Phiên tòa về ‘thảm họa y khoa’ hay phiên tòa xử BS Lương?
- Võ Xuân Sơn
- •
Tuần trước, phiên tòa xử những tắc trách dẫn đến thảm họa y khoa Hòa Bình làm 8 người chết hồi cuối tháng 5/2017 đã làm nóng facebook và cả hệ thống truyền thông Việt nam. Tuy nhiên, phiên tòa đã chuyển sang thành phiên tòa xử BS Lương. Có rất nhiều tình tiết mà Tòa đưa ra, có vẻ như chỉ nhằm để buộc tội BS Lương theo cáo trạng.
Vậy, lẽ ra thì Tòa phải làm gì?
Tòa cần phải lần theo đường dây, bắt đầu từ nguyên nhân gây tử vong cho 8 người bệnh, là việc tồn dư một lương chất độc trong nước RO dùng để chạy thận. Như vậy, lẽ ra thì Tòa phải tìm hiểu tại sao mà các chất độc đó lại có thể chui vào trong nước chạy thận, ai là người đã để cho nước đó chạy vào trong máy lọc thận. Để cho lỗi lầm này sẽ không bao giờ xảy ra, hoặc chí ít là hạn chế khả năng nó xảy ra lần nữa, thì Tòa phải làm việc này, xem thực chất lỗ hổng ở đâu.
Tuy nhiên, hầu như khi mỗi cánh cửa dẫn đến sự thật được hé mở, thì Tòa Hòa Bình lại lảng tránh nó, và quay lại định dạng ban đầu, là tìm cách buộc tội BS Lương. Tất cả những gì liên quan đến BS Lương ở phiên tòa này đều mặc định, rằng chuyện nước bị nhiễm độc là chuyện “chẳng có gì ầm ĩ”, mà nguyên nhân gây chết 8 bệnh nhân là do BS Lương làm cho cái thứ nước nhiễm độc ấy chui vào người bệnh nhân. Tất cả những chuyện tranh cãi BS Lương có chức vụ gì, BS Lương phải báo cáo ai, đều phục vụ cho mục đích đó.
Có gì khác nhau giữa hai việc này? Đó là nhận thức, người bác sĩ bắt buộc phải biết nước RO bị nhiễm độc. Trên thực tế, không có bất cứ qui định nào bắt bác sĩ phải biết rằng cái nước ấy có bị nhiễm độc hay không. Tòa Hòa bình đã cố tình xoáy vào việc BS Lương có được phân công làm trưởng đơn nguyên thận nhân tạo hay không, để cố tình biến một lỗi hành chánh thành một tội hình sự.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo góc độ luật pháp, thì việc BS Lương có chức vụ gì không, hoặc BS Lương có phải báo cáo ai không, đều không ảnh hưởng đến kết quả, là cái thứ nước nhiễm độc đó sẽ được đưa vào người của 18 bệnh nhân, và dẫn đến 8 bệnh nhân tử vong. Tòa cố tình không nhìn theo hướng ấy, và làm cái việc phải làm, là tìm ra tất cả những người có trách nhiệm trong việc để chất độc nhiễm vào nước RO.
Một số bạn cho rằng, theo con mắt ngành y, hoặc theo các qui định trong ngành, thì BS Lương vô tội. Nhưng chiếu theo pháp luật, thì BS Lương vẫn có thể có tội. Tôi không đồng ý điều này. Không thể có sự chênh lệch về luật pháp giữa ngành y và pháp luật của cả nước. Vấn đề chính là người ta diễn giải luật ra sao, và có thực tâm tìm hiểu các qui định của ngành y hay không. Điều này thì Tòa Hòa bình đã chứng minh, bằng việc khước từ sự trợ giúp của các chuyên gia về y tế. Không có bất cứ một chuyên gia y tế nào xuất hiện tại tòa. Toàn bộ nhân viên y tế có mặt tại tòa đều là nhân chứng, bị cáo, liên quan đến pháp lí mà thôi.
Tóm lại, phiên tòa xử vụ để độc tố nhiễm vào nước RO chạy thận, gây ra thảm họa y khoa ở Hòa Bình đã được cố ý biến thành phiên tòa xử cá nhân BS Lương. Những nhân vật chính có trách nhiệm trong việc để chất độc lọt vào hệ thống nước RO như Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Giám đốc công ty Thiên Sơn, Trưởng phòng vật tư của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đều bị bỏ ra ngoài vụ án.
Đã từ lâu, nền tư pháp ở Việt nam bộc lộ rất nhiều điều vô lí. Gần đây nhất là việc giảm án và xử tù treo cho tên dâm ô ở Vũng tàu. Những điều này đang dần bộc lộ khả năng duy trì công lí của nhà cầm quyền Việt nam. Cả một hệ thống pháp luật lại bất lực trước vài kẻ có quyền ở một cái tỉnh lẻ, cố tình bẻ cong công lí, cho dù người dân kêu ca, dư luận phản ứng rất gay gắt.
Thật khó để có thể làm thay đổi được Tòa Hòa Bình trong vụ án này. Nhưng chắc chắn, những gì Tòa án Hòa Bình đang làm, cũng như những gì mà các phiên tòa khác trong cả nước đang thể hiện, kiểu như giảm án và xử tù treo cho tên dâm ô ở Vũng tàu, sẽ giúp nhiều người dân thay đổi nhận thức về quyền lãnh đạo của nhà cầm quyền Việt nam.
Từ khóa chạy thận nhân tạo chạy thận tử vong ở Hòa Bình bác sĩ Hoàng Công Lương