của họ. Khi đối đãi với sự việc cũng vậy, “Người trong cuộc thường mê muội, người ngoài cuộc thường tỉnh táo”. “Lạnh mắt” quan sát mới có thể thấy rõ đại cục.
Trong “Khổng Tử tứ ngôn” viết: “Nhĩ thông tính hải, nhập ư nhĩ nhi loạn ư tâm”, những điều tai nghe như thông với biển cả, hễ lọt vào tai là có thể nhiễu loạn nhân tâm. Những thứ tai nghe thấy thường tiến nhập vào nội tâm của mỗi người và gây ra những ảnh hưởng nhất định.
Trong công việc và cuộc sống mỗi người sẽ nghe thấy rất nhiều thông tin khác nhau, có thứ hữu ích, có thứ vô dụng, có thứ được thổi phồng, có thứ bị hạ thấp. Vậy nên học cách phân biệt phải trái đúng sai, biết lắng nghe những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” và xa lánh lời đường mật của kẻ tiểu nhân mới là bậc trí tuệ.
Khổng Tử từng nói: “Ác lợi khẩu chi phúc bang gia”, ghét kẻ khéo nói thì tốt cho nước nhà. Ông còn giảng: “Viễn nịnh nhân”, tức là nên tránh xa kẻ nịnh bợ. Những lời này của Khổng Tử không chỉ đúng với việc quốc gia đại sự mà còn đúng với mỗi cá nhân.
Khi lắng nghe người khác nói, phải giữ được đôi tai trầm tĩnh, không nên vì những lời nịnh nọt, xuôi tai nhất thời mà mở cờ trong bụng, buông lỏng cảnh giác. Cũng không nên vì một chút phản đối, chất vấn mà phiền muộn bất an hay nổi giận. Dùng đôi tai “lạnh” để phân biệt những lời tốt xấu mới có thể đưa ra những phán đoán chính xác.
Người xưa giảng rằng “tĩnh lặng mới có thể nhìn xa”. Con người sinh ra ai cũng đều có thất tình lục dục, nhưng muốn kiểm soát cảm xúc, dục vọng của mình lại không phải là chuyện đơn giản. “Lạnh tình cảm thụ” là khi sự việc đến thì không để tình cảm chi phối, khiến cảm xúc che lấp lý trí. Quá vui hay quá buồn đều chỉ khiến sự tình trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Điều này đặc biệt đúng trong mối quan hệ vợ chồng. Khi bất đồng quan điểm, nếu không bên nào chịu nhường bên nào thì có thể cãi nhau tới mức đỏ mặt tía tai. Sau khi phát hiện sự việc chẳng hề có tiến triển, đi lòng vòng một hồi, rốt cuộc đôi bên vẫn phải tâm bình khí hòa mà ngồi lại chia sẻ.
Trong “Kinh Do Thái” có viết: “Con người ta sẽ phạm sai lầm khi tức giận.” Kinh Tân Ước “Philemon” cũng nói: “Con người đều điên cuồng khi tức giận.” Dù nguyên nhân là gì, khi bạn tức giận, không kiểm soát lời nói, cảm xúc, có thể sẽ gây tổn thương cho người khác, hủy hoại tình bạn, thậm chí làm ra những việc khiến bản thân phải ân hận suốt đời.
Gia Cát Lượng nói: “Lười nhác thì không thể tinh thâm, nóng nảy mạo hiểm thì không thể lý tính”. Lửa giận bốc lên sẽ che mờ lý trí của con người, khiến họ mắc sai lầm mà chuốc lấy bại vong.
Một người muốn giành được thành công, thì nhất định phải thường xuyên suy ngẫm về quy luật và đạo lý khiến sự vật sự việc nảy sinh, diễn biến. Lạnh tâm, tĩnh tâm suy ngẫm mới có thể nhìn sâu vào mọi việc. Vạn sự đều từ tâm mà sinh ra. Người ta hay quy kết nguyên nhân cho những yếu tố bên ngoài, mà quên mất trách nhiệm của bản thân trong đó.
Dù thành công hay thất bại, bạn cũng đều nên lạnh tâm suy nghĩ về nguồn cơn của sự tình, nguyên nhân thành bại, từ đó mới có thể không ngừng rút kinh nghiệm và cải chính những điều còn thiếu sót. Oán trời trách người vừa vô ích lại vừa không thay đổi được bản thân, còn khiến người ta tiếp tục bước vào thất bại. Có đôi chút thành tựu rồi thì cũng không thể hiu hiu đắc ý, để cho hoàn cảnh ăn mòn ý chí.
Gia Cát Lượng từng nói: “Không đạm bạc thì cái chí không sáng, không tĩnh lặng thì chẳng thể nghĩ xa”. Người có ý chí, lo nghĩ xa, thường xuyên tĩnh tâm suy ngẫm về mọi việc mới có thể vươn cao, mới có thể làm được việc lớn.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…