Không ai muốn bỏ nước mình
- Đỗ Cao Cường
- •
Tôi mới quay trở lại huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng do bà con ở đây nhờ tôi tới tư vấn đấu tranh chống lại giặc môi trường.
Tôi cũng rất buồn khi nghe bà con nói là họ không hề biết đến những người đấu tranh nổi tiếng nhất hiện nay – những người đã được nhiều tổ chức nước ngoài tôn vinh, trao thưởng. Chỉ có số ít người đến với họ nhưng cuối cùng cũng phản bội, làm tiền. Vậy là, công cuộc khai sáng trí tuệ mới chỉ dừng ở việc ngồi một chỗ hát cho nhau nghe, hát cho những người đang sống và đã biết.
Trước khi đi tôi có tìm hiểu về hội Liên lạc Việt kiều Hải Phòng, hội này có ba chi hội Việt kiều quận, huyện thì huyện Thủy Nguyên nằm trong số đó, để thấy rằng lượng Việt kiều ở Thuỷ Nguyên đông đến mức nào. Tiêu biểu là xã Lập Lễ – một trong những xã có số lượng chị em lấy chồng nước ngoài đông nhất cả nước.
Người kết hôn giả, người vượt biên trái phép, người xuất khẩu lao động hợp pháp và cũng có người “cắm nhà” cho con đi du học…
Có người đi do hoàn cảnh, có người lo làm ăn nhưng cũng có người dính vòng lao lý, có người chết trên biển và có người gửi tiền về cho người thân đập phá, sau khi trở về tiền mất tật mang gia đình đổ vỡ, lần trở về cũng là lần chia ly.
Cũng có người trở về quê với vẻ mặt kiêu ngạo, khinh đời, nhưng xét cho cùng, sự ra đi nào cũng chất chứa những nỗi buồn, sự đáng thương – thân phận người Việt cùng tấn bi kịch cuộc đời.
Không ai muốn mình phải tha hương cầu thực hay kết hôn với người lạ, bất đồng cả về ngôn ngữ lẫn tư duy, cũng tại hệ thống bất lực, quan chức bất tài, báo chí độc quyền, giáo dục độc đoán đã đẩy con người ta vào bước đường cùng.
Từ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tôi được biết Việt Nam liên tục lọt top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, nguồn tiền đó không đến từ đâu khác mà đến từ chính các quốc gia, nhóm người bị quy cho là phản động, thế lực thù địch hay tư bản giãy chết.
Và cuối cùng…
GDP bình quân đầu người đã bị Lào vượt, tấm hộ chiếu ngày càng rẻ mạt, tài nguyên thiên nhiên từ thời dựng nước đã bị khai phá đến cùng kiệt chỉ trong một thời, tài sản của hàng triệu người nằm trong tay một số, thu không bù chi và nếu cứ để cho con nghiện quản lý… chẳng mấy chốc vỡ nợ công, viễn cảnh Venezuela chẳng xa. Ô nhiễm hoành hành, mỗi năm Việt Nam không chỉ có 165 ngàn ca ung thư mới (chắc chắn số liệu không đầy đủ vì nhiều bệnh nhân ung thư cho tôi biết họ giấu bệnh, cũng không thấy ai đến lấy số liệu), các làng ung thư mọc lên cùng những dân oan ngày càng nhiều…
Tôi tới xã Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên vào một buổi chiều tàn, bức tranh sơn thuỷ hữu tình hiện ra trước mắt. Nhưng càng đi sâu, tôi càng sợ hãi vì sự sống ở đây đang có dấu hiệu kết thúc, bức tranh xám xịt như cuộc đời của chú cá nhiễm kim loại nặng nằm trên thớt.
Những người dân khốn khổ ở đây cho tôi biết buổi tối đi ngủ, đóng kín cửa rồi họ vẫn phải đeo khẩu trang, người chết do ung thư không đếm hết, có rất nhiều sát nhân môi trường vây quanh, không chỉ vây quanh mỗi cái xã Minh Tân khốn khổ, tội nghiệp này.
