(Tranh minh họa: Jorm Sangsorn, Shutterstock)
Thỉnh thoảng có bạn gọi điện cho mình chia sẻ. Đầu bên kia bạn kể chuyện, bên này mình nghe. Thỉnh thoảng, bạn lại ngừng, hỏi.
“A lô. A lô. Chị có nghe được em nói không?”
“Có. Mình vẫn đang nghe đây.”
“Em tưởng mất kết nối hay chị không nghe được em. Vì em thấy bên đó im lặng quá.”
“Ừ. Mình vẫn đang nghe. Bạn cứ tiếp tục đi.”
Nghe mình nói vậy bạn yên tâm tiếp tục câu chuyện.
Có bạn thì hỏi.
“A lô. A lô. Chị có còn đang nghe không?”
“Có. Mình vẫn đang ở đây.”
“Dạ. Em kể chuyện có chán quá hông? Có luyên thuyên quá không? Chị có hiểu điều em muốn nói không?”
“Không chán. Mình vẫn đang nghe đây.”
“À. Dạ. Em không giỏi ăn nói, không mạch lạc, em sợ chị chán. Thấy chị nín thinh hổng nói gì nên sợ là chị không muốn nghe nữa.”
“Không. Mình vẫn nghe. Bạn cứ nói đi.”
…
Bình thường, trong các cuộc nói chuyện mặt đối mặt trực tiếp ở đời hay nói chuyện qua điện thoại, thì người nghe hay xen vô khi người kia đang nói. Xen vô có nhiều kiểu:
Kiểu đồng tình: À, ừ ừ, thế à, ồ vậy ha,…
Hoặc đồng cảm: Ôi vậy sao! Ừa, tội quá! Nghe kể mà thương quá! Hay thế! Trời ơi hổng ngờ lại vậy!…
Hoặc góp chuyện: À, đó, thấy chưa, cái thằng đó thiệt hổng ra gì, hôm bữa nó vầy vầy nè. Hoặc: Đấy đấy, mày gặp chuyện đó chưa ăn thua gì, tao nè, tao còn bị….
Hoặc phản đối: Mày nói sao chớ tao thấy đâu có vậy… Không không, không phải như em nghĩ đâu… Em thì lại thấy thế này… Chuyện đâu có gì mà cô lại làm quá lên…
Hoặc hỏi lại: Khoan khoan, chỗ này nói lại coi, chớ tao thấy phải vầy mới đúng… Sao sao, em nói sao, thiệt vậy hông? Từ từ, nó nói vậy thiệt hả? Trời ơi hổng dè…
Nghĩa là luôn có sự phản ứng nhất định. Tùy người, tùy việc mà mức độ phản ứng khác nhau theo câu chuyện người kia kể.
Còn mình, nghe chỉ nghe. Khi ngồi đối diện nhau, ngoài nghe mình còn nhìn. Nhìn chỉ nhìn. Khi ngồi cùng nhau do có sự tương tác bằng mắt nên người nói biết mình đang nhìn và nghe họ. Qua điện thoại, người nói không nhìn thấy mình, lại không nghe thấy mình phản ứng như những người khác nên họ tưởng mình không nghe hoặc mất kết nối. Sau vài lần họ mới quen dần với sự im lặng gần như tuyệt đối của mình ở đầu bên này khi họ nói.
Cũng có một thời gian ngắn mình có học theo cách giao tiếp của mọi người nên có thỉnh thoảng nói xen vô khi người khác nói, tưởng rằng như vậy là cách tốt để giao tiếp. Nhưng mình nhanh chóng nhận ra rằng khi làm điều đó thì mình không còn chú tâm vào việc nghe, nhìn nữa mà bị phân tán rất nhiều trong tâm trí, khiến mình không chú tâm toàn triệt. Khi không chú tâm toàn triệt vào việc nghe, nhìn thì mình không nắm bắt được toàn bộ những điều cần thiết. Khi không nắm bắt được toàn bộ những điều đang diễn ra thì mình không thể hiểu được toàn bộ thông tin, thông điệp, sự việc. Khi không hiểu được toàn bộ thông tin, thông điệp, sự việc thì sự phản hồi của mình không thể chính xác. Đó là tình trạng nghe mà không lắng nghe. Chưa hết, khi không nắm bắt được toàn bộ thông tin thì suy nghĩ thường chơi trò lắp ghép. Mọi lắp ghép đều sai với sự thật đang diễn ra. Nên mình chấm dứt việc xen vô dưới bất cứ hình thức nào.
