Từ ngày 21/8, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ thu phí tự động không dừng
- Trần Tâm
- •
Việc thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) tạo thuận tiện trong việc giám sát nguồn thu, tạo sự minh bạch, công bằng trong hoạt động đầu tư, có thể dễ dàng trích xuất các số liệu để quản lý, quy hoạch và cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc trên các tuyến quốc lộ nói chung và đường cao tốc nói riêng.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết công ty sẽ đưa hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), sử dụng thiết bị OBU vào khai thác trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bắt đầu từ ngày 21/8/2017.
Đây là tuyến cao tốc thứ hai (sau tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) thực hiện việc thu phí tự động không dừng, sử dụng công nghệ thẻ PPC (thẻ trả trước) kết hợp thiết bị thu phí chuyên dùng OBU gắn trên xe.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được bố trí 8 cửa thu phí tự động không dừng (ETC) tại 3 trạm thu phí. Trong đó, trạm thu phí Long Phước và trạm Dầu Giây có một cửa vào và một cửa ra thu phí tự động; Trạm thu phí Quốc lộ 51 có hai cửa vào và hai cửa ra.
Để đăng ký phát hành OBU, khách hàng phải mang CMND/thẻ căn cước/hộ chiếu hoặc giấy đăng ký xe ô tô tới một trong ba trạm thu phí Long Phước, Quốc lộ 51, Dầu Giây để đăng ký với VEC. Khi sử dụng thiết bị OBU, mỗi khách hàng sẽ được tạo 1 tài khoản và kèm theo 1 thẻ IC-card. Thẻ IC-card sẽ lưu thông tin tên tuổi khách hàng, giá trị tiền, tài khoản khách hàng. Khách hàng sẽ phải nạp một số tiền nhất định vào tài khoản.
Thông tin tài khoản của khách hàng được cập nhật định kỳ, quản lý tại hệ thống của dự án. Khi phương tiện chạy tới trạm thu phí, khách hàng gắn thẻ IC-card vào OBU và chạy qua làn ETC của trạm thu phí. Khi thẻ IC-card hết tiền, hệ thống sẽ cảnh báo không cho xe qua.
Theo VEC, cùng với tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe 25-30% mỗi năm, gần đây đã xuất hiện tình trạng ùn ứ xe tại các trạm thu phí và trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vào những giờ cao điểm, ngày cuối tuần và dịp lễ, tết.
Việc thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) tạo thuận tiện trong thực hiện giám sát hoạt động của chủ đầu tư, đặc biệt là giám sát nguồn thu, tạo sự minh bạch, công bằng trong hoạt động đầu tư, có thể dễ dàng trích xuất các số liệu phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc trên các tuyến quốc lộ nói chung và đường cao tốc nói riêng.
Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có 9,36 triệu lượt xe lưu thông an toàn, tăng 20% lượng xe so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, ngày 10/3/2017, VEC đã đưa vào sử dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh tại cao tốc Long Thành – Dầu Giây với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng bao gồm: 16 camera giám sát (CCTV), 52 camera thăm dò xe (VDS), trạm cân, hệ thống bảng thông tin (VMS) – giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ xe lưu thông, phát hiện các sự cố như: tai nạn, phương tiện hư hỏng, xe dừng đỗ, xe đi ngược chiều, cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng,…
Từ 0h ngày 15/5, VEC bắt đầu vận hành hệ thống thu phí kín trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bao gồm thẻ thông minh IC-card, 33 cửa bán tự động và 8 cửa thu phí tự động không dừng.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55 km, có điểm đầu tại nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM) và điểm cuối tại Dầu Giây (Đồng Nai), do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý và khai thác từ đầu năm 2015. Công trình có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120 km/h. |
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa giao thông cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây VEC