Chuyện về nỏ liên châu, tướng quân Cao Lỗ và làng Nho Lâm
- Trần Hưng
- •
Chuyện dân gian kể rằng sau khi giúp An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa, lại chế tạo nỏ liên châu đánh tan quân Triệu Đà, tướng quân Cao Lỗ không đồng ý cuộc hôn nhân Trọng Thủy – Mỵ Châu nên bị thất sủng, phải bỏ đi đến vùng đất là làng Nho Lâm ngày nay và truyền lại nghề rèn sắt.
Cao Lỗ chế tạo “Linh Quang Thần Cơ”
Vào những năm 2000, ngay tại góc tây nam Đền Thượng trong khu vực thành Nội Cổ Loa, nơi thờ An Dương Vương, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hệ thống hàng trăm khuôn đúc mũi tên đồng, giống với những mũi tên đồng Cổ Loa 3 cạnh đã tìm thấy trước đó. Khuôn đúc mũi tên là khuôn ba mang, mỗi mang tạo thành một cạnh của mũi tên, nên khi đúc xong, mũi tên có ba cạnh.
Điều quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của nỏ là có thước ngắm, xẻ được 10 rãnh để có thể lắp một lúc 10 mũi tên, có chốt giữ liên hoàn để mỗi lần bóp cò bắn ra được 10 mũi tên với lực xuyên rất mạnh.
Trong các sách cổ dân gian có ghi chép lại rằng An Dương Vương có 2 tướng tài giúp đỡ là Trần Tự Minh và Cao Lỗ. Trần Tự Minh lo huấn luyện binh sĩ, Cao Lỗ chế ra được nỏ bắn một lúc 10 mũi tên giúp đánh bại quân của Triệu Đà.
Triệu Đà nhiều lần đưa quân ấn công Âu Lạc nhưng đều thất bại, chủ yếu là do nỏ liên châu. Sử sách cũ gọi loại nỏ này là “Linh Quang Thần Cơ”. Sách Lĩnh Nam Chích quái còn ghi lại rằng: “Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”. Quân Triệu Đà không còn dám tiến đánh Âu Lạc nữa.
Phản đối cuộc hôn nhân Trọng Thủy – Mỵ Châu
Không thể thắng trên chiến trận, Triệu Đà bèn dùng mưu, giảng hòa với An Dương Vương, đồng thời cho con trai của mình là Triệu Trọng Thủy thành hôn với con gái An Dương Vương là Mỵ Châu.
Tướng quân Cao Lỗ hết lòng tâu với An Dương Vương không nên tán thành cuộc hôn nhân này, nói đây chính là âm mưu của Triệu Đà. Nhưng An Dương Vương không nghe lời Cao Lỗ mà tin theo lời các Lạc Hầu vốn đã bị Triệu Đà mua chuộc.
Sau cuộc hôn nhân này, An Dương Vương không còn tin dùng Cao Lỗ, ông ngày càng bị thất sủng nên liền rời đi. Kết quả sau này mọi người đều biết, An Dương Vương mất nước.
Truyền nghề rèn ở Diễn Châu
Cao Lỗ đến vùng Diễn Châu, Nghệ An thấy có nhiều sắt nên dừng lại đây, dạy dân khai thác quặng sắt, mở lò rèn. Sau đó vùng này phát triển thành tổng Cao Xá gồm nhiều làng, mà trung tâm phát triển nghề rèn sắt là ở vị trí làng Nho Lâm ngày nay.
Làng Nho Lâm xem Cao Lỗ là Thánh Tổ nghề rèn, lập đền thờ tôn làm Thành Hoàng với tên hiệu là Lư Cao Sơn. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng là dân làng lại làm lễ tế Lư Cao Sơn.
Đến thế kỷ 14 có ông Cao Thiện Trí chiêu tập dân đinh đến khai phá vùng đất Thùng Thùng (Khe Rong, Lùm Ngấy) rồi đặt tên là xã Thung Thanh. Xa này bao gồm cả vùng đất hai làng Nho Lâm và Xuân Thanh ngày nay.
Sau đấy không hiểu vì bất hòa ra sao, làng Xuân Thanh tách riêng ra rồi lấy tên là xã Thanh Dương. Còn làng Nho Lâm sau khi tách ra thì gọi là xã Tùng Lâm.
Đến thời Lê Trung Hưng vì tên Tùng Lâm phạm húy với chúa Trịnh Tùng nên đổi tên thành Hoa Lâm. Đến thời vua Minh Mạng tên làng lại phạm húy nên đổi tên thành Nho Lâm.
Đất học Nho Lâm
Làng Nho Lâm có 318 người đỗ đạt từ tú tài trở lên, trong đó có 1 người đỗ tiến sĩ, 4 người đỗ tam trường thi Hội và Phó bảng, 19 người đỗ Hương cống và Cử nhân, 294 người đỗ Hiệu sinh, Sinh đồ và Tú tài.
