Diễn văn: Bổn phận, Danh dự, Đất nước – Douglas MacArthur
- Thanh Thanh
- •
Tướng quân Douglas MacArthur là một huyền thoại của nước Mỹ vào thời Thế chiến thứ hai. Thành công của ông không chỉ đến từ những chiến tích của một người lính, mà còn đến từ sự vĩ đại của một tâm hồn nhân bản. Chỉ trong vài năm ông đã tạo ra nền tảng tự do và dân chủ cho một nước Nhật bại trận hồi sinh từ những hoang tàn đổ nát. Ngày ông rời Nhật Bản, hàng trăm ngàn người xếp hàng dài hàng chục cây số để tiễn đưa, bày tỏ lòng thương mến và cảm ơn ông. Vậy nền tảng gì đã tạo nên một Douglas MacArthur vĩ đại?
Dưới đây là bản ghi âm và bản dịch bài diễn văn của tướng quân Douglas MacArthur, đọc tại học viện quân sự Hoa Kỳ vào ngày 12/05/1962, khi ông nhận giải thưởng danh dự Sylvanus Thayer. Lúc này ông đã già, và chỉ 2 năm sau, ông qua đời ở tuổi 84.
Bản ghi âm và bản tiếng Anh có thể xem hoặc download tại đây nếu audio bên dưới không hoạt động.
Bản dịch:
Xin chào tướng Westmoreland, tướng Grove, các vị khánh mời danh dự, cùng toàn thể các quý ông trong Quân đoàn!
Khi tôi rời khỏi khách sạn sáng nay, nhân viên mở cửa đã hỏi tôi, “Ông sẽ tới đâu, thưa Tướng quân?” Và khi tôi trả lời, “West Point*,” anh ấy nhận xét, “Một nơi tuyệt vời. Ngài đã từng đến đó chưa?”
* Hay còn gọi là học viện quân sự Hoa Kỳ – United States Military Academy
Không một người nào có thể không cảm động khi nhận được vinh dự [là Giải Thayer] này. Hơn nữa nó còn đến từ sự nghiệp quân nhân mà tôi đã phụng sự trong nhiều năm, và được một người tôi yêu quý trao tặng, điều đó làm tôi cảm động không thể nói nên lời. Nhưng giải thường này không nhằm để vinh danh một nhân cách, mà để hình tượng hóa một quy tắc đạo đức cao cả — quy tắc của sự chỉ huy và của những người hiệp sĩ đã bảo vệ mảnh đất thân yêu của văn hóa và của những giá trị ngàn xưa này. Đó chính là ý nghĩa của chiếc huy chương [mà tôi được trao đây]. Đối với bất kỳ ai và ở bất kỳ thời điểm nào, chiếc huy chương này đều là biểu tượng đạo đức của người lính Mỹ, điều mà tôi sẽ luôn ấp ủ trong mình như một lý tưởng cao quý, với một cảm giác tự hào nhưng khiêm tốn.
Bổn phận, Danh dự, Đất nước: Ba từ thiêng liêng ấy là chỉ dẫn tối thượng nhất cho các bạn – những người lính Mỹ – biết mình cần, có thể, và sẽ trở thành những con người như thế nào. Chúng là đích đến của các bạn: để có dũng khí khi lòng can đảm dường như không còn; để lấy lại lòng tin khi lòng tin tưởng chừng đã mất; để tạo ra hy vọng trong vô vọng.
Thật đáng buồn thay, tôi không sở hữu tài hùng biện, không sở hữu tài làm thơ, cũng không có tài ẩn dụ, để có thể diễn tả hết cho các bạn ý nghĩa của ba từ ấy.
Kẻ bất tín sẽ nói rằng chúng chỉ đơn thuần chỉ là những từ ngữ, là một thứ khẩu hiệu, hay là một cụm từ được đánh bóng. Những kẻ mô phạm, những kẻ mù quáng, những kẻ hoài nghi, những kẻ đạo đức giả, và những kẻ có tích cách hoàn toàn đối lập [với ba từ ấy] – điều thật đáng tiếc – sẽ cố gắng hạ thấp ba từ ấy, thậm chí là nhạo báng và chế giễu [ba từ thiêng liêng này].
