Đến thời cha mẹ Trung Quốc Đại lục chấp nhận con mình “tầm thường”
- Bình Minh
- •
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một loại video, các bậc cha mẹ Trung Quốc dẫn con đi quay video và tuyên thệ: “Chúng tôi tự nguyện từ bỏ vai trò trụ cột của đất nước, sẵn sàng làm một công dân bình thường, đồng thời chấp nhận sự tầm thường của con cái chúng tôi.”
Các bậc phụ huynh cũng cho biết: “Chúng tôi đã từ bỏ cơ hội xắn tay áo, học hành chăm chỉ, mà chọn cách học tập và trưởng thành một cách thoải mái, vui vẻ. Dù kết quả cuối cùng không tốt, nhưng chúng tôi cũng sẽ không đặt câu hỏi về chất lượng của trường.”
“Chúng tôi không tin rằng áp lực có thể chuyển hóa thành động lực, áp lực sẽ chỉ chuyển hóa thành hồ sơ bệnh án. Động lực thực sự đến từ việc theo đuổi hạnh phúc và hứng thú sâu thẳm trong trái tim.”
Đáp lại, nhà văn kiêm nhà phê bình nổi tiếng người Hồng Kông Nhan Thuần Câu đã viết trên Facebook rằng toàn bộ hệ thống giáo dục của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị tha hóa đến mức cực đoan, ngoài việc tra tấn giới trẻ, nó đã mất đi chức năng giáo dục bình thường.
Hệ thống này đã được cập nhật và bổ sung để quảng bá Tư tưởng Tập Cận Bình. Trường học đề cao sùng bái nhân cách, truyền thụ kiến thức giết chóc, thực hiện phương pháp xoa dịu nỗi đau cho thanh thiếu niên. Ông cho rằng những ngôi trường như vậy lại có thể đào tạo ra nhân tài mới kỳ lạ.
Những năm gần đây, tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Trung Quốc ngày càng xấu đi. Tỷ lệ trầm cảm và lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên đang gia tăng. Một tháng trước khi năm học mới bắt đầu, có tin Khoa Tâm thần Trẻ em Bắc Kinh đã kín chỗ.
Cô Lâm Hồng, bác sĩ tâm thần trẻ em tại Bệnh viện số 6 Đại học Bắc Kinh, từng công khai tuyên bố, hiện nay nhiều trẻ em gặp vấn đề về tâm lý, từ học sinh cấp 1 đến cấp 2, một số trẻ đã nhảy lầu.
Ông Nhan Thuần Câu cho biết, trong những năm gần đây, do gánh nặng học tập nặng nề nên thường xuyên có báo cáo về việc trẻ em bị trầm cảm, thay đổi tâm lý và thậm chí là tự tử.
Sự cạnh tranh để giành được giáo dục đại học ở Trung Quốc Đại Lục đã đạt đến mức bệnh lý. Các bậc phụ huynh tỉnh táo đang phản đối, đây là một kết quả hợp lý.
Ông cho rằng việc thi cử thường xuyên là không cần thiết. Vì lý do này mà con cái bị đánh đập, la mắng, tước đi niềm vui sau giờ học và bị bóp nghẹt sở thích. Ngoài việc hành hạ con cái và tạo ra nỗi đau tinh thần vô tận cho chúng, điều này cũng gây tổn hại sâu sắc đến tuổi thơ và sự phát triển trong tương lai.
Vào đầu tháng này, chủ đề “10 phút ra chơi giữa giờ đã biến mất”, “học sinh tiểu học và trung học cơ sở gần như không còn thời gian đi vệ sinh” đã thu hút sự chú ý trên Internet Đại Lục.
Cư dân mạng Trung Quốc ở nhiều nơi cho biết, thời gian ra chơi của học sinh tiểu học đã bị chiếm dụng, thậm chí các em không có cả thời gian để đi vệ sinh.
Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian) công tác tại Học viện Kinh doanh Aiken, thuộc Đại học Nam Carolina từng chia sẻ với Epoch Times rằng nguồn gốc khiến xảy ra những sự việc khiến người ta phải đau lòng này chính là mục tiêu của thể chế giáo dục “Thiên binh vạn mã đi qua cây cầu độc mộc”.
Toàn bộ xã hội đều nhìn vào tiền, có người coi việc thi đại học như một mục tiêu duy nhất của cuộc đời cần thực hiện cho bằng được, lại thêm áp lực từ phụ huynh, khiến cho áp lực đè lên vai học sinh quá lớn.
Trong khi đó, áp lực của phụ huynh lại bắt nguồn từ hiện trạng cạnh tranh xã hội, “áp lực của thí sinh rất lớn bởi, nếu không thi đỗ đại học, thì cơ hội tìm được công việc tốt lại càng khó hơn.”
Ông Tạ Điền nói: “Ở nước Đức, có thể không cần thi đại học, học sinh trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp có thể học trường nghề, tương lai cũng có thu nhập rất tốt. Nếu ở Trung Quốc Đại lục là một xã hội đa nguyên, thì sẽ không có chuyện chen chân để bước bằng được vào con đường đại học”.
Ngoại trừ áp lực từ mục tiêu thi cử, ông Tạ Điền còn cho rằng nội dung giáo dục cũng là nguồn gốc tạo thành một áp lực khác nữa.
Chính quyền Trung Quốc nói về phát triển toàn diện, đức, trí, thể; nhưng giáo dục về đức lại không phải là giáo dục truyền thống, mà là giáo dục tẩy não của ĐCSTQ, bồi dưỡng những lớp người trung thành với ĐCSTQ.
Những năm gần đây, mỗi năm đều có vụ thí sinh tự sát do áp lực thi đại học hoặc do thất vọng về thành tích thi cử.
Ông nói: “Nếu có sự giáo dục về đạo đức truyền thống, hoặc có sự dẫn dắt của giáo dục tâm lý hiện đại, giúp đỡ học sinh giải tỏa áp lực, dùng phương pháp thích hợp để động viên học sinh, có lẽ sẽ ngăn chặn được hiện tượng tự sát này xảy ra.”
Là một nhà văn, ông Nhan Thuần Câu cho rằng đọc sách quá nhiều không hẳn đã tốt. Nó phụ thuộc vào việc bạn đọc sách gì, đọc như thế nào, hấp thụ những chất dinh dưỡng của đời sống xã hội từ sách như thế nào, biến chúng thành lý tưởng cá nhân và giá trị xã hội như thế nào.
Mao Trạch Đông đọc rất nhiều. Trong phòng của ông ta chứa đầy các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Nhưng phần lớn những gì ông ta học được đều là mặt trái của thuật đế vương cổ xưa của Trung Quốc, vốn chỉ dùng để nô dịch người Trung Quốc.
Ông cũng cho biết, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, suốt ngày khoe khoang về việc ông ấy đã đọc bao nhiêu kiệt tác nước ngoài. Nhưng vấn đề là ông ấy đã học được thứ gì trong các kiệt tác nước ngoài?
Đọc chuyện ngôn tình tài tử giai nhân, những trận chiến đẫm máu trong cung đình, hay đọc về tình cảm nhân hậu, thiện ác trong nhân tính và giá trị nhân văn? Ông Tập đọc nhiều sách như vậy chỉ để bóc lột, đàn áp nhân dân Trung Quốc, và duy trì ngai vàng độc tài của chính mình.
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Giáo dục Trung Quốc Trẻ em Trung Quốc Học sinh Trung Quốc