Khi nói đến Phát-xít Đức, người ta thường liên tưởng đến một đội quân giết chóc tàn bạo. Thế nhưng trong số các tướng lĩnh, vẫn có ít nhất một người đặc biệt, đó là Thống chế Erwin Rommel, người được xem là viên tướng tài ba bậc nhất của Đức với tàì dùng binh, lắm mưu mẹo. Ông là một vị tướng quả cảm, lại có tấm lòng hào hiệp, khoan dung, đối xử rất tốt với binh lính cũng như tù binh. Chính vì lẽ đó Thống chế Erwin Rommel nhận được sự tôn trọng, người Anh bái phục ông, người Mỹ xem ông là một lãnh đạo mẫu mực. Sau thế chiến ông vẫn được sự tôn vinh của người Đức cũng như quân Đồng minh.

Liên quan đến vụ mưu sát Hitler

Năm 1944, nhận thấy nếu tiếp tục kéo dài chiến tranh sẽ khiến nước Đức bất lợi, Rommel đã cố thuyết phục Hitler đàm phán để có hòa ước với quân đồng minh, nhưng Hitler không muốn có hòa ước. Thậm chí Hitler còn cho rằng nếu không thắng được sẽ cho dân tộc Đức diệt vong luôn cho xứng với tinh thần của một dân tộc vĩ đại.

Rommel được cử đến Pháp, ông tổ chức bố trí phòng thủ dọc theo bãi biển. Ngày 17/7/1944, ông bị trúng bom của quân đồng minh và bị thương nặng, phải trở về Đức.

Lúc này có một nhóm bí mật chống đối Hitler hoạt động tại Đức, trong đó có bạn của Rommel. Họ đến gặp ông và nói rằng sẽ lật đổ Hitler, rồi sẽ mời Rommel làm Quốc Trưởng.

Ngày 20/7/1944, vụ mưu sát Hitler bất thành, những lời khai hướng về Rommel. Nhưng lúc này Rommel rất được lòng dân, những chiến thắng oanh liệt của Rommel đều được đưa tin ở Đức, giúp người Đức nguôi ngoai đi nỗi buồn về những thất bại ở mặt trận phía đông. Dân Đức rất yêu quý Erwin Rommel và xem ông là vị “Thống chế của nhân dân”. Hitler không muốn xử vị “Thống chế của nhân dân” bởi sợ rằng mình sẽ bị mất lòng dân chúng và binh sĩ, nên dự định cho Rommel nghỉ hưu sớm.

Tuy nhiên một số tướng lĩnh ở Bộ tổng chỉ huy không ưa Rommel đã xúi giục Hitler xử tội Erwin Rommel. Cuối cùng Hitler ra điều kiện Rommel tự tử, được xem là chết vì vết thương do chiến tranh, gia đình sẽ không bị liên lụy. Nếu làm trái thì Rommel sẽ bị đưa ra xét xử và liên lụy đến cả gia đình.

Rommel đã chọn cách ra đi nhẹ nhàng bằng một liều cyanide cực độc nhằm bảo vệ gia đình mình. Ông được công bố chết do vết thương chiến tranh, tang lễ được tổ chức theo nghi thức quân đội cấp nhà nước. Mãi sau chiến tranh người ta mới biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thống chế Erwin Rommel.

Thế giới xét xử tội ác phát xít, nhưng với Thống chế Erwin Rommel thì không

Chiến tranh kết thúc, thế giới tổ chức xét xử tội ác của quân phát xít, rất nhiều tướng lĩnh cùng sĩ quan quân phát xít bị  xét xử dù là đang sống hay đã chết. Thế nhưng trong đó không có Thống chế Erwin Rommel.

Người ta phát hiện rằng đội quân của Rommel không bao giờ lạm sát hay nhũng nhiễu dân chúng, nơi nào đội quân ông đi qua dân chúng nơi ấy bình yên. Nếu như quân đồng minh được xem là “giải phóng người dân khỏi ách phát xít”, thì lạ thay ở châu Phi nhiều người còn xem đội quân của Rommel “giải phóng” vùng Bắc Phi khỏi ách thống trị của thực dân Anh. Điều đó có được cũng là do Rommel ra quân lệnh rất nghiêm, yêu cầu cấp dưới và binh lính tuyệt đối tôn trọng người dân nước sở tại.

