Chủ tịch TP Hà Nội về huyện Mỹ Đức
- Xuân Tường
- •
Đây là chuyến về làm việc đầu tiên tại huyện Mỹ Đức của người đứng đầu TP Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung kể từ sau khi xảy ra việc 4 người dân trong xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) bị cảnh sát giữ và người dân xã cũng giữ 38 người, trong đó có nhiều người làm trong chính quyền, cảnh sát cơ động, trong các ngày qua.
Thông tin cho hay chiều ngày 20/4, đoàn làm việc khoảng 30 người, đi 5 xe ôtô đã về tới huyện Mỹ Đức. Trong đoàn làm việc, ngoài Chủ tịch TP – ông Nguyễn Đức Chung còn có Phó bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và một số quan chức thành phố và thành ủy.
Buổi làm việc tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức bắt đầu vào lúc 4h chiều cùng ngày, dự kiến để giải quyết vụ việc đang diễn ra tại xã Đồng Tâm.
Theo thông tin từ Báo Vnexpress, theo kế hoạch, buổi làm việc sẽ tiến hành gặp một số người dân trong xã.
Trước diễn biến căng thẳng tại xã Đồng Tâm trong những ngày qua, có nhiều tiếng nói lên tiếng đề nghị Chủ tịch TP Hà Nội đối thoại với người dân.
Theo tin tức từ Báo Người Lao Động, sáng 19/4, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – ông Lê Thanh Vân cho hay Chủ tịch UBND TP Hà Nội cần đối thoại với dân, trực tiếp giải quyết ngay những vấn đề nóng.
Ông Vân cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng, trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ chính sách đất đai chậm được sửa đổi và sự đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Hà Nội chưa được triển khai thường xuyên.
Báo VTC ngày 19/4 cũng cho hay, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định đối thoại chính là “lối thoát” đối với “khủng hoảng” ở xã Đồng Tâm. TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết người dân “có lý” khi “họ đòi hỏi được đối thoại với cấp chính quyền mà họ chưa mất niềm tin – đó là cấp thành phố“.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 15/4, khi 4 người trong xã bị bắt để điều tra trong vụ án “gây rối trật tự công cộng” (Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội khởi tố ngày 30/3) bắt nguồn từ những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cho dự án của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) – một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, nhiều người dân xã Đồng Tâm đã phản ứng.
Đến chiều 15/4, người dân xã Đồng Tâm đã bắt 38 người, trong đó có nhiều cảnh sát thuộc trung đoàn cảnh sát cơ động, viên chức nhà nước và đưa về giữ tại hội trường nhà văn hóa thôn Hoành.
Người dân khẳng định những người bị giữ vẫn được cung cấp thức ăn, đồ uống và điều kiện sinh hoạt cần thiết.
Đêm 17/4, 15 cảnh sát cơ động bị người dân bắt giữ đã được thả, 3 người tự giải thoát. 3 người dân bị công an tạm giữ để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng cũng đã được thả về. Hiện còn ông Lê Đình Kình (82 tuổi), người đứng đơn khiếu kiện việc thu hồi đất đai tại xã Mỹ Đức, đang được cơ quan chức năng chăm sóc vì một số vấn đề về sức khoẻ.
Hiện còn 20 người, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an huyện và cán bộ thôn bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
[Tin được cập nhật]
Xuân Tường
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp đất đai xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung