Đi học trồng lúa, học giỏi rồi, nhưng… hành?
- FB VŨ KIM HẠNH
- •
Lần đầu tiên chúng ta được biết đến hai câu chuyện, Việt Nam đi học trồng lúa nước. Ô hay, kinh nghiệm ngàn đời, chuyên môn đi dạy trồng lúa, hạng 2 thế giới về xuất khẩu gạo mà chịu đi học. Xem kỹ thì thấy đúng là chuyện phải học khi thời thế đổi thay.
Thầy Võ Tòng Xuân đi học trồng lúa ở Campuchia
Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà nông học VN, ông thầy của nhiều thế hệ nhà khoa học và cả nông dân tri điền Việt Nam, đã đi CPC học cách trồng lúa và làm thương hiệu gạo của họ. Nghe giá họ bán gạo hữu cơ của họ mà “ghiền” : 1.475 USD/tấn, gấp hơn 3 lần giá gạo mình vẫn đang xuất bán sang Philippines (rẻ vậy mà giờ cũng bán không được). Tiến sĩ Võ Tòng Xuân ghi nhận bài học đầu tiên: chọn giống tốt ngay từ đầu. Xong mở diện tích gieo trồng giống tốt nhất, đưa đi đấu xảo, quảng bá thế giới. Ba năm liền họ đoạt giải “gạo ngon nhất thế giới” (tức về chất, ngược với số lượng, thành tích xuất nhiều thứ nhì thế giới của ta). Họ làm chỉ 1 vụ, kiên quyết không tăng vụ, nên cũng không cần dùng hóa chất (phân thuốc). Dùng con thiên địch trừ sâu, kiểm soát sinh học. Khuyến khích trồng lúa hữu cơ, hiện nay, đã có 100.000 hộ nông dân CPC canh tác theo phương pháp hữu cơ với diện tích 50.000 ha. Năng suất chỉ có 2 tấn hay 2,5 tấn/ha.
Một đoàn đi học nữa do công ty phân bón Bình Điền tổ chức, đi Thái Lan học trồng lúa thích ứng biến đổi khí hậu, có tới 80 người toàn là cán bộ khuyến nông lành nghề, nhà khoa học và nông dân giỏi Tây Nam Bộ. Thái Lan có diện tích trồng lúa gấp đôi Việt Nam và đội ngũ khuyến nông đông đảo. Họ đầu tư cho công tác khuyến nông đậm: chi trung bình 6 triệu cho một hộ nông dân trong khi VN chi mỗi hộ chỉ có 50.000 đồng/năm. Công việc chính của cán bộ khuyến nông Thái là kiểm soát sinh học, hướng dẫn, giám sát trồng lúa an toàn (trong khi cán bộ khuyến nông hay bạn của nông dân của chúng ta là chuyên hướng dẫn dùng phân hóa chất, thuốc trừ sâu, hay đi tiếp thị thuốc trừ sâu). Họ đẩy mạnh nuôi con thiên địch để trừ sâu và khác ta ở chỗ diệt dịch xong vẫn theo dõi lâu dài tránh tái dịch thay vì phủi tay xong ít lâu lại chống dịch nữa. Về giống lúa, tại Thaifex, kỹ sư Hồ Quang Cua nổi tiếng về giống có tên ST và tiến sị Võ Tòng Xuân xác nhận, người Thái cũng công nhận giống ST của VN ngon hơn họ do nhà nghiên cứu giống VN kiên trì lai tạo giống (nhưng diện tích trồng ST cũng còn của một địa phương). Nhưng vì sao phải đi học họ? Chỉ vì một nguồn cơn: họ làm lúa ngon, an toàn, còn ta vẫn mãi miết làm lúa năng suất cao, sản lượng nhiều và dĩ nhiên hoá chất…cũng nhiều.
Bài học của ta: Bất chấp thị trường
Ngẫm sâu cả hai chuyến đi học, bài học vẫn là: ta không lắng nghe thị trường, bất chấp người tiêu dùng. Thị trường thế giới giờ đòi hỏi gạo có chất lượng, an toàn, ngon, không có dư lượng hóa chất. Gạo ngậm hóa chất vẫn bán được, nhưng lao đao bị ép đủ bề và càng bán càng đuối về giá trị. Mà cũng lạ, sau tiếng chuông cảnh báo rất nghiêm trọng của mùa hạn hán và nhiễm mặn khủng khiếp vì biến đổi khí hậu ở ĐBSCL vừa rồi, Việt Nam vẫn đang miệt mài với chỉ tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo năm 2016 và đang than phiền đến tháng 10 rồi mà mới xuất được hơn 4 triệu tấn, chắc năm nay không đạt chỉ tiêu!
Nói theo tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ thì: Việt Nam đang bao cấp lúa gạo cho thế giới trong điều kiện phải chịu biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất và cũng trong tình hình thị trường thế giới lắc đầu quầy quậy, không cần gạo hóa chất, không cần!
Lạ lùng nghị định 109, nay thành luật
Mấy hôm nay, chúng ta vẫn nghe lời kêu gào thiết tha, hãy tháo gỡ nghị định 109 hạn chế kinh doanh xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo đang xua đuổi những công ty kinh doanh gạo ngon và sạch chạy khỏi đất nước, đi lập công ty ở nước ngoài chỉ để bán gạo Việt. Sau bao nhiêu bài báo, bao nhiêu kiến nghị, vận động, dự là nghị định này sẽ đường hoàng biến thành luật. Đó thật là tin khó tin. DN Việt muốn xuất khẩu gạo ở VN phải đạt mấy con số này: 5.000 tấn (kho), 10 tấn/giờ (xay xát lúa) và 10.000 tấn gạo/năm. Nghĩa là phải có kho chuyên dụng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, có ít nhất một cơ cở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ; phải xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm, nếu không, bị rút giấy phép kinh doanh.
Đó vẫn là điều kiện của một nền sản xuất, xuất khẩu gạo đua sản lượng, ngậm hóa chất bất chấp thị trường thế giới, và dĩ nhiên, bất chấp sức khỏe của nông dân, người tiêu dùng, bất chấp sức nặng của biến đổi khí hậu và thất bại trong kinh doanh. Muốn thay đổi không phải dễ, phải nhiều công, nhiều năm, tiền bạc sức người, sức của nhưng đâu còn thời gian nữa? Không thay đổi thì hậu quả đã thấy trước. Nói gạo đấy nhưng là nói về chuyển đổi mô hình kinh tế, phải thay đổi cái đầu và con mắt nhìn, nhìn thị trường thế giới, cách ăn gạo của người tiêu dùng thế giới.
Từ khóa Campuchia Gạo nông nghiệp xuất khẩu bài học