Nhưng những điều mà ba từ ấy làm được là: Chúng xây dựng cho các bạn một phẩm cách. Chúng định hình tương lai cho các bạn, những người gìn giữ an ninh quốc gia. Chúng khiến các bạn đủ mạnh mẽ để nhận ra khi nào mình yếu đuối, và đủ dũng cảm để đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân. Chúng dạy các bạn tự hào và không hạ mình trong thất bại một cách trung thực, nhưng lại khiêm tốn và nhẹ nhàng trong thành công; dạy các bạn lời nói phải đi với hành động, đừng chạy theo sự dễ dãi, mà đối mặt với căng thẳng và mệt mỏi trong khó khăn để rồi thách thức chúng; dạy các bạn học cách đứng thẳng trong cơn bão, nhưng vẫn có lòng trắc ẩn đối với những người gục ngã; dạy các bạn chế ngự bản thân trước khi chỉ huy người khác; dạy các bạn có một trái tim trong sạch và mục tiêu cao thượng; dạy các bạn biết cười, nhưng không bao giờ quên biết khóc; dạy các bạn vươn tới tương lai nhưng không bao giờ bỏ quên quá khứ; dạy các bạn biết nghiêm túc, nhưng không quá cực đoan; dạy các bạn khiêm tốn, để nhớ đến sự giản đơn nơi những điều phi thường chân chính, sự cởi mở của một trí tuệ chân chính, sự hiền hậu của một sức mạnh chân chính. Chúng mang lại cho các bạn sự bình tĩnh nội tâm, khả năng tưởng tượng, cảm xúc mãnh liệt, nguồn sống tươi mới, lòng dũng cảm vượt trên hèn nhát, biết mạo hiểm thay vì yêu thích sự dễ dàng. Chúng tạo nên trong trái tim của các bạn cảm giác kỳ diệu, hy vọng vào tương lai, niềm vui và cảm hứng cho cuộc sống. Chúng sẽ dạy các bạn trở thành một sĩ quan và cả một quý ông.
Và các bạn sẽ dẫn dắt những người lính như thế nào? Họ có đáng tin cậy không? Họ có dũng cảm không? Họ có khả năng chiến thắng không? Các bạn đều biết đến câu chuyện này. Đó là câu chuyện của những người lính Hoa Kỳ. Hình ảnh về họ mà tôi học được từ chiến trường rất nhiều năm về trước chưa bao giờ thay đổi. Tôi tôn trọng hình ảnh ấy, dù là trong quá khứ hay hiện tại, như một trong những hình tượng tôn quý nhất của thế giới, không chỉ là một trong những hình tượng tốt đẹp nhất trong quân đội, mà còn là hình tượng trong sạch nhất. Tên tuổi và danh tiếng của hình tượng ấy đến từ sinh quyền của mọi công dân Hoa Kỳ. Với tuổi trẻ và sức mạnh của mình, với tình yêu và lòng trung thành, họ đã cống hiến tất cả những gì mà một con người có thể cống hiến.
Hình tượng ấy không cần những lời ca ngợi của tôi, hay của những người khác. Hình tượng ấy đã viết nên lịch sử của mình, và viết những dòng chữ máu lên ngực của kẻ thù. Nhưng khi tôi nghĩ đến sự kiên nhẫn của người lính Mỹ trong nghịch cảnh, sự dũng cảm của họ dưới những làn đạn, và sự khiêm tốn của họ khi chiến thắng, tôi cảm thấy hoàn toàn thán phục mà không thể thốt nên lời. Hình tượng người lính Mỹ là một trong những ví dụ vĩ đại nhất trong lịch sử về lòng yêu nước. Họ là những người dẫn đạo để hậu thế hướng tới tương lai trong sự tự do. Họ thuộc về chúng ta, với đức hạnh và chiến công của họ. Trong 20 chiến dịch, trên hàng trăm chiến trường, giữa hàng ngàn trại lính, tôi đã chứng kiến sự quả cảm bền bỉ đó, sự hy sinh yêu nước đó, và sự quyết tâm không thể nào lay chuyển đó, chúng đã tạc tượng người lính Mỹ vào trái tim của người dân. Trên khắp thế giới, họ đã vô cùng quả cảm.
Khi tôi nghe những bài hát [trong câu lạc bộ], tôi lại nhớ tới những tượng đài đáng kinh ngạc trong Thế chiến thứ nhất, họ cong mình dưới những ba-lô ướt sũng, trải qua cuộc hành quân từ bình minh ướt sương cho tới tận hoàng hôn mưa bụi, mắt cá chân ngập dưới bãi lầy trên những con đường bị oanh tạc, quyết tập hợp nhau cho trận đánh, với đôi môi xám xịt phủ đầy bùn, rét run vì mưa gió, hướng tới mục tiêu, và với nhiều người, là trở về dưới sự phán xét của Chúa.
Tối không biết nhân cách của họ khi chào đời, nhưng tôi hiểu sự vinh quang khi họ ra đi. Họ qua đời không thắc mắc, không phàn nàn, với niềm tin trong tâm, và lời nói hy vọng rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng. Họ luôn luôn giữ: Bổn phận, Danh dự, Đất nước; họ luôn đổ máu, mồ hôi và nước mắt, trong khi chúng ta tìm kiếm đường đi, tìm kiếm ánh sáng, tìm kiếm sự thật.
Và 20 năm sau đó, tại bên kia bán cầu, một lân nữa trong sự bẩn thỉu dưới những hố công sự tối tăm, trong mùi khó chịu ở những con hào chết chóc, trong đám bùn lầy ở những hầm trú ẩn dột nát; dưới cái nắng thiêu đốt của mặt trời, dưới những cơn mưa bất tận của những cơn bão hủy diệt; giữa sự cô đơn và đơn độc trên những con đường mòn; với nỗi cay đắng khi phải ly biệt người họ yêu thương; trước bệnh dịch chết người của những khu rừng nhiệt đới; rồi sự kinh hoàng của các chiến địa; với tất cả những thứ đó, họ kiên quyết phòng thủ, họ nhanh nhẹn và vững chắc tấn công, vì mục tiêu bất khuất, họ toàn thắng — luôn luôn chiến thắng. Luôn luôn vượt qua làn mây mù đẫm máu với những tiếng súng vang dội, hình ảnh của những người lính hốc hác và nhợt nhạt vẫn tôn kính tuân theo quy tắc: Bổn phận, Danh dự, Đất nước.
Quy tắc mà ba từ thiêng liêng ấy chứa đựng là quy luật đạo đức cao nhất, và nó sẽ đứng vững trước mọi bài kiểm tra khắt khe của bất cứ thứ đạo đức hay triết học nào được đề ra để đảm bảo sự tiến bộ của nhân loại. Chúng yêu cầu người ta hành xử đúng đắn, và hạn chế người ta khỏi những sai lầm.
Trên hết tất cả, những người lính cần phải thực hiện một hành vi tín ngưỡng cao quý — hy sinh.
Trong trận chiến và khi đối mặt với nguy hiểm cũng như tử vong, họ bộc lộ ra những bản tính thần thánh mà Đấng Sáng Tạo* đã ban cho khi tạo ra loài người theo hình ảnh của chính mình. Không có sự dũng cảm về thể chất hay sự thô thiển của bản năng nào lại có thể thay thế cho sự trợ giúp thần thánh đó.
* Cả tín ngưỡng phương Đông và phương Tây đều quan niệm rằng, Thần tạo ra con người theo hình ảnh của chính mình.
Bất kể chiến tranh có khủng khiếp ra sao, người lính sẵn sàng cống hiến và hy sinh cuộc sống của mình cho đất nước, đó là sự phát triển cao quý nhất của nhân loại.
