Chữ “pháp” trong “pháp luật” có nội hàm là gì?
- An Hòa
- •
Người cổ đại tin vào sự tồn tại của Thần linh. Thiên tử được cho là “Thụ mệnh vu thiên”, ở giữa nối liền Trời và người, nên phải vâng mệnh ý chỉ của Thượng Thiên. Vào thời cổ đại dù ở phương Đông hay phương Tây đều có một cách xét xử tội trạng đặc biệt, đó là “Thần phán”. Chữ Pháp (“法”) trong từ “pháp luật” do người xưa sáng tạo ra chính là hình ảnh phản chiếu của quan niệm “Thần phán” này.
Trong chữ Kim Văn, “Pháp” được cấu thành từ ba bộ phận. Phía dưới bên trái là chữ “Thủy” (水 – nước), phía trên bên trái là chữ “Khứ” (去 – loại bỏ đi) và bên phải là chữ “Giải Trãi” (獬豸 – một loài linh thú). “Thủy” có nghĩa thâm sâu là nguồn gốc của vạn vật, là công bằng nhất, là vô tư nhất, “Khứ” mang ý nghĩa chỉ sự trừ bỏ đi cái ác cái xấu. Giải Trãi là linh thú thời cổ đại, có thể phân biệt được đúng sai, xử phạt người xấu. Bởi vậy nội hàm của chữ “Pháp” chính là công bằng, công chính, sau khi phân biệt được đúng sai rồi thì phải loại bỏ đi cái bất chính.
Theo truyền thuyết, vào thời Hoàng Đế trong “Tam Hoàng Ngũ Đế”, Thần linh đã ban tặng cho Hoàng Đế một con thần thú tên là “Giải Trãi”. Con Giải Trãi có bốn vó, một sừng, thường ở trong tư thế ngồi. Trong “Thuật dị ký” viết rằng:
Thời kỳ Hoàng Đế, pháp quan khi xử án mà không thể quyết định được ai đúng ai sai thì sẽ thỉnh mời Giải Trãi đến trợ giúp. Giải Trãi hoặc sẽ dùng sừng húc vào hoặc dùng miệng cắn vào người nào, người đó sẽ bị phán có tội. Phán quan căn cứ vào hành vi phạm tội lớn nhỏ mà xử phạt. Mọi người đều tin vào phán quyết này.
Vì là quà tặng của Thần linh nên Giải Trãi đại biểu cho ý Thần, là công cụ để thực hiện “Thần phán”. Giải Trãi đại biểu cho công bằng và chính nghĩa, tính tình ngay thẳng, biết được thị phi. Cổ nhân coi Giải Trãi là con vật cát tường. Các quan ngự sử thời xưa làm áo có lông Giải Trãi tượng trưng, nhắc nhở bản thân rằng phải loại bỏ người gian tà bất chính.
Kỳ thực vào thời cổ, ở phương Tây cũng có cách làm tương tự. Gặp sự việc khó giải quyết, khó phân biệt đúng sai hoặc việc hệ trọng thì quốc vương sẽ cử người tới Thần điện để xin lời tiên tri, sấm truyền. Trong văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại có thể thấy quan niệm “Thần phán” này rất rõ.
Từ quan niệm “Thần phán”, luật pháp được sáng tạo ra. Vào thời kỳ đầu nó đều là những bộ luật rất đơn giản, dựa trên lời răn dạy của Thần. Thần để lại tiêu chuẩn đạo đức cho người, và luật pháp được đặt ra để bảo vệ những giá trị phổ quát đó. Chẳng hạn như 10 điều răn của Chúa là một ví dụ. Ngay cả bản Hiến pháp thành văn lâu đời nhất còn hiện hành của nhân loại, Hiến pháp Hoa Kỳ, cũng dựa trên sự mặc khải về đức tin của các vị Cha lập quốc Hoa Kỳ. (Xem thêm: Hoa Kỳ lập quốc: Đạo đức và tín ngưỡng là cơ sở của Hiến pháp)
Nói về pháp vì không thể không bàn đến pháp quan, người phán xử dựa trên luật pháp. Trong lịch sử có tấm gương của Trương Thích Chi thời Hán Văn Đế là người chấp pháp nghiêm minh, không thiên lệch, đồng thời cũng rất thẳng thắn khi can gián, là một trong những vị quan chấp pháp công chính nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Lúc Trương Thích Chi đảm nhiệm chức Công xa lệnh, phụ trách bảo vệ canh giữ cửa ra vào cung điện. Một hôm, Thái tử Lưu Khải và anh em Lương vương Lưu Ấp cùng đi xe vào triều, khi đến cửa cung điện không xuống xe. Trương Thích Chi bèn thúc ngựa đuổi theo ngăn Thái tử và Lương vương không cho vào cửa điện, đồng thời dâng tấu lên.
Thái hậu biết chuyện, Hoàng đế phải tạ lỗi nói: “Trẫm không cẩn thận trong việc dạy con”. Thái hậu bèn sai sứ mang chiếu tha lỗi cho Thái tử và Lương vương, sau đó họ mới được vào.
Bởi vì Trương Thích Chi theo lẽ công bằng mà chấp pháp nên nhận được sự tín nhiệm của Hán Văn Đế.
Một lần, Hán Văn Đế đi tuần, khi đi qua một cây cầu thì đột nhiên có người bất ngờ xuất hiện dưới gầm cầu khiến ngựa của Hoàng đế hoảng sợ. Cảnh vệ lập tức bắt người này giao cho đình úy xử tội.
Trương Thích Chi tự mình thẩm vấn. Người kia nói: “Tôi từ bên ngoài thành đến, nghe nói Hoàng đế đi tuần nên vội vàng trốn dưới cầu. Một lúc lâu sau, tôi tưởng giới nghiêm đã bãi bỏ rồi nên bèn đi ra ngoài, không ngờ lại đúng lúc gặp xe ngựa của Hoàng đế đi tới”. Trương Thích Chi đã phạt tiền người này.
Sau khi Hoàng đế biết chuyện rất phẫn nộ nói: “Người này làm con ngựa của trẫm sợ hãi, may mắn là con ngựa này tính tình ôn hòa, nếu không chẳng phải trẫm đã bị thương rồi sao? Ngươi lại chỉ phạt tiền hắn thôi sao?”
Trương Thích Chi trả lời: “Khi sự việc xảy ra, nếu Hoàng thượng sai người giết ngay anh ta thì thôi, còn đã giao cho đình úy thì đình ủy phải theo pháp mà xử lý. Đình úy chấp pháp, nếu tự ý tăng thêm hay giảm bớt đều sẽ khiến người thiên hạ không biết theo ai.”
Hán Văn Đế nghe xong lời Trương Thích Chi thì hiểu ra, không còn tức giận nữa.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Ngọn nguồn và hàm nghĩa của Phúc trong lý niệm cổ nhân
- Vì sao xã hội hoàng quyền xưa không cần có hiến pháp?
Mời xem video “Điều gì đã khiến ‘kinh thành tửu sắc’ Pompeii bị diệt vong chỉ trong 1 ngày?”: