Mỹ lên kế hoạch lập liên minh tuần tra vùng biển ngoài khơi Iran, Yemen
- Xuân Thành
- •
Mỹ mới đây tuyên bố rằng họ muốn thành lập liên minh quân sự quốc tế để bảo vệ vùng biển quanh Iran và Yemen.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ hôm thứ Ba (9/7) nói rằng Mỹ hy vọng sẽ lập danh sách các đồng minh trong vài tuần tới tham gia liên minh quân sự bảo vệ vùng biển chiến lược tại Vùng Vịnh, khu vực mà Washington cáo buộc Iran và các chiến binh do Iran hậu thuẫn tấn công vào các tàu chở dầu quốc tế.
Tờ Guardian cho biết kế hoạch thành lập liên minh nêu trên của Mỹ mới được nhen nhóm trong vài ngày gần đây. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ cung cấp các tàu chỉ huy và lãnh đạo các nỗ lực giám sát cho liên minh quân sự tại các vùng biển ngoài khơi Iran và Yemen. Các đồng minh cùng tham gia với Mỹ sẽ tuần tra vùng biển bên cạnh các tàu chỉ huy Mỹ và tổ chức các tàu quân sự hộ tống các tàu hàng thương mại treo cờ của nước mình.
Trao đổi với báo giới sau cuộc họp với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Tướng Joseph Dunford cho hay: “Chúng tôi bây giờ sẽ tham gia cùng với một số nước để xem xét liệu chúng tôi có thể thành lập một liên minh đảm bảo tự do hàng hải ở cả Eo biển Hormuz và Eo biển Bab al-Mandab hay không.”
“Và do đó tôi cho rằng có thể trong hai tuần tới, chúng tôi sẽ xác định được những nước nào có ý chí chính trị ủng hộ sáng kiến này và sau đó chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với quân đội các nước tham gia để xác định những khả năng đặc biệt mà các nước có thể hỗ trợ liên minh,” Tướng Dunford nói thêm.
Iran từ lâu đã đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz nếu nước này không thể xuất khẩu dầu mỏ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chế tài ngành dầu mỏ Iran nhằm gây sức ép buộc Tehran phải tái đàm phán thỏa thuận về chương trình hạt nhân của họ.
Trả lời phỏng vấn BBC mới đây, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht-Ravanchi vẫn lên tiếng thách thức Mỹ và quốc tế.
“Chúng tôi đã từng quản lý những tình huống khác còn tồi tệ hơn những gì chúng tôi đang gặp phải hiện tại và tôi chắc chắn rằng chúng tôi lại có thể giải quyết được [tình hình hiện nay],” ông Majid Takht-Ravanchi nói.
Sáng kiến của Mỹ về việc thành lập liên minh quân sự bảo vệ tuyến hàng hải ngoài khơi Iran và Yemen xuất phát từ lý do đây là cửa ngõ vào Vùng Vịnh và trong hai tháng Năm và Sáu vừa qua đã có nhiều cuộc tấn công nhắm vào các tàu chở dầu quốc tế đi qua đây. Ngoài ra, tháng trước Iran đã bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ trên không phận gần Eo biển Hormuz. Động thái này của Tehran đã khiến Tổng thống Trump ra lệnh tấn công trả đũa Iran, nhưng hủy bỏ vào phút chót vì lo ngại gây thương vong lớn.
Mỹ, cũng như Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) từ lâu cũng đã lo lắng về các cuộc tấn công do các chiến binh Houthi được Iran hậu thuẫn thực hiện tại Eo biển Bab al-Mandab, tuyến đường biển hẹp kết nối Biển Đỏ với Vịnh Aden và Biển Ả Rập.
Hàng ngày có gần 4 triệu thùng dầu và các hàng hóa thương mại khác được vận chuyển qua Eo biển Bab al-Mandab tới Châu Âu, Mỹ và Châu Á.
Tướng Dunford cho biết Mỹ sẽ cung cấp các tàu “chỉ huy và kiểm soát”, nhưng nêu rõ mục tiêu của Washington là sẽ để cho các nước khác cung cấp tàu tuần tra các vùng biển xen giữa vào các tàu chỉ huy Mỹ.
Các thành viên liên minh quân sự nêu trên còn có nhiệm vụ thứ ba là tổ chức hộ tống các tàu thương mại của chính nước họ đi qua Vùng Vịnh.
Tướng Dunford cho biết thêm rằng quy mô của chiến dịch tuần tra có thể được điều chỉnh dựa vào thực tế nhiều hay ít các nước cam kết tham gia.
Mâu thuẫn Mỹ – Iran: Những sự kiện gần đâyTháng 5/2018: Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và bắt đầu tái áp đặt chế tài để ép Iran đàm phán lại thỏa thuận này. Nền kinh tế Iran dần suy sụp do bị ảnh hưởng bởi các chế tài của Mỹ. Ngày 2/5/2019: Tổng thống Trump đẩy mạnh áp lực lên Tehran bằng việc chấm dứt miễn trừ chế tài thứ cấp đối với các nước vẫn mua dầu mỏ của Iran. Ngày 5/5/2019: Mỹ điều một hàng không mẫu hạm và một số oanh tạc cơ B-52 tới Vùng Vịnh vì “những dấu hiệu rắc rối và leo thang” liên quan tới Iran. Ngày 8/5/2019: Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran sẽ rút lại các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân 2015 để trả đũa các chế tài, trong đó có việc tăng dự trữ uranium làm giàu thấp. Uranium làm giàu thường được sử dụng để chế tạo nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân và có khả năng là vũ khí hạt nhân. Ngày 12/5/2019: Bốn tàu chở dầu đã bị phá hủy sau khi bị nổ ở ngoài khơi bờ biển UAE trong Vịnh Oman. UAE nói những vụ nổ này xảy ra do “nhân tố nhà nước” cài mìn. Mỹ cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công này, nhưng Tehran phủ nhận. Ngày 13/6/2019: Tiếp tục xảy ra các vụ nổ nhắm vào hai tàu chở dầu tại Vịnh Oman. Mỹ lại đổ lỗi cho Iran và công bố đoạn băng video chỉ ra lực lượng Iran đã gỡ một quả mìn chưa nổ khỏi một con tàu đã bị phá hủy. Iran nói rằng bằng chứng này là ngụy tạo. Ngày 17/6/2019: Iran nói vào ngày 27/6 họ sẽ phá vỡ giới hạn dự trữ uranium làm giàu được quy định theo thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu Châu Âu không bảo vệ hoạt động bán dầu mỏ của Iran. Ngày 20/6/2019: Lực lượng Iran đã bắn rơi máy bay không người lái quân sự Mỹ trên Eo biển Hormuz. Ngày 4/7/2019: Gibraltar, nhờ sự trợ giúp của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran do nghi ngờ tàu này vi phạm các chế tài mà Liên minh Châu Âu đang áp đặt lên Syria. |
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Vùng Vịnh Quan hệ Mỹ Iran eo biển Hormuz