Ba phòng thí nghiệm quốc gia hàng đầu của Mỹ bị cáo buộc vi phạm quy định khi sử dụng siêu máy tính Trung Quốc bị cấm, khiến các nghị sĩ liên bang bày tỏ quan ngại nghiêm trọng.

phong thi nghiem My
Hình ảnh Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, một phòng thí nghiệm quan trọng ở Mỹ.  (Ảnh: Wikipedia)

Ngày 26/3, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Mike Lee (thuộc Đảng Cộng hòa), đã gửi thư đến giám đốc 3 phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ, yêu cầu họ phản hồi về các báo cáo liên quan đến việc sử dụng siêu máy tính của Chính phủ  Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – vốn đang bị Mỹ trừng phạt.

3 phòng thí nghiệm này bao gồm Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos và Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne.

Thượng nghị sĩ Mike Lee viết trong thư gửi Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Tiến sĩ Thom Mason: “Tôi viết thư này để bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về một báo cáo gần đây, trong đó nêu chi tiết cách các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos đã hợp tác nghiên cứu với các nguồn tài nguyên siêu máy tính của Trung Quốc.”

Ông nhấn mạnh rằng vào năm 2015, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia (NSCC) của ĐCSTQ và đưa chúng vào Danh sách thực thể’ của Bộ Thương mại Mỹ, với lý do các trung tâm này có liên quan đến quân đội ĐCSTQ và các chương trình vũ khí chiến lược.

“Trong bối cảnh đó, những hoạt động hợp tác liên tục này (giữa các phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ và phía Trung Quốc) đặc biệt đáng lo ngại,” Thượng nghị sĩ Mike Lee cho biết.

3 bức thư này đã được công bố trên trang web của Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thượng viện. Trong cả 3 lá thư, Thượng nghị sĩ Mike Lee đều đề cập đến các báo cáo truyền thông về việc các phòng thí nghiệm của Mỹ sử dụng siêu máy tính tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Quảng Châu (Trung Quốc).

Năm 2015, Bộ Thương mại Mỹ lần đầu tiên áp đặt lệnh kiểm soát xuất khẩu đối với siêu máy tính Trung Quốc, cấm Intel xuất khẩu chip cho siêu máy tính Thiên Hà 2 (Tianhe 2)  của chính quyền ĐCSTQ.

Năm 2021, Chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 công ty và tổ chức có liên quan đến chương trình phát triển siêu máy tính của Trung Quốc, với lý do đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm cả việc hỗ trợ chương trình vũ khí sát thương quy mô lớn của Trung Quốc. Trong số đó, có 4 trung tâm siêu máy tính quốc gia của chính quyền Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt.

Báo cáo mới nhất là kết quả điều tra do Daily Caller News Foundation (DCNF) công bố vào ngày 20/3. Kết quả cho thấy từ năm 2016 đến 2024, Bộ Năng lượng Mỹ đã tài trợ tổng cộng 102 dự án nghiên cứu, chủ yếu được thực hiện thông qua 3 phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ. Nhiều lần phát hiện thấy các dự án này có hợp tác với năm trung tâm siêu máy tính Trung Quốc bị trừng phạt.

Ví dụ vào năm 2022, Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos đã thực hiện một nghiên cứu có tên “Kohn Anomaly and Elastic Softening in Body-Centered Cubic Molybdenum at High Pressure” (Dị thường Kohn và Độ mềm đàn hồi trong Molybden lập phương tâm khối ở áp suất cao). Nghiên cứu này có sự hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Áp suất cao tiên tiến của Trung Quốc và Viện Vật lý Nguyên tử và Phân tử thuộc Đại học Tứ Xuyên. Cả hai tổ chức này đều bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào Danh sách thực thể’ .

Ngoài ra, nghiên cứu cũng sử dụng một siêu máy tính tại Quảng Châu – vốn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ – để thực hiện các thí nghiệm mô phỏng áp suất cao.

“Việc sử dụng siêu máy tính của Trung Quốc có thể gây ra rủi ro an ninh mạng, bao gồm khả năng các tác nhân do Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn có thể chặn hoặc làm rò rỉ dữ liệu nghiên cứu nhạy cảm của Mỹ,” Thượng nghị sĩ Mike Lee viết trong thư.

Thượng nghị sĩ Mike Lee yêu cầu 3 giám đốc phòng thí nghiệm phản hồi trước ngày 5/4 về các câu hỏi sau:

  • Phòng thí nghiệm có yêu cầu các nhà nghiên cứu tiết lộ việc sử dụng bất kỳ tài nguyên siêu máy tính nước ngoài nào không, đặc biệt là các tài nguyên liên quan đến tổ chức Trung Quốc hoặc các tổ chức có tên trong Danh sách thực thể’ bị Mỹ trừng phạt? 
  • Phòng thí nghiệm đã tiến hành bất kỳ cuộc rà soát nội bộ nào để đánh giá liệu nghiên cứu do liên bang tài trợ có vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ hoặc bất kỳ lệnh trừng phạt nào không? 
  • Phòng thí nghiệm đã thực hiện những biện pháp nào để ngăn chặn các nhà nghiên cứu hợp tác với các trung tâm siêu máy tính của Trung Quốc hoặc góp phần vào sự phát triển quân sự của ĐCSTQ? 
  • Phòng thí nghiệm có cam kết áp đặt yêu cầu tiết lộ bắt buộc đối với bất kỳ việc sử dụng siêu máy tính nước ngoài nào không?

Theo Lâm Yến, Epoch Times