Nhà máy xử lý chất thải Minh Tân thuộc chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ kho vận Phú Hưng vẫn ngày ngày phát tán mùi hôi thối ra toàn khu vực, hố chôn lấp chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp rộng hơn 2 ha, người dân phải tập trung lập bốt, chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp vì nước rỉ rác chảy ra sông Thải khiến cá chết hàng loạt, đầu độc nguồn nước uống, mặt nước màu vàng khè có dấu hiệu nhiễm kim loại.
Chẳng hề có công nghệ xử lý chất thải hiện đại, rác không được phân loại – từ hộ gia đình cho tới lúc chôn lấp, không có miếng lót đặc thù nào để ngăn rác với đất, tất cả vô tư thẩm thấu vào nguồn nước ngầm.
Theo người dân, hầu hết chất thải rắn đều được mang về đây xử lý, với sự xuất hiện của nhiều nhân công Trung Quốc.
Và đâu chỉ có một, nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Toàn Thắng cũng khiến bà con nơi đây cảm thấy sợ hãi, họ cho biết doanh nghiệp này đốt rác trộm vào ban đêm khiến nhiều cụ già, em nhỏ khó thở, mắc nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp. Nếu không xử lý theo dây chuyền hiện đại thì chắc chắn việc để lộ thiên, đốt rác thải công nghiệp, sinh hoạt độc hại sẽ kèm theo điôxin, khí axit và kim loại nặng…. người yếu chết trước, người khoẻ chết sau và những thế hệ dị tật ra đời.
Và đâu chỉ có hai, người dân còn tố cáo lãnh đạo Trung tâm GD & LĐ xã hội Gia Minh đã biến trung tâm này thành nơi tái chế chất thải nguy hại bậc nhất thành phố cảng. Hàng trăm học viên cai nghiện đã từng bỏ trốn và tố Trung tâm GD & LĐ xã hội Gia Minh trên danh nghĩa dạy họ học nghề nhưng thực chất bắt họ làm các công việc độc hại ở lò đốt, phân xưởng tái chế nhựa – được Trung tâm GD & LĐ xã hội Gia Minh ký hợp đồng với một số doanh nghiệp trên địa bàn, các học viên không được thanh toán tiền công, còn phải khai thác đá “chui”, nghiền đá rất độc hại và nguy hiểm.
Người dân tâm sự rằng các nhóm lợi ích khai thác đá khiến khói bụi, bom mìn làm rung chuyển nhà cửa, lăng mộ trong khi chưa đền bù thoả đáng cho bà con…
Nói chung, dù đến bất cứ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này tôi cũng đều phát hiện nhiều sai phạm cùng những câu chuyện đẫm nước mắt, nếu cấu kết với các nhóm lợi ích tôi đã trở nên giàu có và ít gặp nguy hiểm. Nhưng không, tôi muốn sống cuộc đời ngẩng cao đầu và tôi mong người Việt nếu ra đi thì cũng phải ngẩng cao đầu.
Tôi hy vọng chính quyền Việt Nam cùng mỗi một thân phận trong đất nước này hãy nhìn lại chính mình, các bạn đã làm gì để cho những người đồng bào khốn khổ tội nghiệp phải tìm mọi cách ra đi, dù biết rằng bản thân sẽ chết bất cứ lúc nào.
Không ai muốn bỏ lại người thân, quê hương của mình để đến những nơi lạ nước lạ cái. Chắc hẳn phải khổ lắm, nghiệt ngã, đau đớn lắm họ mới phải ra đi.
Sông có khúc, người có lúc, ai rồi cũng phải chết, tôi hy vọng tất cả hãy hồi tâm chuyển ý, làm một điều gì đó chuộc lại lỗi lầm, để những thân phận còn sống sót trong cái đất nước này có một ngày ngẩng cao đầu bước chân ra thế giới. Và dù có đi đâu, đến một lúc nào đó họ còn muốn quay về.
Đỗ Cao Cường (Phóng viên)
Đăng theo Facebook Đỗ Cao Cường dưới sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Từ khóa vượt biên tha hương Ô nhiễm môi trường xuất khẩu lao động