Ngày nay các bạn phải đối diện với một thế giới mới — thế giới của những thách thức. Việc con người tiến vào vũ trụ với vệ tinh, với tên lửa đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của nhân loại. Trong vòng khoảng 5 tỉ năm mà các nhà khoa học cho rằng quả đất được tạo ra, trong vòng khoảng 3 tỉ năm phát triển của loài người, chưa từng có một bước tiến đột ngột và đáng kinh ngạc đến như vậy. Chúng ta không còn chỉ đối mặt với những gì bên trong Trái đất, mà còn phải đối mặt với những khoảng không vô hạn, với những bí ẩn của vũ trụ. Chúng ta đang tiến tới một biên giới mới, một biên giới không giới hạn.
Chúng ta sử dụng những cụm từ mới: về thu năng lượng vũ trụ; về bắt gió và thủy triều làm việc cho chúng ta; về tạo ra những vật liệu được tổng hợp chưa từng thấy để bổ sung hay thay thế các vật liệu cũ; về lọc nước biển làm nước uống; khai thác đáy biển cho nhiều lĩnh vực; về sử dụng thuốc phòng bệnh để kéo dài tuổi thọ đến cả trăm năm; về điều khiển thời tiết để có sự phân bố cân bằng của nóng và lạnh, của mưa và nắng; về những con tàu vũ trụ đi đến mặt trăng; về những mục tiêu chính trong chiến tranh, không còn chỉ là quân đội, mà còn bao gồm cả dân thường; về cuộc đối đầu tối thượng giữa một nhân loại thống nhất và những lực lượng huyền bí đến từ những thiên hà khác; về những giấc mơ và giả tưởng khiến cho cuộc sống trở nên thú vị chưa từng có.
Và xuyên suốt qua những thay đổi và phát triển chóng mặt ấy, nhiệm vụ của người lính Mỹ vẫn không thay đổi, vẫn minh xác và bất khả xâm phạm: chiến thắng trong những cuộc chiến của chúng ta.
Tất cả mọi thứ khác trong sự nghiệp của các bạn đều là hệ quả từ sự cống hiến tối quan trọng này. Tất cả những mục đích, dự án, hay nhu cầu khác của cộng đồng, dù nhỏ hay lớn, sẽ được những người khác thực hiện. Còn các bạn là những người được huấn luyện để chiến đấu. Các bạn cần có sự chuyên nghiệp trong vũ trang, cần có tinh thần quyết thắng, cần hiểu rằng trong chiến tranh, không gì có thể thay thế chiến rằng; vì rằng nếu bạn thua, quốc gia sẽ bị hủy diệt; hãy hiểu rằng bạn phải tuyệt đối phục vụ theo nguyên tắc: Bổn phận, Danh dự, Đất nước.
Người ta sẽ tranh cãi về những vấn đề phức tạp, về quốc gia và quốc tế, về những điều khiến bạn phân tâm; nhưng hãy thanh thản, bình tĩnh và tách biệt, bởi vì bạn là người bảo hộ chiến tranh của đất nước này, là người cứu hộ trong những cơn triều cường giận dữ của mâu thuẫn quốc tế, là võ sĩ giác đấu trên đấu trường. Trong vòng một thế kỷ rưỡi qua, người lính Mỹ đã phòng ngự, đã giữ gìn, đã bảo vệ những truyền thống thần thánh của quốc gia về tự do, quyền và công lý.
Hãy để người dân quyết định sẽ vinh danh hay không vinh danh cho những quy trình của chính phủ; cho dù sức mạnh của chúng ta bị kiềm chế bởi thâm hụt của ngân sách, thứ đã bị sử dụng bừa bãi từ lâu vì chủ nghĩa liên bang phát triển quá mạnh mẽ, vì những nhóm lợi ích phát triển quá ngạo mạn, vì chính trị trở nên hủ bại, vì tội phạm phát triển quá hung hăng, vì đạo đức ngày càng thấp, vì thuế ngày càng cao, vì những kẻ cực đoan ngày càng manh động; cho dù tự do cá nhân của chúng ta có được đầy đủ và triệt để như nó đáng phải có. Những vấn đề lớn của quốc gia không cần có đến sự tham dự hay những giải pháp quân sự của người lính. Thứ chỉ đường cho các bạn vẫn đứng sừng sững như một ngọn hải đăng trong đêm: Bổn phận, Danh dự, Đất nước.