Khi nghe, âm thanh, lời nói đi vào tai, suy nghĩ nhanh chóng phân biệt, phân tích diễn giải âm thanh, lời nói đó thành ý nghĩa để hiểu thông tin người kia muốn truyền tải. Đây là quá trình tự động của loa tai, thần kinh và suy nghĩ. Ta chẳng phải “làm” gì cả bởi các công cụ loa tai, hệ thống thần kinh và suy nghĩ đã được lập trình để làm việc một cách tự động như vậy.
Khi im lặng, ngoài việc nghe âm thanh lời nói để hiểu thông tin, mình còn nghe được ngữ điệu, âm vực, âm sắc của giọng nói của người đang nói. Nhiều khi ngữ điệu, âm vực, âm sắc nói lên nhiều điều hơn cả lời nói.
Khi im lặng, ngoài nghe những cái vừa kể trên, mình nghe được hơi thở của người đang nói. Hơi thở không có lời nhưng cũng cho mình rất nhiều thông tin về những điều đang diễn ra.
Đồng thời, mình nghe khoảng lặng giữa các từ ngữ, câu chữ, đoạn nói chuyện. Những khoảng lặng này cũng chứa đầy ắp thông tin.
Khi nghe, đầu mình “làm việc” một cách tự động, nghĩa là làm mà như không làm, không làm mà như làm, mình im lặng bên ngoài và im bặt bên trong đầu. Im bặt bên trong đầu nghĩa là trong đầu mình không hề xuất hiện giọng nói.
Suy nghĩ chỉ đơn giản làm việc cần làm (diễn dịch âm thanh thành thông tin) một cách tự động. Suy nghĩ không “chạy” lung tung, cảm xúc nằm yên không can thiệp vào quá trình nghe, nên cho dù nghe bao lâu, câu chuyện gì, chủ đề nào, thì mình cũng không thấy mệt mỏi hay khó chịu, không bị câu chuyện của người khác ảnh hưởng. Trong trạng thái này, mình nghe hiểu nhận biết trực tiếp mọi thứ đang diễn ra, ngay lập tức. Không có chuyện hiểu sai, hiểu lầm hay thiếu sót thông điệp, thông tin.
Đây là trạng thái chú tâm toàn triệt và nó là một trạng thái tự nhiên không cần cố gắng của con người. Nó không phải là sự tập trung cao độ. Tập trung cao độ thì chỉ có thể tập trung vào một điểm nhất định, tập trung nghe lời nói thì không nghe hơi thở, nghe hơi thở thì không nghe được ngữ điệu, tập trung nghe cái này thì bỏ sót cái kia, v.v. tùy theo sự điều hướng của suy nghĩ. Tập trung cao độ chỉ có thể duy trì trong một khoảng thời gian ngắn và nó gây ra sự căng thẳng khiến cho việc nghe trở thành một công việc hoạt động trí óc mệt mỏi.
Suy nghĩ của con người là một công cụ hữu ích. Nhưng đa phần chúng ta không hiểu rõ về cấu trúc, chức năng hoạt động của nó. Như vận hành cái xe nhưng lại không hề đọc, học cách sử dụng vậy, nên thay vì lái xe thì lại thường bị xe lái. Và nó luôn “ham chơi” nên luôn lái đi lung tung, luôn lôi kéo bạn bè: cảm xúc, cảm giác đi chung, cho vui! Khi cần “làm việc” thì nó không làm. Việc cần làm thì nó ngó lơ. Việc không cần làm thì nó tha lôi về. Phần đa con người không nhận thức được đang bị suy nghĩ điều khiển. Một số ít nghe được giọng nói trong đầu, nhận thức được sự rối loạn trong suy nghĩ, thấy được nó luôn bất kham, thì ra sức tìm cách để cố gắng kiểm soát nó. Rồi cũng chính suy nghĩ bày ra lắm trò mà nó gọi là phương pháp để cố gắng làm cái việc kiểm soát chính nó. Người kiểm soát cũng chính là kẻ bị kiểm soát… Mình đi hơi xa, người chưa nhìn thấy sự vận hành của suy nghĩ thì không hiểu được điểm này.
