Tại sao Trung Quốc kiểm duyệt gấu Pooh?
- Tân Bình
- •
Gấu Pooh là nhân vật hoạt hình đáng yêu và được các bạn trẻ khắp thế giới yêu thích. Tuy nhiên, ở Trung Quốc hình ảnh về gấu Pooh lại không được chính giới chào đón và thậm chí còn bị ngăn chặn. Nhiều người cho rằng đó là một động thái kỳ quặc của các nhà chức trách Bắc Kinh nhưng thực tế đó là một phần của một cuộc đấu tranh mà chính quyền đưa ra để hạn chế các blogger khéo léo dùng các nội dung tinh tế nhằm lách kiểm duyệt.
Tại Trung Quốc chúng ta sẽ được thấy một bộ đồng hồ đeo tay sẽ không chỉ là một bộ đồng hồ đeo tay. Một con cua sông không chỉ là một con cua sông. Đằng sau đó sẽ là những hình ảnh ẩn dụ đề cập tới một vị lãnh đạo cấp cao nào đó của chính quyền Bắc Kinh.
Chú gấu Pooh là nhân vật mới nhất gia nhập nhóm các hình ảnh vui nhộn trên internet ám chỉ tới các vị lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.
Tên bằng tiếng Trung Quốc và hình ảnh của nhân vật hoạt hình mũm mĩm, dễ thương này đang bị chặn trên các trang mạng xã hội ở đất nước đông dân nhất thế giới này bởi vì các blogger đã so sánh gấu Pooh với đương kim Chủ tịch kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.
Khi Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có tình huống bắt tay lúng túng mang tính lịch sử, cư dân mạng phản ứng bằng việc so sánh cú bắt tay của gấu Pooh với người bạn Eeyore (một con lừa xám nhợt nhạt, bi quan, trầm cảm).
Và khi có hình ảnh Chủ tịch Tập đứng trên chiếc xe limousine mui trần đặc biệt để tham gia một nghi lễ duyệt binh của quân đội, trên cộng đồng mạng lại xuất hiện bức ảnh về một món đồ chơi gấu Pooh đứng trong một chiếc xe hơi nhỏ của cậu ta.
Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cho rằng không chỉ vì họ không chấp nhận sự nhạo báng lãnh đạo đất nước, mà họ cũng không muốn nhân vật hoạt hình yêu thích của trẻ em này trở thành một loại tiếng lóng trực tuyến ám chỉ tới Tổng bí thư đảng Cộng sản.
Ở những quốc gia khác, những so sánh giống như thế này có thể được coi là vô hại và thậm chí một số còn nghĩ rằng việc có gấu Pooh làm linh vật cho mình có thể khá thú vị. Tất nhiên điều đó là không thể ở Trung Quốc.
Tại đất nước Châu Á này, Chủ tịch nước là một nhân vật cực kỳ phi thường. Ông ta không làm những việc ngớ ngẩn; Ông không có những hành động kỳ quặc; Ông không mắc lỗi và đó là lý do tại sao ông vượt trên tất cả nhân dân và không thể bị chất vấn.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây, ông Hồ Cẩm Đào đã có khẩu hiệu “thúc đẩy một xã hội hài hòa” hay trong tiếng Trung là hexie.
Trong tiếng Trung có thể thay đổi nghĩa từ hexie bằng cách thay đổi giọng điệu hoặc thay đổi ký tự. Và các Bloggers dùng từ cua sông hoặc hình ảnh con cua sông để chỉ đến cụm từ hài hòa và cũng là ám chỉ đến lãnh đạo Hồ Cẩm Đào. Điều này khiến cho từ và hình ảnh cua sông bị xếp vào danh mục kiểm duyệt của các nhà chức trách. Nói cách khác, khi đó con cua sông sẽ không chỉ là con cua sông nữa.
