Văn Hóa

Chiếc xe đạp của bố tôi

Trong nhà bố mẹ tôi ở quê bây giờ có ba cái xe đạp. Hai cái xe còn đi được là xe tôi và thằng em dùng đi học trung học phổ thông ngày xưa. Xe đã cũ nhưng bố tôi cho sửa nó nhiều lần, thay đi thay lại một số phụ tùng nên vẫn đi được. Tôi nhớ ở quê người ta gọi loại xe sơn xanh mà bọn học sinh hay dùng thời đó là “xe lắp”.

Chiếc còn lại rất cũ, toàn thân đen sì vì không còn một mảng sơn nào là chiếc xe của bố tôi. Xe này không dùng được nữa vì các bộ phận chuyển động như xích, líp đã hỏng. Xe này là xe nam, bố tôi dùng suốt một thời gian dài khi ông còn hoạt động như là cán bộ tòa án, rồi giáo viên. Nếu tôi không nhầm, nó cũng có tuổi đời khoảng 50 năm.

Bây giờ, xe đạp là một phương tiện rất thường. Đến học sinh cũng chẳng buồn dùng nữa. Học tiểu học thì cha mẹ đưa đón. Từ trung học cơ sở trở lên thì đi xe điện. Ngay cả ở nông thôn cũng rất ít học sinh tự đạp xe đi học. Chúng ngại. Đạp vừa mỏi vừa không… oách. Thời chúng tôi thì khác, xe đạp là một món đồ mơ ước. Lúc nhỏ muốn tập xe phải mượn xe của bố mẹ, anh chị. Gào khóc mỏi miệng mới được cho mượn một tí. Ngay cả người lớn khi đó muốn mượn xe đạp của người khác đi có việc cũng không phải giản đơn. Có phải ai cũng có xe đạp đâu, mà nếu có họ cũng giữ gìn xe rất cẩn thận. Có ông đi xe xong về là lau chùi sạch sẽ treo lên mấy cái dây buộc trên xà nhà, vợ con và người ngoài đừng hòng mà đụng vào.

Ngay cả trong nhà tôi, tôi lúc còn học tiểu học, trung học cơ sở cũng chỉ được dùng xe đạp của chị rất hạn chế. Đi học tôi phải đi bộ. Chỉ hôm nào có việc gì gấp mà các chị không dùng tới xe mới được mượn đi một lúc. Vào học lớp mười, tôi mới được bố mua cho một cái xe lắp mới cứng. Tôi nhớ hồi đó bố tôi mua mất khoảng 500.000 đồng, tức là 2 tháng lương hưu của ông. Bố tôi giữ gìn mấy chiếc xe đạp cẩn thận lắm. Sáng nào trong lúc chúng tôi đang ăn bữa ăn sáng do ông nấu thì ông kì cạch dắt mấy cái xe đạp ra sân. Ông kiểm tra xe rất cẩn thận từ phanh, xích, líp tới bánh. Nếu phanh không ăn ông dùng kìm rút. Nếu bánh non hơi ông bơm ngay. Đấy là xe mấy chị em tôi sau khi ăn sáng xong sẽ nhảy lên đạp đi học. Ròng rã ba năm học trung học phổ thông, dù nắng hay mưa, bố tôi đều làm thế.

Từ nhà tôi lên tới trường trung học phổ thông phải tới 8-9 cây số. Hồi đó toàn đường đất với vô số thùng vũng, ổ trâu, ổ gà, gai tre. Đi học bị hỏng xe là thường. Khi xe hỏng nếu không có chỗ sửa phải nhờ bạn dắt đèo để vừa ngồi phía sau vừa dắt xe về. Có thằng đi xe giỏi còn vừa đạp, vừa lái một tay, tay còn lại dắt luôn cái xe hỏng cho bạn. Một chặng đường 8-9 cây số chạy quanh co qua các làng với không biết bao nhiêu ổ gà, con dốc. Xem thế đủ biết người vừa lái vừa dắt xe tập trung, khỏe và khéo léo đến cỡ nào.

Trong mấy cái xe thì xe bố tôi đặc biệt nhất. Nó là cái xe đạp đầu tiên nhà tôi có. Hơn nữa, mấy chị em ai lúc nhỏ cũng được bố đèo bằng cái xe đạp ấy. Lúc nhỏ bố buộc cái ghế trên khung ở phía trước, lớn lên một tí thì ngồi sau gác ba ga. Xe đạp hiếm nên khi được bố đèo như thế phóng vèo qua, bọn trẻ cùng làng chỉ còn cách là lác mắt.

Nghe bố tôi kể thì người đầu tiên có xe đạp đi trong làng là ông Thuyết – anh họ của bố tôi. Ông làm cán bộ cho làng nên được mua phân phối một cái xe đạp sáng bóng. Khổ nỗi ông có xe mà lại không biết đi. Tập bao lần vẫn không đi được. Cứ leo lên xe là ngã. Bố tôi kể khi ông Thuyết tập xe có cả hai người giữ xe phía sau, thế mà ông cứ leo lên là cái xe xiêu vẹo. Người phía sau chỉ nới tay một tí là xe đổ đánh rầm. Bố tôi khi đó còn nhỏ chắc 7-8 tuổi gì đó thấy bác tập xe thì thích cứ lăng xăng chạy phía trước. Ông bác tôi vừa hốt vừa nóng mắt quát “Mày có tránh ra không thì bảo cái thằng kia”. Bố tôi nghe ông anh quát sợ quá chạy vọt lên nép vào rặng tre. Nhoắng một cái ông bác lao luôn vào rặng tre ngay sát chỗ bố tôi đứng. Bố tôi kể ông vừa lồm cồm bò dậy dựng xe vừa chửi “Tiên sư cái thằng giặc! Tao đã bảo không chạy phía trước cơ mà”.

