Ông Tập Cận Bình được cư dân mạng Trung Quốc gọi là “tổng gia tốc sư” cách đây vài năm, và bây giờ có vẻ như danh hiệu này rất xứng đáng. Sau khi ông Tập bước vào nhiệm kỳ thứ ba, kinh tế Trung Quốc suy thoái nhanh hơn, tài chính địa phương xấu đi nhanh hơn, bất động sản vỡ nợ nhanh hơn, vốn nước ngoài và các công ty nước ngoài rút lui nhanh hơn, quan hệ đối ngoại xấu đi nhanh hơn, tài sản của người dân giảm nhanh hơn và sự phẫn nộ của xã hội tăng nhanh…

GettyImages 803736208
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hồng Kông năm 2017. (Nguồn ảnh: DALE DE LA REY / AFP qua Getty Images)

Tuy vậy ông Tập Cận Bình vẫn đang tăng tốc rải tiền (điều mà cư dân mạng Trung Quốc gọi là mạnh tay vung tiền), lần này tại Nam Phi, vì để “chỉ rõ phương hướng cho thượng đỉnh BRICS”, ông tiếp tục mạnh tay rải 14 tỷ đô la Mỹ: Trong đó, 4 tỷ sẽ được sử dụng cho “Quỹ Hợp tác toàn cầu và Phát triển Nam-Nam” (Global Development and South-South Cooperation Fund); 10 tỷ được sử dụng để thực hiện “Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu” do chính ông Tập Cận Bình đề xuất. 

Ông còn khoe về việc rải tiền này rằng: “Trong quá trình hiện đại hóa sẽ không có nước nào bị bỏ lại phía sau”, dường như ông muốn đảm trách sự phát triển của tất cả các nước.

Nhưng ngược lại, đối với người dân Trung Quốc, trong cuộc họp nội bộ của ĐCSTQ, họ nói rằng: “Đừng học theo chủ nghĩa phúc lợi phương Tây để nuôi những kẻ lười biếng”. Lấy đó làm cái cớ, kiên quyết từ chối phát tiền trợ cấp cho những người đang trong tình trạng khó khăn do dịch bệnh. Trong cùng thời gian đó, các nước dân chủ bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và các nước châu Âu đều phân phát cứu trợ tiền mặt cho công dân của họ. Không chỉ vậy, việc ông Tập Cận Bình ngoan cố thực hiện chính sách Zero-COVID cực đoan và phong tỏa thành phố một cách cực đoan, đã khiến người dân Trung Quốc phải hứng chịu thảm họa trong 3 năm, đồng thời trực tiếp tạo ra thảm họa kinh tế cho Trung Quốc, dẫn đến cục diện thất bại và hỗn loạn mà đến nay không thể cứu vãn.

Trung Quốc có Tập Cận Bình, đây là phúc hay họa cho Trung Quốc, ĐCSTQ và người dân Trung Quốc? Hầu hết mọi người có lẽ cho rằng câu trả lời rất đơn giản: là họa! Một số ít người bị tẩy não có thể trả lời: là phúc! Họ thậm chí còn cho rằng “Tập Cận Bình đang chống tham nhũng”, v.v. Trên thực tế, câu trả lời có thể không đơn giản như vậy. Người xưa từ lâu đã có một kết luận biện chứng đầy trí tuệ: trong họa có phúc, trong phúc có họa.

Đối với ĐCSTQ, cải cách và mở cửa là một trạng thái trung gian, trạng thái trung gian giữa chế độ chuyên quyền cực đoan và chính phủ dân chủ, trong đó không chỉ có cải cách kinh tế, mở cửa với thế giới bên ngoài mà còn có hệ thống lãnh đạo tập thể và hệ thống nhiệm kỳ lãnh đạo, được thiết kế kép có ý nghĩa cả kinh tế lẫn chính trị. Lãnh đạo tầng cao mặc nhận chuyện các phe phái cùng quản trị đất nước, từ đó đạt được sự cân bằng quyền lực ở một mức độ nhất định.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình khôi phục ngai vàng, bãi bỏ chế độ nhiệm kỳ lãnh đạo, khôi phục lại chế độ lãnh đạo trọn đời; xóa bỏ chế độ lãnh đạo tập thể, khôi phục chế độ độc tài cá nhân. Đồng thời, cải cách mở cửa chỉ tồn tại trên danh nghĩa, kinh tế thị trường bị phá bỏ, quay trở lại kinh tế kế hoạch và kinh tế do đảng quản lý. Để ĐCSTQ trở lại trạng thái chuyên chế cực đoan và cá nhân lộng quyền.

Nếu nói rằng nhà nước trung gian nói trên, tức là cải cách mở cửa, đã từng làm cho ĐCSTQ tương đối ổn định, giống như Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay; thì có thể nói, việc ông Tập Cận Bình khôi phục chế độ chuyên chế cực đoan sẽ lại đặt ĐCSTQ vào trạng thái nguy hiểm ở mức độ cao, có thể xảy ra biến cố sụp đổ, hủy diệt bất cứ lúc nào. Tức là điều mà ông Tập Cận Bình thường gọi là “tê giác xám”, “thiên nga đen”, “gió lớn và sóng dữ”, v.v. Ngay cả khi chính quyền Tập cố gắng hết sức để duy trì tình hình và tỏ ra như không có sự cố lớn nào, thì cái giá mà họ phải trả chắc chắn sẽ cực kỳ cao, không thể ước tính bằng mức tăng gấp mười hay gấp trăm lần.

Thời đại Tập Cận Bình, trong khi lượng của cải sản xuất ra giảm trên quy mô lớn, chi phí để duy trì ổn định cũng tăng trên quy mô lớn, đây là một hiện thực có thể nhìn thấy bằng mắt. Một giảm một tăng đã đủ để tiêu sạch tài sản của quốc gia và xã hội tích lũy trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, đồng thời làm lung lay vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc. Tất nhiên cũng làm lay động địa vị chấp chính của ĐCSTQ.

Nói đến đây, đạo lý dần dần sáng tỏ: Tập Cận Bình cầm quyền, đối với ĐCSTQ mà nói, không phải là phúc âm, mà là họa lớn hơn phúc. Vậy thì Tập Cận Bình cầm quyền, đối với người dân Trung Quốc mà nói, liệu có phải là không có lợi? Bề ngoài nhìn thì là như thế. Trong ngắn hạn, người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu rất nhiều đau khổ, các nhà máy đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, chưa kể lao động nhập cư, ngay cả sinh viên tốt nghiệp đại học cũng không tìm được việc làm, vừa tốt nghiệp là thất nghiệp.

Trong số những người trẻ tuổi, có rất nhiều người ăn bám bố mẹ. Đến nỗi sau khi công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên 21,3% vào tháng 6 năm nay, chính quyền Tập đã ngừng không tiếp tục công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cho đến nay. Ngay cả đối với tầng lớp trung lưu, bất động sản mất giá, tài sản gia đình sụt giảm, túi tiền eo hẹp nên họ không dám buông tay tiêu dùng. Và những công chức có thu nhập ổn định và nghề nghiệp ổn định, cũng đang phải đối mặt với làn sóng cắt giảm lương và sa thải…

Tuy nhiên, về lâu dài và ở mức độ sâu hơn, các biến số đã bị chôn vùi ở đây. Ông Tập không chỉ đặt lợi ích cá nhân và ham muốn quyền lực lên trên đất nước, dân tộc và nhân dân, mà còn đặt lợi ích cá nhân và ham muốn quyền lực lên trên ĐCSTQ, điều này đang gây nguy hại nghiêm trọng đến “lợi ích của đảng”. Nếu ĐCSTQ, đặc biệt là những người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, không thể ngăn chặn được ông Tập, thì những việc làm của ông ta có thể khiến ĐCSTQ sụp đổ. Mặc dù mục đích chủ quan của ông không phải là muốn làm sụp đổ ĐCSTQ, nhưng hiệu quả khách quan của những việc mà ông ta làm lại rất có khả năng sẽ khiến ĐCSTQ sụp đổ.

Nếu ông ta thực sự có thể làm sụp đổ ĐCSTQ, một đảng chuyên quyền đã tồn tại 100 năm, thì ngay cả khi Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn tạm thời, đất nước và dân tộc rất có thể sẽ tái sinh từ đống tro tàn. Đối với Trung Quốc và người dân Trung Quốc mà nói thì đây lại là một điều tốt, điều may mắn.

Tình hình hiện tại, đối với phe Tập Cận Bình mà nói, trong phúc có họa; nhưng đối với người dân Trung Quốc, có thể nói là trong họa có phúc. Đó có thể không phải là họa hay phúc. Phép biện chứng nằm ở đây. Người dân Trung Quốc trong và ngoài nước đang phàn nàn hoặc đang nuốt cơn giận, dường như không cần thiết phải tuyệt vọng, đã đến lúc xem kết quả cuối cùng việc làm của Tập Cận Bình là gì? Như ngạn ngữ phương Tây: “He who laughs lastlaughs longest” (người cười cuối cùng là nguời cười lâu nhất).

Trần Phá Không
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân của tác giả, được đăng trên RFA.)