Ba điều giúp bạn tăng vận may của mình
- Tina Seelig
- •
“May mắn hiếm khi là một tia sét, đột ngột và đơn độc; nó giống như gió, thổi liên tục. Để bắt được nhiều ngọn gió may mắn hơn là điều dễ dàng nhưng lại không rõ ràng.” Trong một bài thuyết trình sâu sắc tại diễn đàn Ted Talks, cô Tina Seelig – giáo sư dạy trường Kỹ thuật Stanford đã chia sẻ ba cách bất ngờ để giúp bạn tăng vận may cũng như khả năng nhìn thấy và nắm bắt cơ hội. Dưới đây là những gì cô Tina đã chia sẻ:
Tôi đã dành gần 2 thập kỷ để quan sát xem vì sao có những người lại may mắn hơn người khác, và cố gắng giúp mọi người gặp được nhiều may mắn hơn. Bạn thấy đấy, tôi dạy khởi nghiệp và tất cả chúng ta đều biết rằng hầu hết các dự án mới đều thất bại; những người tiên phong mở đường và các doanh nhân đều cần tất cả sự may mắn mà họ có thể có. Vậy may mắn là gì? May mắn được định nghĩa là sự thành công hay thất bại có vẻ do tình cờ. “Có vẻ” là từ có ý nghĩa nhất. Nó nghe như là một cơ hội bởi vì chúng ta hiếm khi thấy được tất cả các đòn bẩy khiến người ta gặp được may mắn. Nhưng tôi nhận thấy rằng, bằng cách quan sát một thời gian dài, vận may hiếm khi giống như một tia sét đánh – đột ngột và đơn độc. Nó giống như gió, thổi liên tục. Đôi khi gió lặng, đôi khi gió thổi mạnh, đôi khi lại đến từ một hướng mà chúng ta thậm chí không tưởng tượng được.
Vậy làm thế nào để bắt được ngọn gió may mắn đấy? Điều đó dễ nhưng lại không rõ ràng. Vì thế tôi sẽ chia sẻ với các bạn ba điều để dựng buồm đón gió may mắn. Điều đầu tiên bạn cần làm là thay đổi mối quan hệ của bạn với chính mình. Hãy sẵn sàng thực hiện một vài sự mạo hiểm nhỏ để đưa bạn ra khỏi vùng an toàn của mình. Khi bạn còn nhỏ bạn làm điều này mọi lúc: khi học đi, học nói, tập đi xe đạp hay thậm chí cơ học lượng tử, đúng chứ? Chúng ta phải đi từ một người mà tuần này không biết đạp xe nhưng tuần tới sẽ biết. Điều này đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình và thực hiện một vài rủi ro. Vấn đề là khi chúng ta trưởng thành hơn, chúng ta hiếm khi làm điều đó. Chúng ta khóa lại ý thức chúng ta là ai và không vượt khỏi giới hạn đó nữa.
Đối với các sinh viên của tôi, tôi dành rất nhiều thời gian để khích lệ họ vượt ra khỏi vùng an toàn và dám mạo hiểm một chút. Tôi làm điều này thế nào? Tôi bắt đầu bằng cách cho các em điền vào thước đo độ rủi ro. Nó cơ bản là một thứ thú vị được tạo ra trong lớp của tôi, các em sẽ vạch ra những rủi ro mà các em sẵn sàng chấp nhận trên đó. Và các em rất nhanh chóng hiểu rõ rằng chấp nhận rủi ro không phải là hệ nhị phân (hệ đếm chỉ gồm hai ký tự 0 và 1).
Có rủi ro trí tuệ, rủi ro vật chất, rủi ro tài chính, rủi ro tình cảm, rủi ro xã hội, rủi ro đạo đức và rủi ro chính trị. Sau đó các em so sánh danh sách rủi ro của mình với những người khác và nhanh chóng nhận ra rằng tất cả chúng đều khác nhau. Sau đó tôi khuyến khích các em thực hiện một số rủi ro để bước ra khỏi vùng an toàn. Ví dụ, tôi có thể yêu cầu các em thực hiện một rủi ro trí tuệ và cố gắng giải quyết một vấn đề mà các em chưa từng thử trước đây; hoặc là thực hiện một rủi ro xã hội: bắt chuyện với người ngồi cạnh trên tàu; hoặc là thực hiện một rủi ro tình cảm: thổ lộ với người mà các em quan tâm về tình cảm của mình.
