9 năng lực sống quan trọng dễ bị bỏ qua
- Trúc Nhi
- •
Năng lực là chìa khóa giúp chúng ta phát triển và nâng cao vị thế trong xã hội. Những người có khả năng khai thác tốt năng lực bản thân sẽ có thể giải quyết mọi việc rất thuận lợi. Ngược lại, cũng có những người luôn luẩn quẩn trong các rắc rối vì quên đi hoặc không thật sự vận dụng hết những năng lực tiềm ẩn vốn có, từ đó họ tự hạn chế bản thân và bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
Vậy những loại năng lực vô cùng hữu ích nào mà chúng ta thường dễ bỏ qua?
1. Có một loại năng lực gọi là không cố chấp
Trong cuộc sống, bạn có thể gặp những khó khăn và do dự khi đưa ra lựa chọn. Nhưng một khi bạn quyết định lựa chọn điều gì đó thì lại phát sinh một vấn đề, chính là sẽ thường bị giới hạn bởi các điều kiện thực tế. Vì vậy, cuối cùng cho dù bạn lựa chọn điều gì, bạn có thể sẽ hoài nghi về quyết định của mình.
Cẩn thận là một đức tính tốt, nhưng nếu bạn quá cố chấp và mù quáng vào cái gọi là câu trả lời chính xác nhất, thì bạn sẽ chỉ tự chuốc lấy rắc rối không giới hạn và đẩy bản thân vào ngõ cụt khó lựa chọn.
Có rất nhiều chuyện, trong bản chất là không có đúng hoặc sai và không có định nghĩa tuyệt đối, mà nó chỉ có sự kiên trì vững chắc.
2. Năng lực tạo lòng tin
Người ta nói “muốn làm việc thì phải tìm người đáng tin cậy, còn người khôn ngoan thì chỉ có thể xã giao.”
Dù bạn có năng lực đến đâu nhưng nếu bạn khiến người khác cảm thấy không thực tế và không có trách nhiệm thì không ai dám tin tưởng giao trọng trách cho bạn. Ngược lại, nếu bạn rất có trách nhiệm nhưng không đủ năng lực thì người khác cũng sẽ không yên tâm giao những việc quan trọng cho bạn.
Chỉ khi bạn có trách nhiệm và đủ khả năng làm việc, có thể khiến người khác cảm thấy yên tâm về bạn, thì bạn mới thật sự có cơ hội được trọng dụng.
3. Năng lực gánh chịu
Có rất nhiều người khi gặp khó khăn thường không thể đột phá lên được, họ tự nhấn chìm bản thân trong tư tưởng tiêu cực, rằng “mình không thể vượt qua nổi đâu!”
Trong khi những người thông minh và dễ thích nghi, khi gặp khó khăn, họ có thể kiên trì vượt qua. Lý do căn bản là vì những người này đã từng gánh vác rất nhiều việc, cho nên khả năng chịu được thử thách gian khổ và không ngừng bứt phá về bản thân là rất to lớn.
Việc chúng ta chịu đựng được những điều tưởng chừng như không thể sẽ quyết định chúng ta có thể đi được bao xa trên con đường chông gai và mở ra cảnh giới rộng lớn như thế nào trên đường đời.
Nếu bạn không có ý chí đối diện với mọi khó khăn trong tương lai, cuộc sống sẽ đầy thăng trầm. Còn nếu bạn có thể làm điều đó thì cuộc sống sẽ lại vô cùng tươi sáng, kể cả khi bạn đang gặp phải chuyện không hề suôn sẻ.
4. Năng lực quản lý cảm xúc
Kỹ năng quản lý cảm xúc được hiểu là khả năng kiểm soát cảm xúc của con người, giúp họ làm chủ những cảm xúc cá nhân trong mọi tình huống giao tiếp. Cho dù trong hoàn cảnh tệ hại thế nào đi nữa họ vẫn có thể kiểm soát được.
Một người có trí tuệ cảm xúc cao không phải là họ cố gắng kìm nén cảm xúc, càng không phải là né tránh hay từ bỏ, mà chính là thừa nhận rằng họ có cảm xúc đó, hiểu rõ chúng và có thể kiểm soát chúng.