Quay lại với việc nghe. Hầu hết chúng ta, phần lớn thời gian trong lúc nghe, dù là nghe nói chuyện hay nghe một bản nhạc, nghe một âm thanh nào đó thì suy nghĩ không chỉ đơn thuần làm việc của nó là diễn giải âm thanh lời nói thành ý nghĩa, mà suy nghĩ vẫn xồng xộc chạy tới chạy lui tung tăng diễn đủ trò trong đầu. Nó khiến cho một người ngồi đó, nghe đó, nhưng chỉ nghe được một phần rất rất ít. Nhìn đó, nhưng chỉ thấy một phần rất rất nhỏ. Vì vậy, phần lớn thông tin bị rơi rớt, thông điệp không được truyền tải một cách trực tiếp. Tất yếu diễn ra tình trạng phản hồi ít ăn nhập, không thể có sự thấu hiểu sâu sắc. Trong trạng thái này, hiểu được thông điệp đã khó huống gì nghe được tiếng lòng của nhau.
Như trên mình đã trình bày, cho dù sử dụng bất cứ phương pháp nào, nỗ lực ra sao thì không ai có thể kiểm soát được suy nghĩ. Mình lặp lại, người kiểm soát cũng chính là đối tượng bị kiểm soát. Khi khởi lên ý nghĩ kiểm soát thì chính ý nghĩ kiểm soát ấy là một ý nghĩ. Làm sao nó có thể kiểm soát chính nó? Nhìn kỹ sẽ thấy nó giả vờ tách ra làm như có người kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát, nghĩa là có chủ thể và khách thể, là hai, làm bộ như nó không phải là chính nó. Sự thật là chỉ một, chỉ là ý nghĩ trong dòng suy nghĩ mà thôi. Không thể đè nép, áp chế, quản lý, kiểm soát suy nghĩ. Bạn có thể thử. Một số vị thầy thiền định bày ra nhiều phương pháp để chỉ dạy người học, nhất là những người thuộc dạng cố chấp, để họ thực hiện theo phương pháp nào đó cho đến khi y đuối như trái chuối, bỏ cuộc, thì rồi tự nhận ra. Vì là cố chấp mà nên ngay từ đầu đâu có chịu nghe, đâu có chịu tin, đâu có chịu thấy điều đơn giản, phải lăn trôi bầm dập, khổ tận cam lai mới chịu! Khi một người thấy được rằng không thể kiểm soát suy nghĩ cho dù y đã làm mọi cách, nghĩa là thực sự chấp nhận thất bại rồi, thì y mới thấy rằng không thể kiểm soát nhưng có thể quan sát suy nghĩ. Đây là điểm mấu chốt.
Khi nghe âm thanh, lời nói bất kỳ từ bất cứ ai hay nguồn nào, nếu không chỉ nghe âm thanh bên ngoài lọt vô tai mà lắng nghe bên trong thì bạn lập tức nghe thấy giọng nói trong đầu, tức là suy nghĩ, đang không ngừng đó. Không nhiều người đi được tới điểm này. Nếu bạn đang đọc những dòng này và đang nghe được giọng nói trong đầu bạn thì bạn đã đi được khá sâu vào tâm trí của bạn rồi.
Lắng nghe giọng nói trong đầu bạn, bạn nhận ra điều gì? Nó thường “chơi” ở đâu? Có khuôn mẫu nào không? Khuôn mẫu là những điều lặp đi lặp lại. Suy nghĩ có lúc biểu hiện lên trong tâm trí bằng giọng nói, có khi bằng hình ảnh, có khi cả hai đan xen. Lắng nghe giọng nói, quan sát hình ảnh chạy xoẹt xoẹt qua tâm trí đó, bạn thấy suy nghĩ rất ưa thích chui về quá khứ hoặc phóng tới tương lai.
Khi nghe, đọc, nhìn gì, suy nghĩ thường lập tức chạy lăng xăng về quá khứ hoặc tương lai. Điều này khiến bạn nhìn và nghe mọi thứ qua một màn sương, hạn chế việc nghe, nhìn. Nó khiến bạn chỉ nghe điều muốn nghe, thấy điều muốn thấy và suy diễn bóp méo thực tại.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm:
Thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ gây sốc thị trường chứng khoán…
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã lên án bản án đối với ứng cử viên…
Ukraine đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn một phần do Hoa Kỳ làm…
UBND TP. Hải Phòng đề xuất được bán nhà ở cho các hộ dân có…
Giá xăng dầu đồng loạt tăng, trong đó tăng mạnh nhất là xăng RON 95…
Ông Trump đã thực hiện cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử, trong…