Tôi làm điều này mọi lúc. Khoảng 12 năm trước, trên một chuyến bay, một chuyến bay rất sớm đến Ecuador. Bình thường tôi sẽ chỉ đeo tai nghe và ngủ, sau đó thức dậy và làm một số việc; nhưng lần đó tôi quyết định mạo hiểm một chút: tôi bắt đầu nói chuyện với người đàn ông ngồi cạnh tôi. Tôi giới thiệu bản thân và tôi được biết rằng anh ta làm ở một nhà xuất bản. Thật thú vị! Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện hấp dẫn. Tôi đã học được tất cả về tương lai của ngành xuất bản. Do vậy khoảng 3/4 chuyến bay, tôi đã quyết định thực hiện một sự mạo hiểm nữa, tôi mở laptop và chia sẻ với anh ta một đề nghị xuất bản sách. Tôi đã tập hợp một vài thứ tôi đang làm trên lớp học của mình. Anh ta đã rất lịch sự, anh ấy đọc nó và nói: “Cô biết không, Tina, nó không phù hợp với chúng tôi, nhưng cảm ơn rất nhiều vì đã chia sẻ.”
Ổn thôi! Sự mạo hiểm đó đã không thành công. Tôi gập laptop lại. Kết thúc chuyến bay, chúng tôi trao đổi thông tin liên lạc. Vài tháng sau, tôi liên lạc với anh ấy và nói: “Này Mark, anh có muốn đến lớp học của tôi không? Tôi đang có một dự án làm mới lại cuốn sách về tương lai của ngành xuất bản.” Anh ấy nói: “Tuyệt vời. Tôi rất muốn đến”. Thế là anh ấy đến đã lớp của tôi và chúng tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời.
Vài tháng sau tôi lại viết mail cho anh ấy. Lần này tôi gửi anh ta một loạt các video clip từ một dự án khác mà các sinh viên của tôi đã làm. Anh ấy đã rất thích thú với một trong số đó. Anh ấy nghĩ có thể viết một cuốn sách về nó và muốn gặp những sinh viên đó. Tôi phải nói với các bạn là tôi đã cảm thấy hơi đau lòng một chút. Ý tôi là anh ấy muốn thực hiện một cuốn sách với các sinh viên của tôi chứ không phải với tôi, nhưng điều đó ổn thôi. Sau đó tôi mời anh ấy đến. Anh ấy và các đồng nghiệp đã đến Stanford để gặp những sinh viên đó, và sau đó chúng tôi đã ăn trưa với nhau.
Một trong những biên tập viên của anh ấy hỏi tôi: “Này, chị đã từng nghĩ đến việc viết một cuốn sách chưa?” Tôi trả lời: “Anh hỏi thật trùng hợp!” và lấy ra bản thảo mà tôi đã đưa sếp của anh ta xem vào năm ngoái. Trong vòng hai tuần, tôi đã có một hợp đồng, và trong vòng hai năm cuốn sách đó đã bán được hơn một triệu bản trên khắp thế giới.
Bây giờ bạn có thể sẽ nói: “Ồ, chị thật may mắn!” Tất nhiên, tôi đã may mắn nhưng vận may đó là kết quả của một loạt những rủi ro nhỏ mà tôi đã thực hiện. Bắt đầu bằng việc nói xin chào và bất cứ ai cũng có thể làm được điều này. Bất kể là bạn đang ở đâu trong cuộc sống, bất kể là bạn đang ở đâu trên thế giới, thậm chí nếu bạn nghĩ rằng mình là người kém may mắn nhất thì bạn vẫn có thể làm điều này bằng cách thực hiện những mạo hiểm nho nhỏ để đưa bạn ra khỏi vùng thoải mái. Bạn bắt đầu giương buồm để đón may mắn.