Qua đó họ có thể điều chỉnh cảm xúc một cách phù hợp, hài hòa. Những người có trí tuệ cảm xúc cao có thể thấu hiểu cảm giác của bản thân và của người khác, từ đó họ có thể làm chủ được cục diện.
Mất kiểm soát cảm xúc sẽ chỉ khiến con người trở nên mất lý trí và đánh mất chính mình. Vì vậy, chỉ khi học cách kiểm soát tốt cảm xúc của mình, bạn mới có thể là người chiến thắng!
5. Năng lực từ chối
Trên thực tế, khi nhận ra mọi người đang đi sai đường, thì bạn không nhất thiết phải đồng hành cùng họ, hoặc khi các mối liên kết không đồng nhất, bạn cũng không cần phải cố gắng hợp nhất chúng một cách miễn cưỡng.
Khi bạn biết mình thực sự muốn làm gì và biết điều gì là chân chính đối với bạn, bạn sẽ không lãng phí thời gian cho những người và việc không quan trọng khác. Biết cách từ chối có thể giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
6. Năng lực thấu hiểu
Nếu chúng ta chỉ đứng ở vị trí của mình và cảm thấy đối phương đang xúc phạm bản thân, rồi ai cũng khăng khăng nhấn mạnh lý do của mình thì sẽ chỉ làm cho mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng hơn.
Có một sự thật là nếu bạn chưa có trải nghiệm đó thì cũng không có nghĩa là sự việc đó không tồn tại. Bao dung đến từ sự thấu hiểu, mà sự thấu hiểu đến từ sự đồng cảm, tất cả sẽ là chất bôi trơn cho mối quan hệ hài hòa giữa người với người.
Nếu tất cả chúng ta có thể thay đổi quan điểm của mình và lắng nghe hơn một chút, hiểu người khác hơn một chút, thì sẽ ít có cãi vã và xung đột hơn, thế giới chắc chắn sẽ là một nơi vô cùng tốt đẹp.
7. Năng lực nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi không phải là đề cập một phương thức cố định nào, mà là nhắc đến những cách thức có thể giúp bạn đạt được trạng thái tốt hơn.
Gặp bất kỳ điều gì khiến bạn phải bận tâm hay khó xử, bạn không cần phải dừng lại vì cảm thấy mệt mỏi và cũng không cần phải so sánh mình với người khác.
Nghỉ ngơi có chất lượng chính là làm sao cho tâm hồn bạn trở nên thoải mái, bình yên và nhen nhóm tình yêu đối với cuộc sống.
8. Năng lực xây dựng nhiệt tâm
Trên thế giới này, những người có trái tim ấm áp và yêu đời là những người sống cuộc sống tươi đẹp nhất.
Họ sẽ toát ra sự ấm áp và tốt bụng, chính sự mềm mại đó khiến cuộc sống trở nên dịu dàng.
Khi trái tim ấm nóng, bạn sẽ có khả năng cảm nhận hạnh phúc và quản lý hạnh phúc, mặc dù bạn hiểu được sự khó khăn của cuộc sống, bạn vẫn có thể yêu cuộc sống bằng một nụ cười và truyền sự ấm áp cho xung quanh.
Hơn nữa, tình yêu này có thể tạo nên sự lan tỏa. Một người có trái tim ấm áp sẽ được người khác đối xử ấm áp tương tự.
9. Năng lực hòa hợp với bản thân
Đám đông có thể mang lại sự vui vẻ, nhưng nếu bạn đến với họ vì sợ cô đơn, thì bạn có thể không thật sự có cảm giác an toàn.
Dù là cô đơn hay tịch mịch thì đó cũng là thử thách để chúng ta trở thành một cá nhân có thể đứng vững trong xã hội, đừng lao vào thế giới của người khác chỉ vì sự đau đớn và sợ hãi.
Khi bạn tự mình đứng dậy, bạn đang đại diện cho chính mình. Mọi người đến với thế giới, mỗi người đều có một vở kịch riêng cần phải diễn, nhưng kết cục của vở diễn như thế nào lại phụ thuộc vào cách mà bạn nhìn nhận vấn đề và giải quyết nó.
Từ khóa Tâm lý học kỹ năng mềm Năng lực kinh nghiệm sống