Các công ty dược phẩm và sinh học Mỹ bắt đầu chính sách ‘thoát Trung’
- Hạ Vũ
- •
Ngành dược phẩm và công ty công nghệ sinh học (CNSH) của Mỹ đã quen với việc dựa vào các đối tác Trung Quốc, nghiên cứu và cung cấp nguyên liệu thô, nhưng quan hệ Mỹ-Trung không ngừng căng thẳng đang khiến nhiều hãng liên quan của Mỹ bắt đầu tìm kiếm đối tác bên ngoài Trung Quốc.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 1/11 đưa tin rằng nhiều công ty dược phẩm Mỹ đang tìm cách tách khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc, họ cho biết giờ là lúc để giảm thiểu rủi ro ở Trung Quốc, bao gồm các công ty dược phẩm lớn như AstraZeneca cũng như các công ty nhỏ như Amicus Therapeutics của New Jersey. Công ty Amicus Therapeutics đang tìm kiếm đối tác ngoài Trung Quốc cung cấp nguyên liệu thô cho phương pháp của họ điều trị căn bệnh hiếm gặp.
CEO Nello Mainolfi của Kymera Therapeutics nói với WSJ rằng công ty “đang đưa ra các lựa chọn để giảm nguy cơ phụ thuộc vào một hoặc một vài quốc gia”. Công ty có trụ sở tại Massachusetts này chuyên phát triển các loại thuốc điều trị ung thư và hệ miễn dịch, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng đã bắt đầu chuyển hướng ở châu Âu, Ấn Độ và Mỹ.
Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Mỹ và phương Tây không ngừng xấu đi, trong bối cảnh đó nhà cầm quyền Trung Quốc đã đẩy mạnh trấn áp các công ty nước ngoài và công ty tư nhân trong nước, họ có thể tùy tiện bắt giữ quản lý doanh nghiệp nước ngoài – một trong những nguyên nhân dẫn đến thay đổi chuỗi cung ứng. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy tách các nhà sản xuất thuốc nước ngoài ra khỏi các đối tác Trung Quốc là Đạo luật an toàn sinh học (Biosecure Act) của Mỹ.
Ngày 9/9, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật An toàn sinh học (Biosecure Act), theo đó dựa trên cơ sở an ninh quốc gia đã đưa vào “danh sách đen” các công ty khoa học sinh học Trung Quốc như BGI, MGI, và công ty con của MGI tại Mỹ là Complete Genomics, công ty WuXi AppTec và WuXi Biologics cùng công ty con của họ tại Mỹ. Đạo luật cấm các công ty có nhận tài trợ hoặc hợp đồng của Chính phủ Mỹ kinh doanh với các công ty Trung Quốc trong danh sách đen này.
Dựa trên những cân nhắc về an ninh quốc gia, Đạo luật An toàn sinh học nhằm mục đích ngăn chặn một số nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị CNSH của Trung Quốc thâm nhập thị trường Mỹ. Trước khi Hạ viện thông qua dự luật, một cuộc khảo sát các công ty khoa học đời sống của Mỹ vào tháng 7 của L.E.K. Consulting (một công ty tư vấn chiến lược toàn cầu có trụ sở tại London và Boston) cho thấy, niềm tin khi hợp tác với các công ty Trung Quốc đã giảm khoảng 30% – 50%; trong số 73 công ty khoa học đời sống được khảo sát, 26% cho biết họ đang tìm cách rời xa các đối tác Trung Quốc.
Mặc dù triển vọng tại Thượng viện của Dự luật An toàn sinh học vẫn chưa rõ ràng, nhưng đồng giám đốc toàn cầu của bộ phận thực hành khoa học đời sống tại công ty luật Hogan Lovells là Steve Abrams nói với WSJ rằng, “hiệu ứng về khả năng đó đã diễn ra trên thực tế”.
Ví dụ công ty CNSH Vir có trụ sở tại San Francisco phát triển các phương pháp điều trị kháng virus và ung thư. Người phát ngôn của công ty nói với WSJ rằng từ đầu năm nay đã ngừng hợp tác cùng WuXi Biologics, thay vào đó làm việc với các đối tác sản xuất của Mỹ để tập trung vào phát triển và sản xuất nội bộ.
Trong khi đó, các nhà sản xuất dược phẩm lớn như AstraZeneca đang nỗ lực tạo ra chuỗi cung ứng riêng cho Trung Quốc và phương Tây.
Công ty CNSH Amicus Therapeutics dựa vào công ty WuXi Biologics để sản xuất thuốc điều trị bệnh Pompe (một căn bệnh hiếm gặp ảnh hưởng đến tim và cơ bắp), đồng thời một số nhà cung cấp nguyên liệu thô chính của công ty cũng ở Trung Quốc. CEO Bradley Campbell của Amicus Therapeutics cho biết, tuy Amicus Therapeutics vẫn sẵn sàng hợp tác với WuXi Biologics, nhưng cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu bên ngoài Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Đổi mới CNSH (BIO) tại Mỹ cho thấy, gần 80% các công ty CNSH của Mỹ đã ký hợp đồng với ít nhất một công ty Trung Quốc. Nếu trong tương lai Đạo luật An toàn sinh học trở thành luật sẽ có tác động đến ngành dược phẩm toàn cầu, vì phần lớn chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu có hoạt chất do các công ty CNSH Trung Quốc sản xuất.
Từ khóa Dược phẩm Trung Quốc AstraZeneca ngành dược phẩm