Một lãnh đạo khác của Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân. Ông này đưa ra một lý thuyết chính trị gọi là ‘Tam Đại diện’, tiếng Trung là ‘san ge daibiao’. Nếu bạn thay đổi một chút các ký tự, cụm từ đó sẽ trở thành ‘dai san ge biao’, nghĩa là đeo ba cái đồng hồ. Vì vậy việc đề cập đến ‘đeo ba chiếc đồng hồ’ trở thành một cách nói châm biếm đến lý thuyết chính trị mà ông Giang đã đóng góp cho Chủ nghĩa xã hội “mang đặc trưng trung quốc”.
Đối với người dân Trung Quốc, rất nhiều sự kiện, nhân vật, vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ, họ cũng không hề biết tới vì những thông tin đó đều đã bị nhà chức trách kiểm duyệt chặt chẽ.
Ví như chính quyền đã rất thành công trong việc xoá sạch sự tồn tại của một nhà bất đồng chính kiến hàng đầu của nước này là ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Ông Lưu là người Trung Quốc duy nhất tính tới thời điểm này được nhận giải Nobel Hòa bình và vừa mới qua đời trong nhà tù tuần trước do mắc bệnh nan y giai đoạn cuối.
Hầu hết người dân Trung Quốc chỉ đơn giản là không bao giờ nghe nói gì về ông Lưu Hiểu Ba.
Bạn có thể dễ dàng kiểm chứng sự kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc. Ở đất nước này phần mềm nhắn tin Wechat rất phổ biến và hầu hết người Trung Quốc đều biết và dùng Wechat.
Khi ở trong lãnh thổ Trung Quốc bạn có thể dùng Wechat để nhắn tin tới một số máy điện thoại khác cũng cài phần mềm này. Nội dung tin nhắn của bạn gửi thử có chứa tên ông “Lưu Hiểu Ba”, tất nhiên bằng tiếng Trung. Khi đó, trong máy điện thoại của bạn đã báo tin nhắn đã được gửi đi, nhưng ở điện thoại nhận tin nhắn lại không hề có được thông tin này.
Chính quyền Trung Quốc có thể đưa một số từ hoặc cụm từ vào bất cứ cơ chế ngăn chặn nào mà họ sử dụng và phong tỏa hoàn toàn cuộc thảo luận về các chủ để liên quan đến từ và cụm từ bị chặn đó. Nói dễ hiểu là chúng ta sẽ không thể nhắn tin cho nhau nếu trong tin nhắn có những từ và cụm từ bị kiểm duyệt.
Chủ sở hữu của phần mềm Wechat là một công ty tư nhân, nhưng công ty công nghệ hàng đầu này buộc phải chấp nhận tuân theo sự chỉ đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc nếu muốn tồn tại ở đất nước này.
Hình ảnh gấu Pooh trước đây đã lọt qua được sự kiểm duyệt của giới chức. Tuy nhiên, gần đây việc kiểm duyệt hình ảnh gấu Pooh được thúc đẩy mạnh hơn, bởi vì tại Trung Quốc đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội đảng Cộng sản thứ 19, dự kiến diễn ra vào mùa thu này.
Đại hội của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra năm năm một lần, là thời điểm quan trọng để các nhân vật chính trị cốt cán chạy đua vào Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị – cơ quan lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ với 7 thành viên.
Ông Tập Cận Bình cũng sẽ sử dụng kỳ đại hội này, đánh dấu sự bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình và để củng cố quyền lực bằng cách lôi kéo thêm nhiều đồng minh và loại bỏ các mối đe dọa.
Trong bối cảnh mọi vấn đề đều được đặt trong sự kiểm tra nghiêm ngặt, cảnh giác cao độ, nên dường như sẽ không có chỗ cho những thách thức nhỏ nhất tới quyền lực tối cao của Chủ tịch Tập, cho dù đó chỉ là những hình ảnh về một chú gấu Pooh dễ thương.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình kiểm duyệt internet