Văn Hóa

Những vùng đất nổi danh khoa bảng ở Nghệ An

Nghệ An là đất “địa linh, nhân kiệt” với truyền thống khoa bảng và hiếu học. Sau đây là những vùng đất nổi danh về khoa bảng của xứ Nghệ.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thanh Chương: Nơi có nhiều dòng họ khoa bảng

Trong lịch sử khoa bảng, Nghệ An có 150 người đỗ đại khoa, riêng huyện Thanh Chương đã có 25 người. Đặc biệt thời Lê Trung Hưng ở làng Hoa Lâm có hai cha con một nhà là Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quỳnh đều đỗ đại khoa.

Ở làng Thanh Hương có một ngọn núi hình chiếc bút đang viết vào bầu trời. Dân chúng gọi là núi Tháp Bút với mong muốn dân làng có nhiều người giỏi chữ nghĩa đỗ đạt thành tài.

Thanh Chương có nhiều dòng họ nổi danh khoa bảng như họ Nguyễn Tài ở Thượng Thọ, họ Trần Sỹ ở xứ Phuống, họ Nguyễn sỹ và họ Nguyễn Duy ở Kẻ Trằm, họ Tôn ở Vĩ Liệt, v.v…

Đình làng Võ Liệt có 2 dãy nhà bia với 6 tấm bia đá ghi lại tên tuổi, quê quán của 455 vị khoa bảng, đỗ từ tú tài đến tiến sỹ của tổng Võ Liệt từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn. Đình làng Võ Liệt được xem là “Văn Miếu” của huyện Thanh Chương.

Yên Thành: Nơi có nhiều người đỗ đầu

Yên Thành là nơi hiếu học có tiếng, có phần ruộng đất gọi là “học điền”, hoa lợi từ phần ruộng đất này dùng để trang trải chi phí cho việc học hành và trả tiền thầy.

Nhiều làng lập hôi Tư văn, có Văn Miếu, Văn Chỉ làng lưu giữ truyền thống học hành khoa bảng, thể hiện sự tôn sư trọng đạo. Nhà nào nghèo lắm không thể học được thì cũng phải cho con cái biết dăm ba chữ Thánh Hiền để làm người tốt, biết lễ nghĩa, hiểu những Đạo lý cơ bản.

Người đỗ khai khoa cho cả huyện Yên Thành và xứ Nghệ là Trạng nguyên Bạch Liêu, người làng Trúc Hạ (nay là xã Mã Thành).

Bạch Liêu nổi tiếng thần đồng từ nhỏ, 6 tuổi biết đọc, 7 tuổi biết làm thơ, 8 tuổi làm được văn bài, đến khi 15 tuổi thì danh tiếng thần đồng đã truyền đi khắp nơi. Tương truyền “ông có trí nhớ dai chẳng ai bằng, có cặp mắt lóng lánh, nhãn quan thần lực đọc sách 10 dòng ”.

Khoa thi năm 1266 thời nhà Trần, Bạch Liêu đỗ Trại Trang nguyên, tuy nhiên khác với những người khác, ông không muốn làm quan, xin Vua cho về quê để phụng dưỡng cho mẹ và giúp đỡ bà con lối xóm.

Nhưng khi đại quân Mông Cổ chuẩn bị lần thứ hai tiến đánh Đại Việt, ông đã dâng lên “Biến pháp tam chương” nhằm chuẩn bị chống giặc, trong đó biến vùng đất Hoan châu, Diễn châu (Nghệ An ngày nay) thành hậu phương vững chắc với lương thực dồi dào cùng lực lượng quân dự bị nhằm chống quân Mông Cổ.

Triều đình thực hiện theo kế sách này, nhờ đó mà Hoan châu, Diễn châu trở nên trù phú và giàu có, lương thực dử dả, lại có sẵn 10 vạn quân dự bị được luyện tập thường xuyên và sẵn sàng xung trận. Nơi đây trở thành hậu phương vững chắc.

Năm 1285, Thoát Hoan cùng A lý Hải Nha thống lĩnh 50 quân từ phía bắc tiến đánh Đại Việt, Toa Đô cùng 20 vạn quân sau thời gian dài bị sa lầy ở Chiêm Thành cũng từ phía nam đánh ngược lên. Đại Việt hai đầu thọ địch, tình thế như nghìn quân treo sợi tóc.