Các bạn là chất keo gắn kết hệ thống phòng thủ của đất nước. Từ hàng ngũ của các bạn, sẽ xuất hiện những thuyền trưởng vĩ đại nắm giữ vận mệnh quốc gia trong tay, khi tiếng chuông của chiến tranh vang lên. The Long Gray Line* chưa bao giờ làm chúng ta thất vọng. Nếu bạn khiến đất nước thất vọng, thì hàng triệu những linh hồn với màu nâu xám ô liu, với màu nâu khaki, với màu xanh nước biển và màu xám**, sẽ nổi lên từ nơi an nghỉ để kêu vang lên những từ ngữ thiêng liêng: Bổn phận, Danh dự, Đất nước.
* The Long Gray Line – tạm dịch: Đường xám dài – là bộ phim Mỹ năm 1955 kể về cuộc đời của một người lính Mỹ.
** Có thể ám chỉ đến màu áo của các loại binh chủng.
Nhưng việc này không có nghĩa rằng các bạn là những kẻ đi gây chiến.
Ngược lại, một người lính, vượt trên tất cả những người khác, sẽ cầu nguyện cho hòa bình, vì họ là những người phải chịu những vết thương sâu sắc nhất từ chiến tranh.
Nhưng tai chúng ta luôn vang vọng lời nói của Plato, triết gia thông thái nhất: “Chỉ có những người chết mới nhìn thấy được kết thúc của chiến tranh.”*
* Ý nghĩa của câu nói này là, chỉ có người chết mới được an nghỉ, còn những người sống, sớm muộn cũng lại chứng kiến chiến tranh. Câu nói này rất phổ biến trong các binh lính Mỹ thời bấy giờ tuy nhiên thực chất không phải là câu nói của Plato.
Tôi đã ở vào buổi hoàng hôn của cuộc đời. Những ngày tháng cũ đã qua đi, cả về âm thanh lẫn sắc màu. Chúng đã lấp lánh xuyên gia những giấc mơ xưa. Ký ức đó đẹp kỳ diệu, vun tưới bởi nước mắt, được vỗ về và chăm sóc bởi những nụ cười của ngày hôm qua. Tôi lắng nghe một cách hão huyền, háo hức, những giai điệu mê hồn từ các cây kèn thổi nhạc lệnh, từ những tiếng trống rền vang. Trong mơ, tôi lại nghe tiếng súng giao nhau, tiếng súng nổ, tiếng thì thầm xa lạ đầy tang tóc của chiến trường.
Nhưng từ trong đêm tối của ký ức, tôi luôn trở về West Point.
Luôn luôn vẫn là những từ ngữ vọng đi và vọng lại: Bổn phận, Danh dự, Đất nước.
Hôm nay đánh dấu lần cuối cùng tôi điểm danh các bạn, nhưng tôi muốn các bạn biết rằng khi tôi chết đi, ý nghĩ tỉnh táo cuối cùng của tôi sẽ là Quân đoàn, Quân đoàn, và Quân đoàn.
Chào tạm biệt.
Trong quá trình biên dịch, chúng tôi cố gắng khiến bản dịch sát nghĩa và thể hiện được tinh thần của bài diễn văn trong khả năng tốt nhất của mình, tuy nhiên để mang được cái hồn của những áng văn tới độc giả là một điều không dễ. Chúng tôi trân trọng mọi ý kiến giúp cho bản dịch hoàn chỉnh và hay hơn.
Thanh Thanh biên dịch
Xem thêm:
- Diễn văn: “Tôi có một giấc mơ” – Martin Luther King
- Tranh biện Oxford Union: “Có nên hy sinh thương mại vì nhân quyền?” – Anastasia Lin
- Diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Mời xem video:
Từ khóa nước Mỹ Đạo đức chiến tranh Douglas MacArthur