Điều thứ hai bạn cần làm là thay đổi mối quan hệ của bạn với những người khác. Bạn cần phải hiểu rằng tất cả những người đang giúp đỡ bạn trên hành trình của bạn đóng một vai trò rất lớn trong việc đưa bạn đến mục tiêu của mình. Và nếu bạn không thể hiện sự trân trọng đối với họ, nó không chỉ là bạn giao tiếp không tốt mà bạn đang đánh mất một cơ hội. Khi ai đó làm một điều gì đó cho bạn, họ đang mất thời gian mà họ có thể dành cho bản thân hoặc cho người nào khác ngoài bạn, và bạn cần thừa nhận những gì họ đang làm. Tôi đang điều hành ba chương trình học bổng ở Stanford và thí sinh phải cạnh tranh quyết liệt để có thể tham gia. Khi tôi gửi thư cho những sinh viên bị loại, tôi luôn biết rằng sẽ có một số người thất vọng. Một vài người thất vọng đã gửi thư cho tôi để phàn nàn, một vài người gửi thư hỏi tôi rằng họ có thể làm gì để thành công vào lần tới; và thỉnh thoảng có người gửi tôi lời cảm ơn vì đã cho họ cơ hội.
Điều này xảy ra gần 7 năm trước, một chàng trai trẻ tên là Brian đã gửi tôi bức thư dễ thương rằng: “Em biết em đã bị từ chối chương trình này hai lần, nhưng em vẫn muốn cảm ơn cô vì đã cho em cơ hội này. Em đã học được rất nhiều trong quá trình nộp đơn.” Tôi đã bị thu hút bởi sự tử tế trong thông điệp của cậu ấy đến nỗi tôi đã mời cậu ấy đến để gặp tôi. Và chúng tôi đã dành thời gian để nói chuyện và lên ý tưởng cho một dự án nghiên cứu độc lập cùng nhau. Cậu ấy ở trong đội bóng của Stanford, và cậu ấy quyết định làm một dự án về sự lãnh đạo trong bối cảnh đó. Thật không thể tin là chúng tôi đã làm việc rất tốt với nhau trong một quý đó. Cậu ấy đã thực hiện dự án được đảm nhận trong nghiên cứu độc lập này và cuối cùng biến nó thành một công ty tên là Play for Tomorrow, nơi cậu ấy dạy những đứa trẻ có gia cảnh khó khăn cách làm thế nào để đạt được cuộc sống mà chúng mơ ước.
Điều quan trọng của câu chuyện này là cả hai chúng tôi kết cục đều đón được cơn gió may mắn như là kết quả của bức thư cảm ơn của cậu ấy. Nhưng nó là cơn gió mà chúng tôi không mong đợi khi mới bắt đầu. Trong hai năm qua, tôi đã rút ra được một chiến lược trong cuộc sống riêng của mình để giúp tôi nuôi dưỡng sự trân trọng. Sở thích của tôi là vào cuối mỗi ngày, tôi nhìn vào lịch và nhớ lại những người tôi đã gặp, và tôi gửi thư cảm ơn đến từng người trong số họ. Nó chỉ mất một vài phút, nhưng vào cuối mỗi ngày tôi đều cảm thấy rất biết ơn và trân trọng. Tôi đảm bảo với bạn rằng điều này làm tăng sự may mắn của tôi.
Như vậy đầu tiên là bạn cần chấp nhận một chút rủi ro và bước ra khỏi vùng thoải mái của bạn. Thứ hai là bạn cần bày tỏ sự trân trọng, và thứ ba là bạn cần thay đổi mối quan hệ của bạn với các ý tưởng. Hầu hết mọi người đều cân nhắc các ý tưởng đến với họ và phán xét chúng. “Đây là một ý tưởng tuyệt vời” hay “Đây là một ý tưởng tồi”. Nhưng thực tế, nó có nhiều sắc thái hơn thế. Không có ý tưởng tốt hay tồi. Trên thực tế, các ý tưởng rất tệ lại thường là hạt giống của những thứ thật sự tuyệt vời.