Cho đến giờ bố tôi vẫn cứ vừa kể chuyện này cho tôi nghe vừa cưới khoái chí. Kể xong ông kết luận “Chưa từng thấy ai tập đi xe đạp khổ như anh tao”. Bố tôi bảo cho đến khi bố tôi đi bộ đội về, quãng năm 1974-1975, nghĩa là sau 10 năm ông vắng mặt ở làng cái xe đạp của bác tôi vẫn treo im lìm trên xà nhà.

Không chỉ có ở làng tôi xe đạp mới là của hiếm. Suốt thời bao cấp sau chiến tranh, xe đạp giống như là báu vật. Đọc sách và nghe kể thì thấy đủ chuyện buồn cười. Nào là mua phân phối có anh mua được vành xe nhưng người khác lại mua mất lốp. Nào là chỉ cần có cái đồng hồ đeo tay hay cái xe đạp là không cần cưa cẩm, tán tỉnh gì cô nào xinh nhất làng, nhất cơ quan cũng đổ cái rụp…

Tôi thì nhớ như in chuyện ở làng hồi đó, cô con gái nào đi lấy chồng mà mang theo của hồi môn là cái xe phượng hoàng xích hộp của tàu thì trở thành ngôi sao nổi tiếng. Cả xã đồn đại, bàn luận cả tháng trời không ngớt.

Ở làng tôi có một bác đi Liên Xô về mang được một chiếc xe máy min-khơ và một cái xe đạp. Cái xe máy ông không biết đi nên bán cho người ở đâu đó tới còn cái xe đạp ông để lại dùng. Cứ mỗi chiều ông cưỡi trên cái xe đạp liên xô có cái tay lái khoằm khoằm cong queo lạ mắt lượn quanh làng. Người lớn, trẻ con tha hồ chỉ trỏ, bàn tán. Cũng có khi lừa ông không để ý khi dựng xe đâu đó, bọn trẻ con thanh niên choai choai cũng nhảy lên đi trộm. Cái xe đó tuy lạ, đẹp nhưng khá khó nhằn vì nó cao lêu đêu. To cao như ông chủ của nó ngồi lên chân còn phải với. Bọn trẻ con và thanh niên choai choai tuổi gì? Kết cục là chưa đi xe đã đổ kềnh. Thế là phải bỏ xe mà chạy kẻo ăn chửi.

Khi xe đạp phổ biến hơn một chút, dù là toàn xe xấu, cả làng lại có phong trào tập xe. Từ trẻ con tới thanh niên, người lớn ra đường, ra sân điếm tập xe. Bây giờ trẻ con con có xe riêng để tập từ xe ba bánh tới hai bánh nên chỉ một buổi thậm chí chỉ vài phút là có thể đi được xe vèo vèo. Thời của chúng tôi thì khác. Tập bằng xe người lớn nên ngã như đập đất. Xe nữ thì còn đỡ vì có thế ngồi trên khung xe. Xe nam thì phải luồn chân dưới khung đạp chân chó. Đạp kiểu đó, vừa vẹo sườn, vừa mỏi, vừa khó lái. Có người giữ xe mà vẫn ngã như thường. Ai tập bằng xe đạp nam mà cố gắng ngồi trên khung để tập thì xin thưa chẳng ai tránh được trải nghiệm đau nhớ đời vì… háng hay của quý đập vào khung thép. Nói như ngôn ngữ tuổi teen bây giờ là cực kì thốn!

Để đi được xe đạp, trẻ con thời đó phải trả giá vài lần khi lao xe xuống ruộng lúa, xuống ao, xuống vệ đường. Tay chân, mặt mũi sất sát, chảy máu là thường. Có đứa đen đủi vập răng vào xe còn mẻ hoặc gãy cả răng. Ai ngượng không tập hoặc bỏ dở giữa chừng thì trọn đời không biết đi xe đạp. Về quê mà hỏi, ngay cả bây giờ, trong một làng kiểu gì cũng có một vài người không biết chữ hoặc không biết đi xe đạp. Có người “mù” cả hai việc này.

Ba cái xe đạp xếp trong nhà ngang ở quê cũng chật. Nhiều lần về quê tôi đùa đùa bảo bố tôi bán sắt vụn cái xe cũ đi để làm gì cho vướng nhà. Ông lắc đầu xua xua tay bảo “Bán là bán thế nào”. Ông chỉ nói thế thôi nhưng tôi hiểu đấy đâu phải thuần túy là một cái xe đạp hỏng. Nó là bảo tàng chứa cả một đoạn lịch sử quan trọng của gia đình tôi. Nó xứng đáng được lưu giữ và trân trọng.

Ảnh: Chiếc xe đạp mà bố tôi đã dùng suốt nửa thế kỉ giờ nằm im phủ bụi.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Nhà Hậu Trần – P5: Giằng co cản bước quân Minh nam tiến

Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…

4 phút ago

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

14 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

21 phút ago

Ý định của ông Trump trong việc muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…

24 phút ago

Cựu Dân biểu Matt Gaetz rút lui khỏi vị trí ứng cử viên tổng chưởng lý

Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…

30 phút ago

Ông Trump bán cây đàn guitar có chữ ký với giá hơn 10.000 USD

Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…

49 phút ago