Rommel cũng nhận nhiều mệnh lệnh yêu cầu xử tử các tù binh quân đồng minh nhưng ông đã không làm. Ví như ở mặt trận Bắc Phi ông từng nhận được lệnh từ các tướng lĩnh Đức phải hành quyết các lính đặc nhiệm quân đồng minh bị bắt, tuy nhiên Rommel phớt lờ mệnh lệnh này, đối xử tốt với các tù binh đối phương.

Cáo sa mạc Erwin Rommel: Vị Thống chế Phát-xít đặc biệt (P4)
Thống chế Erwin Rommel tại Đức năm 1944. (Ảnh: Library of Congress)

Dù lính Đức của Rommel đối xử tốt với dân chúng và tù binh, nhưng quân Ý thì không thế. Có chuyện kể rằng Rommel biết chuyện quân Ý đã lấy đồng hồ đeo tay và đồ đạc của tù binh Anh, ông đã yêu cầu ngay lập tức phải trả lại cho chủ nhân.

Những câu chuyện như thế về Rommel có nhiều, được kể lại và được các nhà sử học và nhà văn ghi chép trong cuốn sách của mình như “Wealth, War and Wisdom” của của John Wiley & Sons, “Patton, Montgomery, Rommel: Masters of War” của Terry Brighton, “Patton and Rommel: Men of War in the Twentieth Century” của Dennis E. Showalter, “The trail of the fox” của David John Cawdell.

Rommel cũng rất coi trọng binh sĩ, dù trong chiến tranh ông nổi tiếng bởi những đợt tấn công thần tốc, lấy ít đánh nhiều, nhưng ông không muốn mất quân một cách vô ích. Khi Quân đoàn châu Phi không còn được tiếp tế hậu cần, thiết giáp xe tăng không còn nhiên liệu để chạy, và Hitler yêu cầu ông phải đánh đến người lính cuối cùng, bắn đến viên đạn cuối cùng thì Rommel đã không tuân theo mệnh lệnh này mà chủ động cho toàn quân rút lui bảo toàn tính mạng binh sĩ.

Nhận được lòng ngưỡng mộ, sự kính phục của đối thủ

Sau thất bại của quân Anh ở Gazala, Thủ tướng Anh Churchill phải thốt lên rằng: “Rommel, Rommel, Rommel – Có vấn đề gì khác ngoài việc đánh bại ông ta?” (Theo Patton, Montgomery, Rommel: Masters of War của Terry Brighton )

Trong một cuộc họp Quốc hội, Thủ tướng Anh Churchill đã nói rằng:  “Chúng ta có một đối thủ rất dũng cảm và tài giỏi, và tôi có thể nói rõ hơn là phía bên kia của cuộc chiến tàn phá này là, một vị tướng quân vĩ đại.” (theo “Wealth, War and Wisdom” của John Wiley & Sons).

Các tướng quân đồng minh như Montgomery (Anh) và Patton (Mỹ) cũng hết mực thán phục Rommel. Các sĩ quan và binh lính Anh ngưỡng mộ “Cáo sa mạc” đến mức mỗi khi nói cần làm việc gì cho thật tốt thì thường kèm theo câu: “Hãy làm nên một Rommel” (theo “Patton and Rommel: Men of War in the Twentieth Century” của Dennis E. Showalter).

Một sĩ quan phục vụ cho Rommel nói rằng: “Bất kỳ ai bị rơi vào sức thu hút mạnh mẽ của ông đều trở thành một người lính thực sự. Ông ta dường như biết được kẻ thù của mình ra sao và họ sẽ đánh trả lại như thế nào.” (theo “The trail of the fox” của David John Cawdell)

Ngày nay tên Rommel được đặt cho 2 căn cứ quân sự và vài con phố ở Đức. Ở quê ông có đặt đài tưởng niệm ca ngợi ông “hào hiệp”, “can đảm” và là một “nạn nhân của chế độ chuyên chế”.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: