Hòa bình Việt Nam, phương pháp Metternich và Chiến lược thương mại của Tổng thống Trump
- John Carney
- •
Chiến tranh thương mại ư? Không, thuế quan của Tổng thống Trump vừa kết thúc một cuộc chiến.
Những người chỉ trích cho rằng thuế quan sẽ bắt đầu một cuộc chiến thương mại. Nhưng, thay vào đó, Tổng thống Donald Trump có lẽ vừa mới kết thúc một cuộc chiến.
Hôm thứ Hai (30/6), Nhà Trắng đã công bố một thỏa thuận thương mại với Việt Nam: mức thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ và đổi lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ tất cả mức thuế đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Mức thuế 46% như đe dọa trước đó – có hiệu lực vào ngày 9/7 – đã bị gác lại.
Không có sự trả đũa. Không có sự sụp đổ trong các cuộc đàm phán. Không có sự đảo ngược. Những gì xảy ra là một điều gì đó rất khác: một giải pháp được đàm phán song phương. Một sự tái thiết lập. Một điều cho thấy chính sách thương mại của Tổng thống Trump, từ lâu đã bị coi là thất thường và nguy hiểm, trên thực tế lại dựa trên một truyền thống lâu đời hơn—và nghiêm túc hơn—so với những gì những người chỉ trích ông từng tưởng tượng.
Đây không phải là một cuộc cách mạng. Mà đây là một sự phục hưng.
Hồi tháng Tư, cũng trong chủ để thương mại và thuế quan này, chúng tôi đã giải thích luận lý kinh tế thực sự đằng sau chiến lược của Tổng thống Trump—một luận lý mà hầu hết các nhà bình luận đều bỏ qua hoặc không bao giờ học được. Trong loạt bài báo hai phần “The Forgotten Economic Theory Behind Trump’s Tariffs” (Lý thuyết kinh tế bị lãng quên đằng sau thuế quan của ông Trump), chúng tôi đã đưa ra lập luận rằng Tổng thống Trump không phát động một cuộc chiến thương mại liều lĩnh. Ông đã áp dụng lý thuyết kinh tế trong sách giáo khoa—cụ thể là lý thuyết thuế quan tối ưu—vào một hệ thống toàn cầu đã đổ vỡ.
Lý thuyết thuế quan tối ưu cho rằng một nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, bằng cách áp dụng thuế quan, có thể chuyển một số gánh nặng sang các nhà xuất khẩu nước ngoài và cải thiện các điều khoản thương mại của chính mình. Và khi được sử dụng một cách chiến lược, thuế quan có thể làm được nhiều điều hơn thế: chúng có thể buộc mở cửa các thị trường nước ngoài vốn đã đóng cửa từ lâu đối với hàng hóa của Mỹ. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong tuần này.
Phương pháp Metternich: Cách mà Thuế quan của Tổng Thống Trump mang lại hòa bình thương mại
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thuế 46% theo lịch trình áp thuế Ngày Giải phóng của Tổng thống Trump. Hạn chót là ngày 9/7 đã đến gần. Và khi đối mặt với sự tổn thất thực tế rõ ràng rất cận kề, Việt Nam đã bật dậy. Thỏa thuận mà họ chấp nhận—thuế quan 20% đối với hàng xuất khẩu của họ, thuế quan bằng không đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ—không phải là sự thụt lùi của Hoa Kỳ. Đó là một sự nhượng bộ. Một bằng chứng về tác dụng của lý thuyết thuế quan tối ưu. Một sự biện minh cho mọi điều chúng ta đã tranh luận vào đầu năm nay.
Những gì chúng ta đang thấy hiện nay không phải là sự hỗn loạn thương mại, mà là sự tái cân bằng được xây dựng cẩn thận. Điều này gợi nhớ đến một mô hình ngoại giao cũ hơn nhiều—một mô hình mà ông Peter Viereck, nhà sử học và nhà lý thuyết bảo thủ, đã tìm cách giới thiệu lại trong cuốn sách “Conservatism Revisited” xuất bản năm 1949 của ông. Trong đó, ông Viereck kêu gọi sự hồi sinh phương pháp ngoại giao của Hoàng tử Klemens von Metternich, chính khách người Áo đã thiết kế nên sự dàn xếp hậu Napoleon tại Đại hội Vienna. Hoàng tử Metternich không ủng hộ cách mạng. Ông đã sử dụng quyền lực để khôi phục trật tự. Ông đã mang lại hòa bình không phải bằng cách nhượng bộ và không phải bằng vũ lực mà bằng cách hiệu chỉnh lại sự cân bằng của châu Âu, bằng cách thiết lập rằng pháp quyền nên chi phối các vấn đề giữa các quốc gia.
Trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, Tổng thống Donald Trump cũng đang thực hiện chức năng tương tự.
Trong nhiều thập kỷ, chính sách thương mại của Hoa Kỳ được định hướng bởi sự ảo tưởng. Ảo tưởng đó là: mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho nhiều sản phẩm nước ngoài hơn sẽ mang lại hòa bình, thịnh vượng và sự hòa hợp toàn cầu; mở cửa thị trường của chúng ta, và những thị trường khác sẽ làm theo. Lý thuyết đó không bao giờ phù hợp với thực tế. Thay vào đó, chúng ta mở cửa trong khi những thị trường khác đóng cửa. Trung Quốc triển khai một chiến lược trọng thương săn mồi ở quy mô chưa từng hình dung trước đây. Những “đối tác thương mại” của chúng ta đã dựng lên các rào cản phi thuế quan. Châu Âu bảo vệ nền nông nghiệp và các nhà sản xuất của mình. Các quốc gia như Việt Nam tham gia vào hoạt động rửa tiền: chạy thặng dư với Hoa Kỳ trong khi chạy thâm hụt với Trung Quốc, về cơ bản là chuyển đổi sức mua của Hoa Kỳ thành một lợi ích kinh tế cho Trung Quốc. Các nhóm nghiên cứu của Washington và các ủy ban Đồi Capitol đã công bố các báo cáo. Không có gì thay đổi.
Cho đến khi Tổng thống Trump thay đổi điều đó.
Ông Trump mở đầu năm nay bằng cách nói về thuế quan “vòng quanh cổ áo”—một tuyên bố chung rằng thương mại sẽ không còn tự do nếu không có sự tương hỗ. Sau đó là sự leo thang cụ thể đối với từng quốc gia trong Ngày Giải phóng (2/4). Không giống như các nhà kinh tế coi quyền lực của Hoa Kỳ là thứ gì đó để hối tiếc, Tổng thống Trump đã sử dụng nó. Và trong trường hợp của Việt Nam, nó đã có hiệu quả.
Những người chỉ trích chế giễu ý tưởng rằng thuế quan không dẫn đến bất cứ điều gì khác ngoài sự trả đũa. Nhưng sự trả đũa không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, Việt Nam đã đàm phán. Ngay cả một số người hoài nghi gay gắt nhất đối với Tổng thống Trump cũng bắt đầu thừa nhận rằng chiến lược này có thể có giá trị. Phố Wall, nhận thức ra rằng Tổng thống Trump đã bị đánh giá thấp đang bắt đầu triển hiện sự hiệu quả. Như kinh tế trưởng Torsten Sløk của Apollo đã nói: “Ông Trump có thể đã qua mặt tất cả chúng ta”.
Tất nhiên, điều trớ trêu là Tổng thống Trump không làm gì mới mẻ. Ông chỉ đơn giản là sử dụng bộ công cụ của nghệ thuật chính trị cổ điển và áp dụng vào mặt trận kinh tế. Những gì các nhà phê bình chế giễu là “chủ nghĩa bảo hộ” trong nhiều năm hóa ra, trên thực tế, lại là chính sách đối ngoại của ngoại giao kiểu Metternichian và chủ nghĩa hiện thực áp dụng vào thương mại. Những gì chúng ta coi là hỗn loạn thì ngày càng trông giống chiến lược hơn.
Việt Nam là hình mẫu: Hãy xem sự sụp đổ của Domino thương mại
Thỏa thuận này với Việt Nam không phải là một điều bất thường. Đó là một tiền lệ. Điều đó chứng minh rằng Hoa Kỳ có thể – trong thế kỷ 21, dưới sự giám sát chặt chẽ của toàn cầu – vẫn sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để định hình lại các điều khoản thương mại có lợi cho mình. Điều này chứng minh rằng thuế quan có thể mở ra những nhượng bộ mà giới tinh hoa của chúng ta vốn chấp nhận và coi trọng chủ nghĩa trọng thương nước ngoài đã không thể tạo ra.
Trong cuốn sách “Conservatism Revisited”, ông Viereck viết rằng Hoàng tử Metternich đã mang đến “phẩm giá của sự bền bỉ”. Thông qua những thỏa thuận này, Tổng thống Trump đang mang đến điều tương tự cho tầng lớp công nhân và cơ sở công nghiệp của Mỹ: khôi phục lại sự cân bằng đã bị phủ nhận từ lâu, phẩm giá được đối xử công bằng và chấm dứt giả định rằng quyền tiếp cận thị trường của Mỹ là miễn phí và vô điều kiện, và chấm dứt một số loại quyền của người nước ngoài đối với sức mua của công dân chúng ta.
Thuế quan của Tổng thống Trump không làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu. Mà chúng buộc những bên tham gia phải chơi công bằng.
Chúng tôi đã nói điều này sẽ xảy ra. Chúng tôi đã nói vào tháng Tư, khi toàn bộ giới bình luận vẫn đang giả vờ rằng kỷ nguyên thuế quan là một sai lầm đang chờ được đảo ngược. Thỏa thuận Việt Nam không phải là điều bất ngờ. Đó là một minh chứng.
Đây không phải là sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại. Đây là sự kết thúc của một cuộc chiến. Và sự dàn xếp đã được thực hiện bởi một chính khách không ai ngờ tới nhất thời đại chúng ta: Donald Trump – Metternich của mặt trận thương mại.
John Carney/ Breitbart News
Từ khóa Donald Trump Thuế quan đối ứng Thuế quan Tối ưu