Hiện nay làng còn giữ tấm bia đá cổ khắc tên hơn 300 người đỗ đạt dưới thời nhà Lê và nhà Nguyễn. Văn bia có đoạn: “Văn hiến xã ta có từ xưa. Đời Lê Vĩnh Hựu (1735 – 1740) đã chọn đất và làm đền ở đây. Các bậc tiền bối đã bỏ tiền ra mua và làm. Từ đó đến nay liên tiếp ghi tên những người đậu đạt, mở ra sự mong mỏi cho dân trong châu ta… khắc tên vào đá truyền lại về sau không bao giờ mất”
Ngoài ra còn có những người làng khác tuy không tham gia các kỳ thi nhưng hay chữ, chọn nghề làm thuốc hay thầy đồ.
Nhiều người cho rằng tên làng “Nho Lâm” mang ý nghĩa là rừng chữ Nho, cũng có nghĩa là cả rừng người đỗ đạt. Cũng có người cho ràng làng có nhiều người đỗ đạt là do thế đất, linh khí tụ ở núi Mã Yên (dân làng gọi là Rú Ta tức núi của làng ta). Quanh núi có 3 giếng là giếng Ráng, giếng Chùa và giếng Nhậu. Đặc biệt giếng Nhậu không bao gờ cạn nước nên được gọi là Nhũ Tuyền (Nhũ Tỉnh) – tức là sữa rồng.
Ngày xưa làng có “học điền”, nhà nào có người đỗ đạt sẽ được ưu tiên chọn các mẫu ruộng tốt.
Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy
Trong những người đỗ đạt của làng Nho Lâm thì nổi tiếng nhất là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy, được dân làng gọi là “cụ Hoàng”.
Đặng Văn Thụy là con cụ đồ gia cảnh nghèo, nhưng lại học được nghề rèn nổi tiếng của làng. Ông sang làng bên là Cao Xá làm thuê cho nhà của cử nhân Cao Xuân Dục.
Công việc làm thuê vất vả, nhưng cứ tối đến hết việc ông lại chăm chỉ đèn sách. Thấy thế vợ chồng ông Cao Xuân Dục quý lắm, quyết định nuôi cho ăn học rồi kén rể, chuyện kén rể cũng thành giai thoại.
Số là ông Dục dặn con gái lo cho cậu Thụy ăn uống đầy đủ để chuyên tâm học hành. Bữa nào cô con gái tên Bích đưa cơm cho Thụy cũng đều ăn hết mà vẫn kêu đói, cô Bích cho phần cơm bằng 4,5 người mà Thụy vẫn ăn hết
Làng Nho Lâm vốn có nghề thợ rèn, Thụy cũng là thợ rèn người vạm vỡ, không giống Nho sinh gì cả. Cô Bích đành thưa với cha: “Cha tính lựa cho con một người chồng như ri chăng?” rồi kể cho cha nghe về cái bụng ăn không biết no của Thụy. Ông Dục nói với con rằng: “Xưa nay những người khác thường mới có những cái không bình thường”.
Quả nhiên khoa thi năm 1904, Đặng Văn Thụy đỗ cao nhất tức Đình nguyên. Khoa thi này còn có các danh sĩ nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Về sau Đặng Văn Thụy được làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám.
Đặng Văn Thụy được các nhà Nho đánh giá cao, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: “Thanh trường vạn quyển ủng tha nga” (Trong bụng có hàng vạn cuốn sách, thật là lớn lao).
Họ Cao cùng làng Nho Lâm ngày nay
Qua thời gian khai thác quặng sắt thời gian dài, đến nay làng Nho Lâm đã cạn kiệt nguồn cung sắt, thỉnh thoảng vẫn phát hiện mỏ quặng sắt nhưng trữ lượng không đáng kể. Để có sắt phải đi 20 cây số đến động Ngút và đồng Hồi thuộc dãy Thiết Sơn để khai thác, vì thế mà nghề rèn nơi đây cũng dần mai một.
Ngày nay làng Nho Lâm có gần 8.000 người với 20 họ, nhưng họ Cao vẫn là đông nhất, là dòng họ chính của làng từ xa xưa đến nay.
Ở xã Diễn Thọ có chợ nông cụ lâu đời chuyên buôn bán trao đổi các sản phẩm dành cho nông nghiệp, đặc biệt các sản phẩm làm nông như cuốc, cày, xẻng, liềm, dao… Tương truyền chợ nông cụ này được hình thành từ thời tướng quân Cao Lỗ truyền nghề sắt.
Trước đây đền thờ Cao Lỗ nằm ở núi Mã Yên (tức Rú Ta) của làng Nho Lâm. Sau này con cháu họ Cao chuyển đền thờ đến xã Diễn Thọ (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ngày nay đền thờ vẫn còn lưu giữ gần 20 đạo sắc phong của các triều đại cho Tướng quân Cao Lỗ.
Hàng năm dân chúng tổ chức lễ hội lớn, thu hút dân chúng khắp vùng đến tham dự, tưởng nhớ tướng quân Cao Lỗ, nhớ một thuở dựng nước xưa cùng nghề rèn phát triển khắp vùng Diễn Châu.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng làng nghề lịch sử Việt Nam