Một trong những bài tập yêu thích của tôi trên lớp về sự sáng tạo là giúp các sinh viên nhìn các ý tưởng tệ hại qua lăng kính có khả năng. Do vậy, tôi đưa cho các em một thử thách: sáng tạo ý tưởng cho một nhà hàng hoàn toàn mới. Các em phải đưa ra những ý tưởng tốt nhất cho một nhà hàng mới và cả ý tưởng tồi nhất cho một nhà hàng mới. Các ý tưởng tốt nhất là những thứ như xây dựng nhà hàng trên đỉnh núi với hoàng hôn tuyệt đẹp hay một nhà hàng trên thuyền với khung cảnh lộng lẫy. Và các ý tưởng kinh khủng là những thứ như xây dựng nhà hàng trong một bãi rác, hay một nhà hàng với dịch vụ rất tệ và rất bẩn, hay một nhà hàng phục vụ món sushi gián.
Sau đó các em nộp các ý tưởng cho tôi, tôi đọc to các ý tưởng tuyệt vời, sau đó vò nát rồi quăng chúng đi. Sau đó tôi phát lại cho các em những ý tưởng khủng khiếp. Bây giờ mỗi đội đều có một ý tưởng mà đội khác nghĩ là kinh khủng. Và thử thách của các em là khiến chúng trở thành thứ gì đó tuyệt vời. Đây là những gì đã xảy ra. Trong vòng 10 giây, có em đã thốt lên: “Đây đúng là ý tưởng xuất sắc!” Và các em có ba phút để chuẩn bị trước khi thuyết trình ngắn gọn ý tưởng trước cả lớp.
Vậy nhà hàng ở bãi rác, nó đã trở thành gì? Các em thu thập tất cả các đồ ăn thừa từ các nhà hàng (đạt giải thưởng) sao Michelin mà sắp sửa bị bỏ đi và các em có một nhà hàng khác với mức giá thấp hơn rất nhiều với các đồ ăn thừa đó. Khá hay phải không? Hay nhà hàng bẩn thỉu với dịch vụ kinh khủng? Chà, nó trở thành nhà hàng để tập huấn các chủ nhà hàng tương lai tìm ra cách tránh những khó khăn không ngờ tới.
Còn nhà hàng với món sushi gián thì sao? Tất nhiên nó trở thành một quán bán sushi làm từ tất cả các loại nguyên liệu kỳ lạ và thú vị. Nếu bạn nhìn một vòng các công ty, các dự án mà thực sự có tính đổi mới sáng tạo ở quanh bạn hay những thứ mà hiện tại chúng ta coi là hiển nhiên mà đã thay đổi cuộc đời của chúng ta. Bạn biết gì không? Chúng đều bắt đầu từ những ý tưởng điên rồ. Họ bắt đầu ý tưởng khi họ trình bày chúng với những người khác. Hầu hết mọi người đều nói: “Điều đó thật điên rồ, nó không bao giờ thành công.” Vâng, đôi khi người ta sinh ra trong một hoàn cảnh tồi tệ, và đôi khi, sự may rủi giống như một tia chớp mang đến cho chúng ta có thể là điều tuyệt vời hoặc điều tệ hại.
Nhưng những cơn gió may mắn luôn ở đó, và nếu bạn sẵn sàng mạo hiểm một chút, nếu bạn sẵn lòng bước ra và thể hiện sự trân trọng, và sẵn sàng xem xét cẩn thận các ý tưởng ngay cả khi chúng thật điên rồ qua lăng kính có khả năng, bạn có thể dựng một cánh buồm ngày càng lớn hơn để đón những cơn gió may mắn. Cảm ơn!
Tina Seelig
Xem thêm:
Từ khóa TED Talk may mắn vận may Tina Seelig Bí quyết may mắn