Gánh nước tưới hành
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Ngay cả khi đã biết gánh gồng thì gánh nước bằng thùng vẫn là một thử thách. Nước rất nặng. Nếu gánh đầy hai thùng có khi phải đến 40-50kg. Nặng trĩu! Đòn gánh đè lên vai đau điếng. Bởi thế nên khi tập gánh nước, bọn trẻ con như chúng tôi chỉ gánh một phần ba thùng thậm chí ít hơn. Thế mới nể các thiếu nữ thôn quê, quanh năm suốt tháng gánh đủ thứ, trong đó có những gánh nước nặng trĩu từ dưới ngòi, dưới sông lên tưới rau trên ruộng. Quê tôi thùng chủ yếu được dùng vào việc đó, không có giếng làng nên không có cảnh ra giếng gánh nước về nhà.
Trong làng nhà nào cũng có một đôi thùng. Nhà tôi cũng có. Thùng gò bằng tôn, trên cùng có hai cái đai xuyên lỗ để gắn quai thùng uốn bằng thép. Lùa đòn gánh trực tiếp vào quai thùng thì rất khó gánh vì không có chỗ bám dễ trơn trượt, cái thùng lại thẳng đơ khi bước đi khó mà giữ cho nước khỏi sánh, đổ. Vậy là người ta chế thêm hai cái móc thùng bằng thép có cấu trúc hai đoạn, ở giữa có khớp cử động. Khi gánh nước thì móc một đầu vào đòn gánh, một đầu vào quai thùng. Thế là thùng có thể cử động nhịp nhàng với thân người ngon ơ.
Có nhà thì dùng thùng có lắp vòi hoa sen, có nhà không. Nhà tôi chưa dùng thùng có vòi hoa sen bao giờ. Muốn tưới gì, nhà tôi dùng gáo. Thùng chủ yếu được dùng nhiều vào mùa đông khi làng tôi trồng hành tỏi và các cây vụ đông. Trồng xong bao giờ cũng phải tưới cho ẩm gốc cây non hoặc hạt chúng mới không chết và mau hồi phục, nảy mầm. Khi hành tỏi và các loại rau xà lách, su hào nhú lên thành cây cũng cần tưới. Khi đó không chỉ tưới nước múc từ sông, ngòi lên mà còn phải tưới cả phân hóa học (đạm, lân, kali) hòa vào nước. Đặc biệt, không thể thiếu công đoạn tưới… phân lợn. Công việc này rất… mất vệ sinh nhưng không hiểu sao bao nhiêu năm người làng tôi không có một động thái nào cải tiến kĩ thuật. Phân để tưới hoặc là nước đái lợn được múc thẳng từ chuồng lợn. Tất nhiên, nước đái lợn đó có trộn lẫn phân. Mùi của nó thì khỏi nói. Nhức hết mũi, xây xẩm cả mặt mày. Cũng có khi người ta gánh phân lợn tươi ra ruộng rồi múc nước ngòi vào thùng, khuấy lên sau đó dùng gáo đem tưới cho rau và hành tỏi. Mọi công đoạn đều làm bằng đôi tay và chân trần. Hiếm có người đeo găng hay đi ủng. Các bà, các mẹ và những cô thôn nữ thì còn dùng khăn bịt kín mặt chỉ hở đôi mắt, còn lại cánh đàn ông và trẻ con cứ thản nhiên làm như thường không dùng bất cứ một món đồ bảo hộ nào.
Tôi cũng có vô số lần gánh nước đái lợn và nước ngòi trộn phân tưới cho hành tỏi như thế. Có chỗ xuống múc nước ngòi lên xuống dễ, có chỗ rất khó vì bờ ngòi dựng đứng, bên dưới lòng ngòi lại nhiều bùn, lội xuống thụt đến tận bẹn, có múc nước vào thùng xong cũng chẳng thể gánh lên được.
Hành được tưới nước phân lên xanh ngắt. Nếu sau khi tưới mà trời mưa dầm gió bấc vài hôm thì đúng là cầu được ước thấy, hành lên tốt ngập đầu gối, củ to, lá mập. Người làng tỉa những cây hành đó rửa sạch, gánh ra chợ Hòa Bình, gánh sang chợ Than hoặc lên tận chợ Mọc trên thị trấn Cao Thượng bán.
Người ăn hành nào không sống ở quê nhìn công đoạn tưới phân chắc sẽ ghê ghê không dám ăn nữa nhưng cái mất vệ sinh đó có lẽ không sánh được cái độc hại của lối trồng rau dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu và đủ thứ thuốc kích thích sau này.
Ngoài dùng để gánh nước, thùng còn được người lớn, trẻ con dùng để bắt cua, bắt cá, ốc hến. Cua mà thả vào thùng thì không cần nắp đậy cũng hết cách bò ra ngoài. Ở nhà tôi khi tát chuôm, thùng còn được dùng để nhốt lũ cá bị bắt. Tôi thích xem lũ cá bị nhốt trong đó, thi thoảng lại lén thò tay vào sờ làm chúng hoảng sợ quẫy đạp lung tung nước bắn lên cả mặt.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm:
Từ khóa ký ức tuổi thơ Nguyễn Quốc Vương