11 thói quen khiến người khác mất thiện cảm với bạn ngay lần gặp đầu tiên
- Minh Minh
- •
Theo nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ), chúng ta chỉ cần 7 giây để hình thành ấn tượng đầu tiên khi gặp người khác. Trong những buổi phỏng vấn xin việc, nhiều người quản lý chỉ cần 30 giây để quyết định có tuyển dụng bạn hay không.
Chính vì thế, hãy thay đổi 11 thói quen dưới đây nếu bạn không muốn bị “mất điểm” với người khác ngay lần đầu gặp mặt:
1. Đến muộn
Những người đến muộn sẽ để lại ấn tượng là người không đáng tin cậy, không có kế hoạch, không trân trọng thời gian của người khác và thiếu tính cam kết. Hãy cố gắng quản lý thời gian để bạn không đến muộn và cũng không phải vội vàng để đi đến cuộc hẹn, bởi vì dù bạn đến kịp giờ nhưng trước đó phải chạy nước rút thì bạn cũng không thể tập trung vào câu chuyện được.
2. Thường xuyên kiểm tra đồng hồ hoặc điện thoại
Trung bình mỗi người xem điện thoại 110 lần mỗi ngày. Nhưng bạn cần hạn chế thói quen này khi đang nói chuyện với người khác. Họ sẽ cảm thấy bạn đang không hứng thú, không quan tâm hoặc bồn chồn khi trò chuyện với họ. Một nghiên cứu khác còn cho thấy bạn chỉ để điện thoại trên mặt bàn cũng đủ làm giảm chất lượng và mức độ tương tác của cuộc trò chuyện.
3. Ngoại hình xuề xòa
Theo thống kê, ngoại hình của bạn chiếm 55% ấn tượng đầu tiên. Một số nghiên cứu cho thấy mức lương thỏa thuận còn có thể bị ảnh hưởng bởi ngoại hình, chiều cao, cân nặng, màu tóc và cách trang điểm của bạn. Vì thế trong lần đầu tiên gặp ai đó, đặc biệt là nhà tuyển dụng, bạn hãy giữ thái độ thận trọng, mặc quần áo gọn gàng, màu trung tính, đầu tóc sạch sẽ và dùng nước hoa nhẹ nhàng.
4. Tạo ra tiếng ồn gây mất tập trung
Bất kỳ âm thanh ngẫu nhiên nào do bạn tạo ra như tiếng nhịp chân xuống đất, gõ ngón tay lên bàn, bẻ khớp ngón tay đều có thể gây khó chịu và mất tập trung cho người khác. Việc gõ chân gõ tay còn cho thấy sự lo lắng, bồn chồn hoặc thiếu kiên nhẫn của bạn. Đôi khi người đối diện còn nghĩ bạn đang nói dối hoặc cố tình chọc tức họ. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi The New York Times, mặc dù bẻ khớp ngón tay là thói quen giúp bạn bớt căng thẳng nhưng đó là một trong những âm thanh gây khó chịu hàng đầu.
5. Xâm phạm không gian cá nhân
Không gian vật lý là khoảng cách hợp lý giữa bạn và người mà bạn đang nói chuyện cùng. Các nhà nghiên cứu đã chia ra bốn cấp độ khác nhau của không gian cá nhân. Trong cuộc gặp gỡ nghiêm túc, khoảng cách giữa hai người nên ở khoảng 1,22 m – 3,66 m. Nếu đứng quá gần, bạn sẽ để lại ấn tượng áp đảo, mạnh mẽ, còn đứng quá xa lại cho thấy bạn không có hứng thú với người ta.
6. Giao tiếp sai chủ đề
Một số chủ đề sẽ rất dễ tạo nên sự căng thẳng và ấn tượng xấu trong lần gặp đầu tiên: vấn đề sức khỏe, tiền bạc, tôn giáo, sếp cũ, đối tác cũ, chính trị, cuộc sống và các vấn đề cá nhân. Bạn cần học cách không chỉ nói về bản thân mình mà phải lắng nghe cả câu chuyện của người đối diện.
7. Nghịch tóc
Thói quen nghịch tóc vốn dĩ vô hại với phụ nữ nhưng người mới gặp bạn lại không nghĩ như vậy. Trong một số trường hợp, hành động nghịch tóc cho thấy sự lo lắng, căng thẳng, không hứng thú, xao nhãng và khó chịu. Khi thói quen nghịch tóc trở thành sự ám ảnh, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị mắc chứng rối loạn kiểm soát xung động.
8. Tránh giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt là công cụ mạnh mẽ giúp bạn để lại ấn tượng tốt đẹp đầu tie. Nghiên cứu cho thấy những người duy trì giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện thường được đánh giá là người có tính cách tự tin và thông minh. Mặt khác, những người tránh giao tiếp bằng mắt bị coi là kém chân thành, kém thu hút, tự ti và dễ lo lắng.
9. Nhai kẹo cao su
Nếu bạn nhai kẹo cao su, ấn tượng đầu tiên của mọi người về bạn sẽ là trẻ con, chưa trưởng thành, nông nổi, thậm chí bạn sẽ bị đánh giá là thuộc tầng lớp kém hơn. Đặc biệt trong các buổi phỏng vấn xin việc, cả nhà tuyển dụng và người ứng tuyển đều không nên nhai kẹo để thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, trong những trường hợp ít trang trọng hơn, người nhai kẹo cao su thường được đánh giá là thân thiện và dễ gần.
10. Để sai vị trí tay
Bạn cần chú ý cách để tay khi ngồi. Bạn có thể để tay ở trên đùi nhưng đừng cho tay vào trong túi, người ta sẽ nghĩ bạn đang che giấu điều gì đó. Bạn cũng không nên để hai tay trên bàn rồi nắm chặt tay lại với nhau, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn đang muốn kiểm soát họ.
11. Bắt tay yếu ớt
Theo nghiên cứu, những người có cái bắt tay yếu được đánh giá là khá nhút nhát, hay lo lắng, kém cởi mở và thiếu khả năng. Một sai lầm phổ biến khác khi bắt tay là bạn giữ tay của người kia quá lâu. Vì thế, để công việc được thuận lợi, bạn hãy bắt tay một cách chắc chắn và tuân thủ quy tắc 2 giây.
Theo Bright Side
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Thói quen ứng xử Ấn tượng kỹ năng giao tiếp nghệ thuật giao tiếp Thói quen xấu