Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh, TGĐ tập đoàn NN có thể sẽ không được đưa đón bằng xe công
- Vĩnh Long
- •
Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công đang được Bộ Tài chính hoàn thiện và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, thay thế Quyết định 32 ngày 4/8/2015.
Theo quy định hiện hành, các chức danh Thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố; chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc các tập đoàn Nhà nước vẫn được bố trí xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa theo quy định.
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã đề xuất các chức danh kể trên không được ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; thay vào đó, phải thực hiện theo hình thức khoán kinh phí bắt buộc.
Trường hợp cần thiết phải bố trí xe phục vụ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại với các chức danh kể trên, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: 1. Báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định, 2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên xem xét quyết định.
Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.
Về khoán kinh phí sử dụng xe công, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án:
- Phương án 1: Đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%.
- Phương án 2: Mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng/km hoặc xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương. Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do Bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất thay đổi tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô phục vụ công tác chung theo hướng giảm định mức sử dụng xe. Mục tiêu là đến năm 2020 giảm từ 30-50% số lượng ô tô công phục vụ công tác được trang bị cho các Bộ ngành, địa phương hiện có (trừ các địa bàn hải đảo, miền nói, vùng đặc biệt khó khăn).
Theo Quyết định 32 hiện hành, việc khoán xe công đối với các lãnh đạo các bộ, ban, ngành vẫn dừng lại ở mức “khuyến khích” áp dụng và không phải quy định bắt buộc.
Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện chế độ bắt buộc khoán kinh phí sử dụng xe công đối với cấp Thứ trưởng và tương đương từ ngày 1/10/2016; từ ngày 1/1/2017 áp dụng xuống các doanh nghiệp.
Từ 1/3/2017, Hà Nội bắt đầu thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công tại 4 Sở, 2 quận và 2 huyện. Đối tượng áp dụng thí điểm gồm các chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; Phó Chủ tịch HĐND, UBND quận, huyện thí điểm.
Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), hiện cả nước có gần 40.000 xe công. Chi phí duy trì trung bình 320 triệu đồng/năm/xe, do đó ước tính mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 12.800 tỷ đồng/năm để “nuôi” xe công, chưa kể phải sắm mới. Nếu thực hiện khoán kinh phí đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung, mỗi năm có thể tiết kiệm ít nhất 1.500 tỷ đồng. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa xe công khoán kinh phí xe công sử dụng xe công kinh phí sử dụng xe công đối tượng sử dụng xe công