Đúng lúc này vua Trần nhận được bản tấu của Bạch Liêu về tình hình vùng đất Hoan Diễn, phân tích rõ ràng tình huống điểm yếu và mạnh của ta và địch, từ đó hiến kế đánh quân Nguyên. Vua Trần Nhân Tông đọc rất vừa ý, nhất là trong bản tấu của Bạch Liêu nói Hoan Diễn đã sẵn sàng mười vạn quân dưới cờ.

Vua phê vào bản tấu của Bạch Liêu như sau:

Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

Nhờ có Bạch Liêu mà Đại Việt đối phó được đạo quân phía nam của Toa Đô, góp phần đánh bại đại quân Mông Cổ.

Qua lịch sử khoa bảng, huyện Yên Thành có 22 người đỗ đại khoa, trong đó có 4 Trạng nguyên, 3 Thám hoa, 3 Hoàng giáp, 7 tiến sĩ, 4 Phó bảng. Trong đó riêng làng Tam Thọ đã chiếm 3 Trạng nguyên.

Sau này Yên Thành cũng có nhiều người yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lập nên những phong trào chống Pháp.

Làng Quỳnh Đôi: Nơi nhiều người hay chữ

Làng Quỳnh Đôi cũng được xem là “địa linh sinh nhân kiệt”. Xưa kia Quỳnh Đôi có 2 dãy núi đá sừng sững chiếu vào gọi là lèn, phía đông có lèn Bảng gọi là Bảng Canh, phía tây có lèn Bèo gọi là Hiền Hoa. Hai phía đông, tây có 2 lèn như cái bảng chầu về, chếch về phía đông nam có hai cột đá nhô lên và một bãi đá gióng như nghiên mực, nên được gọi là Hòn Bút hay Hòn Nghiên. Với đặc điểm địa lý phong thủy như vậy nên nhiều người cho rằng đất Quỳnh Đôi rất tốt cho khoa bảng. Tiếc rằng đến nay lèn Bèo (Hiền Hoa) đã bị dân khai phá để xây nhà làm đường nên không còn, chỉ cò lại lèn Bảng.

Con đường làng Quỳnh Đôi. (Ảnh: Buonma, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Xưa kia trong làng nhà có nghèo đến mấy cũng phải cho con cái biết được chữ Nho để làm người, người làng hay có câu “ăn mày lấy dăm ba chữ Thánh Hiền”.

Quỳnh Đôi là làng khoa bảng có số người đỗ đạt cao bậc nhất: 531 sinh đồ (Tú tài), 203 hương cống (Cử nhân). Có 116 khoa thi Hương qua các Triều đại thì làng có đến 958 người đỗ Hương cống, trong đó có 13 người đỗ Giải nguyên (tức thủ khoa kỳ thi Hương). Số người đỗ đại khoa cũng nhiều: 4 người đỗ Phó bảng, 6 tiến sĩ, 2 Hoàng giáp, 1 Thám hoa, 1 Bảng nhãn.

Vào thời thuộc Pháp làng có Đỗ Xuân Dương đỗ thủ khoa trường Đai học Luật khoa đầu tiên ở Đông Dương, sau này làm Chánh nhất Tòa thượng thẩm Bắc Bộ rồi Chánh án Hà Nội.

Tiếp nối thế hệ đi trước, sau này Quỳnh Đôi có nhiều người trở thành tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng trong nước.

Diễn Châu: Đất “phụ tử đồng khoa”

Trong lịch sử khoa bảng Diễn Châu có 34 vị đỗ đại khoa và hơn 400 vị đỗ trung khoa. Tiêu biểu có thể kể đến là Nguyễn Xuân Ôn ở làng Diễn Thái, từ người hiếu học đỗ ông Nghè trở thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bắc Nghệ.

Làng Nho Lâm có Đặng Văn Thụy vốn xuất sinh trong gia đình thầy dồ nghèo, nhưng đỗ cao nhất tức Đình nguyên khoa thi năm 1904, được làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám.

Đặc biệt họ Ngô làng Lý Trai có hai cha con Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa cùng thi đỗ khoa thi năm 1592. Vua Lê Thế Tông tặng bảng vàng “Phụ tử đồng khoa” và ban 10 chữ vào cờ vinh quy: “Khoa danh thiên hạ hữu. Phụ tử thế gian vô” (khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì chưa thấy bao giờ).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

5 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

6 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

6 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

7 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago