Tướng Douglas MacArthur là người Mỹ tiếp quản nước Nhật bại trận, nhưng ông lại được coi như một vị cứu tinh và là một trong 12 người khai sáng ra nước Nhật. Là một vị tướng lĩnh quân đội Mỹ, Douglas MacArthur đã làm thế nào để vượt qua sự đau thương mà 2 quả bom nguyên tử đã gây ra trong lòng người dân Nhật Bản?
Năm 1945 đánh dấu những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ 2, cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới. Sau khi đánh bại phát-xít Đức và Ý, tháng 8/1945, Mỹ đã thả 2 quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki khiến Nhật Bản phải đầu hàng.
Quân đồng minh quyết định đến Nhật để giải giáp quân phát-xít. Tướng Douglas MacArthur được cử làm Tư lệnh tối cao quân đồng minh, thay mặt quân đồng Minh đưa 35 vạn quân đến tiếp quản Nhật Bản. MacArthur cũng nhận lệnh phải thẳng tay trừng trị không để nạn phát-xít tồn tại.
Tin quân Mỹ chuẩn bị đến làm người Nhật vô cùng lo sợ. Họ hiểu trong một cuộc chiến tranh thì hậu quả mà nước bại trận gặp phải là không thể lường trước. Người có của thì lo cất giấu, nhiều cô gái để tóc ngắn giả trai và mang theo thuốc độc bên người để không bị làm nhục.
Chiều ngày 30/8/1945, MacArthur bước xuống máy bay, đặt chân lên nước Nhật một cách lặng lẽ. Ông không mang quân phục hay vũ khí, cũng chẳng có lễ duyệt binh đón tiếp.
MacArthur cảm nhận được thái độ thù hằn của người dân đối với quân Mỹ, nhất là bởi 2 quả bom nguyên tử đã hủy diệt một phần nước Nhật.
Là vị tướng trải qua 2 cuộc Thế chiến, Douglas MacArthur hiểu được sự đau thương trong chiến tranh, hiểu nược nỗi khổ của người dân khi bị mất nước. Ông có mong muốn xây dựng nước Nhật vượt qua đau thương, hướng đến tự do và bình đẳng.
Douglas MacArthur cho thu giữ vũ khí và giải tán toàn bộ quân đội Nhật, 7 triệu lính Nhật được trở về với gia đình. Ông loại bỏ toàn bộ bộ máy quân phiệt Nhật để chuẩn bị xây dựng chính quyền mới, đồng thời cũng thả hết tù chính trị.
Những người lính Nhật phải tham chiến khắp Thái Bình Dương, nay được về với gia đình mà không hề bị bỏ tù hay đối xử tàn bạo, nên rất cảm kích. Gia đình của họ cũng rất vui mừng.
Lúc này chiến tranh mới kết thúc, dư luận nước Mỹ cùng các nước đồng minh ra sức ép phải xử tử những kẻ cầm đầu, kể cả Thiên Hoàng, đã gây tội ác chiến tranh. Tuy nhiên MacArthur nhận thấy người Nhật rất kính ngưỡng Thiên hoàng, xem ông là biểu tượng của đất nước, là biểu tượng cho sự thống nhất và hòa hợp. Nếu không có Thiên Hoàng thì nước Nhật sẽ loạn, các phe phái sẽ tranh giành quyền lực, dân Nhật sẽ nổi dậy và chống lại. Chính vì thế mà MacArthur mời Thiên Hoàng đến hành dinh gặp mình.
Trong văn hóa của người Nhật thì chỉ có mọi người đến yết kiến Thiên Hoàng chứ không có chuyện ngược lại. Nhưng vào ngày 27/9/1945, một bức ảnh chụp cảnh Nhật Hoàng cùng tướng MacArthur tại nhà riêng đã được công bố khắp nước Nhật. Cảnh 2 người thân mật vui vẻ với nhau khiến người Nhật nguôi ngoai, bởi Thiên Hoàng của họ không bị hạ nhục như lo lắng.
Chiến tranh mới kết thúc, lương thực thiếu thốn, người Nhật lâm vào cảnh đói rét, tướng Douglas MacArthur yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp lương thực cứu dân Nhật. Tuy nhiên chính phủ Mỹ không mặn mà trong việc cứu trợ.
Là vị tướng được lòng dân chúng Mỹ, Douglas MacArthur đã ra áp lực khiến chính quyền Mỹ phải gửi 3,5 triệu tấn lương thực cùng 2 tỷ Mỹ kim cho Nhật. Nhờ số viện trợ này mà người dân Nhật vượt qua được khó khăn.
Đối với binh sĩ, MacArthur cũng ra quân lệnh yêu cầu phải đối xử tốt với người bản xứ, dùng tấm lòng lương thiện để đối đãi, hiểu phong tục của người Nhật để đối xử phù hợp với dân chúng, luôn phải thể hiện sự quan tâm nhường nhịn.
Bấy giờ những con hẻm trong thành phố còn chật hẹp, người Mỹ thường nép sang một bên đường cúi đầu chào theo phong tục và nhường cho người Nhật đi qua. Họ giữ khuôn phép theo truyền thống Nhật Bản, vào nhà dân đều tháo giày dép, nhường các khẩu phần ăn của mình cho trẻ em hay người già. Người Nhật dường như đã cảm động vì điều đó. Các cô gái Nhật vốn sợ hãi nay đã có thể mỉm cười tự nhiên với người Mỹ.
Chỉ sau 6 tháng, tình cảm giữa quân Mỹ và người Nhật ngày càng gắn kết, binh lính Mỹ ra đường không phải lo lắng mang theo súng nữa.
Tướng Douglas MacArthur lên kế hoạch phá bỏ toàn bộ hệ thống quân phiệt Nhật, xây dựng một chế độ công bằng. Thiên Hoàng cũng công bố ủng hộ các kế hoạch này.
Theo kế hoạch, nước Nhật sẽ xây dựng Hiến pháp mới, theo đó đó địa vị tối cao của Thiên Hoàng thay đổi, chỉ còn là “tượng trưng của quốc gia Nhật, của khối thống nhất quốc dân Nhật; địa vị của Thiên Hoàng dựa vào ý chí của toàn dân”.
Nhân ngày đầu năm mới 1/1/1946, Thiên Hoàng đọc bản “Tuyên ngôn Nhân gian” (Ningen-sengen) lịch sử trên đài phát thanh, tuyên bố Thiên Hoàng chỉ là người thường, chấp nhận từ bỏ địa vị tối cao ở Nhật, từ đó MacArthur là người lãnh đạo cao nhất nước Nhật.
Hiến pháp mới cho phép dân chúng được quyền bầu ra chính phủ điều hành đất nước. Cuộc bầu cử là hoàn toàn bình đẳng không phân chia giai cấp, hay nam nữ.
Ngày10/4/1946, nước Nhật diễn ra cuộc tổng tuyển cử bầu ra chính phủ đầu tiên của mình.
Người Nhật trước đây vốn không được tự do, hệ thống cảnh sát quân sự Kampeitai (Hiến binh đội) the dõi thái độ chính trị từng người, sẵn sàng bỏ tù và giết chết những ai phản đối chiến tranh, vì thế người dân không dám nêu lên chính kiến của mình. MacArthur mang đến tự do tư tưởng cho người Nhật và dân chúng rất biết ơn ông vì điều đó.
Người Mỹ giờ đây được xem là những người giúp dân Nhật thoát khỏi chế độ quân phiệt, mang đến tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho dân chúng.
Tướng Douglas MacArthur rất ít tiếp xúc với người Nhật, chỉ tiếp xúc công việc với các quan chức cấp cao. Thế nhưng người Nhật ai cũng có thiện cảm, say mê và tôn kính ông, xem ông là cứu tinh của mình.
Người Nhật thể hiện tình cảm bằng cách gửi tặng ông vô số quà và lời mời. Họ gửi cho ông rất nhiều thư, MacArthur đã nhận ít nhất nửa triệu thư từ dân chúng. Họ cảm ơn những chính sách mà ông thi hành giúp đời sống người Nhật ngày càng nâng cao, sự tự do và giá trị người Nhật cũng được tôn trọng.
Năm 2001, Nhật Bản đã cho xuất bản cuốn sách “Tướng MacArthur thân mến: Những bức thư gửi từ người Nhật trong thời gian Mỹ chiếm đóng” của nhà văn Nhật Sodei Rinjiro. Do có tới nửa triệu bức thư, Sodei Rinjiro chỉ có thể đọc được 10.000 bức thư và chọn ra 120 bức thư thú vị và cảm động nhất.
MacArthur ra chính sách giúp Nhật Bản khôi phục và phát triển kinh tế, giúp dân chúng ấm no hạnh phúc. Dù những việc này của ông gặp phải sự phản đối của một số nghị sĩ và quan chức Mỹ, nhưng ông vẫn lặng lẽ tiến hành công việc của mình.
Tháng 6/1950, Triều Tiên bất ngờ tấn công Hàn Quốc, mở đầu cho cuộc chiến hai miền Triều Tiên. Tướng Douglas MacArthur chỉ huy quân Mỹ đến Hàn Quốc đánh bại quân Triều Tiên.
Tuy nhiên trong cuộc chiến với Triều Tiên, tướng MacArthur và Tổng thống Truman bất đồng quan điểm. Tháng 4/1951, Tổng thống Truman cách chức tướng MacArthur và buộc ông phải về nước.
Ngày MacArthur ra máy bay trở về nước, ông cũng lặng lẽ như lúc đến, không thông báo với ai, chỉ báo cho một vài quan chức Nhật để dặn dò những việc quan trọng.
Thế nhưng khi MacArthur ngồi lên ô tô thì ông phát hiện rằng có rất nhiều người Nhật đã đến tiễn ông, chật kín khắp các ngả đường. Có 2 triệu người Nhật hay tin đã vội vã bỏ hết mọi công việc để đến tiễn ông chật kín từ dinh thự đến sân bay Atsugi.
Đoàn xe đưa tướng Douglas MacArthur lăn bánh trong giọt nước mắt và tiếng tung hô của người dân Nhật Bản: “Đại nguyên soái”.
Thủ tướng đương thời của Nhật là Yoshida khi đưa tiễn đã nói rằng: “Tướng quân MacArthur đã cứu chúng tôi ra khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng và hỗn loạn của thất bại để đưa chúng tôi vào con đường mới do ông xây dựng, chính Ngài đã gieo trồng hạt giống dân chủ trên đất nước chúng tôi để chúng tôi bước trên con đường hòa bình, tình cảm ly biệt mà nhân dân chúng tôi dành cho Ngài không lời nào có thể diễn tả được.”
Khi MacArthur đặt chân lên máy bay, trong đám đông có tiêng hô vang “MacArthur muôn năm!”, lập tức tòa dân chúng đều hô vang, tiếng hô dài bất tận tiễn vị tướng, ân nhân của nước Nhật.
Trước khi MacArthur đặt chân đến Nhật Bản, thống kê của Bộ tài chính Nhật Bản cho thấy khoảng 10 triệu người không có lương thực, hơn 9 triệu người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, 13 triệu người thất nghiệp, 66 thành phố bị tàn phá nặng nề.
MacArthur ở Nhật chưa đến 6 năm nhưng đã thay đổi toàn bộ nước Nhật, thay đổi thể chế, phục hồi nền kinh tế, giúp nước Nhật phát triển vượt bậc, dân chúng hạnh phúc. Nước Nhật dựa trên đà thăng tiến đó, chỉ trong 10 năm đã trở thành cường quốc hùng mạnh giàu có bậc nhất thế giới.
Người Nhật không bao giờ quên tướng Douglas MacArthur. Trong danh sách 12 người khai sáng ra nước Nhật được tôn vinh, có một ngoại lệ duy nhất dành cho người ngoại quốc, đó chính là Douglas MacArthur.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…